Cảm giác bị tức ngực không chỉ thường xuất hiện ở người cao tuổi, mà bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng này. Tìm hiểu rõ về nguyên nhân gây tức ngực, để từ đó có thể dễ dàng nhận biết các triệu chứng và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Tức ngực là gì?
Tức ngực (Tiếng Anh là Chest tightness) là tình trạng người bệnh có cảm giác lồng ngực bị đè nén lại, nặng nề ở ngực, gây khó chịu ở ngực hoặc cổ họng. Đi kèm với đó thường là biểu hiện khó thở, tim đập nhanh.
Do đó, nhiều người bị tức ngực lo lắng đây là biểu hiện của bệnh tim. Tuy nhiên, hay bị tức ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau như bệnh về đường tiêu hóa, phổi hoặc vấn đề tâm lý cũng có thể gây tức ngực.
Một số dạng tức ngực thường gặp
Tức ngực có thể liên quan nhiều bệnh lý và được chia thành nhiều dạng sau:
1. Tức ngực khó thở
Bệnh tim luôn là căn bệnh nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi bị tức ngực khó thở. Những vấn đề ở tim như suy tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh,… thường sẽ có triệu chứng là đau tức ngực kèm theo khó thở. Tình trạng này cần được thực hiện thêm các xét nghiệm để có được chẩn đoán chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bị đau tức ngực khó thở đều liên quan đến bệnh tim mạch. Tình trạng này có thể là do bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, bệnh về phổi hoặc màng phổi, bệnh cơ xương thành ngực. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng tức ngực khó thở.
2. Tức ngực khó tiêu
Khi ăn uống khó tiêu, người bệnh thường cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn sau khi ăn. Không những vậy, nó còn gây ra triệu chứng đau tức ở ngực, vùng thượng vị, có thể bị khó thở, đau âm ỉ ở dạ dày.
Người bị tức ngực khó tiêu có thể gặp tình trạng ợ hơi, ợ chua, nóng rát ở thực quản hoặc đắng miệng. Cảm thấy tức ngực liên quan đến tình trạng khó tiêu chủ yếu là do chế độ ăn uống không khoa học, dung nạp quá nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc đồ uống có ga,…
3. Tức ngực buồn nôn
Một dạng tức ngực cũng rất thường gặp đó là tức ngực kèm theo buồn nôn. Phần lớn thì đây là biểu hiện của một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: Trào ngược dạ dày thực quản, thủng thực quản, viêm loét dạ dày,… Các bệnh lý ở đường hô hấp hoặc phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu cũng dễ gặp phải triệu chứng này. Ở một số trường hợp, tức ngực buồn nôn là do tâm lý quá hồi hộp, căng thẳng gây ra.
4. Tức ngực kèm theo ho
Nếu bạn đang bị cảm cúm, cảm lạnh, ho,… thì triệu chứng tức ngực kèm theo ho là tình trạng thường gặp. Sau khi bạn hết cảm thì cơn đau tức ngực kèm ho cũng sẽ biến mất. Tuy nhiên, khi đau tức ngực có ho dai dẳng, ho khan, ho có đờm, nhất là vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy thì bạn không nên chủ quan. Đặc biệt là khi bạn đã uống thuốc nhưng không có dấu hiệu cải thiện thì nên đến bệnh viện kiểm tra xem liệu đó có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi hay lao phổi không.
Đối với những người hút thuốc lá nhiều, chất độc hại từ khói thuốc lá đi vào phổi, lâu ngày dẫn đến ung thư phổi. Khi đó, tức ngực kèm theo ho là dấu hiệu cho thấy phổi đang bị tổn thương nghiêm trọng.
5. Tức ngực khi nuốt thức ăn
Hay bị tức ngực mỗi khi nuốt thức ăn có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư thực quản. Thời gian đầu, bệnh thường sẽ không có triệu chứng cụ thể. Người bệnh chỉ đơn thuần cảm thấy ngực hơi đau nhói mỗi khi nuốt thức ăn.
Xem thêm : 1001+ kiểu tóc hợp với khuôn mặt dài trán cao hot T02/2024
Nhưng khi tình trạng này kéo dài thì cơn đau ở ngực sẽ nặng hơn, khó khăn trong việc nuốt. Lúc này, bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị chính xác, tránh trường hợp bệnh chuyển biến nặng.
Tức ngực kéo dài là biểu hiện của bệnh gì?
Triệu chứng tức ngực kéo dài là biểu hiện liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, phổi, tiêu hóa, thần kinh hoặc cơ xương.
- Bệnh lý về tim mạch: Hầu hết những vấn đề liên quan đến tim mạch đều gây ra triệu chứng tức ngực, điển hình như nhồi máu cơ tim cấp, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, bệnh mạch vành, bóc tách động mạch chủ,…
- Bệnh về phổi: Khi bị tức ngực kéo dài có thể là dấu hiệu phổi đang bị tổn thương. Các vấn đề ở phổi gây ra triệu chứng này như: Viêm phổi, thuyên tắc phổi, tràn khí màng phổi,… Cơn đau tức ngực trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi.
- Các bệnh lý ở đường tiêu hóa: Thường gặp nhất là do trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm túi mật, tuyến tụy,…
- Rối loạn lo âu: Người bệnh thường có biểu hiện lo lắng quá mức, khó thở, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run tay chân, chóng mặt, tức ngực,…
- Bệnh lý về cơ xương khớp: Tức ngực kéo dài là biểu hiện của bệnh lý về cơ xương khớp như bị gãy xương ngực, chấn thương,…
- Một số căn bệnh khác cũng có biểu hiện là đau tức ngực kéo dài như bệnh zona,…
Các triệu chứng tức ngực phổ biến
Những triệu chứng khi bị tức ngực có thể khác nhau ở trong một số trường hợp, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tức ngực. Các triệu chứng phổ biến khi bị tức ngực thường là:
- Đau, khó chịu ở ngực;
- Cơn đau tức ngực có thể lan lên cổ, hàm, cánh tay hoặc ra sau lưng;
- Chóng mặt;
- Khó thở, thở khò khè;
- Tim đập nhanh bất thường;
- Buồn nôn, nôn;
- Người mệt mỏi;
- Cơn đau trở nên nặng hơn khi gắng sức.
Trường hợp tự nhiên tức ngực không liên quan đến bệnh tim mạch, triệu chứng có thể xuất hiện sau khi ăn, đau tức nhiều hơn khi ho hoặc hít thở sâu, sốt, người nhức mỏi, có cảm giác lo lắng, sợ hãi,… (1)
Nguyên nhân gây tức ngực
Tức ngực có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm:
1. Nguyên nhân cơ xương gây tức ngực
Các vấn đề cơ xương khớp gây tức ngực thường là do vận động, tập luyện thể thao quá sức hoặc kéo dài khiến cơ thành ngực bị căng và gây đau. Không làm nóng cơ thể trước khi vận động mạnh hoặc các chấn thương trong lúc làm việc, chơi thể thao cũng có thể làm tổn thương vùng cơ xương ở ngực, gây ra cơn đau tức ngực. (2)
2. Nguyên nhân truyền nhiễm gây tức ngực
Nguyên nhân tức ngực có thể là do mắc các bệnh truyền nhiễm, thường gặp nhất là cảm lạnh. Ngoài ra, bệnh zona cũng gây ra triệu chứng tức ngực.
3. Tình trạng phổi gây tức ngực
Viêm phế quản cấp, viêm phổi là những bệnh lý ở phổi thường gặp nhất gây ra triệu chứng đau tức ngực. Viêm phổi có thể do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm. Biểu hiện của tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bị nhiễm trùng phổi nặng.
Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng áp động mạch phổi, viêm màng phổi, tràn khí màng phổi đều có thể gây ra triệu chứng tức ngực. Tuy nhiên, cần thực hiện các xét nghiệm khác để có được kết quả chẩn đoán chính xác.
4. Tình trạng tim gây tức ngực
Một trong những triệu chứng điển hình của các bệnh lý có liên quan đến tim mạch là xuất hiện những cơn đau tức ngực. Đi kèm với đó, còn khiến người bệnh cảm thấy khó thở, đánh trống ngực, tim đập nhanh, chóng mặt, ngất xỉu,… Sau khi nghỉ ngơi, nhưng các triệu chứng vẫn không có dấu hiệu giảm thì bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra kỹ hơn. (3)
5. Nguyên nhân đường tiêu hóa gây tức ngực
Nhiều trường hợp người bệnh cảm nhận được cơn tức ngực ở gần tim, nhưng thực chất nó lại đến từ khu vực tiêu hóa ở gần đó, bao gồm cả dạ dày và thực quản. Các bệnh lý ở đường tiêu hóa gây tức ngực thường gặp nhất là: bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, rối loạn thực quản,…
6. Tức ngực do lo lắng
Khi bạn quá căng thẳng, lo lắng về một vấn đề nào đó trong công việc hoặc cuộc sống, triệu chứng tức ngực có thể xuất hiện. Cùng với đó, bạn có thể cảm thấy khó thở hơn, tim đập nhanh hơn, đổ mồ hôi, tay chân run, chóng mặt,…
Tình trạng này sẽ dần biến mất khi vấn đề được giải quyết hoặc bạn dần quen với tình huống đó. Tuy nhiên, nếu sự lo lắng của bạn kéo dài, lo lắng một cách mơ hồ, thái quá thì bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn, xem xét liệu đó có phải là chứng rối loạn lo âu hay không.
Phương pháp chẩn đoán tức ngực
Xem thêm : Bao lâu có giấy quyết định ly hôn?
Bên cạnh việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán tình trạng tức ngực, bao gồm:
1. Điện tâm đồ
Sự thay đổi của xung điện được phát hiện qua điện tâm đồ là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán dấu hiệu tức ngực có liên quan đến tim hay không. Từ đó, bác sĩ kịp thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh lý tim mạch gây ra.
2. Xét nghiệm máu
Phương pháp xét nghiệm máu không chỉ giúp phát hiện các bệnh về máu, mà các bệnh về gan, thận, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch,… cũng có thể được nhận biết thông qua phương pháp này.
3. X-quang ngực
Cảm giác tức ngực có thể là do tổn thương bên trong lồng ngực như tổn thương phổi,… Khi đó, thực hiện chụp X-quang ngực là phương pháp thường được áp dụng. Các hình ảnh về phổi, đường thở, mạch máu, tim, xương sườn đều được thể hiện rõ. Thông qua đó, bác sĩ có thể chẩn đoán được nguyên nhân tức ngực có liên quan đến phổi hay không.
4. Nghiệm pháp gắng sức
Thường được chỉ định để chẩn đoán bệnh tim, nhận biết khả năng cung cấp máu của các động mạch chủ nuôi tim có đủ hay không. Nghiệm pháp này nhằm giúp phát hiện ra triệu chứng tức ngực có liên quan đến tim mạch không, có bị rối loạn nhịp tim không cũng như việc điều trị bệnh tim mạch đem lại hiệu quả như thế nào,…
5. Siêu âm tim
Hiện tượng tức ngực là một trong những triệu chứng của bệnh lý về tim mạch. Chính vì vậy, sử dụng phương pháp siêu âm tim để thăm dò, chẩn đoán tình trạng của tim, cấu trúc, chức năng tim. Thông qua đó, bác sĩ có được kết luận tình trạng này có phải là dấu hiệu của bệnh tim hay không và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Biến chứng nguy hiểm khi tức ngực kéo dài
Bị tức ngực do một vấn đề nào đó trong cuộc sống thì bạn không cần phải quá lo lắng, vì nó sẽ tự biến mất khi vấn đề được giải quyết. Tuy nhiên, nếu chứng tức ngực kéo dài có lẽ là vấn đề nghiêm trọng, nếu không được khắc phục kịp thời có thể gây ra các biến chứng:
- Biến chứng ở tim: Các bệnh lý tim mạch thường có triệu chứng là tức ngực. Nếu cơn đau với mức độ nặng và kéo dài thì đó là dấu hiệu cảnh báo tim mạch bạn đang gặp trục trặc, cần được khám và điều trị ngay. Các biến chứng ở tim đều rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
- Biến chứng ở phổi: Bị tức ngực kéo dài có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng ở phổi như viêm phổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi, tăng áp động mạch phổi,…
- Biến chứng ở đường tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, ung thư thực quản, thủng dạ dày,..
- Các vấn đề về cơ xương: Chấn thương vùng ngực, căng cơ ngực, viêm sụn sườn,…
Khi bị tức ngực cần làm gì?
Điều đầu tiên bạn cần làm khi nhận thấy cơn đau tức ngực xuất hiện là ngừng công việc đang thực hiện lại. Ngồi xuống nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, có bóng râm và hít thở nhẹ nhàng. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh để điều chỉnh nhịp tim.
Trường hợp sau khi nghỉ ngơi nhưng cơn đau vẫn không giảm, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh, đưa bạn đến bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây tức ngực và đưa ra phương pháp điều trị cho bạn. (4)
Biện pháp phòng ngừa và cải thiện chứng tức ngực
Những thói quen trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày có thể giúp bạn phòng ngừa và cải thiện chứng tức ngực hiệu quả như:
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế căng thẳng, áp lực quá mức;
- Dành thời gian để thực hiện những điều bản thân yêu thích, thư giãn tâm trí;
- Vận động đều đặn và luyện tập thể dục đều đặn các môn thể thao như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,…
- Có chế độ ăn uống hợp lý: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,..; hạn chế tối đa những thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm có chất kích thích như rượu bia,…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ tại trung tâm y tế để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại giúp cho việc chẩn đoán, điều trị đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Để được tư vấn, thăm khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, lồng ngực tại bệnh viện, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:
Cảm giác bị tức ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ để sớm nhận biết, có biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị kịp thời nếu đó là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp