Categories: Tổng hợp
Published by

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 7-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-5

Sự kiện trong nước

7-5-1944: Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa.

7-5-1948: Thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc.

7-5-1954: Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong 9 nǎm.

Từ giữa năm 1953, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương bắt đầu thực hiện Kế hoạch Nava, xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường chính. Địch chủ trương nhanh chóng tăng cường binh lực trên các hướng bị uy hiếp, củng cố vùng chiếm đóng, tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, coi đó là biện pháp tác chiến chiến lược để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta.

Trên cơ sở phân tích âm mưu của địch và khả năng của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, ta buộc chúng phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh tư liệu

Trước khi ta tiến công, địch đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm. Với lực lượng đông, hoả lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được thế lợi của địa hình, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.

Xác định quân Pháp đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định: tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh và tạo điều kiện cho Lào giải phóng Thượng Lào. Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận là Võ Nguyên Giáp. Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại Mường Phăng. Thời gian nổ súng dự định vào 13-3-1954.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh tư liệu

Kết quả, sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

(Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam)

7-5-1955: Ngày thành lập Quân chủng Hải quân (Cục Phòng thủ Bờ bể thuộc Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh).

Bộ đội hải quân không ngừng phấn đấu, rèn luyện, góp phần xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia môn thi “Cúp biển” trong khuôn khổ Army Games 2021.

Thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ. Nhiệm vụ của Cục là giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu (sau này là quân khu). Ngày 7-5-1955 trở thành mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam.

7-5-1985: Ngày thành lập Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15).

Sự kiện quốc tế

7-5-1840: Ngày sinh Nhà soạn nhạc nổi tiếng nước Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Ông là một trong những người đặt nền móng cho nhạc giao hưởng cổ điển Nga.

Chân dung Tagore. Ảnh: baotintuc.vn

7-5-1861: Tagore, nhà thơ lớn, nhà vǎn hoá lớn của Ấn Độ ra đời tại Kolkata. Ông mất ngày 7-8-1941, thọ 80 tuổi. Ông được coi là thần đồng trong lĩnh vực văn học. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Thơ dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh, Thơ ngắn…

Theo dấu chân Người

Ngày 7-5-1959, Bác thăm Sơn La thuộc Khu tự trị Thái – Mèo và gặp gỡ và động viên đồng bào Thuận Châu: “Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”.

Ngày 7-5-1963, Bác viết bài báo “Kỷ niệm thắng lợi Điện Biên Phủ” (ký bút danh T.L) đăng trên Báo Nhân Dân nhấn mạnh ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này.

Bác Hồ thưởng Huy hiệu cho các cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ (5-1954). Ảnh tư liệu

Ngày 7-5-1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Bác viết vào “Sổ cảm tưởng” của Bảo tàng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ… là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”.

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7-5-1958. Lời dạy của Người đối với sinh viên Việt Nam diễn ra trong bối cảnh miền Bắc đang thực hiện Kế hoạch 3 năm lần thứ hai (1958- 1960). Cùng với các lĩnh vực khác, trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Bác Hồ với thế hệ trẻ. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mới trong thực tiễn đặt ra, đòi hỏi phải kịp thời chấn chỉnh, định hướng. Bác đã chỉ rõ: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không thực hành thì cũng là tri thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: Lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”.

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, t.11, tr.400)

Lời dạy của Người chỉ ra phương châm giáo dục đào tạo bao hàm cả lý luận và thực tiễn, lý thuyết với thực hành, Người xác định lao động là quyền, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tùy khả năng của mình mà tự nguyện, tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà. Mỗi người phải nhận rõ: Lao động là vinh quang, lao động chân tay hay lao động trí óc đều là vẻ vang, đáng quý. Do vậy, học tập phải kết hợp với lao động, sản xuất.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện, đào tạo trong quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện, đào tạo trong quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện, công tác giáo dục đào tạo và được cụ thể hóa thành những quan điểm, nguyên tắc trong huấn luyện. Trong đó, xác định lý luận liên hệ với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành, lấy thực hành làm chính. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, kiểm tra và diễn tập các cấp có bắn đạn thật để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết quả công tác huấn luyện, đào tạo được xác định là một tiêu chí quan trọng, là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, quân đội luôn coi trọng và tiến hành có hiệu quả chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1970, 1973, 1974, 1979, 1984 đăng ảnh Hồ Chủ tịch tặng Huân chương cho các chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên trang nhất ra ngày 7-5-1970 đăng lời của Bác: “Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Trang nhất số 8235 ngày 7-5-1984 đăng lời của Bác: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định sẽ thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1970, 1973, 1974, 1979, 1984.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1354, ngày 7-5-1964 đăng ảnh Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo Đảng, mặt trận, Nhà nước tới dự Mít tinh trọng thể kỷ niệm 10 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5033, ngày 7-5-1975 đăng ảnh Hồ Chủ tịch cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch tiến công Đông Xuân 1953-1954.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5395, ngày 7-5-1976 đăng ảnh Hồ Chủ tịch trên lễ đài Ba Đình khi Đảng và Chính phủ về Thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 12200, ngày 7-5-1995 đăng ảnh Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị xem và duyệt kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 17259, ngày 7-5-2009 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953).

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 17981, ngày 7-5-2011 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 18704, ngày 7-5-2013 đăng ảnh Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận chiến lược: Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1964, 1975, 1976, 1995, 2009, 2011 và 2013. Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1967 và 2015.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2134, ngày 7-5-1967 đăng tin Hồ Chủ tịch ký lệnh thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân Hà Nội.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 19426, ngày 7-5-2015 đăng ảnh Bác Hồ với Bộ đội Hải quân kèm bài viết “Bộ đội Hải quân thực hiện lời dạy của Bác Hồ”.

TƯỜNG VY (tổng hợp)

This post was last modified on 10/02/2024 08:36

Published by

Bài đăng mới nhất

Vận mệnh người tuổi Mùi theo cung hoàng đạo: Bạn có dễ dàng thăng tiến?

Vận mệnh người tuổi Mùi theo cung hoàng đạo: Bạn có dễ thăng tiến không?

4 giờ ago

Tiết lộ vận hạn 12 con giáp tháng 12/2024: Nguy cơ nào đang rình rập?

Hé lộ vận mệnh 12 con giáp tháng 12/2024: Những rủi ro nào đang rình…

5 giờ ago

Cẩm nang may mắn năm 2025 cho tuổi Tý: Cơ hội đổi đời trong tầm tay!

Cẩm nang may mắn năm 2025 cho người tuổi Tý: Cơ hội đổi đời trong…

5 giờ ago

Tử vi hôm nay: 4 con giáp gặp nhiều may mắn ngày 26/11/2024, vận khí đi lên không ngừng

Tử vi hôm nay 4 con giáp ngày 26/11/2024 gặp nhiều may mắn, vận may…

6 giờ ago

Con số may mắn hôm nay 26/11/2024 theo năm sinh: Chọn ĐÚNG SỐ để cuộc sống thêm tuyệt vời

Con số may mắn hôm nay 26/11/2024 theo tuổi sinh: Hãy chọn SỐ ĐÚNG để…

20 giờ ago

Tử vi thứ 3 ngày 26/11/2024 của 12 con giáp: Tý đen đủi, Mùi nhẹ nhõm

Tử vi thứ ba ngày 26/11/2024 của 12 con giáp: Tý xui xẻo, Mùi an…

20 giờ ago