Categories: Tổng hợp

Chế tài đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Qui định của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Published by

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt nếu áp dụng chế tài đối với pháp nhân như đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh …, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, các cá nhân, pháp nhân khác có liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội. Vì vậy, nghiên cứu, tham khảo những qui định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội của một số nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực ASEAN, để có những kinh nghiệm pháp lý trong hoàn thiện chế định điều chỉnh, xử lý pháp nhân thương mại phạm tội ở VN.

Phạt tiền đối với pháp nhân là hình phạt duy nhất được áp dụng ở nhiều nước

Tại Anh, chế định TNHS của pháp nhân lần đầu tiên được ghi nhận trong Đạo luật hình sự do Ủy ban cải cách luật hình sự của Anh trình Nghị viện năm 1987.

Theo đó, pháp nhân chịu TNHS cùng một tư cách như cá nhân về những tội phạm theo chế độ trách nhiệm tuyệt đối và trách nhiệm thay thế; Pháp nhân cũng phải chịu TNHS đối với những tội phạm khác, nếu những tội phạm này được thực hiện bởi một trong những người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát của pháp nhân và họ hoạt động trong khuôn khổ chức năng của pháp nhân với mức độ lỗi cần thiết.

Về chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội, Luật hình sự Anh quy định hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân phạm tội duy nhất là hình phạt tiền. Tuy nhiên, Luật hình sự Anh không quy định căn cứ quyết định hình phạt cũng như mức phạt tiền cụ thể cho từng tội phạm mà do tòa án xem xét quyết định trong các trường hợp cụ thể; nhưng thông thường, trong những trường hợp tổ chức và thể nhân cùng phải chịu TNHS, thì mức phạt đối với tổ chức cao hơn đối với thể nhân. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cùng với phạt tiền, tòa án có thể thông báo công khai bản án như là một biện pháp hình sự bổ sung.

Tại Mỹ, đầu thế kỷ XX, các Toà án Hoa Kỳ đã áp dụng TNHS đối với pháp nhân phạm các loại tội có yếu tố ý định phạm tội và xác định những hành vi phạm tội của những cá nhân nhất định – những người quản lý mới có thể dẫn đến TNHS của pháp nhân.

Trong pháp luật hình sự hiện nay của Mỹ, về cơ bản, có bốn loại văn bản pháp luật ở cấp độ Liên bang đề cập đến việc đấu tranh chống hoạt động phi pháp của các tập đoàn bằng các chế tài pháp lý hình sự là: Các đạo luật chống độc quyền; Các đạo luật chống việc quảng cáo giả dối; Các đạo luật chống các vi phạm trong các quan hệ lao động và; Các đạo luật chống các vi phạm về quyền tác giả và các quy định về nhãn hiệu hàng hóa.

Ngoài ra, TNHS của pháp nhân còn được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác ở cấp độ Liên bang. Đặc biệt là Đạo luật về kiểm tra tình trạng phạm tội có tổ chức (năm 1970) và Đạo luật về tổ chức có tính chất tội phạm hoạt động thường xuyên…

Phạt tiền là hình phạt chủ yếu được áp dụng với pháp nhân phạm tội. Theo Luật về cải cách áp dụng hình phạt của Mỹ vào năm 1984, loại hình phạt áp dụng bởi tòa án liên bang của Mỹ, được dựa trên những khuyến nghị theo “Hướng dẫn áp dụng hình phạt” được soạn thảo bởi Ủy ban áp dụng hình phạt của Mỹ.

Theo khuyến nghị của Ủy ban áp dụng hình phạt đối với việc thi hành bản án của các tổ chức, tòa án trước tiên phải “buộc các tổ chức bồi thường mọi thiệt hại gây ra bởi hành động phạm pháp của mình” nhằm khôi phục toàn vẹn cho những người bị hại.

Toà án sẽ ra một lệnh buộc pháp nhân phạm tội phải bồi thường những thiệt hại mà pháp nhân gây ra cho nạn nhân. Toà án sẽ không ra lệnh buộc bồi thường nếu như số lượng nạn nhân quá lớn dẫn đến việc bồi thường là không khả thi hoặc việc xác định nguyên nhân và mức thiệt hại phức tạp và kéo dài thời gian tố tụng không cần thiết. Nếu tài sản của pháp nhân không đủ để thanh toán bồi thường và nộp tiền phạt thì nghĩa vụ bồi thường được ưu tiên trước.

Trong mọi trường hợp, khi áp dụng hình phạt tiền, Tòa án phải cân nhắc hai yếu tố – mức độ nghiêm trọng của tội phạm và lỗi của tổ chức. Yếu tố đầu tiên, “mức độ nghiêm trọng của tội phạm”, được xác định bằng cách tính toán lợi ích về tiền tệ, nhận được bởi các tổ chức do kết quả của những hành động bất hợp pháp và các thiệt hại gây ra cho người bị hại bởi những hành động bất hợp pháp.

Yếu tố thứ hai, “lỗi của tổ chức” được xác định dựa trên một số yếu tố khác như các biện pháp để phòng ngừa việc phát hiện và điều tra các hành động bất hợp pháp mà tổ chức đã thực hiện tính đến thời điểm thực hiện tội phạm; mức độ tham gia của một số loại nhân viên trong các hoạt động bất hợp pháp; hành động của tổ chức sau khi phạm tội; lịch sử hoạt động của tổ chức…

Ngoài ra, pháp nhân phạm tội còn có thể chịu hình phạt khác như: Quản chế, dịch vụ công ích… Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, thời hạn quản chế đối với trọng tội từ 01 năm đến 05 năm, đối với trường hợp khác thì không quá 05 năm. Trong thời gian quản chế, pháp nhân không được: thực hiện bất kỳ hành vi phạm tội nào.

Cũng tương tương tự, luật hình sự Australia quy định hình phạt duy nhất được áp dụng đối với tổ chức phạm tội cũng là hình phạt tiền. Đồng thời, mức phạt tiền không được quy định cụ thể mà do tòa án quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Chế tài hình sự đối với pháp nhân phạm tội tại Việt Nam so với một số nước ASEAN

Tại khu vực ASEAN, một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines đều ghi nhận TNHS đối với pháp nhân trong Luật hình sự. Song, so với nhiều nước trên thế giới, hầu hết các nước này quy định cụ thể TNHS của pháp nhân trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Như tại Singapore, quan điểm xử lý hình sự tổ chức phạm tội được thể hiện trong quy định về chủ thể của tội phạm của Bộ luật hình sự của Singapore. Theo giải thích của Bộ luật hình sự Singapore thì người phạm tội trong các quy định về chủ thể của tội phạm bao gồm công ty, hội hoặc cá nhân. Với quy định này, Bộ luật hình sự Singapore đã khẳng định chủ thể của tội phạm bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Phù hợp với quy định này, nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành cũng quy định các hành vi phạm tội do tổ chức thực hiện.

Theo đó, hình phạt đối với các chủ thể phạm tội cũng được quy định cụ thể trong các văn bản luật chuyên ngành này. Hình phạt duy nhất được áp dụng đối với tổ chức là hình phạt tiền với mức tiền phạt thường được quy định cao gấp đôi hoặc gấp ba mức tiền phạt được áp dụng đối với cá nhân phạm tội tương ứng.

Ví dụ, Điều 4C Đạo luật về Ngân hàng quy định TNHS đối với người cản trở việc điều tra các vi phạm về ngân hàng, trong trường hợp cá nhân phạm tội thì bị phạt tiền đến 12.500 đô la hoặc phạt tù đến 12 tháng hoặc cả hai hình phạt đó… Trong trường hợp tổ chức phạm tội thì bị phạt đến 25.000 đô la.

Luật Kiểm soát xuất khẩu, nhập khẩu hoặc quá cảnh chất thải nguy hại của Singapore quy định hình phạt đối với các hành vi nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh trái phép chất thải nguy hại tại các Điều 25, 26 và 27. Theo đó, trường hợp chủ thể là cá nhân thì bị phạt tiền đến 100.000 đô la Singapore hoặc phạt tù không quá 2 năm hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt đó; trường hợp chủ thể là pháp nhân thì bị phạt tiền đến 300.000 đô la Singapore…

Cũng tương tự Singapo, tại Thái Lan, Malaysia, TNHS của tổ chức được quy định chủ yếu trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Hình phạt được áp dụng duy nhất đối với pháp nhân phạm tội đều là hình phạt tiền.

Tuy nhiên, tại Indonesia và Philippines ngoài hình phạt chính là phạt tiền, tổ chức phạm tội còn còn có thể bi áp dụng các chế tài khác như: buộc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, đặt hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát hành chính, công bố phán quyết của thẩm phán, rút giấy phép kinh doanh…

So với các nước láng giềng trong khu vực ASEAN, Việt Nam lần đầu thừa nhận TNHS của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015. Theo đó, chế tài hình sự đối với pháp nhân phạm tội của Việt Nam tương đối phong phú như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn…

Theo quy định tại Điều 33 BLHS, hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Theo đó, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại để quyết định hình phạt.

Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Ngoài ra, pháp nhân phạm tội còn có thể chịu các hình phạt bổ sung như: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; Cấm huy động vốn; Phạt tiền (khi không áp dụng phạt tiền là hình phạt chính).

Tại Singapo, Thái Lan, Malaysia, TNHS của tổ chức được quy định chủ yếu trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Hình phạt được áp dụng duy nhất đối với pháp nhân phạm tội tại các nước này đều là hình phạt tiền.

Một số kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Có thể thấy, dù Việt Nam quy định hệ thống chế tài hình sự tương đối phong phú như: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn… Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn thời gian qua phát sinh nhiều bất cập. Đặc biệt nếu áp dụng một số chế tài với pháp nhân như đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh,….sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, các cá nhân, pháp nhân có liên quan khác… Bởi, trong một số trường hợp, nếu đình chỉ hoạt động đối với pháp nhân thương mại thì có thể khiến hàng trăm lao động thậm chí hàng nghìn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Ngoài ra, khi áp dụng những hình phạt này còn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực khác.

Do đó, chúng ta cần cân nhắc khi áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Có thể học hỏi kinh nghiệm của một số nước trong việc áp dụng một số hình phạt theo hướng thay vì chấm dứt sự tồn tại của một pháp nhân, sử dụng những chế tài giúp cho pháp nhân cải tổ nội bộ, tuân thủ pháp luật và thực hiện hành động phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội như hình phạt quản chế, giám sát hành chính, tăng cường áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tăng hình phạt tiền…

Văn Chiến

This post was last modified on 01/05/2024 01:47

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

52 phút ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

56 phút ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

5 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

10 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

10 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

11 giờ ago