10 dấu hiệu của người có lòng tự trọng thấp

Lòng tự trọng là sự coi trọng danh dự, phẩm chất, tư cách của chính bản thân. Đây là một đức tính không thể thiếu của mỗi người. Tuy vậy, có những người có lòng tự trọng cao, nhưng cũng có những người có lòng tự trọng thấp. Vậy làm sao để biết mình có phải là người có lòng tự trọng thấp không? Dưới đây là 10 dấu hiệu giúp bạn nhận biết người có lòng tự trọng thấp.

Đâu là dấu hiệu nhận biết người có lòng tự trọng thấp?

Đâu là dấu hiệu nhận biết người có lòng tự trọng thấp?

Lòng tự trọng là gì?

Lòng tự trọng là cách một người tự nhìn nhận và đánh giá bản thân mình.

Khi một người có lòng tự trọng cao, họ sẽ nhận biết đúng giá trị của mình, nêu được ra những phẩm chất tích cực của bản thân. Từ đó, họ luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan trong cuộc sống. Họ biết mình xứng đáng được yêu thương và đánh giá cao suy nghĩ, cảm xúc, mục tiêu của bản thân mình.

Ngược lại, những người có lòng tự trọng thấp luôn đánh giá thấp giá trị của mình. Họ luôn cảm thấy xấu hổ và thiếu tự tin, luôn dành nhiều thời gian để chỉ trích bản thân. Lòng tự trọng thấp là một triệu chứng phổ biến của trầm cảm và rối loạn lo âu.

10 dấu hiệu nhận biết người có lòng tự trọng thấp

Thiếu tự tin

Những người có lòng tự trọng thấp thường thiếu tự tin và ngược lại. Họ đánh giá thấp bản thân nên khi gặp khó khăn, thử thách, họ luôn nghi ngờ và cảm thấy mình không thể vượt qua được.

Trong khi đó, những người có lòng tự trọng cao luôn biết được mình có thể làm gì. Họ tự tin vào khả năng của bản thân mình. Điều đó cho phép họ dựa vào chính bản thân để đối phó với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.

Thiếu kiểm soát

Những người có lòng tự trọng thấp thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát cuộc sống và những điều xảy ra với họ. Khi gặp một biến cố gì đó trong cuộc sống, thay vì cố gắng để đối diện và kiểm soát nó đi theo hướng mong muốn, họ lại đầu hàng trước hoàn cảnh, buông xuôi để mọi thứ tự diễn ra. Điều họ làm được chỉ là liên tục phàn nàn về cuộc sống và tự thương hại bản thân mình. Và tất nhiên, điều này không có khả năng thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống cả.

Người có lòng tự trọng thấp thường thiếu kiểm soát cuộc sống của mình

Người có lòng tự trọng thấp thường thiếu kiểm soát cuộc sống của mình

Luôn so sánh bản thân với người khác

Một dấu hiệu khác của lòng tự trọng thấp là luôn so sánh bản thân với người khác. Việc so sánh bản thân với người khác không phải lúc nào cũng xấu. Đôi khi, nó có thể giúp bạn hoàn thiện bản thân mình tốt hơn. Tuy nhiên, những người có lòng tự trọng thấp lại thường so sánh trên – tức là so sánh bản thân với người họ cảm thấy là tốt hơn. Sau đó, họ lại càng tự ti, hoài nghi bản thân mình, luôn cảm thấy mình kém cỏi khi so với người khác.

>>> Xem thêm: 5 điều nên làm thay vì so sánh bản thân với người khác.

Không dám đưa ra yêu cầu

Những người có lòng tự trọng thấp thường gặp khó khăn để nêu ra yêu cầu của mình. Họ xấu hổ với việc nói ra yêu cầu, mong muốn, dù là các mong muốn hợp lý. Họ sợ rằng người khác sẽ thấy họ kém cỏi và không đủ năng lực khi họ yêu cầu được giúp đỡ, hỗ trợ.

Hoặc, một vài người có lòng tự trọng thấp lại cảm thấy bản thân mình không xứng đáng được giúp đỡ. Họ luôn đặt mong muốn, nhu cầu của bản thân ở phía sau rất nhiều điều khác. Họ cảm giác đang làm phiền người khác khi nhờ giúp đỡ và tội lỗi vì điều đó.

Luôn lo lắng và nghi ngờ bản thân

Luôn nghi ngờ về quyết định và lựa chọn của mình – đây là dấu hiệu của lòng tự trọng thấp. Điều này xuất phát từ sự thiếu tự tin về bản thân. Thay vì kiên định với suy nghĩ và lựa chọn của mình, những người này lại thường thay đổi theo ý kiến của người khác. Kể cả khi họ đã quyết định một điều gì đó, họ vẫn thấp thỏm lo lắng rằng mình đã lựa chọn sai.

Lòng tự trọng thấp cũng thường đi kèm với nỗi sợ phạm sai lầm. Do đó, họ trì hoãn hoặc từ chối việc đưa ra quyết định, bởi vì họ nghĩ rằng mình không thể đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.

Người có lòng tự trọng thấp thường xuyên nghi ngờ về bản thân mình

Người có lòng tự trọng thấp thường xuyên nghi ngờ về bản thân mình

Khó khăn trong việc nhận lời khen từ người khác

Khi được khen hoặc nhận những phản hồi tích cực khác, người có lòng tự trọng thấp lại thường tỏ ra nghi ngờ, không tin tưởng. Họ cảm thấy mình không tốt được như vậy, không xứng đáng nhận được những lời khen đó. Do đó, họ luôn cho rằng đấy chỉ là lời khen xã giao mà thôi.

“Xù lông” khi nhận phản hồi không tốt

Người có lòng tự trọng thấp thường rất gay gắt khi nhận được phản hồi, góp ý từ người khác. Khi người khác nói họ làm chưa tốt về điều gì đó, họ sẽ cho rằng người ta đang đánh giá họ kém cỏi. Họ không hiểu rằng ai cũng có những điều không hoàn hảo, kể cả những người thành công.

Ngoài ra, những người này còn hay quan sát và chờ đợi người từng góp ý với mình mắc sai lầm. Mục đích của hành động đó là chứng minh rằng những người kia cũng chẳng giỏi giang gì, như một cách bảo vệ bản thân mình.

Luôn suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình

Không ai là hoàn hảo cả, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Những người có lòng tự trọng cao hiểu rõ được điều đó. Do vậy, họ luôn đánh giá đúng giá trị của bản thân và cố gắng để trở nên tốt hơn.

Những người có lòng tự trọng thấp lại khác, họ luôn khuếch đại các khuyết điểm của mình và bỏ qua điểm tốt của bản thân.

>>> Xem thêm: 5 cách để thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực.

Luôn sợ thất bại

Né tránh thử thách, nhanh chóng bỏ cuộc dù chưa cố gắng – đây là đặc điểm của nỗi sợ thất bại. Do những người có lòng tự trọng thấp luôn nghĩ rằng mình không đủ khả năng để thành công nên họ không dám nhận bất kỳ thử thách nào.

Nỗi sợ thất bại còn thể hiện qua việc họ sợ người khác biết rằng mình thất bại. Do đó, nếu họ làm sai một điều gì đó, họ sẽ cố gắng viện cớ, đổ lỗi và gạt hết mọi trách nhiệm ra khỏi bản thân.

Người có lòng tự trọng thấp luôn nghĩ mình không đủ tài năng để thành công

Người có lòng tự trọng thấp luôn nghĩ mình không đủ tài năng để thành công

Cố gắng làm hài lòng người khác

Đây là dấu hiệu phổ biến của lòng tự trọng thấp. Những người có lòng tự trọng thấp thường không coi trọng mong muốn, suy nghĩ của bản thân mình. Họ sẵn sàng bỏ qua nhu cầu và mong muốn của mình để làm hài lòng người khác. Họ cảm thấy tội lỗi khi phải nói “không”.

Nguyên nhân dẫn đến lòng tự trọng thấp

Điều cốt lõi tạo nên lòng tự trọng thấp là thiếu niềm tin và luôn suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Đây là kết quả của những trải nghiệm trong cuộc đời, đặc biệt là thời thơ ấu. Khi còn nhỏ, con người thường chưa thể tự đánh giá độc lập hành động của mình. Do đó, họ sẽ đưa ra ý kiến ​​về bản thân thông qua phản hồi từ môi trường xung quanh mình, đặc biệt là thông qua phản ứng của cha mẹ. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến một người có lòng tự trọng thấp:

  • Từng bị bỏ rơi, bạo hành hoặc lạm dụng trong thời thơ ấu: Những điều này có tác động rất mạnh mẽ đến việc hình thành suy nghĩ và tính cách của một người. Trẻ em trải qua các tình huống như vậy thường cho rằng chúng không ngoan và những điều xảy ra với chúng là thích đáng.

>>> Xem thêm: Cách chữa lành những tổn thương tâm lý thời thơ ấu

  • Không nhận được đủ tình yêu, lời khen ngợi và động viên từ người khác: Lòng tự trọng thấp có thể đến từ sự thiếu hụt những điều tích cực. Một người không được nhận lời khen ngợi từ người khác trong thời thơ ấu sẽ có xu hướng nghĩ rằng mình không đủ tốt.
  • Bị so sánh quá nhiều với người khác trong thời thơ ấu: Một đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ti nếu luôn không đạt được kỳ vọng của người khác. Đặc biệt nếu nó luôn bị cha mẹ so sánh với “con nhà người ta”.

>>> Xem thêm: 4 điều bạn có thể làm để xây đắp lòng tự trọng.

Những đứa trẻ bị tổn thương thời thơ ấu thường có lòng tự trọng thấp

Những đứa trẻ bị tổn thương thời thơ ấu thường có lòng tự trọng thấp

Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được 10 dấu hiệu của lòng tự trọng thấp và nguyên nhân gây ra nó. Lòng tự trọng thấp khiến bạn gặp khó khăn trong việc theo đuổi mục tiêu, phát triển các mối quan hệ lành mạnh và cảm thấy hài lòng về bản thân mình. Do đó, nếu bạn đang ở trong tình trạng này mà không biết ngỏ lời cùng ai, hãy liên hệ số điện thoại 0243.760.6666 (trong giờ hành chính) để được chia sẻ cùng các chuyên gia tâm lý của chúng tôi!