Categories: Tổng hợp

Nguyên tắc hoàn thiện cơ chế liên quan đến hạn chế quyền con người ở Việt Nam

Published by

Trước khi WHO công bố Covid 19 là đại dịch toàn cầu, ở Việt Nam, Chính phủ đã công bố dịch truyền nhiễm ở Việt Nam và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ chuyên môn đến quản lý nhà nước nhằm phòng chống đại dịch nguy hiểm này. Cho đến nay, các giải pháp đó đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trên thực tế. Đại dịch Covid 19 có thể tiếp cận ở nhiều góc độ: y tế, kinh tế, tâm lý, đạo đức và cả pháp lý. Dưới góc độ pháp lý đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến hệ thống pháp luật khi xã hội lâm vào tình trạng bất thường (đại dịch) ở tầm Hiến pháp cho đến các quy định cụ thể. Trong quá trình thực hiện các giải pháp chống dịch, hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ được áp dụng: cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại, xử lý vi phạm…

1.Hạn chế quyền con người trong trường trường hợp cần thiết

Dưới góc độ học thuật, những giải pháp này được gọi là các biện pháp hạn chế (giới hạn) quyền con người . Cơ sở Hiến định của nó là khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đây là quy định mới của Hiến pháp 2013 và được đánh giá rất cao. Với các biện pháp phòng chống dịch hiện nay có thể nói đã “kích hoạt” điều khoản này của Hiến pháp cùng với đó là các đạo luật liên quan như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000.

Như vậy, hạn chế (giới hạn) quyền con người trong trường trường hợp cần thiết có cơ sở Hiến định và luật định và cần tiếp tục xây dựng cơ chế đồng bộ nhằm cụ thể hóa vấn đề này trước hết là các nguyên tắc hạn chế quyền con người sau đó là các quy định cụ thể.

Từ thực tiễn pháp luật, cao nhất là Hiến pháp cũng như khoa học pháp lý cho thấy, ở Việt Nam đang chấp nhận quan điểm tính tương đối của quyền con người. Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp nhất định. Xét về bản chất hạn chế quyền con người là giải quyết sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của người khác và của xã hội. Việc hạn chế quyền con người có thể gây ra hệ quả: (i) xâm phạm đến quyền con người nếu sự hạn chế này nếu phạm vi của nó quá rộng và thủ tục thiếu chặt chẽ và tùy tiện; (ii) quyền lợi của xã hội, quyền lợi của các nhân khác bị xâm phạm nếu quyền con người không bị hạn chế. Chính vì vậy, việc hạn chế quyền con người phải được thực hiện bằng cơ chế đồng bộ, rõ ràng, vận hành trôi chảy. Việc xây dựng, vận hành cơ chế đó phải dựa trên nền tảng những quan điểm mang tính chất nền tảng, chỉ đạo gọi là các nguyên tắc vận hành của cơ chế hạn chạn chế quyền con người. Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948, đã quy định nguyên tắc hạn chế quyền con người này tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.

Cơ chế hạn chế quyền con người chính là cách thức, phương thức mà nhà nước căn cứ vào quy định của Hiến pháp của Luật thực hiện việc hạn chế quyền con người trong các trường hợp nhất định. cơ chế giới hạn quyền con người là hệ thống những phương tiện pháp lý (nguyên tắc, quy định, chế định, hành vi, quan hệ, các thiết chế pháp lý khác…) hay các phương thức được Luật liên bang xác định để thiết lập khuôn khổ, phạm vi hạn chế việc sử dụng quyền con người trong các trường hợp thật cần thiết theo luật định vì mục tiêu bảo vệ quyền, tự do và phẩm giá của con người[1]. Nói đến cơ chế hạn chế quyền con người là nói đến các bộ phận cấu thành của nó gồm: hệ thống các cơ quan thực hiện đặc biệt là tổ chức, thẩm quyền (quyền và nghĩa vụ) của các cơ quan này; hệ thống các nguyên tắc, các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc hạn chế quyền con người; thủ tục, cách thức thực hiện việc hạn chế quyền con người trong những điều kiện và trường hợp Hiến pháp và luật quy định.

Hạn chế quyền con người là việc cần thiết của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền của chủ thể này không xâm phạm đến quyền chủ thể khác đồng thời cân bằng các lợi ích trong xã hội xét cho cùng cũng là bảo vệ quyền con người. Chính vì vậy, trong cơ chế hạn chế quyền con người trước hết phải xây dựng được “bộ khung” của cơ chế vận hành khi hạn chế quyền con người đó chính là các nguyên tắc vận hành của cơ chế hạn chế quyền con người. Các nguyên tắc của cơ chế hạn chế quyền con người là các quan điểm có tính chất nền tảng, chỉ đạo cho việc việc tổ chức và hoạt động của cơ chế hạn chế quyền con người nhằm mục đích tránh được sự tùy tiện trong hạn chế quyền con người.

Cơ sở của việc xây dựng các nguyên tắc của cơ chế hạn chế hạn chế hạn chế quyền con người trước hết nằm ở những tác động động tiêu cực có thể xảy ra trong việc hạn chế quyền con người mà Hiến pháp quy định. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này đó là việc trong tổ chức hoạt động của cơ chế hạn chế quyền con người vi phạm những vấn đề có tính nguyên tắc. Đó là tình trạng khi hạn chế quyền con người chẳng những không bảo vệ được quyền con người, lợi ích chung mà còn xâm phạm đến quyền con người; đó là tình trạng các chủ thể trong cơ cơ chế thực hiện quyền con người có sựu tùy tiện trong việc hạn chế quyền con người thông qua việc vi phạm Hiến pháp hoặc quy định của luật; đó là tình trạng hạn chế quyền con người một cách quá đáng không đảm bảo nguyên tắc tương xứng…. Để khắc phục tính trạng này thì trong tổ chức hoạt động của cơ chế hạn chế quyền con người phải dựa trên những quan điểm có tính chỉ đạo làm nền tảng mang tính định hướng, thống nhất.

Cơ sở lý luận của các nguyên tắc của cơ chế hạn chế quyền con người xuất phát từ bản chất của quyền con người và mối quan hệ giữa người với người, nói cách khác là giới hạn của tự do.

2.Các nguyên tắc của việc hạn chế quyền con người dựa

2.1.Nguyên tắc bảo vệ quyền con người

Mục đích của hạn chê quyền con người cũng là để bảo vệ quyền con người. bởi lẽ “việc giới hạn và hạn chế quyền là những yêu cầu xuất phát từ thực tế cuộc sống mà đã được luật nhân quyền quốc tế ghi nhận, với mục đích chính là để ngăn ngừa sự tùy tiện của các nhà nước trong việc thực thi quyền con người, chứ không phải là để cung cấp công cụ cho các nhà nước vi phạm các quyền đó”[2] . Chính vì vậy, bảo vệ quyền con người là một trong nguyên tắc trong tổ chức, vận hành cơ chế hạn chế quyền con người. Nguyên tắc này đòi hỏi:

Thứ nhất, các thiết chế nhà nước có thẩm quyền hạn chế quyền con người phải được tổ chức và hoạt động đảm bảo nguyên tắc phân quyền trong tổ chức kỹ thuật quyền lực nhà nước (ở Việt Nam là nguyên tắc quyền lực nhà nước là thông phân công phối hợp trong việc thực hiện quyền lập pháp hành pháp và tư pháp). Lý thuyết và thực tế chứng minh Nhà nước là chủ thể có nguy cơ xâm phạm đến quyền con người nhiều nhất.Từ đó đặt ra yêu cầu phải tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước như thế nào để hạn chế nguy cơ này. Nguyên tắc phân chia quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền con người. Dưới góc độ hạn chế quyền con người nguyên tắc này cho thấy các chủ thể được hạn chế quyền con người là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sẽ là sẽ là rất nguy hiểm cho quyền con người khi các chủ thể này vì lý do nào đấy ban hành các đạo luật thực hiện các hành vi hạn chế quá mức cần thiết quyền con người mà thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu.

Thứ hai, nguyên tắc bảo vệ quyền con người trong cơ chế hạn chế quyền con người đòi hỏi cần minh định thẩm quyền của các cơ quan, cá nhân đại diện cho quyền lực nhà nước.. Trong tiếng Pháp, “thẩm quyền” – competence, được hiểu là quyền của một cơ quan nhà nước, hành chính hay tư pháp, một quan chức hành chính hay tư pháp được làm một số việc, được quyết định và ra một số văn bản về một số vấn đề trong phạm vi được pháp luật cho phép. Như vậy, về mặt ngôn ngữ thuật ngữ “thẩm quyền” trong ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp có điểm tương đồng là đều được quan niệm là quyền xem xét, quyết định, giải quyết một vấn đề, hay vụ việc nào đó[3]. Thẩm quyền theo nghĩa chung nhất là phạm vi quyền lực nhà nước mà một chủ thể được thực hiện. Nói cách khác thẩm quyền chính là giới hạn thực hiện quyền lực nhà nước của mỗi chủ thể. Thẩm quyền có nhiều mức độ thẩm quyền Hiến định và thẩm quyền luật định. Thực tế cho thấy, việc phân dịnh thẩm quyền không rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước dễ dấn đến nguy cơ tùy tiện trong hạn chế con người từ đó xâm phạm đến quyền con người. Chính vì vậy, trong cơ chế hạn chế quyền con người thì việc xác định rõ thẩm quyền hạn chế chế quyền con người trong Hiến pháp và pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng

Thẩm quyền có ý nghĩa trong việc thực hiện hạn chế hạn chế quyền con người thể hiện rất rõ trong tố tụng hình sự – một lĩnh vực mà ở đó, quyền con người dễ bị xâm phạm nhất từ phía nhà nước và để lại hậu quả nặng nề nhất. Trong TTHS, Hiến pháp cho phép trong một số trường hợp được hạn chế quyền con người để phục vụ việc phát hiện xử lý tội phạm. Quyền con người bị hạn chế ở đây là quyền tự do than thể, tự do đi lại và một số quyền tự do khác. Điều 20 Hiến pháp quy định: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định. Trong quy định này của Hiến pháp đã nhấn mạnh yếu tố thẩm quyền áp dụng. Thẩm quyền này được giao cho Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân. Theo qui định của Hiến pháp 2013, các tiêu chí quốc tế về nhân quyền và thông lệ quốc tế thì việc bắt người phải do các tòa án và các cơ quan tư pháp mà chủ yếu là do Viện Kiểm sát (cơ quan công tố) nhưng BLTTHS 2003 lại qui định thẩm quyền bắt người chủ yếu cho Cơ quan điều tra, người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới. Tuy nhiên, theo qui định của Hiến pháp 2013, các tiêu chí quốc tế về nhân quyền và thông lệ quốc tế thì việc bắt người phải do các tòa án và các cơ quan tư pháp mà chủ yếu là do Viện Kiểm sát (cơ quan công tố) nhưng BLTTHS 2003 lại qui định thẩm quyền bắt người chủ yếu cho Cơ quan điều tra. Tại các điều 80, 81 BLTTHS 2003 qui định cho người có thẩm quyền của Cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định bắt người trong trường hợp khẩn cấp mà không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát và có thẩm quyền ra quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam, trường hợp này cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát trước khi thi hành lệnh bắt. Thực tế cho thấy lệnh bắt người chủ yếu do Cơ quan điều tra ban hành còn lệnh bắt người của Tòa án, Viện kiểm sát chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các lệnh bắt người hằng năm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là điều bất hợp lý của Luật tố tụng hình sự Việt Nam và là yếu tố tác động tiêu cực đến quyền con người, chưa phù hợp với qui định của Hiến pháp 2013 cần phải sửa đổi bổ sung.

Thứ ba, nguyên tắc vận hành của cơ chế hạn chế đòi hỏi phải có cơ chế bảo vệ quyền con người. Cụ thể ở đây là cơ chế phán quyết để bảo vệ quyền con người khi có sự hạn chế quá mức cần thiết đối với quyền con người. Hạn chế quyền con người không thể tránh khỏi sự xung đột giữa một bên là nhà nước đại diện là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bên kia là những cá nhân, nhóm chủ thể bị hạn chế quyền. Khi có sự xung đột như vậy thì sự hiện diện của cơ chế phán quyết là rất quan trọng một mặt hạn chế sự lạm quyền, tùy tiện từ phía nhà nước trong việc đưa ra các quy định hạn chế quyền con người, mặt khác bảo đảm được việc hạn chế quyền con người đúng mục dích và giới hạn mà hiến pháp quy định. Cơ chế phán quyết trong trường hợp này ở nhiều quốc gia trên trên thế giới đã tồn tại và vận hành ổn định. Cơ chế này được giao cho các Tòa án đảm nhiệm. Trước hết, tòa án có nhiệm vụ giải thích các quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền con người và giới hạn quyền con người thông qua những vụ án cụ thể. Bởi lẽ, các quy định của Hiến pháp mang tính nguyên tắc, nếu không được giải thích cụ thể và phù hợp, sẽ tạo ra những lỗ hổng cho việc lạm dụng hoặc nguy cơ thiết lập một cách quá mức cần thiết những hạn chế đối với việc thực hiện các quyền con người.

Ở Việt Nam thì cơ chế bảo vệ quyền con người trọng hạn chế quyền con người bằng Tòa án còn rất mờ nhạt. Nguy cơ xâm phạm đến quyền con người trong việc hạn chế quyền con người được thực hiện trước hết đến từ các các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Thực tiễn Việt nam thời gian qua cho thấy đã xuất hiện đạo luật có dấu hiệu vi hiến trong việc hạn chế quyền con người[4]. Tuy nhiên, cơ chế để xử lý các văn bản quy phạm pháp luật như vậy không do Tòa án phán quyết mà bằng các cách như: cơ quan ban hành văn bản tự hủy bỏ, cơ quan cấp, quốc hội, Hội đồng nhân dân trên đình chỉ, hủy bỏ. Thực tế cho thấy việc hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi hiến như trên là rất ít.

Điểm nổi bật nhất trong cơ chế bảo vệ quyền con người khi nhà nước hạn chế quyền con người ở Việt nam đó chính là cơ chế Tòa án hành chính. Theo đó, các quyết định hành chính cá biệt, hành vi hành chính của cơ quan hành chính có thể bị công dân khởi kiện tại tòa.

Trong bối cảnh chưa có cơ chế phán quyết các đạo luật vi hiến bằng Tòa án, trong khi đó nếu thiếu cơ chế này thì việc xâm phạm đến quyền con người khi nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sẽ sễ xảy ra thì việc kích hoạt và tang cường hiệu quả của các cơ chế hiện có là điều cần thiết

2.2.Nguyên tắc hạn chế quyền con người không được trái Hiến pháp và pháp luật (hạn chế quyền con người trên cơ sở luật định)

Điều 29 của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người 1948 đã tuyên bố: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do pháp luật quy định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. Cụ thể hóa tư tưởng này, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2, Điều 14). Quan điểm có tính chất chỉ đạo ở đây đó là việc giới hạn quyền con người không thể tùy tiện mà phải được hiến định và được luật hóa. Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã hiến định nguyên tắc này. Theo đó, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do Luật định. Điều này xác lập nguyên tắc quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế bằng Luật chứ không phải các văn bản dưới luật. Đây được coi là điểm sáng của Hiến pháp 2013 và kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng hạn chế quyền con người một cách tùy tiện nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay khi luật cần có các văn bản hướng dẫn dưới luật mới thi hành được. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng giới hạn quyền con người thuộc thẩm quyền của Quốc hội bằng một đạo luật do Quốc hội ban hành hay bằng pháp luật nói chung có lẽ không quan trọng bằng chất lượng của các đạo luật cũng như pháp luật nói chung. Trong Tuyên ngôn nhân quyền 1948 cũng như Hiến pháp nhiều nước đã sử dụng cụm từ “pháp luật” thay cho “luật” với ý nghĩa đạo luật do Quốc hội ban hành. Điều đó không nghĩa là là ở đó, việc hạn chế quyền con người là tùy tiện. Đặc biệt, việc hạn chế quyền con người bằng luật hay pháp luật nói chung đều phải có cơ chế kiểm soát và phán quyết các văn bản quy pháp luật có dấu hiệu vi hiến. Nếu có được điều đó thì thiết nghĩ, việc giới hạn quyền con người bằng luật hay pháp luật là không phải là điều quá quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng: việc chỉ cho phép văn bản với tên gọi là “luật” của Quốc hội có thể hạn chế quyền là bất khả thi. Không một quốc gia nào có thể chỉ dùng đạo luật của cơ quan lập pháp để hạn chế quyền. Và thực tế ở Việt Nam cho thấy, một khi các đạo luật đang còn quá phụ thuộc vào sự chi tiết hóa của các văn bản dưới luật, không thể không cho phép các văn bản dưới luật hạn chế quyền[5].

Xét dưới góc độ cơ chế hạn chế quyền con người, nguyên tắc này đòi hỏi, việc tổ chức các thiết có thẩm quyền hạn chế quyền người, pháp luật về hoạt động của nó và thực tiễn áp dụng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật, chỉ được phép áp dụng những biện pháp hạn chế quyền con người mà pháp luật yêu cầu và cho phép;

– Các cá nhân có thẩm quyền phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền của mình để xác định để xác định căn cứ và giới hạn khi hạn chế quyền con ngườiluôn tôn trọng và bảo vệ các quyềncon người

Nguyên tắc này cũng đòi hỏi cần có cơ chế giám sát việc hạn chế quyền con người tránh lạm quyền. Cơ chế này có thể là cơ chế bên trong Bộ máy nhà nước ví dụ cơ chế kiểm soát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, theo đó VKSND xem xét phê chuẩn các lệnh bắt người hay tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra, kiểm sát giam giữ…; cơ chế giám sát của cơ quan dân cử; cơ chế giám sát xã hội và cơ chế giám sát của công dân

2.3.Nguyên tắc bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích chính đáng của công dân

Nguyên tắc này hướng tới mục đích của giới hạn quyền con người nói chung và mục đích hướng tới của cơ chế hạn chế quyền con người là nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích của người khác theo đúng triết lý của hạn chế quyền nguyên tắc này là thừa nhận sự xung đột giữa quyền của người này với quyền của người khác cũng như với lợi ích chung của toàn xã hội. Đây là điều không thể tránh khỏi vì bảo vệ phạm vi tự do chính đáng của người này cũng chính là sự hạn chế tự do của người khác. Nguyên tắc này đảm bảo một không gian hợp lý để công dân “tự do” thực hiện quyền của mình, miễn là không lấn vào những phần bị nhà nước “hạn chế”. Các quyền “tự do” không phải là tự do tuyệt đối. Ở thời đại ngày nay, mọi quốc gia giống nhau ở chỗ đều công nhận các quyền và tự do cơ bản và chỉ khác nhau ở phạm vi các quyền bị hạn chế và phương pháp đặt ra vùng bị hạn chế đó.

Lợi ích nhà nước không xuất hiện trong Hiến pháp Việt Nam cũng rất hiếm trong Hiến pháp các nước trên thế giới trong khi quy định giới hạn quyền[6]. Nhưng trong pháp luật Việt Nam lại rất hay được nhắc đến. Vấn đề quan trọng mà nguyên tắc này đòi hỏi đó chính là làm rõ thế nào là lợi ích nhà nước? Và mối quan hệ ưu tiến giữa lợi ích nhà nước và lợi ích của cá nhân?

2.4.Nguyên tắc cụ thể hóa cơ chế hạn chế quyền con người

Quyền con người đòi hỏi được bảo vệ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: hình sự, dân sự, hành chính… Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực thì việc hạn chế quyền con người có nội dung, có ý nghĩa quan trọng, yêu cầu khác nhau. Chính vì vậy tổ chức thực hiện (cơ chế) hạn chế quyền con người phải được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực cụ thể. Yêu cầu cụ thể hóa cơ chế hạn chế quyền con người trong các lĩnh vực cụ thể được đặt ra ở các phương diện như căn cứ, thẩm quyền, thủ tục. Trong lĩnh vực hình sự, nhà nước có quyền hạn chế quyền con người nhằm để áp dụng trách nhiệm hình sự- một trong những loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất thì cơ chế hạn chế quyền con người đòi hỏi cần phải chặt chẽ tránh các hành vi lạm dụng quyền lực nhà nước áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người. Biểu hiện rõ nhất về hạn chế quyền con người trong lĩnh vực hình sự đó là việc quy định và áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong TTHS như bắt người, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cứ trú… các biện pháp này tác động rất tiêu cực đến quyền con người. Chính vì vậy, nhiệm vụ của luật TTHS là cụ thể hóa chặt chẽ căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người với yêu cầu bao trùm của hạn chế quyền con người là vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong lĩnh vực TTHS nguyên tắc hạn chế quyền con người xét dưới góc độ chơ chế áp dụng là những quyền cơ bản của con người phải do Tòa án áp dụng. Tuy nhiên trong luật TTHS Việt Nam hiện nay, các biện pháp ngăn chặn trước giai đoạn xét xử đều do Viện kiểm sát phê chuẩn. Điều này làm người ta nghi ngờ về tính thận trọng, chặt chẽ của cơ chế hạn chế quyền con người trong TTHS Việt Nam.

Đối với lĩnh vực dân sự, cơ chế áp dụng các biện pháp giới hạn quyền con người dựa trên nguyên tắc giới hạn quyền con người nói chung và nguyên tắc căn bản của dân luật đó là tôn trọng tự thỏa thuận của các chủ thể trong khi thực hiện các quyền dân sự trừ khi sự thỏa thuận của họ xâm phạm lợi ích công cộng. Ví dụ có các áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không trong dân sự do đương sự đề xuất.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, việc giới hạn quyền con người mang tính đặc thù là chỉ thực hiện khi giáo dục, thuyết phục không được chấp hành và được áp dụng ngay cả khi không có vi phạm pháp luật. Với đặc thù của lĩnh vực quản lý nhà nước là rộng lớn, diễn ra hàng ngày hàng giờ nên yêu cầu đối với cơ chế hạn chế quyền con người trong lĩnh vực hành chính là đơn giản, nhanh chóng hơn so với cơ chế này trong lĩnh vực hình sự. Ví dụ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những ngành nghề hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

3.Kết luận

Mục đích của việc hạn chế quyền con người là bảo vệ tốt quyền con người có đạt được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yêu cầu cần có cơ chế để thực hiện. Cơ chế hạn chế quyền con người là đa dạng có các mức độ khác nhau do các chủ thể khác nhau thực hiện. Việc hoàn thiện cơ chế hạn chế quyền con người có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế hạn chế quyền con người cần có những quan điểm chỉ đạo để quá trình xây dựng, thực hiện các cơ chế hạn chế quyền con người vận hành hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền con người./.

Quảng Nam chuẩn bị sẵn sàng một khu cách ly để điều trị cho người nhiễm bệnh nếu dịch Covid-19 bùng phát ở địa phương – Ảnh: Dantri.vn

[1] Mai Văn Thắng, Cơ chế giới hạn chính đáng các quyền con người ở Liên bang Nga

[2]Vũ Công Giao, Những tiến bộ và hạn chế trong chế định quyền con người, quyền công dân của Dự thảo 3 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013, Tạp chí Khao học ( Luậtj học) Đại học Quốc gia Hà Nội, số 3 năm 2013, tr.

[3] Phạm Hồng Thái, Chức vụ và thẩm quyền chức vụ trong cơ quan hành chính nhà nước Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 25 (2009) 67-73

[4] Điều 5, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung kiểm tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, lực lượng này có quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều này có nghĩa, bất cứ loại phương tiện hay các thiết bị nói trên đều nằm trong diện có nguy cơ bị CSGT trưng dụng bất cứ lúc nào

[5] Bùi Tiến Đạt, Hiến pháp hóa nguyên tắc giới hạn quyền con người: Cần nhưng chưa đủ, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 6 năm 2015

[6] Điều 51 Hiến pháp Trung Quốc: “Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khi thực hiện quyền tự do và quyền lợi của mình không được xâm hại đến tự do và quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, xã hội, tập thể và công dân khác”.

TS. ĐINH THẾ HƯNG

This post was last modified on 07/03/2024 02:57

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

7 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

7 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

10 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

15 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

15 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

17 giờ ago