Categories: Tổng hợp

Khai thác thế mạnh cây công nghiệp ở Đông Nam Bộ (Kỳ 1)

Published by

Bài 1: Hệ lụy từ sản xuất tự phát

Với sản lượng toàn vùng chiếm vị trí áp đảo trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tuy nhiên, do phát triển tự phát, nhiều loại cây công nghiệp ở Đông Nam Bộ không những không phát huy được thế mạnh, mà ngược lại, phải đối mặt với hệ lụy nghiêm trọng.

Phá vỡ quy hoạch

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích cây cao-su ở Đông Nam Bộ hiện nay vào khoảng 543.372 ha (vượt 153.372 ha so với quy hoạch), chiếm 63,34% diện tích và 73,92% sản lượng mủ cao-su của cả nước. Diện tích cây hồ tiêu ở khu vực này cũng lên tới 47.985 ha (vượt quy hoạch hơn 23.000 ha), chiếm 33,73% diện tích và 71,24% sản lượng của cả nước. Nhìn vào những con số nêu trên, có thể thấy diện tích cao-su, hồ tiêu ở Đông Nam Bộ những năm qua tăng rất nhanh. Việc phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng này đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Ông Phạm Thái Hòa, ấp 7, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cho biết: Năm 2005, thời điểm cao-su được giá, gia đình tôi đầu tư trồng hơn một nghìn cây. Đến khi cao-su được khai thác cũng là lúc giá giảm mạnh và duy trì mức giá thấp từ đó cho tới nay. Vì giá bán thấp, nên chúng tôi cũng không có điều kiện để đầu tư chăm sóc tốt cho cây. Trước đây, bình quân mỗi héc-ta bón một tấn phân, bây giờ tài chính eo hẹp cho nên lượng phân phải cắt giảm một nửa. Chăm bón không tốt, sản lượng cũng như chất lượng mủ giảm rất nhiều. Với giá bán như hiện nay, mỗi héc-ta cao-su chỉ lời được khoảng 30 đến 35 triệu đồng/năm, nếu thuê thêm nhân công cạo mủ, coi như hòa vốn. Tại tỉnh Đồng Nai, thời điểm trước năm 2010 giá mủ cao-su tăng cao, đạt mức 80 nghìn đồng/kg khiến người dân trong tỉnh đồng loạt mở rộng diện tích, nhất là giai đoạn những năm 2006 – 2007. Những năm 2011 – 2012, nhiều diện tích mới trồng cho khai thác mủ cũng là lúc cung vượt cầu, giá mủ cao-su giảm sâu xuống 30 đến 40 nghìn đồng/kg, nhiều thời điểm chỉ còn 4 đến 5 nghìn đồng/kg. Không ít người trồng cao-su lâm vào cảnh điêu đứng.

Cùng với cao-su, diện tích cây hồ tiêu ở Đông Nam Bộ cũng tăng nhanh. Giai đoạn 2010 – 2013, giá hồ tiêu tăng từ 40 lên 80 nghìn đồng/kg. những năm 2014-2016 có thời điểm giá hồ tiêu đạt mức 230 nghìn đồng/kg. Ở thời kỳ đỉnh cao của cây hồ tiêu, người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai, diện tích hồ tiêu thời điểm hiện tại vượt quy hoạch năm 2020 khoảng bảy nghìn héc-ta.

Tại tỉnh Bình Phước, diện tích hồ tiêu hiện nay là 17.178 ha, tăng 59,75% so với thời điểm cách đây 5 năm, vượt quy hoạch đến năm 2020 khoảng ba nghìn héc-ta. Diện tích trồng tăng khiến cung vượt cầu, giá hồ tiêu ở Đông Nam Bộ hiện chỉ còn khoảng 52 đến 55 nghìn đồng/kg. Đây là cú sốc lớn đối với người nông dân. Ngoài áp lực về giá bán, người trồng tiêu còn phải đối mặt với dịch bệnh trên cây. Nguyên nhân là do thời điểm diện tích hồ tiêu tăng mạnh, nguồn cung cấp giống tốt hạn chế, người dân lựa chọn cả cây giống kém chất lượng, trồng trên những vùng đất không phù hợp, thời tiết cực đoan khiến sâu bệnh phát sinh. Giá tiêu giảm sâu, thiếu kinh phí, nông dân chăm sóc không chu đáo dẫn đến tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, tiêu chết nhiều. Từ giữa năm 2017 đến nay, nhiều hộ dân đã chặt bỏ vườn tiêu của mình để trồng loại cây khác.

Cây điều vốn là thế mạnh của vùng, diện tích hiện nay vào khoảng 183.082 ha, chiếm 60,61% diện tích và 71,24% sản lượng điều cả nước. Tuy nhiên, phần lớn diện tích điều ở Đông Nam Bộ được trồng ở những vùng đất xấu, thiếu nước, vùng sâu, vùng xa; chưa kể diện tích manh mún cho nên công tác đầu tư thâm canh thấp, việc phòng trừ dịch hại chưa kịp thời. Diện tích điều già cỗi lớn nhưng việc tái canh bằng giống mới còn chậm. Năng suất, hiệu quả canh tác chưa như mong muốn, nhiều người đã chặt bỏ vườn điều để chuyển đổi qua các loại cây trồng khác.

Mới đây, ông Bùi Khắc Ngân, ở xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã quyết định chặt bỏ gần như toàn bộ hai héc-ta điều đang ở giai đoạn sung sức nhất, để trồng bưởi da xanh. Theo ông Ngân, thời tiết thất thường khiến cây điều cho năng suất thấp, giá cả bấp bênh là nguyên nhân khiến ông phải chặt bỏ vườn điều gắn bó với gia đình hơn 10 năm qua. Không chỉ ông Ngân, nhiều hộ nông dân khác trong vùng cũng chặt bỏ vườn điều của mình để lấy đất đầu tư trồng loại cây khác. Theo tính toán của các hộ trồng điều tại huyện Tân Phú, một héc-ta điều nếu đạt năng suất cao, hơn ba tấn/ha, với giá bán từ 22 nghìn đồng/kg trở lên, một năm cũng chỉ thu về được 70 đến 80 triệu đồng. Trong khi nhiều loại cây khác tại địa phương như bưởi, sầu riêng và chanh dây, mỗi héc-ta một năm có khi cho lợi nhuận vài trăm triệu đồng.

“Do hiệu quả kinh tế của cây điều so với một số cây trồng khác thấp hơn nhiều lần, nên người dân đã chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn” – Chủ tịch UBND xã Phú An Đỗ Thành Huy cho biết. Tình trạng sụt giảm diện tích điều ở Đồng Nai đang ở mức báo động. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, trong 5 năm gần đây, diện tích điều của tỉnh đã giảm hơn 10 nghìn héc-ta, từ 47.760 ha năm 2012 xuống 37.447 ha vào cuối năm 2017.

Công nghệ sản xuất lạc hậu

Theo Cục Chế biến nông sản và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện nay có khoảng 161 nhà máy, xưởng chế biến mủ cao-su với tổng công suất chế biến hơn 1,2 triệu tấn mủ khô/năm. So với những năm trước, toàn ngành đã tăng thêm hơn 400.000 tấn. Công nghệ sơ chế cao-su ở Việt Nam (trọng điểm là ở Đông Nam Bộ) được đánh giá là tương đối ổn định. Hiện cao-su Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng và được xuất khẩu sang 78 thị trường, tuy nhiên, hầu hết vẫn xuất thô, giá trị thấp. Việc chế biến sâu cao-su sẽ cho giá trị gia tăng cao, nhưng ngành công nghiệp này còn nhiều bất cập. Cụ thể, quy mô sản xuất các sản phẩm cao-su công nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ rất thấp, công nghệ chế biến chưa bắt kịp với yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của thị trường. Chưa kể đến việc chất lượng cao-su thiên nhiên không ổn định, chủng loại sản phẩm không phù hợp, ngành công nghiệp chế biến cao-su trong nước hằng năm phải nhập một lượng nguyên liệu lớn từ các nước khác.

Đối với ngành điều, cả nước hiện mới có khoảng 20 trong tổng số 465 doanh nghiệp đầu tư vào việc chế biến sâu (tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ) với công suất 15,4 nghìn tấn sản phẩm/năm, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ. Khâu chế biến sơ chỉ cho lợi nhuận tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị chiếm tới 60%. Thế nhưng ngành điều chưa khai thác được tiềm năng này. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến nhân điều để xuất khẩu là chủ yếu, tỷ lệ chế biến sâu (điều rang muối, điều chiên bơ, điều có gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều,…) còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 6%. Chưa có sự hỗ trợ chế biến sâu các sản phẩm phụ, công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm còn yếu.

Sự bấp bênh về nguồn cung khi phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến các doanh nghiệp chế biến điều của Đông Nam Bộ đối mặt với nhiều rủi ro. Hiện nay, hàng loạt nhà máy chế biến điều ở Đông Nam Bộ rơi vào cảnh “cửa đóng then cài”. Ở địa phương trồng nhiều điều nhất Việt Nam là tỉnh Bình Phước, số nhà máy chế biến hạt điều ngừng hoạt động nhiều thời điểm lên tới 70% đến 80%. Hàng loạt nhà máy chế biến hạt điều ở các địa phương khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự…

So với ngành điều và cao-su, hơn 76% sản lượng hồ tiêu hiện nay ở Đông Nam Bộ cũng xuất khẩu dưới dạng tiêu hạt. Các nhà máy hồ tiêu ở Đông Nam Bộ chưa có dây chuyền xử lý chất lượng cao, các cơ sở chế biến và xuất khẩu nhỏ vẫn còn nhiều. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh thừa nhận, hồ tiêu ở Đồng Nai hiện nay hầu hết là xuất thô. Nếu có sản phẩm “tinh” thì chủ yếu là hồ tiêu mua về được ngâm ủ cho lên men, đưa vào máy, chà tách vỏ lụa, tẩy mầu và sấy khô để thành tiêu sọ mầu trắng hoặc chế biến bằng cách làm sạch, xay nhuyễn, trộn làm muối tiêu. Việc này do các hộ cá thể thực hiện để bán cho thị trường trong nước với tỷ lệ khá nhỏ so với sản lượng tiêu được sản xuất ra.

(Còn nữa)

This post was last modified on 24/04/2024 21:46

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

6 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

6 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

10 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

15 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

15 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

16 giờ ago