Thuốc đau đầu cho bà bầu có thể bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Vậy thuốc trị đau đầu cho bà bầu gồm có những loại nào, cần lưu ý gì? Mời mẹ bầu tìm hiểu những thông tin cơ bản liên quan trong bài viết sau.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Theo thống kê, có khoảng 39% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng đau đầu trong thai kỳ. Để làm dịu cơn đau, tùy trường hợp, phụ nữ mang thai có thể sử dụng thuốc đau đầu cho bà bầu dưới sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ. Vậy bà bầu đau đầu uống thuốc gì? Thuốc đau đầu dành cho bà bầu hay thuốc giảm đau đầu cho bà bầu là những thuốc nào? Cần lưu ý gì khi dùng thuốc giảm đau đầu cho bà bầu?
Bà bầu có được uống thuốc đau đầu không?
Để làm dịu cơn đau đầu, bà bầu có thể uống các loại thuốc đau đầu đã được bác sĩ chỉ định nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé. Kiểm soát cơn đau đầu cho mẹ bầu là việc làm cần thiết. Bởi vì tình trạng đau đầu kéo dài khiến cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến thể trạng của thai nhi. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc giảm đau đầu đều được sử dụng cho phụ nữ mang thai.
Xem thêm : Hiện tượng tán sắc ánh sáng là gì? Công thức tính chi tiết
Đặc biệt lưu ý rằng, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu cần cẩn trọng với tất cả các loại thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau. Đây là giai đoạn nhạy cảm, phôi thai vẫn chưa làm tổ chắc chắn trong tử cung, việc người mẹ uống thuốc kháng sinh vào thời điểm này có thể làm gia tăng nguy cơ sẩy thai hoặc dị tật thai nhi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên ưu tiên áp dụng các phương pháp hỗ trợ điều trị đau đầu không dùng thuốc, bao gồm nghỉ ngơi, chườm ấm hoặc chườm lạnh, thực hiện bài tập vật lý trị liệu dành cho bà bầu… Nếu tình trạng đau đầu không thuyên giảm, mẹ bầu cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Bà bầu uống thuốc gì?
Bà bầu bị đau đầu uống thuốc gì? Bác sĩ sẽ cân nhắc xem xét phân loại và biểu hiện của cơn đau để có hướng xử lý phù hợp. Do đó trước khi tìm hiểu các loại thuốc đau đầu cho bà bầu, cần làm rõ những vấn đề sau đây:
- Các loại đau đầu phổ biến ở phụ nữ mang thai: Đa phần các trường hợp đau đầu khi đang mang thai là chứng đau đầu nguyên phát, một số ít là chứng đau đầu thứ phát (do tăng huyết áp). Đau đầu nguyên phát là chứng đau đầu xảy ra do các cấu trúc nhạy cảm ở đầu có sự rối loạn hoạt động/chức năng, không liên quan đến bệnh lý. Đau đầu nguyên phát bao gồm đau đầu căng thẳng, đau đầu migraine, đau đầu từng cụm.
- Biểu hiện đau đầu thường gặp ở bà bầu: Mỗi thai phụ có biểu hiện đau đầu khác nhau, bao gồm các triệu chứng như đau đầu theo từng cơn, đau nhức nửa đầu hoặc cả hai bên đầu, đau đầu kèm theo đau mắt… Nếu bị đau đầu migraine, thai phụ có thể bị đau đầu kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, sợ ánh sáng…
Dựa vào mô tả các biểu hiện đau đầu từ thai phụ, bác sĩ có thể gợi ý những phương pháp hỗ trợ làm giảm cơn đau hiệu quả, trong đó có thể có sử dụng thuốc đau đầu cho bà bầu hoặc các liệu pháp hỗ trợ giảm đau khác.
10+ thuốc đau đầu cho bà bầu không kê đơn
Thuốc đau đầu dành cho bà bầu loại không kê đơn bao gồm paracetamol (hay acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau Opioid, cụ thể như sau:
1. Paracetamol
Paracetamol (hay acetaminophen) có thể được bác sĩ cho phép thai phụ sử dụng để làm dịu cơn đau đầu. Đây cũng là loại thuốc được đánh giá tương đối an toàn với phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, paracetamol vẫn là thuốc điều trị nên thai phụ cần cẩn trọng và hạn chế sử dụng tùy tiện khi không thật sự cần thiết. Một số nghiên cứu khoa học cho biết, các loại thuốc mà người mẹ sử dụng trong thai kỳ có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc nhiều bệnh lý ở trẻ, điển hình như chậm phát triển về khả năng giao tiếp và vận động, hen suyễn… (1)
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc đau đầu cho bà bầu thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) bao gồm ibuprofen, naproxen, aspirin… Khi thật sự cần thiết, nhóm thuốc NSAID có thể được bác sĩ chỉ định cho bà bầu sử dụng trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai của thai kỳ. Lưu ý rằng, không nên sử dụng nhóm thuốc này sau tuần thứ 30 của thai kỳ vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, ví dụ như tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng dị tật bẩm sinh ở các bộ phận quan trọng (thận, tim…), thiếu ối… Cụ thể gồm có một số loại thuốc dưới đây: (2)
- Thuốc aspirin: Thông thường, phụ nữ mang thai không được sử dụng thuốc aspirin. Ngoại trừ trường hợp thai phụ có nguy cơ tiền sản giật cao thì bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn thuốc aspirin. Thuốc Aspirin có khả năng làm chậm quá trình đông máu trong cơ thể, vì vậy mẹ bầu cần tránh tuyệt đối việc dùng loại thuốc này trong 3 tháng cuối thai kỳ để tránh gặp tình trạng mất nhiều máu khi sinh.
- Thuốc naproxen và ibuprofen: Naproxen và ibuprofen tương đối an toàn hơn aspirin. Đối với thai phụ mang thai dưới 20 tuần bị đau đầu, bác sĩ có thể cân nhắc cho phép sử dụng 2 loại thuốc giảm đau này với liều thấp.
3. Thuốc giảm đau opioid
Xem thêm : Sữa Nan cho trẻ sơ sinh giá bao nhiêu?
Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng các loại thuốc giảm đau opioid bao gồm morphin, tramadol, codein và dihydrocodeine trong suốt thai kỳ. Thai phụ chỉ được sử dụng các loại thuốc giảm đau nhóm này khi thật sự cần thiết dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ.
Thuốc đau đầu dành cho bà bầu theo toa
Các loại thuốc nhức đầu cho bà bầu cần được bác sĩ kê đơn bao gồm: (3)
- Triptans: Thuốc giảm đau nhóm này có tác động làm dịu chứng đau nửa đầu hiệu quả. Các thuốc nhóm triptans bao gồm axert, relpax, frova, amerge…
- Một số loại thuốc chống nôn: Trong trường hợp thai phụ bị đau đầu kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn ói, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nôn, điển hình như thuốc metoclopramide. Tuy nhiên các loại thuốc chống nôn chỉ được bác sĩ cân nhắc chỉ định khi thật sự cần thiết. (4)
Lưu ý khi dùng thuốc trị đau đầu cho phụ nữ mang thai
Để sử dụng thuốc đau đầu cho bà bầu an toàn, hiệu quả cần lưu ý những vấn đề quan trọng sau đây:
- Với thuốc nhức đầu cho bà bầu không kê đơn cần lưu ý:
- Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng và chống chỉ định trên nhãn thuốc để chắc chắn rằng thai phụ uống đúng liều thuốc quy định.
- Không sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc giảm đau.
- Không sử dụng các loại thuốc quá hạn sử dụng, có dấu hiệu bị biến chất như thay đổi màu sắc, bốc mùi lạ…
- Không sử dụng thuốc giảm đau dân gian cho thai phụ.
- Nếu quên liều, thai phụ cần hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng giải quyết thích hợp, tuyệt đối không tự ý tăng liều thuốc.
Cách giảm đau đầu không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai
Trước khi sử dụng thuốc đau đầu cho bà bầu, thai phụ nên ưu tiên sử dụng các liệu pháp kiểm soát cơn đau không dùng thuốc. Các phương pháp giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng đau đầu ở phụ nữ mang thai phổ biến bao gồm: (5)
- Nghỉ ngơi và thư giãn: Phụ nữ mang thai cần giữ tinh thần thoải mái và nên dành nhiều thời gian để thư giãn. Thai phụ có thể làm giảm cơn đau hiệu quả bằng cách tắm nước nóng, uống nước ấm, chườm ấm hoặc chườm lạnh… trong khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Cân bằng dinh dưỡng: Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh không chỉ nâng cao sức khỏe toàn diện mà còn hỗ trợ làm giảm cơn đau đầu hiệu quả cho thai phụ. Một số loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ kiểm soát cơn đau đầu hiệu quả điển hình như khoai tây, quả anh đào…
- Sinh hoạt khoa học: Phụ nữ mang thai nên dành thời gian tham gia các hoạt động thể chất với cường độ phù hợp, ví dụ như đi bộ, tập yoga cho bà bầu, ngồi thiền… Thói quen này giúp thai phụ giảm bớt căng thẳng, giải tỏa áp lực, hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, thai phụ không nên sử dụng thuốc đau đầu cho bà bầu khi chưa có ý sự hướng dẫn hay chỉ định từ bác sĩ. Bởi vì điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu đã thử các biện pháp trị liệu không dùng thuốc nhưng tình trạng đau đầu vẫn không được cải thiện, mẹ bầu nên sớm đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp