Categories: Tổng hợp

PHAN ĐÌNH PHÙNG(1847-1895)- NGƯỜI LÃNH ĐẠO CUỘC KHỞI NGHĨA HƯƠNG KHÊ TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CUỐI THẾ KỶ XIX

Published by

I. CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP CỦA ĐÌNH NGUYÊN TIẾN SĨ PHAN ĐÌNH PHÙNG

Phan Đình Phùng sinh ngày 06/6/1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình Nho học. Đông Thái nổi tiếng là quê hương và nơi sinh sống của nhiều quan lại cấp cao của triều đình từ thời nhà Lê. Mười hai đời liên tiếp dòng họ Phan đều đỗ đạt làm quan. Thân sinh ông là cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển, các bác ông là chí sĩ Phan Đình Thông và Cử nhân Phan Đình Thuật, chú ông là Phó bảng Phan Đình Vận. Cả ba anh em họ Phan sống đến tuổi trưởng thành đều thi đỗ và vào triều làm quan. Từ nhỏ, Phan Đình Phùng đã tỏ ra chán ghét với chương trình học bảo thủ xưa cũ, tuy vậy ông vẫn kiên trì học tập cho đến khi đỗ Cử nhân vào năm 1876. Ông đậu Cử nhân trong khoa thi Bính Tý (1876) và trở thành Đình nguyên Tiến sĩ trong kỳ thi Đình năm sau.

Mặc dù đỗ đạt cao nhưng Phan Đình Phùng thường được biết đến nhờ sự chính trực, liêm khiết của mình hơn là tài học. Cũng nhờ đức tính này mà ông thăng quan nhanh chóng trong triều đình Tự Đức. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình ngày nay). Trong thời gian ông tại chức, có một vị linh mục Công giáo La Mã là Trần Lục luôn dựa vào sự hỗ trợ ngầm của các nhà truyền giáo Pháp mà ức hiếp người dân không theo đạo ở địa phương. Nhân một lần vị linh mục này lộng quyền, Phan Đình Phùng đã đem người này ra đánh. Cũng từ đây mà một cuộc tranh cãi giữ dội đã nổ ra, ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa Triều đình, Công giáo Việt Nam và Pháp. Cuối cùng, triều đình Huế đã phải cách chức Tri huyện của Phan Đình Phùng.

Mặc dù bị cách chức Tri huyện, nhưng nhờ sự chính trực của mình mà ông được thuyên chuyển vào kinh thành, trở thành một thành viên của Đô sát viện. Tại triều, ông tố cáo nhiều vụ khuất tất, nên có lần được Hoàng đế Tự Đức khen là “thử sự cửu bất phát, phùng Phùng nải phát” (việc này đã lâu không ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát hiện được), nên càng nổi tiếng về tính cương trực, được thăng lên chức Ngự sử trong triều. Với vị trí Ngự sử, ông có quyền chỉ trích các hành vi sai trái của tất cả các quan lại trong triều và kể cả Hoàng đế. Ông công khai chỉ trích Tôn Thất Thuyết – đại thần phụ chính đứng đầu triều đình thời bấy giờ – là một người hấp tấp và không trung thực. Ngoài việc tích cực diệt trừ tham nhũng, Phan Đình Phùng còn biên soạn một cuốn sách Địa lý Việt Nam, xuất bản vào năm 1883.

Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và bắt đầu quá trình đô hộ miền Nam Việt Nam. Năm 1862, triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất, chấp nhận nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Đến năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam Kỳ). Trong khoảng thời gian này, nhà Nguyễn luôn muốn tìm ra phương án tốt nhất để có thể giành lại lãnh thổ. Triều đình lúc bấy giờ chia làm hai phe, một bên cho rằng nên sử dụng quân sự, trong khi bên còn lại cho rằng nên sử dụng biện pháp ngoại giao bên cạnh việc nhượng bộ về tài chính và tôn giáo. Đến khi Hoàng đế Tự Đức qua đời vào năm 1883, toàn bộ Việt Nam bị đô hộ, hợp nhất với Lào và Campuchia thành Đông Dương thuộc Pháp.

Trước khi qua đời mà không có con trai, Tự Đức đã chọn Kiến Phúc làm người thừa kế thay cho Dục Đức – người vốn được định vị trí Trữ quân. Trong di chúc của mình, Tự Đức đã viết rằng Dục Đức làm người sa đọa, không xứng đáng để cai trị đất nước. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của Tôn Thất Thuyết, các quan phụ chính đã đưa Dục Đức lên ngôi dưới sức ép của hậu phi trong hậu cung. Vì Phan Đình Phùng kịch liệt phản đối hành động này của Tôn Thất Thuyết mà ông đã bị cách chức. Nhưng Dục Đức làm Hoàng đế chưa được 3 ngày đã bị phế truất và xử tử. Phan Đình Phùng lại một lần nữa lên tiếng phản đối và đã bị bắt giam rồi sau đó đuổi về quê nhà. Năm 1884, Phan Đình Phùng được phục chức rồi được bổ làm Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh.

Chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi, triều đình Huế đã thay đổi đến vị Hoàng đế thứ 4 – Hoàng đế Hàm Nghi. Tôn Thất Thuyết và đại thần nhiếp chính Nguyễn Văn Tường đã đưa Hiệp Hòa lên ngôi sau khi phế truất Dục Đức. Tuy nhiên, vị Hoàng đế mới tỏ ra nghi kị các đại thần phụ chính khiến cho Tôn Thất Thuyết một lần nữa đưa ra quyết định phế truất. Không lâu sau khi Kiến Phúc được đưa lên ngôi thì bị phế truất. Hàm Nghi được đưa lên ngôi thay thế anh trai mình. Cũng chính vì việc phế lập Hoàng đế liên tục này mà quân Pháp cho rằng các quan nhiếp chính đang gây ra quá nhiều rắc rối, cần phải bị dẹp bỏ. Năm 1885, Hàm Nghi phải chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) để tránh Pháp. Cũng trong năm này, Phan Đình Phùng đã nổi dậy hưởng ứng và tập hợp dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hoàng gia.

Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên làm người đứng đầu trên danh nghĩa của Phong trào Cần Vương, tìm cách lật đổ sự cai trị của Pháp bằng một cuộc nổi dậy bảo hoàng. Phan Đình Phùng đã tích cực hưởng ứng bằng cách lập căn cứ ở Hà Tĩnh, thành lập đội quân du kích cho riêng mình. Trong thời gian này, Tôn Thất Thuyết muốn tranh thủ sự hỗ trợ từ nhà Thanh của Trung Quốc nhưng Nguyễn Văn Tường lại cho rằng trợ lực lớn nhất của Việt Nam bấy giờ là Xiêm. Bởi Hoàng đế mở đầu nhà Nguyễn là Gia Long đã gả em gái của mình cho vua Xiêm, đồng thời Xiêm cũng là căn cứ của ông trong thời gian ông tìm cách giành lại ngai vàng vào năm 1780. Tuy nhiên, nhiều lần kêu gọi sự giúp đỡ từ chính phủ Xiêm, chỉ nhận được một ít vũ khí, đạn dược. Để chuẩn bị cho khởi nghĩa, Tôn Thất Thuyết đã chuẩn bị và xây dựng căn cứ ở Tân Sở suốt một năm.

Cuộc khởi nghĩa Cần Vương đã chính thức bắt đầu vào ngày 5 tháng 7 năm 1885 khi Tôn Thất Thuyết mở cuộc tấn công vào quân Pháp sau một thời gian đối đầu ngoại giao. Sau khi cuộc tấn công thất bại, Tôn Thất Thuyết đã phải đưa Hàm Nghi chạy về phía bắc, đến gần biên giới Việt – Lào. Cuộc khởi nghĩa được chính thức phát động khi Hoàng đế ban bố Chiếu Cần Vương.

Phan Đình Phùng hưởng ứng Chiếu Cần Vương, được Hàm Nghi phong làm Tán lý Quân vụ, lãnh đạo các nghĩa quân. Ông nhận được sự ủng hộ từ các làng quê, lập đại bản doanh trên núi Vụ Quang, một nơi có thể nhìn ra pháo đài ven biển của Pháp. Tổ chức của ông cũng trở thành hình mẫu cho các nghĩa quân sau này. Ông chia nghĩa quân thành 15 Thứ, mỗi Thứ có từ 100 đến 500 quân. Nghĩa quân của ông được giữ kỷ luật và mặc quân phục như quân đội chính quy. Đứng ra giúp sức cho Phan Đình Phùng là các sĩ đại phu có tiếng như Phan Trọng Mưu, Phan Cát Tưu (tức Phan Cát Xu), Phan Quang Cư và các võ tướng xuất thân từ nông dân như Cao Thắng, Cao Nữu, Lê Ninh, Nguyễn Chanh. Trận chiến đầu tiên gây sự chú ý của nghĩa quân là cuộc tấn công vào hai ngôi làng Công giáo gần đó đã hợp tác với Pháp. Chỉ một vài giờ sau khi cuộc tấn công bắt đầu, quân Pháp xuất hiện và nhanh chóng đàn áp được nghĩa quân, buộc nghĩa quân phải chạy về căn cứ. Quân Pháp thừa thắng truy đuổi và đốt phá toàn bộ đồn Đồng Thái, khiến nơi này chịu thiệt hại nặng nề. Phan Đình Phùng chạy thoát, nhưng anh trai là Phan Đình Thông bị Nguyễn Chính bắt. Nguyễn Chính vốn là Kinh lược Bắc Kỳ, nhưng vì tội ngang ngược, không lo cho dân, bị Phan Đình Phùng lúc ấy còn là Ngự sử dâng sớ vạch tội, bị Tự Đức cách chức. Nay Nguyễn Chính hợp tác với Pháp, được giữ chức Tổng đốc Nghệ An.

Giặc đem danh lợi ra mua chuộc Cụ, nhưng thất bại. Chúng dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần, Cụ không sờn lòng. Họ lợi dụng các cộng sự, người cùng làng như Lê Kinh Hạp, Phan Trọng Mưu, Võ Khoa, Hoàng Cao Khải viết thư lấy “tình xưa nghĩa cũ” khuyên Phan Đình Phùng đầu hàng để cứu anh trai, tránh cho làng quê và mồ mả tổ tiên bị giày xéo. Câu trả lời khảng khái của Cụ trước mặt tên Lê Kinh Hạp Tiễu phủ sứ, tay sai của giặc, khi hắn dọa bắn giết người anh ruột là Phan Đình Thông và đào mả tổ tiên, đã nói lên khí tiết của một vị anh hùng dân tộc:“Tôi từ khi cùng chư Tướng khởi binh Cần Vương, đã có chủ tâm là bỏ cả việc gia đình quê quán ra ngoài, không nghĩ gì đến nữa. Nay tôi chỉ việc có một ngôi mộ rất to, nên giữ, là đất nước Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to, đang bị nguy vong là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang phần mộ của mình thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình, thì anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi”.

Nói rồi, ông không trả lời thư mà chỉ nhắn cho người đưa thư về nhắn cho Lê Kinh Hạp rằng: “Nếu có ai làm thịt anh ta, thì nhớ gửi cho ta bát nước canh“. Sự việc này và cách hành xử của Phan Đình Phùng được coi là một trong những lý do khiến cho ông được dân chúng và các thế hệ người Việt chống thực dân Pháp về sau ngưỡng mộ: ông đặt tình yêu nước lên cao nhất. Ông đặt mục tiêu tất cả vì quốc gia, bỏ qua cả gia đình và quê hương.

Nghĩa quân của Phan Đình Phùng được đào tạo kỷ luật và bài bản, mà người đứng đằng sau chính là Cao Thắng – thủ lĩnh “Giặc cờ Vàng” được anh trai Phan Đình Phùng cứu khỏi quân đội triều đình hơn một thập kỷ trước. Nghĩa quân chủ yếu hoạt động ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình nhưng mạnh mẽ nhất là hai tỉnh Nghệ – Tĩnh. Năm 1887, sau nhiều trận thất bại, Phan Đình Phùng nhận ra sai lầm trong chiến thuật của mình, ông ra lệnh cho các tướng sĩ chuyển sang cách đánh du kích. Ông lệnh cho người xây dựng các khu căn cứ, kho lương thực, xây dựng hệ thống tình báo và các đầu mối tiếp tế cho nông dân; còn bản thân ông quyết định ra Bắc để kêu gọi văn thân chí sĩ cùng nổi dậy. Trong thời gian ông ra Bắc, Cao Thắng tiếp tục lãnh đạo một lực lượng khoảng 1.000 người với 500 khẩu súng ống. Lực lượng của Cao Thắng đã sản xuất được khoảng 300 khẩu súng trường bằng cách tháo rời và học theo những khẩu súng đã thu được của quân Pháp từ năm 1874. Để có thể tạo ra được những khẩu súng nhái như vậy, họ đã cho bắt rất nhiều công tượng người Việt. Về sau, người Pháp đã nhận định rằng những vũ khí này đã được sao chép thành thạo, chỉ có một chi tiết bị lỗi là quá trình tôi luyện lò xo.

Vũ khí mà nghĩa quân sử dụng kém xa so với đối thủ, tất cả các vị trí của họ trong đất liền đều nằm trong tầm bắn của Hải quân Pháp. Lúc bấy giờ, người Việt Nam không thể dựa vào Trung Quốc để hỗ trợ vật chất, còn các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan hay Vương quốc Anh thì không muốn bán vũ khí cho họ vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, Phan Đình Phùng phải tìm những con đường trên bộ để có thể mua vũ khí từ Xiêm, trong bối cảnh sử dụng đường biển không khả thi với sự có mặt của Hải quân Pháp. Ông lệnh cho các tướng sĩ dưới quyền lập một con đường bí mật từ Hà Tĩnh qua Lào vào Đông Bắc Xiêm; một tuyến đường như vậy từ núi Vụ Quang được cho là đã được tạo ra vào khoảng năm 1888. Ở Tha Uthen, nơi có một cộng đồng người Việt xa xứ, có một nữ ủng hộ viên được chỉ định làm người mua vũ khí cho Phan Đình Phùng tên là Co Tam. Vào năm 1890, Quân đội Xiêm đã vận chuyển khoảng 1.000 khẩu súng trường của Áo từ Bangkok đến Luang Prabang ở Lào. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ số vũ khí này có về được Việt Nam hay không.

Năm 1888, một cận vệ người Mường của Hàm Nghi là Trương Quang Ngọc đã phản bội, Hoàng đế bị quân Pháp bắt và đày sang Algeria. Phan Đình Phùng và Cao Thắng đã chiến đấu ở miền núi Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. 15 cứ điểm khác được xây dựng dọc theo núi để bổ sung cho sở chỉ huy ở núi Vũ Quang. Mỗi căn cứ có một chỉ huy cấp dưới chỉ huy các đơn vị có quân số từ 100 đến 500 người (1 Thứ quân). Mọi hoạt động của nghĩa quân đều được người dân địa phương, họ quyên góp kim loại để sản xuất vũ khí.

Sau khi từ miền Bắc trở về vào năm 1889, việc đầu tiên Phan Đình Phùng làm là phát lệnh truy tìm và ông đã đích thân xử tử kẻ phản bội Trương Quang Ngọc tại Tuyên Hóa. Sau đó, ông mở hàng loạt cuộc tấn công du kích vào các cơ sở của quân Pháp trong suốt mùa hè năm 1890, nhưng những cuộc tấn công này không mang lại hiệu quả lớn.

Năm 1893, Cao Thắng tử trận khiến Phan Đình Phùng bị mất đi một cộng sự đắc lực. Năm 1895, Pháp điều Nguyễn Thân đến phối hợp với công sứ Nghệ An là Duvillier đem 3.000 lính đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Quân chủ lực của Phan Đình Phùng bị đối phương bít đường tiếp vận, nên vũ khí, lương thực, quân số thảy đều thiếu thốn, khó bù đắp. Mỗi lần đối phương tấn công, nghĩa quân chỉ có thể di chuyển từ núi Quạt rồi về núi Vụ Quang, và không thể ở đây lâu quá 3 ngày.

Ngày 17/10/1894, Phan Đình Phùng đã tập hợp lực lượng, đánh thắng một trận lớn, đối phương bị tổn thất nhiều vũ khí và người. Ban đầu, ông cho quân lên tận nguồn sông chặt cây đóng kè chặn nước lại, đồng thời chuẩn bị sẵn nhiều khúc gỗ lớn. Khi quân Pháp và quân triều thân Pháp đến giữa dòng sông, thì ông cho phá kè trên nguồn và tuôn cây xuống. Đối phương phần bị nước cuốn, phần bị cây lao vào người, lại bị nghĩa quân ở hai bên bờ xông ra đánh nên bị thương vong rất nhiều. Theo một số tư liệu ghi lại, sau trận này, phía Pháp ngoài số quân trang và đạn dược bị mất mát, còn có ba sĩ quan và trên trăm lính bị tiêu diệt.

Ngày 28/12/1895, trong một trận giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng rồi hy sinh. Mười hai ngày sau khi thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được núi Vũ Quang và núi Quạt.

Chính quyền Pháp và quan chức triều đình nhà Nguyễn đã cho đem quan tài Phan Đình Phùng về thôn Đông Thái quê ông để kiểm nghiệm. Sau khi các hào cựu lẫn thuộc tộc Phan Đình Phùng tại thôn Đông Thái đã khẳng định thi hài trong quan tài là Phan Đình Phùng, thi hài Phan Đình Phùng được hỏa táng. Tên ông trên văn bia Tiến sĩ ở Huế cũng bị đục bỏ.

Sang đầu năm 1896, một số chỉ huy lần lượt mất vì ở lâu nơi rừng sâu nước độc, một số bị tử trận hoặc bị bắt, một số khác thì rút qua Xiêm La hoặc ra hàng… Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng cùng các cộng sự dày công xây dựng đến đây là kết thúc.

II. PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG VÀ CUỘC KHỎI NGHĨA HƯƠNG KHÊ

Với việc lần lượt ký kết Hiệp ước Harmand (25/8/1883) và Hiệp ước Patenôtre (06/6/1884), triều Nguyễn đã chính thức đặt cơ sở lâu dài cho quyền đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Điều này đã gây nên bất mãn trong triều đình và toàn thể nhân dân ta. Đứng đầu phe chủ chiến là Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đã bí mật xây dựng lực lượng, căn cứ để chuẩn bị cho một cuộc phản công khi thời cơ đến. Ngày 31/7/1884, Tôn Thất Thuyết cho phế truất vua Kiến Phúc – một ông vua có tư tưởng thân Pháp và đưa Ưng Lịch (vua Hàm Nghi) mới 14 tuổi lên ngôi.

Cuối năm 1884, giữa lúc quân Pháp đang gặp nhiều khó khăn về quân sự ở Bắc Kỳ, Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi phản đối việc Pháp đưa 300 quân lập đồn Mang Cá ngay trong kinh thành Huế. Không những không rút lui, Pháp còn cho tăng thêm số quân đóng ở Mang Cá. Trước tình hình đó, Tôn Thất Thuyết huy động số quân còn lại ở các địa phương tập trung về Huế, để chuẩn bị cho 1 cuộc phản công. Kế hoạch bị lộ, ngày 27/6/1885, tướng De Courcy điều 4 đại đội và 2 tàu chiến từ Hải Phòng vào kinh thành Huế. Biết rõ lực lượng của Pháp, để tăng thế chủ động, rạng sáng 05/7/1885, Tôn Thất Thuyết chỉ đạo hai đạo quân cùng lúc tấn công các căn cứ Pháp đóng tại Huế. Bị tấn công bất ngờ, quân Pháp bị rối loạn nhưng với ưu thế về lực lượng và vũ khí, chúng nhanh chóng mở lại cuộc phản công. Chúng cướp bóc tài sản và sát hại dã man những người dân vô tội, hầu như ngày nào cũng có người dân bị chết. Sau này, Nhân dân Thừa Thiên Huế đã lấy ngày 23/5 âm lịch làm ngày giỗ chung.

Tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, Tôn Thất Thuyết đã bí mật rước vua Hàm Nghi đến sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Ngày 13/7/1885, tại Tân Sở, Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi hạ chiếu “Cần Vương” lần thứ nhất. Để tránh sự truy lùng của thực dân Pháp, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi đến sơn phòng Ấu Sơn (Hà Tĩnh). Tại đây, vua Hàm Nghi đã đích thân xuống chiếu “Cần Vương” lần thứ hai vào ngày 20/9/1885. Nội dung 2 tờ chiếu Cần Vương tập trung tố cáo âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, xác định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, nhằm mục đích “diệt trừ giặc Pháp và bọn phản quốc”, đồng thời còn kêu gọi sĩ phu, văn thân và Nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến phò vua, cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi, dưới sự lãnh đạo của văn thân, sỹ phu yêu nước, Nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước đã sôi nổi đứng lên chống Pháp và bè lũ tay sai.

Chiếu Cần Vương đánh dấu một mốc mới trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Mặc dù diễn ra dưới danh nghĩa Cần Vương, nhưng thực tế đây là một phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp xâm lược của Nhân dân và hoàn toàn không có sự tham gia của quân đội triều đình.

* Khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896)

Khởi nghĩa Hương Khê phát triển qua 2 thời kỳ: Thời kỳ xây dựng, tổ chức (1885 – 1888) và thời kỳ chiến đấu (1889 – 1896). Địa bàn hoạt động: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Ngay sau khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh vũ trang lẻ tẻ. Trên cơ sở đó, Phan Đình Phùng đã tập hợp và phát triển thành một phong trào có quy mô rộng lớn khắp 4 tỉnh Bắc Trung Kỳ, với địa bàn chính là Hương Khê (Hà Tĩnh).

Dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nghĩa quân đã xây dựng được 4 căn cứ lớn: Cồn chùa (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn); Thượng Bồng – Hạ Bồng (tây nam Đức Thọ); Trùng Khê – Trí Khê (Hai xã Hương Ninh và Hương Thọ, huyện Hương Sơn) và căn cứ Vụ Quang (phía tây Hương Khê) nằm sâu trong vùng núi, giáp nước Lào. Được xây dựng dựa trên địa thế tự nhiên hiểm trở, căn cứ lớn nhất trong những năm cuối khởi nghĩa của nghĩa quân.

– Về tổ chức, nghĩa quân chia thành 15 quân thứ, các quân thứ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị hành chính, thường là huyện hoặc xã và lấy ngay tên đó để gọi. Trong đó, Hà Tĩnh có 10 quân thứ, gồm: Khê thứ, Can thứ, Hương thứ, Nghi thứ, Lai thứ, Cẩm thứ, Thạch thứ, Kỳ thứ, Diệm thứ, Lễ thứ; Nghệ An có 2 quân thứ: Anh thứ và Diễn thứ; Quảng Bình có 2 quân thứ là Bình thứ và Lệ thứ; Thanh Hóa có 1 quân thứ là Thanh thứ.

Phan Đình Phùng trực tiếp chỉ huy quân thứ trung tâm Vụ Quang còn các quân thứ khác đóng quân ở địa phương, thường xuyên liên lạc với nhau để đảm bảo sự thống nhất.

– Về trang bị vũ khí: Ngoài các vũ khí thô sơ (giáo, mác, đại đao…), tướng Cao Thắng còn tổ chức cướp súng giặc, nghiên cứu chế súng trường theo kiểu của Pháp để tự trang bị, nâng cao hiệu suất chiến đấu.

-Về phương thức tác chiến: Nghĩa quân dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở với hệ thống công sự chằng chịt để tiến hành chiến tranh du kích, luôn hoạt động phân tán, đánh bằng nhiều hình thức linh hoạt và chủ động như công đồn, chặn đường tiếp tế, dùng cạm bẫy, hầm chông…

– Diễn biến cuộc khởi nghĩa Hương Khê:

+ Từ đầu năm 1889, nghĩa quân bắt đầu đẩy mạnh hoạt động trên khắp địa bàn Nghệ – Tĩnh, liên tục tập kích, diệt viện và chống càn quét. Giữa tháng 12/1889, nghĩa quân tấn công đồn Dương Liễu, tiếp đó đánh vào huyện lỵ Hương Sơn. Tháng 4/1890, quân của Nguyễn Chanh và Nguyễn Trạch phục kích tại làng Hốt (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) diệt nhiều lính khố xanh, tháng 5 tấn công đồn Trường Lưu. Đến những tháng cuối năm đó, nghĩa quân đã tổ chức hàng chục trận đánh đồn, phục kích, diệt viện và chống càn quét.

Phối hợp với nghĩa quân Hà Tĩnh, nghĩa quân Nghệ An cũng hoạt động mạnh trên một vùng rộng bao gồm các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc… bất ngờ tiến sâu vùng đồng bằng tấn công quân Pháp.

Trong những năm 1891 – 1892, dù thực dân Pháp bình định được Hà Tĩnh và Nghệ An, nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu quyết liệt. Tiêu biểu là 2 trận chống càn quét vào khu Hói Trùng và Ngàn Sâu là căn cứ của Cao Thắng vào đầu tháng 8/1892.

Để phản công lại, đêm 23/8/1892, nghĩa quân do Bá Hộ Thuận chỉ huy đã bí mật tập kích tại thị xã Hà Tĩnh, phá nhà lao giải thoát hơn 700 tù nhân. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc càn quét, quân Pháp đã tạo nên thế bao vây nghĩa quân. Trong tình thế đó, Phan Đình Phùng và Cao Thắng quyết định mở một trận tấn công lớn vào tỉnh lỵ Nghệ An nhằm phá tan thế bao vây và mở rộng địa bàn hoạt động.

Tháng 10/1893, Cao Thắng đem 1.000 quân từ Ngàn Trươi tiến sâu vào vùng đồng bằng Nghệ An. Trên đường hành quân, nghĩa quân tổ chức đánh quân Pháp liên tiếp và giành được một số thắng lợi mở đầu. Nhưng trong trận tấn công đồn Nu, Cao Thắng trúng đạn hy sinh gây nhiều tổn thất cho nghĩa quân. Cuối tháng 3/1894, nghĩa quân tập kích vào thị xã Hà Tĩnh. Quân Pháp vừa tăng cường khủng bố, vừa dồn lực lượng bao vây và công kích đại bản doanh. Trước tình hình đó, nghĩa quân phải rút lên núi Quạt rồi Vụ Quang.

Tháng 10/1884, nghĩa quân đánh thắng trận lớn tại Vụ Quang. Phan Đình Phùng cho nghĩa quân đốn gỗ đóng kè chặn nước đầu nguồn và chuẩn bị nhiều gỗ lớn trên sông. Khi quân Pháp vượt sông vừa đến giữa dòng thì ông cho phá kè. Nước đổ xuống ào ào, kéo theo những cây gỗ lớn. Quân Pháp bị gỗ từ trên cao lao mạnh xuống người, lại bị phục kích nên bị thiệt hại lớn. Tuy thắng trận đấu này, nhưng nghĩa quân bị thiệt hại nhiều, quân số ngày càng giảm sút.

Vào thời điểm này, triều đình Huế cử Nguyễn Thân đem 3.000 quân bao vây căn cứ Vụ Quang. Trong 1 trận chiến ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương và hy sinh. Khởi nghĩa Hương Khê chỉ còn đội quân của Ngô Quảng ở miền Tây Nghệ An, sau đó ít ngày cũng bị thực dân Pháp đàn áp.

Cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại, đánh dấu sự thất bại chung của phong trào đấu tranh chống Pháp trên phạm vi cả nước dưới danh nghĩa Cần Vương. Đây là cuộc khởi nghĩa được đánh giá là đỉnh cao nhất trong phong trào Cần Vương với phạm vi kéo dài trên 4 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình trong suốt 10 năm. Nghĩa quân đã tranh thủ được sự giúp đỡ của người Kinh và người Thượng, của cả đồng bằng và miền núi.Về quân sự, đã biết sử dụng phương án tác chiến linh hoạt, phong phú, biết phát huy tính chủ động, tinh thần sáng tạo trong quá trình chuẩn bị lực lượng.Cũng giống như các cuộc khởi nghĩa khác, khởi nghĩa Hương Khê thất bại chủ yếu do chưa liên kết, tập hợp được lực lượng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Kẻ thù sau khi đàn áp xong các phong trào ở trong Nam ngoài Bắc đã có điều kiện tập trung lực lượng vào việc đàn áp phong trào.

Cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã để lại nhiều bài học và kinh nghiệm sâu sắc có ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc sau này, đó là bài học về việc huy động được sức mạnh, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt các giai tầng, thành phần dân tộc; tổ chức lực lượng chặt chẽ, nghiêm minh; sự đoàn kết thống nhất, tinh thần tự lực, tự cường. Phong trào tuy thất bại nhưng đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

***

Kỷ niệm 175 năm Ngày sinh Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng cũng là thời điểm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, 15 năm thành lập Thành phố Hà Tĩnh mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang ra sức thi đua, phấn đấu, rèn luyện lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm. Trong không khí tự hào đó mỗi người dân Hà Tĩnh sẽ mãi khắc ghi những cống hiến, những đóng góp của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Phan Đình Phùng sẽ mãi là tấm gương sáng về ý chí ngoan cường, tinh thần đấu tranh anh dũng, sự hi sinh cao cả vì Nhân dân, vì dân tộc để các thế hệ hôm nay và mai sau của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung học tập, noi theo.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, tự hào là quê hương của người Chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quyết tâm học tập, noi gương Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng và các bậc cách mạng tiền bối, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tích cực đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng và mọi biểu hiện tiêu cực; xây dựng Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX đã đề ra, phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt tỉnh Nông thôn mới trước năm 2025./.

BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN CAN LỘC

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

11 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

11 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

14 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

19 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

19 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

21 giờ ago