THỰC TRẠNG CUỘC XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE HIỆN NAY
Nhìn tổng thể tình hình trong thời gian qua, có thể rút ra tám đặc trưng của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Thứ nhất, khi tiến về phía Đông Nam Ukraine, các hoạt động quân sự do Nga tiến hành gặp phải sự chống cự quyết liệt của phía Ukraine và đội ngũ lính đánh thuê. Thứ hai, ba mục tiêu đầu tiên của Nga là tiến hành phi quân sự hóa, phi quốc xã hóa và trung lập hóa ở Ukraine vẫn chưa thực hiện được. Thứ ba, tình hình xung đột trên thực địa vẫn hết sức khốc liệt, không chỉ tiêu tốn nhiều nguồn lực, mà còn gây ra những mất mát khó có thể đong đếm cho cả hai phía, đồng thời để lại những “vết sẹo” kinh tế – xã hội sâu sắc có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Thứ tư, Ukraine có hơn 40 triệu dân(1), thì hơn 10 triệu người dân phải đi tị nạn ở nước ngoài (chủ yếu ở Nga và nhiều nước châu Âu), gây ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề nhân đạo. Thứ năm, Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt đối với Nga, đồng thời liên tục vận chuyển một lượng lớn vũ khí và đạn dược hiện đại để hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga. Thứ sáu, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận, tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột, nhưng không đạt tiến triển. Thứ bảy, hiện nay chưa thấy dấu hiệu đàm phán ngừng bắn giữa hai bên. Thứ tám, khả năng đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột trong tương lai gần được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể dự báo thời điểm, cũng như kết quả đàm phán, do lập trường của các bên hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập(2).
Bạn đang xem: Một số tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine tới cục diện thế giới
Theo nguyên Phó Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Ngoại sự Chính hiệp toàn quốc khóa XIII Châu Lực, “chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine là Mỹ và các nước phương Tây, thế nhưng đến nay, Mỹ và các nước phương Tây chưa có bất cứ động thái nào để giảm căng thẳng giữa hai bên, thậm chí vẫn tiếp tục hậu thuẫn về vũ khí ngày càng hiện đại để giúp Ukraine đối phó với Nga(3). Do vậy, tình hình hiện nay cho thấy, các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dường như ngày càng trở nên xa vời. Cả hai bên vẫn đang tiếp tục các hoạt động với hy vọng đảo ngược tình thế, quyết liệt giành giật các vùng lãnh thổ chiến lược ở miền Đông – Nam Ukraine. Phía Ukraine sẽ không chấp nhận giải pháp chính trị và tiếp tục nỗ lực để giành lại các vùng lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Trong khi đó, Nga cố gắng duy trì kiểm soát tình hình và vùng lãnh thổ đã sáp nhập.
Về phía Mỹ, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng tới bốn mục tiêu chính trong cuộc xung đột Nga – Ukraine là: 1) Làm suy giảm sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga; 2) “Phương Tây hóa Ukraine”, lôi kéo các nước có xu hướng thân Nga “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây; 3) Củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương; 4) Tranh thủ cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine để khiến các nước châu Âu phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ về mặt quân sự, an ninh, kinh tế và năng lượng. Bởi vậy, Mỹ tiếp tục hối thúc đồng minh tăng cường giúp đỡ quân sự cho Ukraine, kể cả những thiết bị quân sự tiên tiến hơn, có khả năng tiêu diệt mục tiêu xa tới 150km, qua đó đe dọa các tuyến tiếp tế chính, kho vũ khí và căn cứ không quân của Nga ở sâu trong biên giới Nga. Quyết định này được đánh giá là bước ngoặt trong chính sách viện trợ của các nước phương Tây vốn lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. Theo giới chuyên gia, đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm giúp Ukraine phá vỡ thế bế tắc trên thực địa hiện nay(4). Trong khi đó Nga cho rằng, quyết định cung cấp các loại vũ khí này của phương Tây cho Ukraine là nguy hiểm, khiến cuộc xung đột ngày càng leo thang, nhưng không thể xoay chuyển được cục diện xung đột.
Hiện nay, một số kịch bản được đưa ra đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine. Kịch bản thứ nhất, hai bên tiến tới đạt được một thỏa thuận ngừng cuộc xung đột. Nếu cuộc xung đột đi vào bế tắc, có thể có một số thỏa thuận ngừng xung đột tạm thời giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, đó có thể không phải là sự kết thúc mà giống như một cuộc xung đột “đóng băng”, có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt, tùy thuộc vào các yếu tố đòn bẩy. Trong kịch bản này, Nga có thể hy vọng Mỹ và các nước phương Tây khác sau một thời gian bị chi phối từ tình hình quốc tế sẽ không quan tâm nhiều đến cuộc xung đột và ủng hộ Ukraine. Kịch bản thứ hai, hai bên tiến tới đạt được một thỏa thuận hòa bình. Theo đó, xung đột sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, mặc dù việc giải quyết là vô cùng khó khăn bởi hai nước vẫn cách xa nhau quan điểm về các điều khoản mà hai bên có thể chấp nhận được nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Kịch bản Nga rút quân đội khỏi Ukraine trong điều kiện Ukraine chấp nhận những vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập đã được một số nhà phân tích đưa ra, song điều này được cho là rất khó xảy ra, bởi đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở Ukraine, đây sẽ là hành động “tự sát về chính trị” nếu họ trao lãnh thổ Ukraine cho đối phương. Kịch bản thứ ba, Nga tuyên bố chiến thắng. Nga không dễ dàng xoay chuyển hoàn toàn cuộc xung đột và đạt được các mục tiêu ban đầu, nhưng có thể chấp nhận một “chiến thắng” hoặc tuyên bố “chiến thắng” theo cách riêng của mình dưới hình thức một thỏa thuận hòa bình, trong đó có thể Nga kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ hơn so với trước khi cuộc xung đột diễn ra. Tuy nhiên, nếu những kịch bản trên không thể xảy ra, Nga, Ukraine và phần còn lại của thế giới cần sự thỏa hiệp hoặc dùng những lực đẩy tác động từ bên ngoài để tạo lối thoát cho các bên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng (Mỹ), ngày 21/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE TỚI CỤC DIỆN THẾ GIỚI
Một là, kinh tế toàn cầu suy thoái. Cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Nga và Ukraine, mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Theo tạp chí The Fortune (Mỹ, tháng 10/2022), cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.800 tỷ USD dưới nhiều dạng: lạm phát, giá nhiên liệu và lương thực tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành du lịch tê liệt và nhiều hệ lụy khác. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng kéo dài, tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm từ 3% xuống còn 1,7% trong năm 2023 – mức thấp nhất kể từ năm 1991. Các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và hàng không, mới bước đầu phục hồi từ sau đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm nếu cuộc xung đột còn kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ giảm từ 2,5% (năm 2022) xuống còn 0,5% (năm 2023), trong đó tỷ lệ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm từ 1,9% (năm 2002) xuống mức 0% (năm 2023). Đây là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930. Mỹ, Eurozone và Trung Quốc, vốn có sức ảnh hưởng nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đang trải qua tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên đáng kể. Vào giai đoạn cao điểm, lạm phát ở Mỹ lên tới 8,3% và tại Eurozone, lạm phát chạm mức kỷ lục 10,7%. Đây là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR), do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine, quy mô nền kinh tế thế giới năm 2023 sẽ giảm ít nhất 1%, tương đương 1.000 tỷ USD. Các chuyên gia của NIESR cũng cho rằng, tỷ lệ lạm phát toàn cầu sẽ tăng hai điểm trong năm 2023. Lệnh cấm vận năng lượng của Nga ảnh hưởng tiêu cực tới chính các nước thuộc EU, do các nước này nhập khẩu tới 57,5% tổng số năng lượng tiêu thụ và Nga là nhà cung cấp chính. Hằng năm, EU còn nhập khẩu khoảng 30% nhu cầu dầu mỏ và khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt từ Nga. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm giá khí đốt và dầu mỏ tăng mạnh. Các nhà kinh tế cho rằng, nhiều nước EU đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái lớn.
Hai là, cuộc xung đột này là một đòn giáng mạnh vào xu thế toàn cầu hóa. Cùng với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ và các nước đồng minh đã tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Tuy nhiên, những biện pháp này lại mang đến mặt trái, đó là gây ảnh hưởng đến hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Theo ông Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng TotalEnergies (Pháp), các biện pháp trừng phạt, như lệnh áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU đã “đặt dấu chấm hết cho thị trường toàn cầu” đối với nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, các cường quốc đang phá bỏ những nguyên tắc thương mại tự do ở nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn như việc Mỹ hạn chế bán một số loại chip máy tính cho Trung Quốc, hay việc Ấn Độ đình chỉ xuất khẩu lúa mì… Những hành động này càng giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang hết sức mong manh do tác động của đại dịch COVID-19. Xu hướng thế giới bị chia cắt đã xuất hiện từ trước năm 2020, nhưng cú sốc kép từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine càng đẩy nhanh quá trình này.
Ba là, trật tự thế giới đang trong quá trình chuyển đổi sâu sắc. Tháng 6/2022 – bốn tháng sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine – Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố: “Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!”. Đó chính là trật tự thế giới đã được định dạng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc; Mỹ được coi là “cực” duy nhất sau cuộc đối đầu gay gắt kéo dài suốt gần nửa thế kỷ với Liên Xô (trước đây). Trong gần nửa thế kỷ đó, thế giới trở nên hỗn loạn với các cuộc chiến tranh đẫm máu ở Vùng Vịnh Péc-xích, khu vực Balkan, Afghanistan, Iraq… Theo quan điểm của Nga, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã phá tan “trò chơi địa – chính trị của phương Tây”, muốn biến Ukraine trở thành mối đe dọa lâu dài đối với Nga. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Hiện nay, Mỹ phải tập trung toàn bộ sức lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu nên không đủ sức để hướng vào một nhiệm vụ quan trọng là kiềm chế sức mạnh kinh tế và quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Nga đều tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, sẽ nỗ lực phối hợp chung để xây dựng trật tự thế giới đa cực. Nói cách khác, ít nhất là trật tự thế giới với một cực là Mỹ, còn cực kia là mối liên kết giữa Trung Quốc và Nga chung lập trường đối lập với Mỹ trong việc hình thành trật tự an ninh quốc tế. Đó là chưa kể hàng loạt trung tâm mới của một trật tự thế giới đa cực đang tiếp tục nổi lên: các quốc gia đơn lẻ, như Ấn Độ, Nhật Bản; các tổ chức khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS),… Chính sự liên kết mối quan hệ Nga – Trung Quốc cùng sự nổi lên của những trung tâm quyền lực mới trên bản đồ địa – chính trị thế giới đang thúc đẩy một trật tự thế giới mới đa cực.
Xem thêm : Phụ nữ sau sinh mổ kiêng ăn gì để không bị sẹo lồi?
Bốn là, cục diện an ninh – chính trị toàn cầu biến động mạnh mẽ. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng, đối đầu trên thế giới và đẩy thế giới vào tình trạng “đa cực hỗn loạn”. Tháng 12/2022, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell từng nhấn mạnh: “Chúng ta đã chuyển sang một thế giới đa cực hỗn loạn, nơi mọi thứ như năng lượng, dữ liệu, kết cấu hạ tầng, di cư đều là vũ khí. Địa – chính trị là điểm mấu chốt, mọi thứ giờ đây đều liên quan địa – chính trị”, trong đó, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là những trung tâm quyền lực đang nổi lên có một vị trí đặc biệt, không chấp nhận bị loại ra ngoài lề hệ thống an ninh toàn cầu. Trong khi đó, các nước lớn tiếp tục giữ vai trò chi phối, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiềm chế và ngăn chặn lẫn nhau theo mô hình 6C: 1) Cooperation (hợp tác); 2) Coexistence (cùng tồn tại); 3) Co-development (cùng phát triển); 4) Competition (cạnh tranh); 5) Confrontation (đối đầu); 6) Colapse (có khả năng sụp đổ). Cuộc xung đột ở Ukraine càng làm mọi thứ rung chuyển dữ dội hơn, làm suy yếu sức ảnh hưởng của Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây ở khu vực Trung Á. Trong trường hợp cuộc xung đột kết thúc, cả Nga và châu Âu đều sẽ rơi vào trạng thái suy yếu, kiệt quệ, và khi đó, khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất, nhất là trong việc chi phối thế giới.
Năm là, thúc đẩy các nước theo đuổi việc hình thành các khối liên kết mới lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm. Điều đó có nghĩa, cục diện thế giới đang chuyển dần từ trật tự “đa cực hỗn loạn” sang “lưỡng cực” theo hướng sức mạnh thế giới chuyển từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Các khu vực Trung Á, Cáp-ca-dơ, Balkan, châu Phi, Mỹ La-tinh và châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành những trận địa cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Nga và EU. Họ thông qua việc tài trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng hay các thỏa thuận đáng chú ý về hợp tác thương mại, quân sự hay ngoại giao để lôi kéo các nước. Điều này làm cho các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ, đứng trước sức ép phải chọn bên; đồng thời, tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh cải cách các thể chế đa phương, cũng như tăng cường hệ thống luật pháp quốc tế với các chế tài có tính ràng buộc, giúp điều chỉnh cách hành xử của các nước trong quan hệ quốc tế.
Sáu là, quan hệ quốc tế phân tuyến rõ ràng, nhất là quan hệ giữa các nước lớn. Điều này thể hiện ở các cặp quan hệ sau:
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc lún sâu vào khó khăn. Hai bên bất đồng sâu sắc xung quanh nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc xung đột này. Hơn thế, Mỹ nhiều lần khẳng định, xung đột Nga – Ukraine không thay đổi nhận định về việc Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu nhất của Mỹ. Xung đột còn đẩy nhanh sự đứt gãy, tách rời về công nghệ và chuỗi sản xuất then chốt giữa hai bên. Mỹ đã thông qua Đạo luật Chip và Khoa học, đề xuất Liên minh Chip 4 nhằm đối phó với khả năng trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc; áp đặt nhiều lệnh hạn chế xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, nhất là chất bán dẫn; lôi kéo đồng minh vào cuộc chiến chip với nước này; xây dựng liên minh chuỗi cung ứng then chốt. Xung đột cũng tác động đáng kể đến hợp tác thương mại, tài chính giữa hai nước. Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến Nga, thông qua Đạo luật Cạnh tranh sửa đổi; khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)… Trước các lệnh trừng phạt tài chính đối với Nga, Trung Quốc xác định việc nâng cao năng lực để phòng ngừa và chống lại “vũ khí tài chính” của Mỹ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Điều này cho thấy, xu hướng phân tách trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc đã lan rộng từ nền kinh tế thực (công nghệ, chuỗi sản xuất) sang nền kinh tế ảo (tài chính, ngân hàng).
Quan hệ Nga với Mỹ và các nước phương Tây leo thang căng thẳng. Cuộc xung đột đã đẩy quan hệ Nga – Mỹ, Nga – các nước phương Tây rơi vào trạng thái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Các bên bước vào cuộc xung đột ngoại giao gay gắt khi liên tục đưa ra các đòn đáp trả quyết liệt. Mỹ đẩy mạnh vận động, lôi kéo các nước tham gia cuộc chiến chống Nga thông qua hậu thuẫn Ukraine với nhiều gói viện trợ vũ khí, tài chính khổng lồ; áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao chưa từng có đối với Nga nhằm làm suy yếu toàn diện nước Nga. Xung đột đã dẫn đến cuộc đối đầu mới giữa Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga. NATO coi Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với châu Âu, là đối tượng răn đe và ngăn chặn toàn diện, tuyên bố chấm dứt thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh của châu Âu. NATO tăng cường triển khai quân đội ở Đông Âu, lực lượng phản ứng nhanh tăng từ 40.000 quân lên 300.000 quân. Để đáp trả, Nga tuyên bố tạm dừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) – thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng với Mỹ (Mỹ và Nga hiện sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới); triển khai các cuộc tập trận theo kế hoạch với sự tham gia của các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) di động Yars có tầm bắn lên đến 12.000km và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân; cho biết sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở biên giới phía Tây của Belarus có chung đường biên giới 1.250km với các thành viên NATO là Latvia , Litva và Ba Lan, bất chấp sự phản đối của Mỹ và châu Âu; phê chuẩn “khái niệm chính sách đối ngoại mới”, nhằm cung cấp góc nhìn tổng thể về những ưu tiên chiến lược đối ngoại của Nga, trong đó nhấn mạnh: 1) Nga coi “chính sách hung hăng chống Nga” của Mỹ và các đồng minh là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga, cũng như đối với hòa bình quốc tế và sự phát triển của một tương lai “công bằng và cân bằng” cho nhân loại; 2) Nga quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng chiến lược, cùng tồn tại hòa bình và thiết lập sự cân bằng lợi ích giữa Nga và Mỹ, có tính đến vị thế của Mỹ là cường quốc hạt nhân; 3) Nga chủ trương phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược với các nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo cũng như với các nước thành viên ASEAN, lục địa châu Phi, Mỹ La-tinh và vùng Caribe, vì một thế giới đa cực, đồng thời xác nhận cam kết về một giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề nảy sinh ở khu vực Bắc Cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị tại Moskva (Nga), ngày 22/2/2023. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Quan hệ Nga – Trung Quốc xích lại gần nhau. Cuộc xung đột Nga – Ukraine là một trong những lý do để Mỹ, EU và NATO tăng cường liên kết, nhưng cũng thúc đẩy Nga – Trung Quốc tăng cường quan hệ nhằm đối phó với sức ép của Mỹ và các nước phương Tây. Theo đó, Trung Quốc và Nga nhất trí gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện đã được ký kết năm 2001 thêm 5 năm. Đặc biệt, hai bên khẳng định “không có giới hạn nào trong hợp tác chiến lược Trung Quốc – Nga”. Nga “dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc, vì Trung Quốc là nước láng giềng lớn nhất và là đối tác chiến lược của Nga”. Trung Quốc khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp chiến lược với Nga; đồng thời nhấn mạnh, dù tình hình quốc tế thay đổi, Trung Quốc sẽ “trước sau như một” hợp tác chiến lược với Nga để cùng thắng nhằm bảo vệ lợi ích chung, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới. Điều này đặt Mỹ vào thế cùng lúc đối đầu với sự hợp sức của hai đối thủ mạnh nhất.
Có thể thấy, “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga tiến hành tại Ukraine từ ngày 24/2/2022 với mục tiêu ngăn chặn Ukraine “ngả” về các nước phương Tây đã diễn ra không như những dự báo ban đầu. Cuộc xung đột gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt đối với Ukraine, Nga và EU. Đặc biệt, cuộc xung đột cũng là một trong những nguyên nhân cản trở tiến trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng về giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực,… mà nhân loại đang phải đối mặt; đồng thời, tạo ra những bước ngoặt có thể định hình tương lai của trật tự quốc tế.
MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA VÀ VÙNG LÃNH THỔ
Kể từ khi bùng phát xung đột Nga – Ukraine, cuộc xung đột này vẫn tiếp diễn, chưa biết khi nào mới có thể kết thúc và kết thúc như thế nào. Dù vậy, khoảng thời gian qua cũng đủ để rút ra một số bài học kinh nghiệm chung cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam.
Thứ nhất,nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, nhất là trong quan hệ với nước lớn, vì lợi ích quốc gia – dân tộc. Trong giai đoạn trật tự thế giới đang có xu hướng “đa cực hỗn loạn” xoay quanh trục quan hệ Mỹ – Trung Quốc đang cạnh trạnh gay gắt, các nước có vị trí địa – chính trị và địa – kinh tế quan trọng như Ukraine cần linh hoạt, mở rộng quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,… song cũng phải hết sức tỉnh táo trước mọi tình huống, hoàn cảnh, để giữ vững các cục diện đã được thiết lập, tránh bị “kẹt”, tránh rơi vào thế bị đối đầu hay bị lợi dụng trong quan hệ với các nước lớn, cũng như không để các thế lực thù địch, phản động bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình.
Xem thêm : [LỜI GIẢI] HNO3 loãng không thể hiện tính oxi hóa khi tác dụng với chất nào sau đây?
Thứ hai, không ngừng tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia trên cơ sở cân bằng giữa việc phát triển nội lực đất nước và tận dụng nguồn lực bên ngoài; đồng thời, không xem nhẹ dòng chảy và sức mạnh của thời đại. Nội lực ở đây không chỉ là nội lực kinh tế, mà còn bao hàm các vấn đề đoàn kết xã hội, phát triển trình độ khoa học – công nghệ, kết cấu hạ tầng, trình độ nhận thức của người dân, bất bình đẳng, chênh lệch giàu, nghèo… Tuy nhiên, không nên quá phụ thuộc vào bên ngoài dẫn đến tình trạng thiếu tính độc lập, tự chủ, dễ bị “hòa tan” cũng như dễ rơi vào tình trạng thụ động, bảo thủ hay biệt lập trong hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện. Luôn giương ngọn cờ chính nghĩa, lấy Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới.
Thứ ba, kiến tạo, củng cố và không ngừng phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các đối tác ổn định, bền vững, đủ khả năng chống chịu trước tác động tiêu cực của mọi biến động về mọi phương diện trên thế giới; tăng cường nhận diện và xây dựng lợi ích chung để mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, sao cho các đối tác đều tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ hợp tác khi xảy ra biến cố ở nơi khác, hoặc khi quan hệ giữa các đối tác bên ngoài với nhau biến động gây ra tác động và hệ lụy tiêu cực.
Thứ tư, “vượt quá giới hạn” sẽ khiến bên còn lại phản ứng mạnh mẽ, thậm chí sử dụng quân sự. Khi một cường quốc/một khối, bao gồm các nước lớn hành động vượt mức giới hạn đối với một cường quốc đối địch/hoặc một nhóm các nước lớn đối địch để đạt được những mục tiêu liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, thì nguy cơ cường quốc đối địch/nhóm các nước đối địch sử dụng quân sự để đáp trả vào một thời điểm nào đó là rất lớn. Lịch sử đã chứng minh điều này khi sự sụp đổ của Liên Xô trong những năm 90 của thế kỷ XX đem lại “khoảnh khắc đơn cực” (tạm thời) cho Mỹ. Tuy nhiên, cách hành xử lấy sức mạnh để áp đặt ý chí của mình lên nước khác khiến “khoảnh khắc đơn cực” do Mỹ lãnh đạo đã khép lại sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Thứ năm, tăng cường hợp tác đa phương về quốc phòng – an ninh. Các nước, nhất là các nước lớn có lợi thế trong quan hệ quốc tế trên tất cả lĩnh vực, nhất là về chính trị, quân sự, tiềm lực khoa học – công nghệ và đều là các trung tâm kinh tế thế giới. Vì thế, đẩy mạnh hợp tác đa phương về quốc phòng – an ninh là vấn đề cần thiết, quan trọng; một mặt, nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, nâng cao vị thế, uy tín đất nước; mặt khác, tranh thủ mọi nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm từ các nước để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh của đất nước. Đồng thời, đó còn là một định hướng chiến lược, là kế sách bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Tóm lại, có thể thấy, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã và đang để lại nhiều hệ lụy lớn về kinh tế – xã hội, nhất là lĩnh vực nhân đạo, đặc biệt là tác động nhiều chiều đến cục diện thế giới hiện nay. Trong bối cảnh đó, các nước vừa và nhỏ cần có những ứng xử, chính sách phù hợp, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển và an ninh toàn cầu, vì lợi ích quốc gia – dân tộc cũng như vì lợi ích chung của toàn nhân loại./.
________________________
(1) Chưa kể gần 10 triệu người dân Ukraine đã ở nước ngoài từ trước khi cuộc xung đột xảy ra.
(2) Nga chỉ chấp nhận đàm phán khi Ukraine phải công nhận việc sáp nhập của Nga đối với các vùng lãnh thổ của Ukraine; trong khi đó, Ukraine chỉ chấp nhận đàm phán khi quân đội Nga phải rút toàn bộ khỏi các vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập của Ukraine, kể cả bán đảo Crưm.
(3) Nguyên Phó Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Ngoại sự Chính hiệp toàn quốc khóa XIII Châu Lực phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Trung Quốc và thế giới sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, https://m.huanqiu.com/article/4AuUEsMvHkG.
(4) Tính tổng thể đến cuối tháng 3/2023, Mỹ và các nước phương Tây đã cam kết viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine khoảng 150 tỷ USD, trong đó riêng Mỹ là 76 tỷ USD, với gói hỗ trợ an ninh lên tới 46 tỷ USD. Xem: Hoàng Anh Tuấn: Cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ kết thúc ra sao?, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 28/3/2023.
(Nguồn: TC Cộng sản)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on 06/03/2024 03:34
Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…
Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…
Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…
Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…
Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…
Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024