Categories: Tổng hợp

Phong Trào Cần Vương – Nguyên Nhân, Diễn Biến Và Ý Nghĩa Lịch Sử

Published by

Trong giai đoạn cuối thế kỉ 19, phong trào Cần Vương đã diễn ra nhằm chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tuy phong trào thất bại nhưng mang đến những ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện tính dân tộc sâu sắc.

Vậy nguyên nhân bùng nổ phong trào Cần Vương là gì? Diễn biến các giai đoạn trong phong trào Cần Vương như thế nào và ý nghĩa lịch sử của phong trào Cần Vương là gì? Cùng Trung tâm gia sư WElearn tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

>>>> Xem thêm: Gia Sư Lớp 11

1. Phong trào Cần Vương là gì?

Cần Vương là cứu vua, mang nghĩa là phò vua cứu nước. Phong trào Cần Vương bản chất là tập hợp hệ thống những cuộc khởi nghĩa vũ trang khắp toàn quốc từ năm 1885 đến năm 1896 với sự hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Mô hình của trào lưu này còn riêng rẽ và mang tính địa phương. Trong lịch sử Việt Nam đã từng có những lực lượng nhân danh giúp vua như thời Lê Sơ, các cánh quân hưởng ứng lời kêu gọi của vua Lê Chiêu Thống chống lại quyền thần Mạc Đăng Dung.

Chiếu Cần Vương có chức năng mời gọi tất cả nhân dân toàn quốc đứng lên cùng đoàn kết để cứu vua chống lại thực dân. Chính lời mời gọi đó đã bùng nổ một trào lưu chống Pháp lớn mạnh khắp toàn quốc. Trong số đó, có thể kể đến một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như: Khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hóa) do Phạm Bành – Đinh Công Tráng chỉ huy, khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên) do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy, khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng chỉ huy…

2. Nguyên nhân bùng nổ phong trào Cần Vương

  • Vào những năm 1884 thì thực dân Pháp đã đô hộ và thống trị toàn cõi lãnh thổ Việt Nam. Pháp có những chính sách đàn áp và bóc lột nhân dân rất tàn bạo. Sau hai Hiệp ước Hác-măng và Pa-tơ-nốt, Pháp đã hoàn thành về cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam, thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kì và Trung Kì.
  • Phái chủ chiến trong triều đình Huế, đại diện là Tôn Thất Thuyết mạnh tay hành động, phế bỏ những ông vua thân Pháp, đưa Hàm Nghi lên ngôi, bí mật xây dựng sơn phòng, tích trữ lương thảo và vũ khí để chuẩn bị chiến đấu.
  • Đại biểu cho phe chủ chiến trong triều là Phan Đình Phùng, Ông Ích Khiêm, Trần Xuân Soạn… đứng đầu là Tôn Thất Thuyết (1835 – 1913). Mặc dù có những điểm bất đồng trong chuyện phế lập, nhưng phái chủ chiến và đa số hoàng tộc đã nhanh chóng thông qua kế hoạch táo bạo đánh úp quân Pháp ở đồn Mang Cá và toàn bộ khu vực Kinh thành của Tôn Thất Thuyết.
  • Cuộc phản công dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thất Thuyết vào đêm ngày 4 rạng ngày 5-7-1885, hạ lệnh tấn công Pháp tại đồn Mang Cá, tòa Khâm sứ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Pháp phản công, Cuộc phản công của phái chủ chiến thất bại buộc Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị).
  • Khi tới Tân Sở (Quảng Trị), quân sĩ chỉ còn 500 người. Ngày 13-7-1885, Chiếu Cần Vương lần 1 được ban ra: Tôn Thất Thuyết mượn danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu, nhân dân cả nước đứng lên vì vua mà kháng chiến. Phong trào Cần Vương bùng nổ..
  • Chiếu Cần Vương lần 2 được ban ra tại Ấu Sơn của Hà Tĩnh vào ngày 20 tháng 9 năm 1885 => Từ đó bùng nổ mạnh mẽ cuộc kháng chiến Cần Vương.

3. Nội dung của Chiếu Cần Vương

Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi biên soạn nhằm kêu gọi nhân dân khắp cả nước tham gia vào cuộc chiến chống lại thực dân Pháp lúc bấy giờ. Nội dung Chiếu Cần Vương xoay quay việc:

  • Tố cáo lên tội ác xâm lược của thực dân Pháp.
  • Tố cáo sự phản bội của một số quan lại.
  • Lên án tính bất hợp pháp của triều đình do Pháp dựng lên.
  • Khẳng định quyết tâm kháng chiến của triều đình mà đứng đầu là vua Hàm Nghi.
  • Thôi thúc, kêu gọi và khích lệ sĩ phu, văn thân cũng như nhân dân cả nước cùng tham gia cuộc chiến giúp vua khôi phục quốc gia phong kiến độc lập.

4. Diễn biến của phong trào Cần Vương (gồm hai giai đoạn)

4.1. Giai đoạn thứ nhất (1885 – 1888)

Phong trào diễn ra với danh nghĩa Cần Vương, phát huy lòng yêu nước cao độ và huy động sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân. Phong trào Cần Vương trong giai đoạn đầu diễn ra rời rạc và nhỏ lẻ chưa tạo được tiếng vang và sự liên kết giữa các cuộc khởi nghĩa ở các địa phương lại với nhau.

Lúc đầu, “Triều đình Hàm Nghi” với sự phò tá của 2 người con Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Thiệp, Đề đốc Lê Trực, Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân di chuyển và chiến đấu ở vùng rừng núi Quảng Bình; sau phải vượt Trường Sơn, qua đất Hạ Lào về vùng sơn phòng Ấu Sơn (Hà Tĩnh). Đây là trang sử vẻ vang hiếm có của một ông vua yêu nước khi dòng họ mình nói chung đã hàng giặc. Để chiến đấu lâu dài, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn quyết định vượt vòng vây đi xây dựng lực lượng kháng chiến ở Thanh Hoá, rồi qua Trung Quốc.

Tháng 12-1886, theo lệnh Toàn quyền Pôn Be (P. Bert), Đồng Khánh xuống 1 dụ kêu hàng, nhưng không một ai trong “Triều đình Hàm Nghi” chịu buông súng.

Ngược lại, chưa bao giờ cả nước ta lại có nhiều cuộc khởi nghĩa đến như thế dưới ngọn cờ Cần Vương. Trong giai đoạn đầu này, phong trào Cần Vương trải rộng từ địa bàn trung tâm ra Bắc và Nam Kỳ. Ở Trung Kỳ, trước hết là Quảng Bình với Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân ; Quảng Nam là Trần Quang Dự, Nguyễn Hàm, Nguyễn Duy Hiệu; Quảng Ngãi là Lê Trung Đình; Bình Định là Mai Xuân Thưởng.

Bắc Kỳ cũng có nhiều cuộc khởi nghĩa quan trọng như Đốc Tít ở Đông Triều, Cai Kinh ở Bắc Giang, Nguyễn Quang Bích ở Tây Bắc…Đặc biệt, xứ Bắc Kỳ cũng đang hình thành những cuộc khởi nghĩa có sức chiến đấu mạnh mẽ, có tiếng vang như Tạ Hiện ở Thái Bình, Nam Định; Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, Hải Dương; Phạm Bành, Đinh Công Tráng ở Thanh Hóa; Lê Ninh, Phan Đình Phùng ở Đức Thọ, Hương Khê (Hà Tĩnh)…

4.2. Giai đoạn thứ hai (1888 – 1896)

Mặc dù vua Hàm Nghi đã bị bắt nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi. Phát huy được lòng yêu nước tột độ của nhân dân và được sự ủng hộ của toàn nhân dân cả nước.

Tuy nhiên thì vẫn như giai đoạn 1 vẫn chưa có sự thống nhất về sự đoàn kết của từng địa phương với nhau, vẫn chỉ là khởi nghĩa rời rạc chưa có sự nhất quán trong vấn đề cơ cấu và quản lý.

Đêm 1-11-1888, vua Hàm Nghi bị giặc bắt do sự phản bội của Trương Quang Ngọc tại vùng núi Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ông bị đày đi An-giê-ri.

Trong điều kiện ngày càng khó khăn, số lượng các cuộc khởi nghĩa có giảm bớt, nhưng lại tập trung thành những trung tâm kháng chiến lớn.

Tại Thanh Hóa, cứ điểm Ba Đình bị san phẳng sau cuộc tiến công dài ngày đầu tháng 1-1887 của 3000 quân Pháp. Phạm Bành, Đinh Công Tráng mở đường máu về căn cứ Mã Cao (Yên Định) theo kế hoạch đã định. Họ đã chiến đấu ở Mã Cao nhiều tháng trời, thắng nhiều trận đáng kể và chỉ rút lui khi Mã Cao bị vỡ vào mùa thu 1887.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân ở Vĩnh Lộc và sự trợ giúp của các thủ lĩnh người Thái là Cầm Bá Thước, người Mường là Hà Văn Mao, ngọn lửa Ba Đình lại được thổi lên, gọi là khởi nghĩa Hùng Lĩnh, kéo dài tới năm 1892.

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật nổ ra từ năm 1885, với lối đánh du kích, biến hóa phân tán, dựa vào thiên nhiên của nghĩa quân Bãi Sậy, tuy không có những trận đánh lớn như ở Ba Đình nhưng cũng gây cho quân Pháp nhiều tổn thất.

Cuộc khởi nghĩa lớn nhất, kéo dài suốt thời Cần Vương là khởi nghĩa Hương Khê. Kế thừa cuộc khởi nghĩa đầu tiên của Lê Ninh ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, Tiến sĩ Phan Đình Phùng với sự trợ giúp của Cao Thắng, Ngô Quảng, Cao Đạt, Hà Văn Mỹ, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch… đã đưa cuộc khởi nghĩa này lên tầm vóc lớn nhất, độc đáo nhất thời Cần Vương.

Phan Đình Phùng đã chia địa bàn 4 tỉnh: Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình thành 15 quân thứ, xây dựng những chiến tuyến cố định, mạnh (Cồn Chùa, Thượng Bồng – Hạ Bồng, Trùng Khê – Trí Khê, Vụ Quang) kết hợp lối đánh du kích với lối đánh lớn chiến tuyến cố định, cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Phó tướng Cao Thắng, hy sinh lúc mới 30 tuổi là người có tài chế súng theo kiểu năm 1874 của Pháp.

Thực dân Pháp phải huy động một lực lượng quân sự lớn, không kể cả 3000 ngụy quân của Nguyễn Thân, vượt xa cả quân số, vũ khí khi chúng tấn công thành Ba Đình. Những chiến thắng của Phan Đình Phùng như trận đánh úp thành Hà Tĩnh, bắt sống Tri phủ Đinh Nho Quang 1892, trận Vạn Sơn tháng 3-1893, trận tập kích Hà Tĩnh lần thứ hai năm 1894 và trận Vụ Quang tháng 10-1894 được là một thành tựu của nghệ thuật quân sự Việt Nam lúc đó.

Phan Đình Phùng tạ thế ở núi Quạt (Hà Tĩnh) ngày 28-12-1895 để lại bài thơ Tuyệt mệnh vào loại xuất sắc trong văn học cận đại. 23 bộ tướng của ông cũng bị giặc Pháp bắt và xử tử tại Huế. Đầu năm 1896, những tiếng súng cuối cùng của phong trào Cần Vương chấm dứt.

5. Đặc điểm của phong trào Cần Vương

  • Phạm vi hoạt động: Giai đoạn đầu của phong trào Cần Vương diễn ra trên phạm vi rộng khắp cả nước, đặc biệt ở Bắc – Trung Kì, giai đoạn sau chuyển trọng tâm dần về vùng núi và trung du.
  • Quy mô của phong trào Cần Vương: Quy mô lớn (hàng trăm cuộc khởi nghĩa) nhưng còn nhỏ lẻ, mang tính địa phương cũng như thiếu sự liên kết chặt chẽ thành phong trào mang tính toàn quốc.
  • Lãnh đạo phong trào Cần Vương: Văn thân, sĩ phu yêu nước.
  • Lực lượng tham gia: Đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân.
  • Mục tiêu của phong trào Cần Vương: Chống đế quốc và phong kiến đầu hàng, giải phóng dân tộc.
  • Tính chất nổi bật: Yêu nước, chống xâm lược trên lập trường phong kiến.

6. Các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương

  • Nghĩa hội Quảng Nam của Nguyễn Duy Hiệu.
  • Khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An.
  • Khởi nghĩa của Nguyễn Văn Giáp ở Sơn Tây và Tây Bắc (1883-1887)
  • Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) của Phan Đình Phùng, Cao Thắng ở Hương Khê, Hà Tĩnh.
  • Khởi nghĩa của Lê Thành Phương ở Phú Yên (1885-1887).
  • Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) của Đinh Công Tráng, Phạm Bành ở Nga Sơn, Thanh Hóa.
  • Khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định.
  • Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886-1892) của Tống Duy Tân ở Bá Thước và Quảng Xương, Thanh Hóa.
  • Phong trào kháng chiến ở Thái Bình – Nam Định của Tạ Hiện và Phạm Huy Quang.
  • Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892) của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên.
  • Khởi nghĩa Hưng Hóa của Nguyễn Quang Bích ở Phú Thọ và Yên Bái.
  • Khởi nghĩa của Trịnh Phong ở Khánh Hòa (1885-1886).
  • Khởi nghĩa Thanh Sơn (1885-1892) của Đốc Ngữ (Nguyễn Đức Ngữ) ở Hòa Bình.
  • Khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh ở vùng Lạng Sơn, Bắc Giang.
  • Khởi nghĩa của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình.
  • Khởi nghĩa của Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như ở Quảng Trị.
  • Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913)
  • Khởi nghĩa của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi.
  • Khởi Nghĩa của Cù Hoàng Địch ở Nghệ Tĩnh.

7. Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của phong trào Cần Vương

7.1. Nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương

  • Tính chất địa phương: sự thất bại của phong trào Cần Vương có nguyên nhân từ sự kháng cự chỉ có tính chất địa phương. Các phong trào chưa quy tụ thành một khối thống nhất đủ mạnh để chống Pháp. Các lãnh tụ Cần Vương chỉ có uy tín tại nơi họ xuất thân, tinh thần địa phương mạnh mẽ làm họ chống lại mọi sự thống nhất phong trào trên quy mô lớn hơn. Khi các lãnh tụ bị bắt hay chết thì quân của họ giải tán hoặc đầu hàng.
  • Quan hệ với dân chúng: các đạo quân này không được lòng người dân bởi để có phương tiện sống và duy trì chiến đấu, họ phải đi cướp phá dân chúng.
  • Mâu thuẫn với tôn giáo: sự tàn sát vô cớ những người Công giáo của quân Cần Vương khiến giáo dân phải tự vệ bằng cách thông báo tin tức cho phía Pháp. Những thống kê của người Pháp cho biết có hơn 20.000 giáo dân đã bị quân Cần Vương giết hại.
  • Mâu thuẫn sắc tộc: Chính sách sa thải các quan chức Việt và cho các dân tộc thiểu số được quyền tự trị rộng rãi cũng làm cho các sắc dân này đứng về phía Pháp. Chính người Thượng đã bắt Hàm Nghi, các bộ lạc Thái, Mán, Mèo, Nùng, Thổ đều đã cắt đường liên lạc của quân Cần Vương với Trung Hoa làm cạn nguồn khí giới của họ. Quen thuộc rừng núi, họ cũng giúp quân Pháp chiến tranh phản du kích đầy hiệu quả.

Theo Đào Duy Anh, ngoài việc thiếu liên kết và thống nhất về tổ chức (tương tự như “tính chất địa phương” mà Nguyễn Thế Anh phản ánh), phong trào Cần Vương còn có những nguyên nhân thất bại khác:

  • Nền sản xuất lạc hậu, kém phát triển làm nền tảng, vì vậy vũ khí thô sơ không thể chống lại vũ khí hiện đại của Pháp.
  • Lực lượng và chiến thuật: các cuộc khởi nghĩa không đủ mạnh, chỉ có thể tấn công vào những chỗ yếu, sơ hở của địch; không đủ khả năng thực hiện chiến tranh trực diện với lực lượng chính quy của địch
  • Tinh thần chiến đấu: Ngoại trừ một số thủ lĩnh có tinh thần chiến đấu đến cùng và chết vì nước, không ít thủ lĩnh quân khởi nghĩa nhanh chóng buông vũ khí đầu hàng khi tương quan lực lượng bắt đầu bất lợi cho quân khởi nghĩa, khiến phong trào nhanh chóng suy yếu và tan rã.

7.2. Ý nghĩa lịch sử của phong trào Cần Vương

Phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX là phong trào dân tộc, phong trào yêu nước chống chủ nghĩa thực dân xâm lược kết hợp với chống triều đình phong kiến đầu hàng đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Phong trào tuy thất bại nhưng đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Phong trào Cần Vương tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc. Chứng tỏ sự phá sản của con đường cứu nước theo ngọn cờ phong kiến. Tạo tiền đề cho phong trào kháng Pháp ở giai đoạn sau.

8. Cuộc khởi nghĩa là tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương? Ý nghĩa của phong trào đó?

Cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất phong trào Cần Vương: Khởi nghĩa Hương Khê (1885 – 1896).

  • Căn cứ: Huyện Hương Khê – miền núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh; giáp 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
  • Lãnh đạo: Phan Đình Phùng xây dựng căn cứ ở vùng núi thuộc 2 huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), sau đó ra Bắc, giao cho Cao Thắng tổ chức và xây dựng phong trào ở Nghệ – Tĩnh.
  • Giai đoạn 1885 -> 1888: Chuẩn bị, xây dựng lực lượng và cơ sở chiến đấu của nghĩa quân.
  • Đầu năm 1887, Phan Đình Phùng giao quyền chỉ huy cho Cao Thắng để ra Bắc liên kết lực lượng…
  • Cao Thắng: Tuyển lựa, huấn luyện nghĩa quân, sắm sửa khí giới, xây dựng công sự trong vùng rừng núi; chú trọng phối hợp với các toán nghĩa quân khác, vận động nhân dân tham gia khởi nghĩa; chế tạo súng trường theo mẫu của Pháp.
  • Giai đoạn 1888 – >1895: Thời kì chiến đấu quyết liệt của nghĩa quân.
  • Cuối tháng 9/1889, Phan Đình Phùng trở về Hà Tĩnh, cùng Cao Thắng trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa; mở rộng địa bàn hoạt động ra 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
  • Nghĩa quân chia thành 15 quân thứ (100 -> 500 nghĩa binh trên một quân thứ). Đại bản doanh ở núi Vụ Quang (từ đây có thể theo đường núi vào Quảng Bình, Quảng Trị, ra Nghệ An, Thanh Hóa hay có thể theo đường sông đi xuống đồng bằng, có thể lánh sang Lào và các căn cứ khác).
  • Từ 1889 -> 1892, nghĩa quân đánh thắng nhiều trận càn của địch, tấn công đồn trại Pháp.
  • Đầu năm 1892, Pháp mở cuộc tấn công càn quét lớn vào Ngàn Trươi. Nghĩa quân một mặt bố trí lực lượng chống trả tại chỗ; một bộ phận luồn về hoạt động ở vùng sau lưng địch, buộc chúng phải rút quân về, nghĩa quân tập kích thẳng vào Hà Tĩnh. Trước tình hình đó Pháp đã tăng cường càn quét, tìm cách thu hẹp địa bàn, phạm vi hoạt động của nghĩa quân, cắt đứt liên lạc giữa các quân thứ, giữa nghĩa quân với nhân dân.
  • Tháng 11/1893, Cao Thắng đem 1000 quân đánh đồn Nu (Thanh Chương, Nghệ An), trên đường hành quân về giải phóng thành Vinh ông bị trúng đạn và hy sinh.
  • Trước những cuộc vây ráp của địch nghĩa quân đã cố gắng chống trả. Cuối tháng 3/1894, sau trận tập kích vào Hà Tĩnh nghĩa quân đã rút lui rồi cố thủ ở núi Quạt, núi Vụ Quang.
  • Ngày 17/10/1894, Phan Đình Phùng chỉ huy đánh thắng trận Vụ Quang. Pháp cử Nguyễn Thân đem 3000 quân bao vây căn cứ Vụ Quang, Phan Đình Phùng hy sinh 28/12/1895. Đầu năm 1896, những thủ lĩnh cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê bị Pháp bắt . Khởi nghĩa Hương Khê tan rã.

8.1. Ý nghĩa của Khởi nghĩa Hương Khê

  • Khởi nghĩa Hương Khê là đỉnh cao nhất của phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX, kéo dài 10 năm, có quy mô rộng lớn, tổ chức tương đối chặt chẽ, lập nhiều chiến công, gây cho địch nhiều tổn thất…
  • Huy động được sự ủng hộ và tiềm năng to lớn của nhân dân.
  • Biết sử dụng những phương thức tác chiến linh hoạt, chủ động sáng tạo trong quá trình chuẩn bị và giao chiến với quân địch….

Trên đây là toàn bộ nội dung phong trào Cần Vương về nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa lịch sử. Hy vọng rằng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích cho môn Lịch Sử. WElearn chúc các bạn học tập tốt!

Xem thêm các bài viết:

  • Cách Học Thuộc Môn Lịch Sử Nhanh Và Nhớ Lâu Cực Hiệu Quả
  • Nguyên Nhân Thắng Lợi Của Cách Mạng Tháng 8 Và Ý Nghĩa Lịch Sử
  • Dàn Ý Và Bài Văn Tả Cây Bút Mực Lớp 4 Hay Nhất

This post was last modified on 28/12/2023 09:37

Published by

Bài đăng mới nhất

Thần TÀI ban LỘC chớp nhoáng: 4 con giáp GIÀU nhanh cuối năm 2024, sang 2025 tiếp tục bùng NỔ

Thần Tài ban LỘC trong nháy mắt: 4 con giáp GIÀU nhanh chóng cuối năm…

2 giờ ago

Top 4 con giáp thích làm chủ luôn có tham vọng mở công ty riêng

Top 4 cung hoàng đạo thích làm chủ luôn có tham vọng mở công ty…

3 giờ ago

Vận mệnh người tuổi Mão theo cung hoàng đạo: Bạn có thành công rực rỡ?

Số phận người sinh năm Mão theo cung hoàng đạo: Bạn có thành công không?

8 giờ ago

Thần tài mở kho lương: 4 tuần tới mọi mong muốn thành hiện thực, 4 con giáp thăng hạng GIÀU bất thình lình

Thần Tài mở kho: 4 tuần tới mọi điều ước sẽ thành hiện thực, 4…

8 giờ ago

Tử vi hôm nay: 4 con giáp dễ đạt thành công ngày 19/11/2024, thành tích dồi dào

Tử vi hôm nay: 4 con giáp có khả năng đạt được thành công vào…

9 giờ ago

Con số may mắn hôm nay 19/11/2024: Xin số ông ĐỊA, tha hồ ăn lộc

Con số may mắn hôm nay 19/11/2024: Xin số ông DIAH, tận hưởng vận may

23 giờ ago