Quốc sử quán triều Nguyễn – Cơ quan chuyên trách biên soạn quốc sử

9:31 30/05/2018

Quốc sử quán triều Nguyễn là cơ quan chuyên trách việc nghiên cứu, lưu trữ sử liệu, biên soạn các bộ sử chính thống của triều đình. Quốc sử quán bắt đầu dựng đặt tháng 6 năm Canh Thìn (1820) và chính thức đi vào hoạt động năm 1821 đời vua Minh Mệnh. Vua từng Dụ bầy tôi rằng: Nhà nước ta từ khi mở mang đến nay, các thánh nối nhau hàng 200 năm. Kịp đến Thế tổ Cao hoàng đế ta [1] trung hưng thống nhất đất nước, trong khoảng ấy sự tích công nghiệp nếu không có sử sách thì lấy gì để dạy bảo lâu dài về sau. Trẫm muốn lập Sử quán, sai các nho thần biên soạn quốc sử thực lục để nêu công đức về kiến, đốc, cơ, cần làm phép cho đời sau, cũng chẳng là phải sao [2]. Bầy tôi đều tuân dụ. Bèn sai chọn đất ở bên tả trong kinh thành họp thợ xây đắp hơn 1 tháng thì xong.

Trụ sở của Quốc sử quán đặt tại phường Phú Văn trong Kinh thành, ban đầu gồm 2 dãy nhà là nơi làm việc của các quan. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) dựng thêm 2 dãy tả, hữu vu ngăn bằng tường gạch lấy chỗ làm việc cho các viên Tu thư. Năm Tự Đức thứ 2 (1849) dựng nhà chứa các ván in san khắc gọi là Tàng bản đường phía sau Sử quán[3]. Dưới triều Nguyễn, Quốc sử quán nhiều lần được trùng tu, sửa sang hoặc mở rộng. Năm Thành Thái thứ 9 (1897) nhận thấy bản in các bộ sách tàng trữ tại Quốc sử quán ngày càng nhiều, triều đình cho sửa sang lại 3 ngôi nhà của Ấn thư cục để chứa thêm sách[4]. Năm Thành Thái 19 (1907) Quốc sử quán được tu sửa xây trát lại tường bao. Sau đó, Quốc sử quán còn được tu sửa một số lần vào các năm Duy Tân 2 (1908), Khải Định 2 (1917)[5] …

Theo quy định, quan viên Quốc sử quán đều chọn người có chữ nghĩa, giỏi văn học để bổ vào làm việc. Đứng đầu đặt một viên Giám tu thay mặt nhà vua chỉ đạo việc biên soạn sách vở. Dưới Giám tu đặt các chức Chánh, Phó Tổng tài, thời vua Minh Mệnh mỗi vị trí đặt một người hàm Chánh hoặc Tòng Nhất phẩm văn giai trực tiếp phụ trách việc biên soạn, khảo đính. Đến thời Thiệu Trị nhà vua cho tăng thêm mỗi vị trí 2 người. Các chức Chánh, Phó Tổng tài đều không đặt người nhất định chủ yếu lấy người ở Hàn lâm viện hoặc Thượng thư các Bộ kiêm nhiệm. Ngoài ra đặt 4 viên Toản tu hàm Tòng Nhị phẩm văn giai phụ trách trực tiếp biên soạn nội dung. Các chức Biên tu 8 viên, Khảo hiệu 4 viên, Đằng lục 6 viên, Thu chưởng 6 viên và các viên Bút thiếp thức chịu trách nhiệm biên soạn, hiệu đính, sao chép, tập hợp lưu trữ tư liệu… Từ Biên tu trở xuống đều làm việc tại Quốc sử quán, Toản tu cũng cho miễn không phải kiêm nhiệm để có người chuyên trách công việc.

Về lương bổng, trừ các viên Tổng tài, Phó Tổng tài đều kiêm nhiệm chức vụ nên không đặt lệ lương bổng định kỳ. Các viên từ Toản tu trở xuống năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) chuẩn định mỗi tháng mỗi viên Toản tu 5 quan tiền, Biên tu 3 quan, Khảo hiệu 2 quan, Thu chưởng, Đằng lục 1 quan 5 tiền. Đời vua Thiệu Trị quy định Toản tu 5 quan, Biên tu 4 quan, Khảo hiệu 2 quan, Thu chưởng và Đằng lục mỗi người đều 1 quan. Năm Tự Đức 28 (1875) cấp thêm cho Toản tu 8 quan, Biên tu 5 quan, Khảo hiệu 3 quan, Thu chưởng, Đằng lục 2 quan để chăm chỉ làm việc. Ngoài việc cấp lương định kỳ và giấy, bút, mực, dầu để làm việc, các vua nhà Nguyễn còn ban thưởng bạc thay cho cỗ yến theo thứ bậc. Thời vua Minh Mệnh quy định Tổng tài 15 lạng bạc, Phó tổng tài 10 lạng, Toản tu 8 lạng, Biên tu 6 lạng, Khảo hiệu 4 lạng, Thu chưởng, Đằng tả 2 lạng. Thời vua Thiệu Trị quy định Tổng tài 18 lạng, Phó tổng tài 13 lạng, Toản tu 11 lạng, Biên tu 8 lạng, Khảo hiệu 6 lạng, Thu chưởng và Đằng lục mỗi người 4 lạng.

Quốc sử quán được dựng xong và đi vào hoạt động, việc đầu tiên vua Minh Mệnh muốn thực hiện là biên soạn ngay bộ quốc sử biên niên. Vì vậy năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) vua sắc cho đại thần biên soạn sách Liệt thánh thực lục [6] để biên chép những điều mắt thấy tai nghe về buổi đầu trung hưng dựng nước. Vua ban Dụ rằng: Nước phải có sử để làm tin ở đời nay mà truyền lại đời sau. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta, thống nhất non sông, mở mang trăm phép, đã từng bàn định làm sử, nhưng vì muôn việc phải tuỳ nghi việc trước việc sau, nên việc làm sử còn chưa thực hiện được. Nay Trẫm mới thân chấp chính, chí chuộng việc văn, làm việc đều theo sử cũ. Mỗi khi xét việc ban lệnh xong, lại đăm đăm nghĩ đến việc noi dòng nối nghiệp. Đặc biệt sai xét tìm văn thư sót lại, xây dựng sử cục, ban rõ mệnh này để bắt tay làm [7]. Các quan viên được bổ để biên soạn bộ Liệt thánh thực lục gồm Thự Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn Nhân sung làm Tổng tài; Thượng thư Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng làm Phó tổng tài; Tham tri Trần Minh Nghĩa, Nguyễn Khoa Minh, Nguyễn Văn Hưng, Thự Tham tri Nguyễn Huy Trinh, Hàn lâm chưởng viện học sĩ Hoàng Kim Hoán, Thái thường Tự khanh Lê Đồng Lý, Lại bộ Thiêm sự Lê Đăng Doanh, Đông các học sĩ Đinh Phiên, Hàn lâm Thị giảng học sĩ Nguyễn Tuần Lý, Nguyễn Mậu Bách làm Toản tu. Ngoài ra lấy 25 người làm Biên tu, 5 người Khảo hiệu, 12 người Thu chưởng, 8 người Đằng lục.

quocsuquannew

(Trích) Bản Tấu năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) về việc phụng chỉ chọn người làm việc trong Quốc sử quán

Châu phê của vua Minh Mệnh (chữ đỏ): Đặc chuẩn cho Quận công Nguyễn Văn Nhân sung làm Tổng tài; Thượng thư Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng sung Phó Tổng tài; chức Giám tu đợi sau sẽ chọn bổ. Còn việc làm sử sẽ giáng Dụ Chỉ sau để tỏ rõ tín bút cho muôn đời. Khâm thử.

Liệt thánh thực lục còn gọi là Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất và quan trọng nhất của triều Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn trong khoảng gần 120 năm từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đến năm Bảo Đại 14 (1939) thì cơ bản hoàn thành và san khắc xong những quyển cuối cùng. Đây là bộ biên niên lịch sử về nhà Nguyễn gồm 2 phần Tiền biên và Chính biên. Trong đó Tiền biên ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn, bắt đầu từ chúa Nguyễn Hoàng (Thái tổ Gia Dụ hoàng đế) vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến hết đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (Duệ tông Hiếu định hoàng đế) năm 1777. Chính biên gồm 7 kỷ và 1 kỷ phụ biên chép về công tích sự nghiệp của 10 vị vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Mỗi lần biên soạn một kỷ tức về một triều đại, các vua nhà Nguyễn đều ban một đạo Dụ và bổ nhiệm các vị trí từ Tổng tài trở xuống để chuyên trách.

Tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) bộ Liệt thánh thực lục gồm phần Tiền biên ghi chép giai đoạn các chúa Nguyễn và phần Chính biên (Đệ nhất kỷ) ghi chép về đời Hoàng đế Gia Long đã soạn xong. Các viên Tổng tài, Phó tổng tài lúc đó là Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn, Hà Duy Phiên, Nguyễn Trung Mậu dâng bản tấu trình xin khắc in. Vua Thiệu Trị ban Dụ rằng: Xem qua tờ tâu, Trẫm rất vui lòng. Kể từ năm Minh Mệnh thứ 2 mở đặt Sử cục đến nay trải trong khoảng 25 năm, việc biên soạn đã xong, đầy đủ rõ ràng được đến thế, thực đủ làm rạng rỡ công đức liệt thánh đời xưa. Vậy nên cho khắc vào gỗ lê gỗ táo để in truyền lại dài lâu [8].

Thực lục chính biên (Đệ nhị kỷ) chép về đời Thánh tổ Nhân Hoàng đế [9] biên soạn xong năm Tự Đức 14 (1861). Các viên Tổng tài, Phó tổng tài, Toản tu Quốc sử quán gồm Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Phạm Hữu Nghi, Lê Lượng Bạt làm bản tấu dâng lên vua Tự Đức xem duyệt và xin cho khắc in. Tháng 11 năm Tự Đức 17 (1864) khắc in xong gồm 222 quyển.

Năm Tự Đức 30 (1877) Quốc sử quán tiếp tục soạn xong phần Chính biên (Đệ tam kỷ) về Hiến tổ Chương hoàng đế [10] gồm 72 quyển và 2 quyển mục lục, xin đem khắc in. Các viên Tổng tài, Phó Tổng tài phụ trách việc biên soạn gồm Trương Đăng Quế, Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản. Tháng 7 năm Tự Đức 32 (1879) sách khắc in xong.

Đệ tứ kỷ về đời vua Tự Đức được hoàn thành năm Thành Thái thứ 6 (1894) gồm 71 quyển, khắc in xong bọc bìa lụa vàng năm Thành Thái 11 (1899). Tổng tài biên soạn phần này là Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Trọng Hợp.

Tháng 11 năm Thành Thái 12 (1900) Thực lục Chính biên (Đệ ngũ kỷ) về Giản tông Nghị hoàng đế [11] đã soạn xong và cho san khắc. Các viên phụ trách gồm Tổng tài Trương Quang Đản, Phó tổng tài Nguyễn Thuật, Hoàng Hữu Xứng, Cao Xuân Dục, Toản tu Ngô Huệ Liên. Sách khắc in xong năm Thành Thái 14 (1902).

Đệ lục kỷ chép về đời vua Hàm Nghi và Đồng Khánh gồm 12 quyển hoàn thành năm Duy Tân thứ 3 (1909) do Tổng tài Cao Xuân Dục phụ trách. Đệ lục kỷ phụ biên gồm 29 quyển chép về các đời vua Thành Thái và Duy Tân do các viên Hồ Đắc Trung, Võ Liêm, Lê Nhữ Lâm làm Tổng tài, hoàn thành năm Khải Định thứ 7 (1922).

Đệ thất kỷ gồm 11 quyển chép về đời vua Khải Định do Phạm Quỳnh làm Kiêm quản, Lê Nhữ Lâm làm Tổng tài, hoàn thành năm 1939 đời vua Bảo Đại.

Trong 125 năm tồn tại, Quốc sử quán đã biên soạn, san khắc rất nhiều sách vở quan trọng của triều Nguyễn. Đặc biệt là các bộ chính sử như Đại Nam thực lục (Tiền biên, Chính biên), Đại Nam liệt truyện, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu, Đồng Khánh – Khải Định chính yếu, Ngự chế tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ phương lược… hay các bộ sách về địa lý địa chí như Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí…

Nguyễn Thu Hoài

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

CHÚ THÍCH:

[1] Tức vua Gia Long (1802-1819).

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2 (bản dịch), NXB Giáo dục, Hà Nội 2007, trang 66.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1 (bản dịch), NXB Thuận Hoá, Huế 1992, trang 56.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Thành Thái, tập 29, tờ 225.

[5] Lần tu bổ năm Khải Định 2 số tiền chi phí tổng cộng là 2986 đồng 5 hào (Châu bản triều Khải Định, tập 2, tờ 131).

[6] Còn gọi là Đại Nam thực lục.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 2, đã dẫn, trang 133-134

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 1, đã dẫn, trang 8.

[9] Tức vua Minh Mệnh (1820-1840).

[10] Tức vua Thiệu Trị (1841-1847).

[11] Tức vua Kiến Phúc (1883-1884).