Mắt: cấu tạo, chức năng và cơ chế hoạt động

Đôi mắt được ví như “cửa sổ tâm hồn” và là một trong năm giác quan của cơ thể. Mắt tuy nhỏ nhưng rất quan trọng khi đảm nhiệm các chức năng như nhìn, quan sát, thu nhận hình ảnh và gửi thông tin đến não bộ. Để hiểu rõ về cấu tạo mắt, chức năng và cơ chế hoạt động mắt hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

mắt

Mắt là gì?

Mắt là cơ quan nhìn thấy sự vật, sự việc xung quanh cuộc sống. Mắt lấy ánh sáng từ những gì nhìn thấy và gửi thông tin hình ảnh đến não bộ. Đôi mắt có thể nhìn được khoảng 200 độ theo mọi hướng, bao gồm cả phía trước và hai bên (tầm nhìn ngoại vi). Các bộ phận của mắt phối hợp với nhau cho phép nhìn thấy hình ảnh, chuyển động và độ sâu. Ngoài ra, đôi mắt có thể nhìn thấy hàng triệu màu với các sắc thái khác nhau.

Cấu tạo của mắt gồm các bộ phận nào?

Cấu tạo của mắt gồm các bộ phận sau:

  • Mống mắt: Mống mắt là bộ phận quyết định màu sắc của mắt và nằm sau giác mạc. Các màu mắt phổ biến như đen, xanh dương, xanh lục, nâu nhạt hoặc nâu.
  • Giác mạc: Giác mạc là lớp trong suốt kéo dài trên mống mắt.
  • Đồng tử: Đồng tử (tròng đen, con ngươi) là vòng tròn màu đen nằm giữa trung tâm mống mắt, có khả năng giãn ra và co lại để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào.
  • Củng mạc: Đây là phần màu trắng bao quanh mống mắt.
  • Kết mạc: Kết mạc là mô mỏng, trong suốt bao phủ củng mạc và nằm bên trong mí mắt.
  • Thủy tinh thể: Bộ phận này nằm sau đồng tử nằm với chức năng như thấu kính hội tụ ánh sáng đi đến võng mạc.
  • Võng mạc: Võng mạc là tập hợp các tế bào nằm bên trong đáy mắt giúp cảm nhận ánh sáng và chuyển nó thành các xung điện hoặc tín hiệu thần kinh. Võng mạc có nhiều tế bào hình que (tế bào giúp nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu) và hình nón (tế bào phát hiện màu sắc).
  • Điểm vàng: Điểm vàng là một phần của võng mạc, chịu trách nhiệm về tầm nhìn trung tâm và giúp nhìn thấy các chi tiết và màu sắc đẹp.
  • Dây thần kinh thị giác: Dây thần kinh thị giác nằm phía sau võng mạc, có chức năng mang tín hiệu đến não, sau đó giải thích thông tin hình ảnh để biết đang nhìn thấy gì.
  • Các cơ kiểm soát vị trí và chuyển động của mắt: Các cơ cơ này giúp kiểm soát lượng ánh sáng đi vào và khả năng tập trung của mắt.
  • Dịch kính: Dịch kính là một loại gel trong suốt lấp đầy toàn bộ mắt có chức năng bảo vệ và duy trì hình dạng của mắt.
Cấu tạo của mắt
Chi tiết cấu tạo của mắt

Mắt hoạt động thế nào?

Các bộ phận của mắt phối hợp với nhau giúp nhìn thấy hình ảnh và gửi thông tin đến não bộ. Tất cả quá trình này diễn ra cực kỳ nhanh chóng.

  • Ánh sáng đi vào mắt qua giác mạc và đến thủy tinh thể. Sau đó, đồng tử ngày càng lớn hơn để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt.
  • Giác mạc và thủy tinh thể khúc xạ (uốn cong) ánh sáng để tập trung vào những gì đang nhìn thấy.
  • Ánh sáng đi tới võng mạc và biến hình ảnh thành xung điện hoặc tín hiệu.
  • Dây thần kinh mang tín hiệu từ cả hai mắt đến phần não chịu trách nhiệm về thị giác (vỏ não thị giác).
  • Bộ não sẽ giải thích những gì đã nhìn thấy và kết hợp với hai mắt tập hợp tất cả lại thành hình ảnh rõ ràng.

Chức năng của mắt là gì?

Các chức năng của mắt có thể kể đến như:

  • Góc độ sinh học: Đôi mắt dễ nhạy cảm trước các tác động của môi trường, thông qua đó giúp con người có phản ứng phù hợp với diễn biến mọi thứ xung quanh.
  • Về mặt quang học: Đôi mắt thực hiện chức năng nhìn, quan sát, thu nhận lại hình ảnh của sự vật, sự việc để chuyển lên cho não bộ xử lý và lưu trữ.
  • Giao tiếp: Mắt là cơ quan giúp con người giao tiếp phi ngôn ngữ. Thông qua ánh mắt, con người có thể liên hệ, ra hiệu, trao đổi thông tin với nhau thay cho lời nói.

Hình dạng và màu sắc của mắt

1. Hình dạng mắt

Mắt không phải là hình cầu vì hơi nhọn ở phía trước, gần giống với quả bóng hơi bị nén lại. Ở người lớn, mắt có đường kính khoảng 2,5cm.

Xem thêm: Các kiểu mắt người và 10 hình dạng mắt phổ biến

2. Màu sắc mắt

Màu mắt phụ thuộc vào gen với đa dạng các màu sắc như đen, xanh dương, xanh lá cây hoặc hổ phách và tất cả các sắc thái của màu nâu. Một số người, có đốm hoặc sọc màu khác nhau trong mống mắt hoặc có vòng màu tối hơn xung quanh. [1]

Rủi ro ảnh hưởng tới chức năng mắt

Các rủi ro ảnh hưởng đến mắt bao gồm:

1. Tuổi tác

Khi có tuổi đôi mắt thường nhìn thấy những đốm nhỏ, chấm hình tròn, đường kẻ hoặc mạng nhện trong tầm nhìn. Một số trường hợp, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng hoặc bong võng mạc có thể xảy ra khi già đi. Lão thị (mất thị lực gần tiêu điểm) thường bắt đầu ảnh hưởng đến những người khoảng 45 tuổi trở lên.

2. Ung thư

Các bệnh ung thư ở mắt phổ biến như u ác tính nội nhãn và u nguyên bào võng mạc .

3. Bệnh tật

Một số bệnh ở mắt như thủy tinh thể, tăng nhãn áp, teo thị giác, viêm dây thần kinh thị giác,…

4. Nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng ở mắt thường thấy như đau mắt đỏ (viêm kết mạc), viêm bờ mi, lẹo mắt, chắp và khô mắt gây đỏ, sưng tấy và khó chịu.

5. Di truyền

Viêm võng mạc sắc tố là bệnh di truyền có thể dẫn đến mù lòa.

6. Chấn thương

Trầy xước giác mạc và bong võng mạc có thể do chấn thương mắt. Tai nạn có thể gây chảy máu mắt, thâm quầng mắt, bỏng và kích ứng. Vật lạ cũng có thể làm hư mắt.

7. Vấn đề về cơ mắt

Lác (mắt lé) hoặc nhược thị có thể gây ra những thay đổi về hình dạng và tầm nhìn của mắt.

8. Vấn đề về thị lực

Các vấn đề của thị lực điển hình như:

  • Loạn thị và viễn thị ảnh hưởng đến cách mắt khúc xạ (uốn cong) ánh sáng và đưa hình ảnh vào tiêu cự.
  • Mù màu gây khó khăn hoặc không thể nhìn thấy các màu khác nhau.
  • Quáng gà gây khó nhìn vào ban đêm.

Bệnh lý phổ biến của mắt

Các bệnh phổ biến ở mắt gồm có:

1. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh thể của mắt bị mờ, ảnh hưởng đến 1 hoặc cả 2 mắt. Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu thế giới. Đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở những người trên 50 tuổi.

Các triệu chứng của đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Tầm nhìn có mây/mờ.
  • Khó nhìn vào ban đêm.
  • Nhạy cảm với ánh sáng mạnh.
  • Thay đổi cách nhìn thấy màu sắc.

Phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật loại bỏ và thay thế thủy tinh thể bị đục bằng thủy tinh thể nhân tạo, với tỷ lệ thành công hơn hơn 90%.

2. Võng mạc

Bệnh võng mạc là biến chứng phổ biến của người bệnh tiểu đường. Nguyên nhân do lượng đường (glucose) cao trong thời gian dài khiến mạch máu ở võng mạc bị tổn thương. Các triệu chứng gồm có:

  • Tầm nhìn mờ hoặc méo mó.
  • Mù màu hoặc nhìn màu sắc nhạt dần.
  • Tầm nhìn ban đêm kém.
  • Có đốm hoặc vệt tối nhỏ trong tầm nhìn của bạn.
  • Khó đọc hoặc nhìn các vật ở xa.

Các phương pháp điều trị bao gồm tiêm thuốc và phẫu thuật nhằm điều chỉnh hoặc thu nhỏ các mạch máu ở võng mạc.

3. Thiên đầu thống (cườm nước, tăng nhãn áp Glaucoma)

Thiên đầu thống do áp suất chất lỏng trong mắt cao hơn bình thường, dẫn đến hỏng dây thần kinh thị giác và ảnh hưởng đến đường truyền thông tin hình ảnh đến đến não. Bệnh glaucoma không phát hiện và điều trị kịp thời có thể giảm thị lực và mù ở 1 hoặc cả 2 mắt.

Có 2 loại bệnh tăng nhãn áp chính:

  • Bệnh tăng nhãn áp góc mở phát triển chậm âm thầm, không có biểu hiện rõ rệt đến khi đi khám bệnh đã trở nặng.
  • Bệnh tăng nhãn áp góc đóng xảy ra đột ngột, gây đau đớn và mất thị lực rất nhanh.

Các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp bao gồm:

  • Đau mắt.
  • Nhức đầu.
  • Mắt đỏ.
  • Nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn.
  • Thị lực kém.
  • Buồn nôn và ói mửa.

Phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm nhãn áp như thuốc nhỏ mắt theo toa, liệu pháp laser và phẫu thuật.

4. Rách giác mạc

Khi rách giác mạc người bệnh thường cảm thấy cộm, khó mở mắt. Mắt sung huyết trở nên đỏ và đau, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ tạm thời.

5. Viêm dây thần kinh thị giác

Viêm dây thần kinh thị giác (ON) là tình trạng dây thần kinh ở mắt (dây thần kinh thị giác) bị viêm hoặc kích ứng. Bệnh có thể xảy với bất kỳ ai nhưng phổ biến ở phụ nữ từ 20 – 40 tuổi. Viêm dây thần kinh thị giác ảnh hưởng đến người bệnh như sau: [2]

  • Bệnh thường xảy ra ở một mắt.
  • Mất thị lực thường xảy ra trong vài ngày và ngừng tiến triển sau 1 – 2 tuần.
  • Các triệu chứng bao gồm nhìn mờ, mất một phần hoặc toàn bộ thị lực, giảm khả năng nhìn màu.
  • Nhìn khó hơn vào ban đêm.
Bệnh lý phổ biến của mắt
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

6. Viễn thị

Viễn thị là tình trạng không có khả năng tập trung hình ảnh lên võng mạc, mà hình ảnh bị tập trung ra sau võng mạc. Bệnh dễ nhầm lẫn với lão thị nhưng thực chất không giống nhau. Lão thị là sự mất linh hoạt tự nhiên của thủy tinh thể do tuổi tác. Viễn thị là dạng mắt ngắn bất thường khiến ánh sáng bẻ cong không chính xác khi đi vào mắt. Viễn thị được điều trị bằng kính điều chỉnh (thấu kính lồi).

7. Thoái hóa võng mạc

Thoái hóa võng mạc là thuật ngữ chỉ các tổn thương của lớp tế bào võng mạc trong mắt, trong đó thoái hóa điểm vàng gây nguy hiểm đến thị lực. Nguyên nhân thoái hóa võng mạc đến từ bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.

8. Teo dây thần kinh thị giác

Teo thị giác là kết quả của tổn thương dây thần kinh thị giác đến từ các bệnh khác gây ra. Teo dây thần kinh thị giác ảnh hưởng đến thị lực và có thể gây mù lòa.

9. Xuất huyết võng mạc

Xuất huyết võng mạc xảy ra khi máu không ở trong mạch máu mà thoát ra ngoài võng mạc, gây ảnh hưởng thị lực như nhìn mờ, đau và đỏ mắt.

10. Quáng gà

Quáng gà là cách gọi thông thường của bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc mắt. Bệnh quáng gà có dấu hiệu giảm thị lực, thu hẹp tầm nhìn vào ban đêm, trong bóng tối hoặc nơi ánh sáng không đầy đủ.

11. Khô mắt

Khô mắt xảy ra do sự mất cân bằng tuyến nước mắt. Nước mắt không được sản xuất hoặc chất lượng kém dẫn đến không đủ bôi trơn và gây khô mắt. Phương pháp điều trị bao gồm nước mắt nhân tạo hoặc nút ống dẫn để ngăn nước mắt chảy ra.

12. Lác mắt

Lác mắt (lé mắt) là tình trạng mắt nhìn theo 2 hướng khác nhau, không tập trung vào một hình ảnh duy nhất cùng lúc, dẫn đến não ưu tiên mắt này hơn mắt kia gây mất thị lực ở mắt không thuận.

13. Loạn thị

Loạn thị là một loại tật khúc xạ phổ biến. Bệnh do phần nào đó của mắt (giác mạc hoặc thủy tinh thể) cong hơn bình thường dẫn đến tầm nhìn mờ. Hầu hết, các trường hợp loạn thị điều trị bằng kính điều chỉnh như kính đeo mắt hoặc kính áp tròng. Các biểu hiện của loạn thị như:

  • Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn.
  • Nheo mắt để nhìn rõ.
  • Nhức đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Mỏi mắt.

14. Cận thị

Người cận thị (hay còn gọi là cận thị) khó nhìn rõ các vật ở xa nhưng nhìn rõ các vật ở gần cùng với các triệu chứng khác như:

  • Nhức đầu.
  • Mỏi mắt.
  • Nheo mắt.
  • Mệt mỏi khi lái xe, chơi thể thao hoặc nhìn xa hơn.

15. Bệnh giác mạc chóp

Bệnh giác mạc hình chóp là tình trạng lồi ra của giác mạc, tạo chóp hoặc hình nón. Các triệu chứng bệnh giác mạc chóp như:

  • Tình trạng nhìn đôi (song thị), nhìn 1 vật thành 2 khi nhìn bằng một hay cả 2 mắt.
  • Nhìn mờ khi các vật thể ở gần và xa.
  • Cảm giác có quầng sáng xung quanh bóng đèn đang bật.
  • Tầm nhìn mờ gây khó khăn khi điều khiển xe.

16. Nhược thị

Nhược thị thường xuất phát từ cận thị, viễn thị và loạn thị hoặc do bệnh lý ở 1 mắt.

17. Mù màu

Mù màu (thiếu khả năng nhìn màu) là bệnh không phân biệt màu sắc. Bệnh mù màu do tế bào hình nón (tế bào thần kinh trong võng mạc mắt) không hoạt động bình thường.

18. Rách (bong) võng mạc

Bong võng mạc là sự tách rời võng mạc khỏi các mô giúp giữ võng mạc cố định, bệnh có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị. Nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng sẽ gây các triệu chứng như:

  • Nhìn thấy nhiều tia sáng.
  • Nhìn thấy những đốm đen hoặc những đường nguệch ngoạc trôi qua tầm nhìn.
  • Che khuất tầm nhìn.

Phương pháp điều trị bao gồm liệu pháp laser hoặc phẫu thuật để gắn lại võng mạc.

19. U nguyên bào võng mạc

U nguyên bào võng mạc là bệnh ung thư võng mạc xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi. Các triệu chứng bao gồm đồng tử trắng (phản xạ trắng trong đồng tử), lé mắt, viêm, thị lực kém. Chẩn đoán dựa trên kiểm tra bằng soi đáy mắt và siêu âm, CT hoặc MRI. Điều trị các khối u nhỏ bao gồm laser quang đông, phẫu thuật lạnh và xạ trị. Điều trị các khối u lớn thường phẫu thuật cắt bỏ.

20. Loét giác mạc

Đây là một vết loét hở ở giác mạc, nguyên nhân chủ yếu do nhiễm vi rút hoặc nấm gây khô mắt, trầy xước hoặc rách giác mạc. Những người đeo kính áp tròng có nhiều nguy cơ bị loét giác mạc hơn.

Các triệu chứng của loét giác mạc bao gồm:

  • Đỏ mắt và đau.
  • Mủ hoặc dịch đặc từ mắt.
  • Mờ mắt.
  • Mí mắt sưng.
  • Đốm trắng trên giác mạc.

Chăm sóc mắt như thế nào?

Để phòng ngừa các bệnh ảnh hưởng đến mắt cần chăm sóc mắt theo cách sau:

1. Khám mắt định kỳ

Khám mắt định kỳ nhằm kịp thời phát hiện ra các điểm bất thường và các bệnh khác ảnh hưởng đến mắt.

Chăm sóc mắt
Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh về mắt

2. Chế độ dinh dưỡng cho mắt

Chế độ ăn uống nên bao gồm nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt các loại rau có lá màu vàng và xanh đậm. Ăn cá có nhiều axit béo omega-3, chẳng hạn cá hồi, cá ngừ và cá bơn có thể giúp ích cho đôi mắt.

3. Hoạt động thể chất

Tập thể dục giúp ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao. Các bệnh này gây các vấn đề về mắt hoặc giảm thị lực. Vì vậy, nên tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng đến mắt.

4. Tránh hoạt động mắt trong thời gian dài

Sau mỗi giờ làm việc trên máy tính nên thư giãn mắt bằng cách nhìn ra xa khỏi màn hình máy tính, nhắm mắt lại hoặc chớp mắt nhiều lần để mắt điều tiết đỡ khô do nhìn quá lâu.

5. Tránh tổn thương vùng mắt

Khi gặp ánh sáng chói như đèn hàn, lò đúc thủy tinh, đèn pha ô tô nên tránh nhìn trực tiếp. Hạn chế sử dụng kính áp tròng trong thời gian dài, giữ vệ sinh và sát trùng kính áp tròng cẩn thận. Khi đi ra ngoài trong trời nắng gắt hãy đeo kính râm tia cực tím chiếu vào mắt. Tránh dụi mắt khi đôi tay chưa được rửa sạch sẽ.

6. Tập thể dục cho mắt

Nếu dành nhiều thời gian sử dụng máy tính, mắt sẽ dễ mỏi. Để giảm mỏi mắt, hãy thử quy tắc 20-20-20: Cứ sau 20 phút, hãy nhìn ra xa khoảng 6m trước mặt bạn trong 20 giây.

7. Thuốc nhỏ mắt

Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt cần lưu ý những điều sau:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt lâu dài.
  • Nên dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt mỗi ngày.
  • Đến gặp bác sĩ nếu thấy mắt gặp vấn đề như đau mắt, quáng gà, nhìn mờ, đỏ và rát, nhìn chói.
  • Kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện kịp thời những bất thường hay bệnh về mắt giúp điều trị kịp thời.

8. Đeo kính bảo vệ

Để ngừa chấn thương mắt, cần bảo vệ mắt khi chơi một số môn thể thao, làm các công việc như xây dựng và làm việc trong nhà máy và sửa chữa.

Ngoài ra, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng mắt và làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Do đó, hãy bảo vệ mắt bằng cách sử dụng kính râm, giúp chặn 99 – 100% cả bức xạ UVA và UVB.

Chuyên khoa Mắt, Hệ thống BVĐK Tâm Anh có đội ngũ bác sĩ với chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm trong điều trị các bệnh về mắt. Và hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại giúp cải thiện bệnh về mắt hiệu quả.

Mắt là gì? Mắt là bộ phận chiếm diện tích nhỏ trên cơ thể nhưng đóng vai trò quan trong việc giúp con người nhìn thấy mọi thứ xung quanh cuộc sống. Ngoài ra, mắt rất dễ tổn thương và gây ra nhiều bệnh có thể dẫn nguy cơ mù lòa. Do đó, ngay khi bị dị vật vào mắt hoặc nhận thấy các điểm bất thường nên đến đến ngày chuyên khoa Mắt để bác sĩ chẩn đoán và xử lý kịp thời.