CÂY BÔNG MÃ ĐỀ

Cây bông mã đề là cây thuốc mọc hoang được sử dụng để làm rau ăn kèm và thuốc chữa nhiều bệnh lý, đặc biệt là sỏi thận và các bệnh về đường tiết niệu. Để hiểu rõ tác dụng, cách dùng đạt hiệu quả cao nhất, hãy cùng tìm hiểu với sự tư vấn của Ts.Bs Nguyễn Thị Vân Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Y dược học cổ truyền dân tộc.

cay bong ma de co tac dung gi 1

  • Tên gọi khác: Mã đề, Xa tiền thảo, Xa tiền tử, Mã đề thảo, Nhả én
  • Tên khoa học: Plantago asiatica L.
  • Họ: Thuộc họ Mã đề Plantaginaceae

Mô tả về dược liệu Bông mã đề

1. Đặc điểm cây thuốc

Cây Bông mã đề là dược liệu thân thảo sống lâu năm, thân ngắn thường mọc hoang ở nhiều nơi. Một số đặc điểm nhận dạng như sau:

  • Lá mọc thành từng cụm ở gốc cây, cuống lá dài, phiến lá có hình chiếc thìa hoặc hình quả trứng, gân dọc theo sống lá và đồng qui ở ngọn và gốc lá.
  • Hoa mọc thành một bông dài, hướng thẳng đứng. Bông mã đề lưỡng tính, có 4 đài lá ở gốc hoa, xếp chéo nhau và hơi dính ở gốc.
  • Quả Bông mã đề có hình hộp, chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu đen bóng. Mỗi quả cây Bông mã đề chứa khoảng 8 – 20 hạt nhỏ.

2. Dược liệu

Cây Bông mã đề cho các vị thuốc như sau:

  • Hạt Bông mã đề phơi hoặc sấy khô được gọi là Xa tiền tử.
  • Sử dụng toàn thân cây (bỏ phần rễ) phơi hoặc sấy khô được gọi là Mã đề thảo hoặc Xa tiền thảo.
  • Lá Bông mã đề phơi hoặc sấy khô.

3. Phân bố

Cây Bông mã đề mọc hoang và được trồng để sử dụng như rau ăn kèm tạo nhiều nơi ở nước ta. Mã đề được trồng bằng hạt, ưa nơi ẩm ướt và đất thịt, mềm. Cây thường được trồng vào mùa thu và mùa xuân, tuy nhiên phát triển tốt nhất vào mùa thu.

4. Bộ phận sử dụng

Cả cây Bông mã đề đều có thể ứng dụng để làm thuốc.

5. Thu hái và bào chế thuốc

Cây Bông mã đề được thu hái vào tháng 7 – 8, khi quả chín và lá phát triển tốt nhất.

Sau khi thu hái thì mang cây đi phơi hoặc sấy khô, loại bỏ các tạp chất (đất, bụi, côn trùng,…).

Đập vỏ để hát hạt, lọc qua rây rồi mang đi phơi hoặc sấy khô.

Nếu cần dùng lá thì có thể thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc khô đều được.

6. Bảo quản

Bảo quản dược liệu Bông mã đề ở nơi khô ráo, tránh độ ẩm cao, côn trùng.

7. Thành phần hóa học

Toàn thân cây Bông mã đề chứa một hoạt chất Glucozit hay còn gọi là Aucubin, Rinantin hoặc Aucubozit.

Trong lá Mã đề có chất nhầy, chất đắng, Carotin, Vitamin C, Vitamin K và yếu tố T.

Trong hạt chứa chất nhầy, Axit Plantenolic, Adnin và Cholin.

Vị thuốc Bông mã đề

1. Tính vị

Cây Bông mã đề có vị ngọt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, làm thông thoáng mồ hôi, sáng mắt, làm sạch phong nhiệt ở phổi và làm tiêu tắc nghẽn.

2. Quy kinh

Vị thuốc Mã đề quy vào kinh Can, Thận và Bàng quang.

cay ma de3

3. Tác dụng dược lý

Mã đề được sử dụng để lợi niệu, thẩm thấp, mát gan, điều trị thấp nhiệt ở bàng quang, cường âm tích tinh.

Các tác dụng cụ thể như sau:

  • Lợi tiểu: Sử dụng nước sắc Mã đề có thể làm tăng lượng nước tiểu.
  • Tác dụng kháng sinh: Nước sắc Mã đề có thể ức chế một số vi trùng gây ra các triệu chứng nhiễm trùng ngoài da. Tán bột Mã đề đắp lên các nốt mụn nhọt có thể chữa mưng mủ và làm giảm viêm tấy.
  • Điều trị ho: Nước sắc Bông mã đề có thể trừ đờm, tác dụng có thể kéo dài đến 6 – 7 giờ.
  • Điều trị đái dầm hoặc đái nhiều ở trẻ em.
  • Điều chỉnh hơi thở: Hoạt chất Plantagin có tác dụng làm hưng phấn hệ thống thần kinh bài tiết niêm dịch của phế quản và ống tiêu hóa. Do đó, sử dụng Mã đề có thể điều chỉnh hơi thở sâu và nhẹ nhàng.
  • Chữa cao huyết áp: Sử dụng 20 – 30 g nước sắc Mã đề mỗi ngày có thể điều chỉnh huyết áp.

4. Cách dùng – Liều lượng

Liều lượng khuyến cáo: 10 – 30 g mỗi ngày.

Cách dùng:

  • Sắc nước uống
  • Tán thành bột mịn
  • Ăn kèm như rau sống

Bài thuốc sử dụng Bông mã đề

1. Trị viêm đường tiết niệu, tiểu rắt tiểu buốt

Chuẩn bị:

  • Xa tiền tử, Biển súc, Cù mạch, Chi tử, Mộc thông mỗi loại 10g
  • Hoạt thạch 20g
  • Cam thảo 3g
  • Đại hoàng 6g
  • Đăng tâm 2 g

Mang các loại dược liệu này sắc nước uống.

Bài thuốc điều trị đái ra máu, sạn tiết niệu: Bông mã đề 20g hoặc Xa tiền thảo 40 g sắc nước uống. Hoặc phối hợp với Bạch linh, Bạch truật và Trạch tả mỗi loại 10g, sắc nước uống.

cây mã đề có tác dụng gì
Cây Bông mã đề có tác dụng lợi tiểu, điều trị một số bệnh về thận, tiết niệu

2. Điều trị tiêu chảy

Sử dụng Xa tiền tử, Bạch phục linh, Trư linh, Đảng sâm, Hương nhu mỗi loại 12g, Đăng tâm 2 g, sắc thành nước uống.

Hoặc sử dụng Xa tiền tử 16g, Sơn tra 10 g, sắc thành nước uống.

Ngoài ra, có thể sử dụng 3 – 6g bột Xa tiền tử hòa với cháo trắng kèm một ít đường để uống.

3. Trị tiêu chảy trẻ em

Sử dụng 30g Xa tiền tử bọc vải sắc nước, sau đó thêm đường để điều trị tiêu chảy cho trẻ em. Tỷ lệ khỏi bệnh sau 1 – 2 ngày là 91.3%.

4. Trị đau sưng đỏ mắt do can nhiệt

Dùng Xa tiền tử, Mật mông hoa, Bạch tật lê, Thảo quyết minh, Long đởm thao, Khương hoạt, Hoàng cầm, Cúc hoa mỗi loại phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10g hòa với nước cơm để uống, mỗi ngày 3 lần.

cay ma de5

5. Chữa bệnh ho

Dùng 40 – 100g Bông mã đề sắc thành nước uống mỗi ngày.

Hoặc dùng Mã đề kết hợp Hoàng cầm, Ngư tinh thảo, Bối mẫu sắc nước uống có thể trị ho, thanh phế hóa đàm.

Để trị ho tiêu đờm dùng Xa tiền thảo 10g, Cam thảo, Cát cánh mỗi loại 2g đun sôi, nhỏ lửa với 400 ml nước trong 30 phút. Chia thành 3 lần uống trong ngày.

6. Chữa viêm cầu thận

Bài thuốc chữa viêm cầu thận cấp tính:

Dùng Bông mã đề 16g, Đại táo, Bạch truật, Ma hoàng mỗi loại 12g, Mộc thông 8g, Gừng 6g, Quế chi, Cam thảo mỗi loại 6g sắc thành nước uống. Mỗi ngày sử dụng một thang.

Bài thuốc chữa viêm cầu thận mãn tính:

Sử dụng Mã đề 16g, Hoàng bá, Phục linh, Hoàng liên, Rễ cỏ tranh mỗi loại 12g, Mộc thông, Trư linh, Hoạt thạch, Bán hạ chế mỗi loại 8g sắc thành thuốc uống. Mỗi ngày một thang.

7. Điều trị sỏi bàng quang

Sử dụng Bông mã đề, Ngư tinh thảo, Kim tiền thảo mỗi loại 30g, sắc thành thuốc uống. Mỗi ngày sắc 1 thang chia làm 2 lần uống. Uống liên tục trong 5 ngày.

8. Lợi tiểu

Sử dụng Hạt mã đề 10g và 2 g Cam thảo đun sôi cùng 600 ml nước cho đến khi còn 200 ml. Chia thành 3 lần uống trong ngày.

Ngoài ra có thể dùng 12g hạt hoặc lá Mã đề sắc thành nước uống mỗi ngày để điều trị bí tiểu.

9. Trị nóng gan mật, người nổi mụn nhọt

Sử dụng một nắm lá Mã đề tươi và một miếng gan lợn to tầm một bàn tay, thái nhỏ, xào hoặc nấu thành canh dùng ăn kèm bữa cơm. Sử dụng liên tục 6 – 7 ngày sẽ thấy kết quả.

Hoặc có thể sử dụng một ít lá Bông mã đề tươi, giã nát đắp vào phần bị mụn, băng bó lại cẩn thận để điều trị mụn nhọt.

Lưu ý: Kiêng thức ăn cay nóng và không uống rượu bia hoặc chất kích thích để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

10. Trị chảy máu cam

Sử dụng rau Mã đề tươi, giã nát, hòa cùng một ít nước, vắt lấy nước cốt, dùng uống.

Ngoài ra, người thường hay chảy máu cam có thể nằm yên trên giường, đầu kê cao, dùng lá mã đề giã nhuyễn đắp lên trán kết hợp uống nước Mã đề. Sau vài ngày sẽ khỏi.

11. Trị chốc lở ở trẻ em

Dùng một nắm lá Mã đề tươi mang đi rửa sạch, thái nhỏ và nấu cùng 100 – 150g giò sống, dùng ăn. Sử dụng liên tục vài ngày sẽ khỏi bệnh. Ngoài ra, sử dụng canh Mã đề giò heo thường xuyên có thể phòng ngừa bệnh chốc lở.

12. Chữa phù thũng

Dùng 30g Bông mã đề tươi, Phục linh bì, Đông qua bì (vỏ bí xanh) mỗi loại 20g, Đại phúc bì 15g sắc thành nước uống trong ngày.

cay ma de 2

13. Trị rụng tóc

Dùng Mã đề phơi khô, đốt thành than, trộn với giấm đem ngâm khoảng 1 tuần. Sau đó dùng dung dịch bôi lên chỗ bị rụng tóc.

14. Chữa đau ngứa bộ phận sinh dục

Dùng một nắm lá Mã đề to, rửa sạch nấu lấy nước để vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên.

Lưu ý khi sử dụng dược liệu Bông mã đề

  • Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi sử dụng lá Mã đề như rau sống.
  • Người già tiểu đêm nhiều, thận kém không nên sử dụng.
  • Người bị thấp nhiệt cần thận trọng khi sử dụng hạt Bông mã đề.
  • Người tiểu nhiều lần, táo bón, thận hư, dương khí hạ giáng, không có thấp nhiệt không nên sử dụng.
  • Kiêng các chất kích thích, thức ăn cay nóng, rượu, bia, cà phê, thuốc lá,… khi sử dụng vị thuốc Mã đề.

Tùy thuộc vào bệnh lý và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà liều lượng và cách sử dụng cây Mã đề khác nhau. Trước khi sử dụng người bệnh cần trao đổi với thầy thuốc, không nên tự ý sử dụng vị thuốc.