Chức năng cơ bản của gia đình là gì?

Chức năng cơ bản của gia đình là cơ sở cho toàn bộ sự hoạt động và phát triển của gia đình. Bài viết dưới đây về Chức năng cơ bản của gia đình là gì? hi vọng đem đến nhiều thông tin chi tiết và cụ thể đến Quý bạn đọc.

Gia đình là gì? Phân tích các chức năng cơ bản của gia đình?

Chức năng cơ bản của gia đình là gì?

I. Gia đình là gì?

Theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, gia đình là sự liên kết của nhiều người dựa trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, những người này có các quyền và nghĩa vụ với nhau, cùng nhau xây dựng gia đình, nuôi dạy thế hệ trẻ và chăm sóc người cao tuổi dưới sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Gia đình được hình thành trên một trong ba cơ sở: Hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng.

II. Các chức năng cơ bản của gia đình

2.1. Chức năng kinh tế:

Đây là chức năng cơ bản quan trọng của gia đình nhằm tạo ra của cải, vật chất, là chức năng đảm bảo sự sống còn của gia đình, đảm bảo cho gia đình được ấm no, giàu có làm cho dân giàu, nước mạnh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “dân có giàu thì nước mới mạnh “. Chức năng này bao quát về nhu cầu ăn, ở, tiện nghi, là sự hợp tác kinh tế giữa các thành viên trong gia đình nhằm thỏa mãn nhu cầu của đời sống.

Để có kinh tế của mỗi gia đình ngày càng được cải thiện và nâng cao, ngoài những thành viên đang còn ở độ tuổi trẻ em thì những thành viên đang ở độ tuổi lao động cần có một công việc, một mức thu nhập ổn định. Ngoài ra còn cần có nguồn thu nhập thêm để có thêm nguồn thu chi trả cho những chi phí lặt vặt hàng ngày.

2.2. Chức năng tái sinh sản, duy trì nòi giống:

Chức năng này góp phần cung cấp sức lao động – nguồn nhân cho xã hội. Chức năng này sẽ góp phần thay thế những lớp người lao động cũ đã đến tuổi nghỉ hưu, đã hết khả năng lao động linh hoạt, năng động, sáng tạo. Việc thực hiện chức năng này vừa đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội vừa đáp ứng được nhu cầu về tâm sinh lí, tình cảm của chính bản thân con người. Ở mỗi quốc gia khác nhau thì việc thực hiện chức năng này là khác nhau.

2.3. Chức năng giáo dục:

Đây là chức năng hết sức quan trọng của gia đình, quyết định đến nhân cách của con người, dạy dỗ nên những người con hiếu thảo, trở thành người công dân có ích cho xã hội bởi gia đình là trường học đầu tiên và ở đó cha mẹ là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người:” Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.. ”

Mỗi gia đình đều hình thành tính cách của từng thành viên trong xã hội Gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên của con người và là chủ thể của sự giáo dục. Như khoa học đã xác định rõ ràng, cơ sở trí tuệ và tình cảm cá nhân thường hình thành ngay từ thời thơ ấu. Gia đình trang bị cho đứa trẻ những ý niệm đầu tiên để lí giải thế giới sự vật, hiện tượng, những khái niệm về cái thiện và cái ác, dạy cho trẻ con hiểu rõ đời sống và con người, đưa trẻ con vào thế giới của những giá trị mà gia đình thừa nhận và thực hiện trong đời sống của nó.

Việt Nam là một quốc gia mang đậm nét đẹp truyền thống về đạo đức và lối sống thuần phong mĩ tục, vì thế nội dung giáo dục của gia đình cũng phải chú ý đến việc giáo dục toàn diện cả về phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm, lối sống, ý thức, cung cách cư xử trong cuộc sống và giáo dục cả về tri thức…

Chức năng giáo dục của gia đình chịu tác động trực tiếp của các yếu tố khách quan và chủ quan. Sự thay đổi lớn trong các chính sách kinh tế xã hội, những biến đổi trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, lối sống, sự thiếu hụt kinh nghiệm, ý thức dạy con trong những gia đình trẻ… đó là những yếu tố ảnh hưởng đến chức năng giáo dục của gia đình.

Để chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả thì gia đình phải có phương pháp giáo dục, răn đe một cách đúng đắn. Ai sai thì nhận sai và sửa chữa chứ đừng vì cái tôi, cái sĩ diện và tính bảo thủ của mình mà cố chấp không thay đổi. Có nhiều gia đình dạy dỗ con cái bằng những trận đòn roi, những cái bạt tai đến tối mặt mũi.. Liệu đó có phải là biện pháp hiệu quả? Những biện pháp ấy chẳng những không đem lại tác dụng gì mà càng khiến con cái trở nên chai lì, tâm lí tiêu cực và mất đi tình cảm thân thiết, niềm tin vào những người trong cùng một mái nhà.

Thay bằng những trận đòn roi đến nhừ người thì những bậc cha mẹ nên dạy dỗ, chỉ bảo con cái mình nhẹ nhàng, phân tích rõ đúng sai để con trẻ hiểu. Hơn nữa những bậc cha mẹ, ông bà nên là một tâm gương để thế hệ trẻ noi theo. Các thành viên trong gia đình sống thuận hòa, vui vẻ, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Lại có nhiều những gia đình cha mẹ mải kiếm tiền mà không biết hài hòa giữa vật chất và tinh thần nên không có thời gian quan tâm sát sao đến con cái khiến chúng trở nên sống buông thả, bị cám dỗ vào những tệ nạn xã hội, có những hành vi đi ngược lại với thuần phong mĩ tục và truyền thống đạo đức của dân tộc…

Tuy việc giáo dục ở gia đình chỉ là một khía cạnh nhưng đó vẫn là cái gốc, con người sẽ trở nên hoàn thiện hơn khi có sự kết hợp giáo dục cả ở gia đình, nhà trường, xã hội và hơn nữa là ý thức tự giác tu dưỡng rèn luyện từ phía mỗi người…

Thông qua việc thực hiện chức năng giáo dục, gia đình thực sự trở thành cầu nối không thể thay thế được giũa xã hội và cá nhân.

Gia đình là phạm trù lịch sử, biến đổi theo thời gian. Mỗi thời đại lịch sử cũng như mỗi chế độ xã hội đều sản sinh ra một loại gia đình, xây dựng một kiểu gia đình lí tưởng với chức năng xã hội của nó.

2.4. Các chức năng khác:

Ngoài ba chức năng cơ bản trên thì gia đình còn có chức năng thoả mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm và chăm sóc sức khỏe. Đây là chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên của gia đình, đặc biệt là tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Tổ ấm gia đình vừa là điểm xuất phát cho con người trưởng thành, vững tin bước vào cuộc sống xã hội, đồng thời cũng là nơi bao dung, an ủi cho mỗi cá nhân trước những rủi ro, sóng gió cuộc đời. Càng về cuối đời, con người càng trở nên thấm thía và khao khát tìm về sự bình ổn, thoả mãn nhu cầu cân bằng trạng thái tâm lý, tình cảm trong sự chăm sóc, đùm bọc của gia đình; chăm sóc sức khỏe, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe của các thành viên tron gia đình.

Trên đây là bài viết mà chúng tôi cung cấp đến Quý bạn đọc về Chức năng cơ bản của gia đình là gì? Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, nếu như quý bạn đọc còn thắc mắc hay quan tâm đến Chức năng cơ bản của gia đình là gì?, quý bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn.