Categories: Tổng hợp

Xu hướng tổ chức lữ đoàn bộ binh của một số nước hiện nay – Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Published by

Trong quân đội các quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay, lực lượng Lục quân có vị trí quan trọng và chiếm tỷ lệ khá cao (lực lượng này trong Quân đội Mỹ chiếm 46%, ở Anh chiếm 48%, ở Đức chiếm 69%, ở Trung Quốc chiếm 70%, ở Nga chiếm 30%). Tuy nhiên, theo giới quân sự một số nước, biên chế, tổ chức sư đoàn, lữ đoàn bộ binh theo hướng có quân số đông, trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng là không còn phù hợp với chiến tranh cục bộ hiện đại, cần phải thay đổi. Họ cũng cho rằng, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, việc sản xuất các vũ khí, trang bị công nghệ cao đang được đẩy mạnh, thì việc lấy lữ đoàn làm đơn vị tác chiến cơ bản thay cho sư đoàn hiện nay là xu hướng khả thi.

Đánh giá những hạn chế của Lục quân trong các cuộc chiến tranh gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu binh lực của Lục quân không phải là do quân số quá ít, mà là phương thức sử dụng binh lực chưa hợp lý, chưa phát huy hết thế mạnh về quân số. Mặt khác, biên chế sư đoàn bộ binh của Quân đội Mỹ nhằm thực hiện các nhiệm vụ tác chiến truyền thống, với quy mô tác chiến lớn, sử dụng thiếu linh hoạt, nên không thể đáp ứng với yêu cầu triển khai và điều động liên tục trong phạm vi toàn cầu.

Trên cơ sở đó, đầu năm 1990, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định triển khai dự án xây dựng lực lượng số hóa, nhằm tạo ra một lực lượng Lục quân lớn mạnh trong tương lai, thông qua các biện pháp: cải tổ biên chế hiện có, sử dụng công nghệ mới và nghiên cứu chế tạo vũ khí mới… Sau chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích, Lục quân Mỹ đã có những điều chỉnh về tổ chức, biên chế, nhằm phát huy tối đa ưu thế trong tác chiến. Từ năm 1999, Lục quân Mỹ tích cực triển khai xây dựng binh đoàn, binh đội của Lục quân theo hướng lấy cấp lữ đoàn làm trọng tâm, được trang bị các loại vũ khí và kỹ thuật quân sự mới, hiện đại. Mục đích của xu hướng chuyển dần này là tổ chức, xây dựng các binh đoàn viễn chinh có khả năng nhanh chóng điều động, triển khai và độc lập giải quyết các nhiệm vụ khác nhau trong thời gian dài, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ ở các khu vực và trên thế giới. Sau khi cải cách biên chế, tổ chức theo hướng mô-đun hóa, lữ đoàn bộ binh sẽ là đơn vị chiến thuật cơ bản (độc lập hoặc nằm trong thành phần các sư đoàn), được chia thành 2 loại: đội chiến đấu cấp lữ đoàn và đội chi viện cấp lữ đoàn. Đội chiến đấu cấp lữ đoàn được chia thành 3 loại, tùy theo kết cấu binh lực: đội kiểu nhẹ gọi là “Đội chiến đấu cấp lữ đoàn bộ binh”; đội cơ giới hóa gọi là “Đội chiến đấu cấp lữ đoàn hạng nặng”; lữ đoàn hạng trung gọi là “Đội chiến đấu cấp lữ đoàn Stryker”. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, cơ cấu mới của các lữ đoàn cho phép thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khác nhau (từ tiến hành các hoạt động chiến đấu kinh điển đến tham gia các chiến dịch “gìn giữ hòa bình” và các hoạt động chống khủng bố) cả trong thành phần các sư đoàn hoặc các đơn vị chiến dịch, chiến thuật và độc lập. Kế hoạch cải cách đến năm 2013, mỗi sư đoàn Lục quân Mỹ được tách thành 3 lữ đoàn. Tính đến thời điểm hiện nay, cơ cấu, tổ chức lực lượng Lục quân Mỹ đã hoàn thành 43 trong tổng số 45 lữ đoàn chiến đấu quân thường trực và 14 trong tổng số 28 lữ đoàn chiến đấu Lục quân cận vệ quốc gia.

Về tổ chức, biên chế, lữ đoàn hạng nặng gồm: lực lượng thiết giáp và bộ binh cơ giới hóa, chủ yếu được trang bị xe tăng chủ chiến “Abrams”, xe thiết giáp bộ binh “Bradley” và xe thiết giáp trinh sát, một bộ phận xe thiết giáp bánh xích M113, quân số biên chế theo kế hoạch là 3.700 – 3.800 người. Đối với lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ, quân số biên chế là 3.300 – 3.400 người, gồm: bộ binh nhẹ, bộ binh đổ bộ đường không, bộ binh đột kích đường không, được trang bị bổ sung các thiết bị chuyên dụng; trong trang bị bổ sung các thiết bị chuyên dụng có trang bị các phương tiện dùng để thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ và tiến hành các hoạt động tiến công đường không. Nhiệm vụ của lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ chủ yếu là tiến hành các hoạt động chiến đấu trong khu dân cư cũng như ở khu vực mà các loại kỹ thuật chiến đấu hạng nặng khó sử dụng. Trọng lượng, kích thước của vũ khí, kỹ thuật quân sự có trong biên chế của các lữ đoàn hạng nhẹ có thể vận chuyển bằng tất cả các loại máy bay vận tải quân sự của Không quân Mỹ, vì thế các binh đoàn này có sự cơ động chiến dịch, chiến lược cao. Lữ đoàn bộ binh cơ giới “Stryker” trang bị chủ yếu có 10 kiểu loại xe: xe thiết giáp bánh lốp hệ “Stryker”, xe “Hummer” và xe tải chiến thuật hạng trung,…; quân số biên chế theo kế hoạch là 4.000 – 4.100 người.

Như vậy, mục tiêu cải cách của Lục quân Mỹ là xây dựng các cơ quan chỉ huy và các binh đoàn với cơ cấu tổ chức mới về chất, được trang bị các loại vũ khí, kỹ thuật quân sự hiện đại, đảm bảo khả năng độc lập tác chiến hay tác chiến trong thành phần cụm lực lượng thống nhất, giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ trong quá trình chiến dịch tiến công, phòng ngự, cũng như các chiến dịch nhằm ổn định tình hình.

Trong cuộc chiến tranh Nam Ô-xê-ti-a (tháng 8-2008), tuy Quân đội Nga chỉ mất 5 ngày để đánh tan cuộc chiến tranh chớp nhoáng của lực lượng quân sự Gru-di-a vào Nam Ô-xê-ti-a, nhưng cũng đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Do vậy, các nhà lãnh đạo quân sự Nga đang tích cực đẩy mạnh cải cách quân đội, đặc biệt là cải cách tổ chức, biên chế lực lượng Lục quân. Trong kế hoạch 3 năm (2010 – 2012), Bộ Quốc phòng Nga sẽ xây dựng lực lượng Lục quân tinh, gọn, mạnh. Theo đó, số binh đoàn và lực lượng Lục quân Nga từ 1.890 đơn vị sẽ giảm xuống chỉ còn 172 đơn vị. Như vậy, trong thời gian tới, tổng quân số Lục quân Nga sẽ giảm 270.000 người. Quân đội Nga cũng chuyển mạnh theo xu hướng thay đổi biên chế từ sư đoàn sang lữ đoàn, trên cơ sở biên chế tách đôi, tức là từ 1 sư đoàn sẽ biên chế thành 2 đơn vị tác chiến cấp lữ đoàn. Lữ đoàn bộ binh cơ giới là đơn vị cơ bản và chủ lực của Lục quân. So với các lữ đoàn tác chiến thông thường (chỉ gồm 1 binh chủng), lữ đoàn bộ binh cơ giới là lữ đoàn tác chiến liên hợp có tính độc lập, tự chủ và khả năng tác chiến toàn diện hơn.

Sau khi “chuyển đổi từ cấp sư đoàn thành cấp lữ đoàn”, lữ đoàn bộ binh cơ giới mới của Lục quân Nga được xem như mô hình thu nhỏ của cấp sư đoàn bộ binh cơ giới. Điều này thể hiện ở chỗ, tuy biên chế về quân số và trang bị của lữ đoàn bộ binh cơ giới mới đã tinh giản rất nhiều so với sư đoàn bộ binh cơ giới, nhưng các binh chủng, lực lượng kỹ thuật vốn trực thuộc hoặc được phối thuộc ở cấp sư đoàn bộ binh cơ giới trước kia vẫn đảm bảo được tính chuyên nghiệp, hoàn chỉnh về kết cấu. Các đơn vị phối thuộc của lữ đoàn bộ binh cơ giới mới bao gồm: bộ binh cơ giới, tăng thiết giáp, pháo binh, tên lửa, phòng không, trinh sát, thông tin, tác chiến điện tử, phòng hóa, hậu cần, cảnh vệ, bảo đảm kỹ thuật và bảo đảm kỹ thuật chuyên ngành.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới của Nga được chia thành 3 loại: hạng nặng, hạng trung và hạng nhẹ. Trong đó, lữ đoàn bộ binh cơ giới hạng nặng được trang bị vũ khí chủ yếu là xe chiến đấu bộ binh bánh xích BMP – 1, BMP – 2 và BMP – 3; lữ đoàn bộ binh cơ giới hạng trung được trang bị vũ khí chủ yếu là xe bọc thép đa năng bánh xích MT – BLV; lữ đoàn bộ binh cơ giới hạng nhẹ được trang bị vũ khí chủ yếu là xe bộ binh bánh lốp BTR – 70, BTR – 80 và BTR – 90. Tổ chức, biên chế của các lữ đoàn bộ binh cơ giới thuộc 3 hạng trên cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau về phương tiện chiến đấu. Ngoài ra, thành phần quân số, trang bị phối thuộc cụ thể cũng chỉ khác nhau đôi chút.

Kết quả lớn nhất của Quân đội Nga về cải cách quân sự thời gian qua là hoàn thành việc điều chỉnh biên chế và tái tổ chức toàn bộ lực lượng quân thường trực. Theo đó, khả năng chuyển trạng thái chiến đấu của Quân đội được nâng lên rõ rệt (trước kia, thời gian chuyển trạng thái là 24 giờ, hiện nay, chỉ còn trong 1 giờ).

Tuy nhiên, việc điều chỉnh biên chế từ sư đoàn sang lữ đoàn trong Lục quân của một số nước cũng còn có những quan điểm khác nhau. Trong Lục quân Mỹ, tuy đang thực hiện chuyển đơn vị chiến đấu chủ yếu trong tương lai thành cấp lữ đoàn, nhưng trên thực tế vẫn bảo lưu cơ chế chỉ huy với đơn vị chiến đấu cơ bản là cấp sư đoàn. Cũng có quan điểm cho rằng, quân đội một số nước trên thế giới đang coi trọng tổ chức, biên chế cấp chiến thuật, đặc biệt là lực lượng chiến đấu cấp lữ đoàn trở xuống mà vô hình chung đã quên cấp chiến dịch (sư đoàn). Trong khi, sở chỉ huy sư đoàn có vai trò liên kết các hoạt động quân sự phức tạp ở mọi cấp độ, loại hình chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Hơn nữa, chỉ huy sư đoàn không chỉ là người phân phối các nguồn lực cho các đội chiến đấu, mà cùng với ban tham mưu sư đoàn thực hiện các chức năng quan trọng khác đối với các lực lượng mô-đun hóa. Sư đoàn còn là cấp đảm bảo sự gắn kết cho các nỗ lực chiến thuật: vạch kế hoạch hiệp đồng và các hoạt động trong các môi trường tác chiến rộng lớn; phối hợp liên ngành và các hoạt động giao tiếp của sư đoàn trưởng với các chỉ huy chủ chốt, có tác dụng định hướng môi trường tác chiến trong tương lai.

Từ thực tiễn kinh nghiệm cải cách Lục quân của một số nước cho thấy, xu hướng chuyển đổi mô hình Lục quân là vấn đề có tính hệ thống hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có sự đảm bảo đầy đủ về tài chính, phải có thiết kế tổng thể thật chu đáo và chuẩn bị kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn chắc chắn mới có thể thực hiện được. Mặt khác, nó đòi hỏi phải được tiến hành với sự trù hoạch vĩ mô ở trình độ cao của quốc gia; đồng thời, cần có lộ trình cụ thể để thực thi. Bởi vậy, các bộ, ngành của chính phủ các nước cần tăng cường hỗ trợ, chung sức, chia sẻ. Các nước đã, đang và sẽ thực hiện xu hướng này cần kiểm nghiệm tính khả thi và tính thích dụng, đặc biệt là những mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình thực thi, nhằm kịp thời điều chỉnh, phân chia thành các giai đoạn để đưa việc chuyển đổi mô hình đi vào chiều sâu.

Cũng phải thấy rằng, cải cách quân sự là quá trình không đơn thuần, mà luôn tạo ra sự thay đổi lớn về lợi ích thực tế của quân đội và thường diễn ra quá trình xung đột, so sánh, thỏa hiệp về lợi ích giữa các quân chủng, binh chủng, các cơ quan, ban, ngành… Đó là một công việc lớn, mang tính toàn cục của quốc gia, mà mỗi thay đổi đều có ảnh hưởng lớn đến nền chính trị của đất nước, nên trước khi xem xét, quyết định thì cần phải tính đến cả yếu tố xây dựng đất nước và quy hoạch tổng thể của cải cách. Vì vậy, cải cách quân sự phải căn cứ trên cơ sở luật pháp quốc gia, tránh tư tưởng vì lợi ích cá nhân và cần phải tiến hành một cách thống nhất, đồng bộ; trong đó, giới lãnh đạo cấp cao của quân đội đóng vai trò then chốt quyết định. Để cải cách quân sự được tiến hành thuận lợi và thành công, các quốc gia cần phải vận dụng linh hoạt, hiệu quả nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, của quân đội cũng như tình hình khu vực, quốc tế mới có thể đem lại sự thành công.

Đại tá LÊ XUÂN KHANH

This post was last modified on 09/05/2024 01:02

Published by

Bài đăng mới nhất

10 ngày đầu tháng 10 dương: 3 tuổi TÌNH – TIỀN đỏ chót, đặc biệt 1 tuổi giàu ú ụ

10 ngày đầu tháng 10 dương tính: 3 tuổi TÌNH - TIỀN có màu đỏ…

2 giờ ago

Đầu tháng 10/2024: Top 3 con giáp có thu hoạch nhân 3, làm gì cũng ra tiền, đạt được cả danh lẫn lợi

Đầu tháng 10 năm 2024: Top 3 con giáp có thu hoạch gấp ba, làm…

2 giờ ago

Tháng 9/2024 âm lịch: Ý trời đã định, 3 tuổi GIÀU PHƯỚC tiền nhiều như trúng số – 2 tuổi XUI ngập đầu

Tháng 9/2024: Ý trời đã định, trẻ 3 tuổi sẽ GIÀU và có nhiều tiền…

3 giờ ago

Tài lộc 12 con giáp tháng 10/2024: Ai thu tiền đầy túi, ai thắt chặt chi tiêu?

Vận may của 12 con giáp tháng 10/2024: Ai nhét đầy tiền vào túi, ai…

3 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp vượt qua thử thách ngày 30/9/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp vượt qua thử thách ngày 30/9/2024

4 giờ ago

Tử vi thứ 2 ngày 30/9/2024 của 12 con giáp: Sửu hạnh phúc, Dậu có lộc

Tử vi thứ Hai ngày 30/9/2024 của 12 con giáp: Sửu vui vẻ, Gà phát…

14 giờ ago