Categories: Tổng hợp
Published by

Ngày 03/7/2020, với 77,92% số phiếu đồng ý sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1993, Tổng thống V. Putin ký sắc lệnh chính thức công bố Hiến pháp mới của Liên bang Nga (gọi tắt là Hiến pháp năm 2020). Mục tiêu xuyên suốt của Hiến pháp năm 2020 là nhằm khẳng định, củng cố và xây dựng nước Nga độc lập, có chủ quyền, phát triển ổn định, thịnh vượng và đóng góp tích cực vào một trật tự thế giới mới công bằng và bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới.

Chủ quyền quốc gia Nga là vô điều kiện

Được kế thừa vị thế Liên Xô – quốc gia đã từng đóng vai trò quyết định cứu loài người thoát khỏi thảm họa chủ nghĩa phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai và là một trong những quốc gia sáng lập Liên hợp quốc, lẽ ra Liên bang Nga phải là quốc gia có quyền chủ quyền và được tôn trọng như bất cứ thành viên nào trong cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, sau khi Liên Xô tan rã, mặc dù Liên bang Nga đã lựa chọn con đường hội nhập với phương Tây, nhưng Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục có nhiều hành động nhằm làm tan rã nước Nga. Cụ thể, theo đề án Harvard của Mỹ, nhiệm vụ tiếp theo của Washington sau Chiến tranh lạnh là làm tan rã quân đội Nga; loại bỏ nước Nga trên bàn cờ chính trị thế giới theo 3 giai đoạn: “cải tổ” (1985 – 1990), “cải cách” (1990 – 1995) và “kết thúc” (1995 – 2000); phân chia lãnh thổ Nga thành 40 – 45 khu vực hành chính, chính trị và kinh tế độc lập; xóa bỏ hoàn toàn các di sản của chủ nghĩa xã hội ở Nga; áp dụng chế độ sở hữu tư nhân toàn diện; giảm dân số Nga xuống 10 lần (chỉ còn khoảng 30 triệu người). Vì thế, trong Thông điệp liên bang năm 2020 đọc trước cả hai viện của Quốc hội Nga, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh: Nước Nga chỉ có thể tồn tại và phát triển như một quốc gia có chủ quyền. Đối với nhân dân ta, chủ quyền quốc gia là vô điều kiện. Theo Tổng thống V. Putin, điều này có nghĩa là tất cả yêu cầu của luật pháp và các điều ước quốc tế cũng như các quyết định của các tổ chức quốc tế chỉ có thể được thực hiện trên lãnh thổ Nga khi và chỉ khi không vi phạm quyền, tự do của người dân và không trái với Hiến pháp của Liên bang Nga.

Thông điệp của Tổng thống V. Putin xuất phát từ thực tế là, Hiến pháp Nga năm 1993 được soạn thảo theo ý kiến tư vấn của các chuyên gia pháp lý đến từ Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ và phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 17/6/1992, Tổng thống Boris Yeltsin thông báo về chủ trương nước Nga lựa chọn con đường phát triển tự do và dân chủ kiểu Mỹ và mời các cố vấn kinh tế, pháp lý của Mỹ tới Moscow để giúp Nga thực hiện “công cuộc cải cách” này. Được sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các cố vấn Mỹ đã tư vấn cho chính phủ Nga thực hiện nhiều biện pháp cải cách kinh tế – xã hội và pháp luật. Về kinh tế, Nga thực hiện “liệu pháp sốc”: tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế. Về pháp luật, Nga xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên trong kỷ nguyên “hậu Xô Viết” nhằm cải cách toàn bộ hệ thống chính trị, quân sự, an ninh, giáo dục, văn hóa và khoa học – công nghệ với hy vọng quá trình này sẽ tạo ra “sự phát triển thần kỳ” cho nước Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp “cải cách” của Tổng thống Yeltsin đã đưa nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Về chính trị, bản Hiến pháp Nga 1993 đã “tự tước bỏ” chủ quyền của Liên bang Nga. Thí dụ, Khoản 4, Điều 15 quy định: “Nếu các hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật khác với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”. Nghĩa là, đặt hiệp ước quốc tế lên trên Hiến pháp Nga. Hay tại Khoản 1, Điều 62 quy định: “Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài (quốc tịch kép)”1. Lợi dụng điều khoản này, hàng loạt quan chức chính phủ, Quốc hội Nga có hai quốc tịch và được lưu giữ tài sản cá nhân tại các ngân hàng nước ngoài. Như vậy, Hiến pháp Nga năm 1993 đã tước bỏ một phần quan trọng thuộc chủ quyền quốc gia của Nga. Nguyên nhân sâu xa ở đây là sau khi Liên Xô bị giải thể, dù nước Nga lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, thì Mỹ và đồng minh vẫn chủ trương làm tan rã Liên bang Nga trên bàn cờ chính trị thế giới. Chính vì thế, công cuộc cải cách nước Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin đã hoàn toàn bị phá sản và ông ta phải trao quyền Tổng thống Nga cho Thủ tướng V. Putin vào ngày 31/12/1999.

Sau khi đắc cử tổng thống vào đầu năm 2000, Tổng thống V. Putin chủ trương xây dựng một nước Nga độc lập, có chủ quyền, phát triển thịnh vượng và trở thành một cường quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Do đó, hơn ai hết, Tổng thống V. Putin nhận thấy bản Hiến pháp Nga năm 1993 không chỉ như “quả bom nổ chậm”, sẵn sàng được “kích nổ” để phá hoại chủ quyền quốc gia, mà còn xóa bỏ toàn bộ truyền thống lịch sử hàng nghìn năm của nước Nga, trong đó có lịch sử thời Xô Viết hào hùng. Trong 20 năm cầm quyền, mặc dù bị bao vây, cấm vận và chống phá quyết liệt từ bên ngoài, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin, nước Nga đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, Liên bang Nga phải đương đầu với chiến lược cấm vận gắt gao nhất của Mỹ và đồng minh. Đây là đòn trừng phạt được giới phân tích nhìn nhận như là “tối hậu thư” của Mỹ nhằm vào Nga, trước hết là nhằm cô lập Tổng thống V. Putin. Trong tình thế đó, những quan chức Nga bị Mỹ cấm vận phải đứng trước sự lựa chọn: chống lại Tổng thống V. Putin để giữ được tài sản ở nước ngoài hay ủng hộ ông để chịu mất hết tất cả. Các biện pháp cấm vận đó của Mỹ và đồng minh đều hướng tới mục tiêu tiến hành “cuộc đảo chính” vào năm 2024. Theo Hiến pháp Nga năm 1993, ông V. Putin sẽ không có quyền ra ứng cử tổng thống sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ liên tiếp vào năm 2024. Khi đó, các lực lượng đối lập ở Nga với sự “chống lưng” của Mỹ và một số nước phương Tây sẽ tiến hành “cuộc cải tổ 2.0” để đưa nước Nga quay trở lại quỹ đạo thời Boris Yeltsin; những thành tựu mà Nga đạt được trong 20 năm qua sẽ bị xóa bỏ và nước Nga sẽ rơi vào tình trạng bất ổn.

Sửa đổi Hiến pháp 1993 nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia

Mục tiêu xuyên suốt các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp Nga năm 1993 là nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của Nga, đưa nước Nga phát triển thành cường quốc về kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh trong những thập kỷ tới. Để khẳng định chủ quyền quốc gia, Hiến pháp năm 2020 có bổ sung Điều 79 với nội dung: “Mọi quyết định của các tổ chức quốc tế được thông qua trên cơ sở các hiệp ước và hiệp định quốc tế mà Nga ký kết sẽ không có hiệu lực trên lãnh thổ Liên bang Nga một khi trái với Hiến pháp Nga”. Để khắc phục tình trạng quan chức trong các cơ quan lập pháp và hành pháp của Liên bang Nga có hai quốc tịch, thậm chí mở tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài và sở hữu tài sản ở nước ngoài, Hiến pháp sửa đổi bổ sung thêm Điều 77: “Các công dân Nga là những người đứng đầu các chủ thể của Liên bang Nga, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Hạ viện Nga, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng Liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp liên bang khác không được phép có quốc tịch nước ngoài, không được có giấy phép cư trú hoặc bất kỳ loại giấy tờ nào khác cho phép họ cư trú thường xuyên trên lãnh thổ một quốc gia khác; không được phép mở tài khoản và cất giữ tài sản tại các ngân hàng nước ngoài bên ngoài lãnh thổ Nga”. Điều khoản này cũng được áp dụng đối với người ra tranh cử tổng thống Nga. Ngoài ra, ứng cử viên tổng thống Nga còn có thêm yêu cầu phải định cư liên tục trên lãnh thổ Nga không dưới 25 năm. Những sửa đổi này, có ý nghĩa như việc “quốc hữu hóa” giới tinh hoa chính trị của Nga. Đồng thời, Hiến pháp năm 2020 xác định: Liên bang Nga là quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và trong quan hệ quốc tế cũng như các cơ quan và các tổ chức quốc tế; kế thừa truyền thống lịch sử hàng nghìn năm và có trách nhiệm bảo vệ ký ức lịch sử về những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc; tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia trên toàn lãnh thổ của Liên bang Nga có chức năng gắn kết các dân tộc tạo nên nhà nước Nga, văn hóa Nga là di sản quốc gia nhiều dân tộc và được nhà nước bảo vệ; xây dựng một nhà nước luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết với những chế độ ưu việt tương tự như nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Một trong những động thái được dư luận Nga và quốc tế quan tâm là Hiến pháp Nga năm 2020 có bãi bỏ điều khoản hạn chế 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp để đương kim Tổng thống V. Putin tiếp tục ra tranh cử vào năm 2024 hay không? Trong buổi thảo luận tại Duma quốc gia về sửa đổi Hiến pháp Nga năm 1993, Nghị sĩ Đảng Nước Nga thống nhất, bà Valentina Tereshkova, nhận định sau năm 2024, nước Nga sẽ phải đương đầu với những thách thức rất lớn. Khi đó, một người có uy tín lớn như V. Putin sẽ là bảo đảm chắc chắn và tin cậy cho sự phát triển của nước Nga cũng như hòa bình và an ninh của thế giới. Chính mối lo ngại về tương lai của nước Nga sau năm 2024 là lý do chủ yếu khiến tất cả nghị sĩ Quốc hội Nga cũng như đại đa số người dân Nga muốn tạo cơ hội cho ông V. Putin ra tranh cử tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại. Nhà báo Nga Margarita Simonyan, Tổng Biên tập kênh truyền hình RT – Hãng Thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay” và Hãng Thông tấn Nga “Sputnik” nhận định: “Trước đây, ông V. Putin chỉ đơn giản là tổng thống và có thể thay thế. Còn bây giờ ông ấy là lãnh tụ của nhân dân Nga. Chúng tôi không cho phép ai thay thế ông”. Tuy Điều 81 trong Hiến pháp Nga năm 2020 vẫn giữ nguyên quy định một người không được giữ chức tổng thống Nga quá 2 nhiệm kỳ, nhưng có thêm nội dung quy định đối với người đã và đang đảm nhiệm cương vị tổng thống vào thời điểm Hiến pháp sửa đổi bắt đầu có hiệu lực (04/7/2020) thì sẽ không tính các nhiệm kỳ tổng thống đã từng đảm nhiệm thời điểm đó. Như vậy, chiểu theo khoản 3.1, Điều 81 của Hiến pháp Nga sửa đổi, Tổng thống đương nhiệm vẫn được quyền ra tranh cử vào năm 2024. Nếu đắc cử trong 2 cuộc bầu cử vào năm 2024 và 2030, ông V. Putin có thể sẽ là Tổng thống Nga tới năm 2036.

Như vậy, với bản Hiến pháp sửa đổi đã được đại đa số cử tri Nga bỏ phiếu tán thành, nước Nga hoàn toàn giành lại chủ quyền quốc gia để tiếp tục phát triển ổn định, thịnh vượng và phát huy ảnh hưởng tích cực trên thế giới dưới sự lãnh đạo của V. Putin – nhà lãnh đạo luôn đặt lợi ích của nước Nga và nhân dân Nga lên trên hết, đồng thời có đủ quyết tâm chính trị, nghị lực và năng lực để thực hiện quyết tâm đó.

Đại tá LÊ THẾ MẪU – Thượng tá ĐỖ VĂN MAI ______________

1 – Hiến pháp của Liên bang Nga năm 1993.

This post was last modified on 02/02/2024 18:31

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

7 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

7 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

10 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

15 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

15 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

17 giờ ago