Categories: Tổng hợp

Nội dung cơ bản triết học Nho giáo

Published by

555

Nho giáo là thuật ngữ bắt nguồn từ chữ “Nho”. Theo Hán tự, “Nho” là chữ “Nhân” đứng cạnh chữ “Nhu” mà thành. Nhân là người, Nhu là cần dùng, tức là một hạng người bao giờ cũng cần dùng đến để giúp cho nhân – quần – xã hội biết đường ăn, ở và hành động cho hợp lẽ trời. Chữ Nhu, nghĩa là chờ đợi, đó là những người tài giỏi, đợi người ta cần đến, dùng đến đem tài trí của mình mà giúp đời. Nho gia còn được gọi là nhà Nho, người đã đọc thấu sách thánh hiền, được thiên hạ trọng dụng, dạy bảo cho mọi người sống hợp luân thường, đạo lý.

Nho giáo xuất hiện rất sớm, lúc đầu nó chỉ là những tư tưởng và tri thức chuyên học văn chương và lục nghệ góp phần trị vì đất nước. Đến thời Khổng Tử, đã được Khổng Tử hệ thống hóa thành học thuyết, còn gọi là Khổng học. Khổng Tử đã phát huy học thuyết của Nho gia và định rõ những tư tưởng chủ yếu của nó:

  1. Nói về chữ DỊCH, sự biến hóa của vũ trụ, quan hệ đến vận mệnh của con người;
  2. Nói về những mối luân thường đạo lý của xã hội;
  3. Nói về các lễ nghi trong việc tế tự trời – đất; quỷ – thần.

Nho giáo phát triển qua các thời đại khác nhau, mỗi giai đoạn đều có những đại biểu nhất định, nhưng Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử được coi là những đại nho.

Tác phẩm kinh điển

Bộ Tứ Thư

  1. Đại học: Nguyên văn của Khổng Tử gồm 205 chữ do Tăng Tử chép lại và chú giải. Nội dung chính là tu thân – xử thế sao cho nhân đạo phù hợp với thiên đạo. Đó là tư tưởng tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ.
  2. Trung dung: Sách triết lý phổ thông, 33 chương do Tử Tư cháu của Khổng Tử chép lại. Triết lý hành động đề cao trung dung và biết chờ thời.
  3. Luận ngữ: Lời giảng của Khổng Tử do các môn đồ ghi chép lại, gồm 10 quyển, 20 chương.
  4. Mạnh Tử: 7 quyển, 14 chương, ghi những lời chú giải của Mạnh Tử để làm sáng tỏ học thuyết của Khổng Tử. Ba nội dung chính là tâm học (tính thiện), chính trị học (nhân ái) và công đức Mạnh Tử.

Ngũ kinh

  1. Kinh Thi: Sưu tầm những bài ca dao, phong dao từ thời thượng cổ đến thời Chu Bình Vương (770 trước công nguyên). Gồm 300 thiên, chia làm 3 phần: Phong (phong tục các nước); Nhã (việc nhà Chu); Tụng (dùng trong việc tế lễ).
  2. Kinh Thư: 28 chương, ghi chép những lời dạy, các thệ, mệnh của các lãnh chúa, hiền thân từ Nghiêu, Thuấn đến Đông Chu. Đây là sử liệu quý giá về quá trình diễn biến của dân tộc Trung
  3. Kinh Dịch: Sách viết về lẽ biến hóa của trời đất, vạn vật xét đoán Họa – Phúc – Thành – Suy của đời người. Sách gồm 2 quyển: Kinh gồm 2 quyển có 8 quẻ lớn, 64 quẻ kép, 284 hào, v.v… Truyện gồm 10 thiên lý giải các lẽ biến dịch huyền ảo của tạo hoá.
  4. Kinh Lễ: Ghi chép lễ nghi, biểu lộ tình cảm tốt, tiết chế dục tình, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng, phân chia trật tự, thang bậc xã hội. Gồm ba phần: Nghi lễ (quan hôn tang lễ); Chu Lễ (nghi lễ nhà Chu); Lễ ký (ý nghĩa các nghi lễ). Hai phần đầu đã bị thất lạc, chỉ còn phần Lễ ký.
  5. Kinh Xuân Thu: Tương truyền do chính Khổng Tử biên soạn. Đó là bộ sử thời Đông Chu. Vừa có tính biên niên sử vừa có tính triết lý chính trị vì có những lời chú giải và phê phán của Khổng Tử. Và cuốn này ông viết: “ Thiên hạ biết tới ta là do Kinh Xuân Thu, thiên hạ kết tội ta cũng do Kinh Xuân Thu”

Những tư tưởng triết học cơ bản

Nho giáo là một học thuyết đạo đức – chính trị xã hội dạy về cách hành xử của một “Chính nhân quân tử” trong xã hội, tức là cách người quân tử tổ chức, cai trị xã hội. Nho giáo lấy việc tạo sự ổn định và sự phát triển làm trọng, bằng cách sử dụng đường lối Đức trị và Lễ trị đã có từ thời Nhà Chu. Để xây dựng đường lối Đức trị và Lễ trị Khổng tử đã xây dựng học thuyết: Nhân – Lễ – Chính danh. Đây là ba phạm trù quan trọng nhất trong học thuyết của Khổng tử. Nhân là nội dung, Lễ là hình thức còn Chính danh là con đường đạt đến điều nhân.

Thuyết về “Nhân”

Nhân là nguyên lý đạo đức cơ bản quy định bản tính con người thể hiện việc quan hệ giữa người và người. Nhân có thể được xét theo hai khía cạnh:

Thứ nhất, về mặt thể, nhân là nhân tính, – cái tính tự nhiên trời cho, khiến con người khác với con vật “nhân giả, nhân giã”, người thực hiện được tính nhân thì mới thực là người. Nhưng nhân là nhân tính không chỉ thể hiện trong mỗi cá nhân mà còn thể hiện ở tính cách nhân loại “Đại đồng”, theo nghĩa “Tứ hải giai huynh đệ”. Hơn nữa, nhân là một trong Tam tài: “Thiên – Địa – Nhân” (thiên thời – địa lợi – nhân hòa). Như vậy, biết được tính nhân, thì biết được tính người, biết được tính vạn vật, biết được lẽ sinh trường biến hóa của trời đất của con người.

Thứ hai, về mặt dụng, – nhân là lòng thương người, là sửa mình theo lễ, hạn chế dục vọng, ích kỷ, hành động theo trật tự lễ nghi đạo đức. Muốn làm điều tốt và làm điều tốt cho người khác, rằng: “Điều gì muốn thành công cho mình, thì nên giúp người khác thành công”.

Nhân là phạm trù cao nhất của luân lý, đạo đức, là phạm trù trung tâm trong học thuyết đạo đức – chính trị của nho giáo. Nhân tùy thuộc vào phẩm hạnh, năng lực, hòan cảnh mà thể hiện. Trong xã hội luôn tồn tại hai hạng người đối lập nhau: quân tử – tiểu nhân về chính trị, luân lý, đạo đức: “ Kẻ quân tử bất nhân thì cũng có, nhưng chưa bao giờ lại có kẻ tiểu nhân lại có nhân cả”.

Thuyết về “Lễ”

“Lễ” đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống đạo đức và đời sống chính trị. Lễ theo quan niệm của Khổng Tử vừa là nghi lễ vừa là tế lễ, vừa là thể chế chính trị vừa là quy phạm đạo đức. Theo các nghĩa rộng chữ lễ đã định ở trên, thì tác dụng của lễ có thể chia ra làm bốn chủ đích như: Là để hàm dưỡng tính tình; là để giữ những tình cảm cho thích hợp đạo trung; là định lẽ phải trái và là tiết chế cái thường tình của con người.

Như vậy, lễ là sự tôn trọng lẫn nhau, ý nghĩa sâu xa của chữ lễ là cách đối nhân xử thế trong đạo làm người, trong đó là cách đối xử kính cẩn với người khác và hàm dưỡng tinh thần cho chính mình. Khổng tử nói: “Điều gì không phải thì đừng nhìn, không phải lễ thì đừng nghe, không phải lễ thì đừng nói, không phải lễ thì đừng làm”.

Trong nho giáo, Nhân và Lễ không tách rời nhau, chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Nhân là nội dung, lễ là hình thức, lễ biểu hiện của nhân. Vì vậy, không thể người có tính nhân mà vô lễ được. Khổng tử nói: “Một ngày biết nén mình theo lễ thì thiên hạ sẽ quay mình về nhân vậy”.

Thuyết chính danh

Khổng tử cho rằng thiên hạ bị rối loạn vì vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con, v.v… Từ đó ông đưa ra học thuyết “Chính danh định phận” làm căn bản cho việc trị quốc.

Chính danh là Danh (tên gọi, chức vụ, địa vị, thứ bậc, v.v…) và Phận (phận sự, nghĩa vụ, quyền lợi) phải phù hợp với nhau. Danh không phù hợp là loạn Danh. Danh và phận của một người trước hết do những mối quan hệ xã hội quy định (ngũ luân (tam cương) và ngũ thường). Để chính Danh, nho giáo không dùng pháp trị mà dùng đức trị, là dùng luân lý, đạo đức điều hành xã hội.

Ý nghĩa sâu xa của chính danh thường thể hiện ở mặt dụng với ba khía cạnh: Trước hết, là phân biệt cho đúng tên gọi. Mỗi sự vật cũng như con người phải thể hiện đúng bản tính của mình, mỗi cái tên bao hàm thái độ, trách nhiệm, bổn phận, v.v… để thực hiện bản tính vốn có của nó. Thứ hai, phân biệt cho đúng danh phận, ngôi vị. Thứ ba, danh mang tính phê phán khẳng định chân lý, phân biệt đúng sai, tốt, xấu, v.v…

Nho giáo Việt Nam

Sự du nhập nho giáo và sự ảnh hưởng của nó có ý nghĩa rất lớn trong hệ thống chính trị – văn hóa truyền thống Việt Nam xét cả mặt tích cực và tiêu cực của nó. Nho giáo với hệ thống tư tưởng, chính trị của mình đã giúp xây dựng các nhà nước trung ương tập quyền mạnh và một hệ thống quản lý xã hội chặt chẽ, v.v… Nho giáo đã đào tạo các tầng lớp Nho sĩ Việt Nam yêu nước, tài năng kiệt xuất phục vụ cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

a. Những giá trị

Triết học Nho giáo là triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo giúp đời. Lý tưởng về một xã hội bình trị, một “thế giới đại đồng” là triết lý nhân sinh, tu thân dưỡng tính. Đề cao văn hoá, lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học, v.v… Tư tưởng này thể hiện trong các tư tưởng: Nhân – Lễ – Nghĩa – Bản tính con người – Chính danh người

Nho giáo hướng quảng đại quần chúng nhân dân vào việc giáo dục, tu dưỡng đạo đức theo luân thường đạo lý, giúp xây dựng các quan hệ xã hội có tính ổn định, bền chặt, có tôn ti trật tự, v.v… nhất là quan hệ gia đình. Nho giáo giúp xây dựng tinh thần trung quân ái quốc nhưng không mù quáng trung quân mà vẫn đặt ái quốc lên hàng đầu, coi trọng vận mệnh quốc gia cao hơn các quan hệ xã hội khác.

Nho giáo với các nguyên lý chính trị – đạo đức xã hội của nó đã đáp ứng được các yêu cầu đương thời. Lý thuyết “Tam cương”, “Ngũ thường” của nho giáo tạo cho xã hội một ý thức trật tự, kỷ cương, phù hợp với chế độ phong kiến. Con đường danh – lợi của nho giáo mở rộng về con đường học vấn để làm quan để phò vua và phụng sự đất nước, v.v… Những nguyên tắc đối nhân xử thế uyển chuyển đã chỉ ra con đuờng thoát khi thất thế, làm yên tâm mọi người rên bước đường hoạn lộ. Do vậy, kẻ sĩ đều chọn con đường đạo Nho và luôn đề cao đạo làm người của Đạo Nho.

b. Những mặt tiêu cực:

+ Tin vào số mệnh bởi tư tưởng triết lý định mệnh. Cơ sở lý luận, xuất phát từ KINH DỊCH, đó là sự hòa hợp giữa đạo trời và đạo người trong tam tài: THIÊN – ĐỊA – NHÂN (thiên thời – địa lợi – nhân hòa), thì con người là trung gian, người là đức của trời đất (tính trời), nơi giao nhau của âm dương; trời đất có quy luật của trời đất (đạo trời), con người thể hiện thiên mệnh, thiên lý nơi hành động của mình trong các quan hệ xã hội nên cũng có đạo người, rằng đạo người phải hợp với đạo trời hoặc Phù hợp với ĐẠO TRUNG. Đó là tư tưởng trung dung từ trong kinh dịch phản ánh lẽ tự nhiên trong sự biến hóa của trời đất, có trước – sau, trên – dưới, trong – ngoài, không thiên lệch, thái hoá, bất cập. Trung chính là việc nhận thức, vận dụng các quy luật của tạo hóa trong hoạt động nói chung của con người.

+ Nho giáo quá coi trọng nông nghiệp, bài xích thương nghiệp, có tính bảo thủ không chịu tiếp nhận những cái mới có tính ưu việt hơn, v.v…

+ Không coi trọng con người trong cuộc sống đời thường mà có khuynh hướng đề cao vai trò của của các vĩ nhân, những bậc thánh nhân… và Thượng đế.

+ Trong luân lý xem nhẹ cá nhân, coi trọng gia tộc, cá nhân chưa được phát hiện.

+ Trọng danh phận nhưng chịu nhân nhượng để được yên thân.

+ Thiếu tinh thần tiến thủ.

+ Bảo thủ, trì trệ đối lập với dân chủ…

Ngày nay, tuy không còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống chính trị, nhưng tư tưởng nho giáo tác động rất lớn trong đời sống văn hóa truyền thống của con người Việt Nam. Sự ảnh hưởng đó không chỉ thể hiện về mặt tâm linh, phong tục tập quán mà còn trên những tư tưởng: Nhân – Lễ – Nghĩa, v.v… trong các quan hệ xã hội của con người Việt Nam hiện nay.

This post was last modified on 10/02/2024 00:05

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

8 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

9 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

12 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

17 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

17 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

19 giờ ago