Lê Minh Khuê (sinh năm 1949) từng là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Tiền Phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; sau 1975 là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Hiếm có cây bút nào như chị ba lần đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1987,2000, 2016), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012), Giải thưởng liên hoan thường niên văn học Quốc tế mang tên Byeong – Ju Lee của Hàn Quốc (năm 2008).
Nhà báo, nhà văn Lê Minh Khuê thời trẻ
Trong Dự thảo chương trình cải cách môn Ngữ văn phổ thông (2018), truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê vẫn được đánh giá là tác phẩm cần cho học sinh đọc để hiểu được các thế hệ trước đã tận hiến như thế nào vì cuộc sống của nhân dân có được ngày hòa bình, thanh bình sau này. Chính cảm hứng tương lai là giá đỡ thành công cho tác phẩm xinh xắn này.
Gần 50 năm sau đọc lại Những ngôi sao xa xôi độc giả hôm nay vẫn cảm nhận được vẻ đẹp tinh khiết của cảnh, người và tình một thời đạn bom ngút trời. Tính đến năm 2022, nhà văn đã sở hữu 14 tập truyện ngắn. Lê Minh Khuê được coi là một “cây truyện ngắn” tài năng trên văn đàn đương đại Việt Nam.
Ít người biết chuyện năm 1965, khi chưa đầy mười sáu tuổi, đang là học trò (trường cấp 3 ở Quảng Xương, Thanh Hóa), Lê Minh Khuê đã khai tăng thêm 1 tuổi để đi Thanh niên xung phong (TNXP). Thời kỳ chiến tranh ác liệt bấy giờ có hàng ngàn, hàng vạn chàng trai cô gái đã hành động theo tinh thần tận hiến như thế. Lớp trẻ bây giờ nghe chuyện của cha anh ngày trước thì đồng thanh thốt lên “như là cổ tích!”, còn lớp già trải qua trận mạc, đói khổ và chết chóc thì nhìn lớp trẻ và nghĩ “bao giờ cho đến ngày xưa?”. Chuyện một thanh niên viết đơn bằng máu đến 3 lần tình nguyện xung phong vào bộ đội trong lớp đại học năm thứ hai của tôi, sau này kể lại cho sinh viên nghe, các em cứ tủm tỉm cười (!?). Tất cả rất háo hức lên đường với bao điều lãng mạn không riêng gì Lê Minh Khuê.
Thử thách đầu tiên là… hành quân bộ, ròng rã gần nửa tháng trời lên đường 15 thuộc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Cái náo nức ra tiền tuyến trực tiếp đánh giặc tạm thời bị xếp lại, lắng xuống và nhận nhiệm vụ khác. Khi được phân công đi gánh đất lấp hố bom thì không khỏi ngỡ ngàng (“Tôi ngạc nhiên khi người ta bảo tôi đi gánh đất. Thanh niên xung phong như thế này à? Gánh đất? Tôi không tưởng tượng thế. Thanh niên xung phong phải vác súng kia, đi rầm rộ dưới những cánh rừng không trăng sao. Nói với nhau phải mạnh và gọn như những câu khẩu hiệu. Nhưng cũng đi gánh đất rồi quen dần”- một đoạn trích trong truyện Những ngôi sao xa xôi).
Xem thêm : Quyền khai thác giá trị sử dụng của tài sản được gọi là?
Đúng là lửa thử vàng gian nan thử sức. Cô TNXP nhỏ bé ấy rồi cũng trưởng thành không thua em kém chị. Sau hơn một năm làm quen với nỗi nhớ nhà cồn cào, với nắng gió Trường Sơn, với đói khổ, đạn bom chết chóc, giờ đây cô TNXP Lê Minh Khuê đã dạn dày, giống như cái cây được bứng ra khỏi giàn che, nay đặt giữa trời, có thể chịu được mọi biến đổi thử thách của thiên nhiên như “thép đã tôi thế đấy”. Nhưng một trận ốm đã bứt cô ra khỏi mặt đường với bao công việc gian nan. Cái ý nghĩ phải cầm bút viết lóe lên, thôi thúc. Chưa vội nghĩ mình trở thành nhà văn. Chính trong những ngày điều dưỡng sức khỏe ấy, Lê Minh Khuê có một phát hiện về khả năng viết của mình.Những bài báo đầu tiên được đăng năm 1967 đã khiến cô TNXP Lê Minh Khuê đứng trước một ngã rẽ. Chỉ đơn giản nghĩ phải viết về đồng đội. Rồi như một thôi thúc tự nguyện, một nhu cầu nội tâm, Lê Minh Khuê cứ viết chuyện bao đồng về bạn bè trên cùng cung đường, về đơn vị, về tuổi trẻ đầy cảm hứng lãng mạn. Phải nói ngay rằng, trên đời phàm làm việc gì cũng phải có duyên. Nhất là văn chương.
Những “cái” Lê Minh Khê viết (ghi chép, phóng sự, truyện ngắn,…) cứ in đều đều trên báo chí. Cái tên Lê Minh Khuê dần dần trở nên quen thuộc với độc giả. Khi đã “hòm hòm” lưng vốn chữ nghĩa thì Lê Minh Khuê dùng bút danh Vũ Thị Miền. Một cái tên nghe giản dị không thể nào giản dị hơn. Nhưng đến tận thời điểm này thì độc giả yêu văn chương nhất nhất chỉ nhớ có một cái tên Lê Minh Khuê.
Năm 1969, sau bốn năm khoác áo TNXP, tận hiến nhưng chưa có cơ hội tận hưởng, Lê Minh Khuê chuyển ngành (hay xuất ngũ?!). Không phải không có tiêu chuẩn và cơ hội đi học nước ngoài, nhưng chị đã có một lựa chọn mà sau nay khi đã ngoài tuổi lục tuần, nhìn lại thời trẻ, chị nói mình không ân hận về sự lựa chọn có tính bước ngoặt này, lúc chỉ mới tròn 20 tuổi. Bây giờ người trẻ 20 tuổi thì nào đã có sự lựa chọn sáng suốt cho đường đời của bản thân? Có, nhưng rất ít và cực kỳ khó khăn, đa số vẫn phải “bao cấp” từ bố mẹ.
Thế rồi ngẫu nhiên hay tất nhiên Lê Minh Khuê trở thành phóng viên chiến tranh của báo Tiền Phong. Lại một mình một ngựa, rong ruổi ngược xuôi trên những nẻo đường lầm lụi khói lửa, đạn bom gầm rít, cái chết và sự hủy diệt kề cận của một thời kỳ đã đi vào câu ca dao “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh tan giặc Mỹ, cực chừ sướng sau”. Vì thế đi và viết là cái “nghiệp” có tính chất “tiền định” với Lê Minh Khuê. Chị sau đó chuyển sang làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, đi chiến trường (ngày đó gọi là đi B).
Tháng 4/1975, chị có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Nói sao hết niềm vui vỡ òa khi đất nước hòa bình, người người đoàn tụ trong niềm vui thống nhất non sông. Nhưng dường như với sự mẫn cảm đặc biệt, Lê Minh Khuê đã sớm nhìn thấu những mâu thuẫn tiềm ẩn do cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt để lại – lòng hận thù mù quáng, những định kiến như cái hố ngăn cách lòng người, tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc như là liều thuốc hiệu nghiệm, cần thiết để hàn gắn vết thương chiến tranh,…
Không phải do có trí thông minh trác tuyệt, mà bởi lăn lộn, trải nghiệm đời sống từ nghề báo đem lại, nên nhà văn đã “nghe” được bước đi âm thầm của lịch sử, đã “đón” được những cơn bão của lòng người, đã hình dung ra những điều “sái” của nhân tâm thời đại chuyển từ chiến tranh sang hòa bình (Nhiệt đới gió mùa, theo tôi, là một trong những truyện ngắn hay nhất trên văn đàn đương đại về chiến tranh và hậu chiến).
Nghề báo đã giúp nghề văn, có hiệu quả đắc lực trong sáng tác văn chương của Lê Minh Khuê. Sau 1975, một thời gian ngắn chị đầu quân cho Đài Truyền hình Việt Nam. Lại được đi đây đi đó, thỏa chí tang bồng trong khung cảnh thời bình. Chị bây giờ làm báo hình. Nhưng tâm tư tình cảm thì nghiêng hẳn về văn chương (ngày báo đêm văn). Và cuộc chuyển đổi ngoạn mục đã diễn ra như một tất yếu. Lần này thì không có ý phân vân khi lựa chọn, mà là sự sắp xếp hợp lẽ tự nhiên của nghề cầm bút, của số phận.
Nhà báo, nhà văn Lê Minh Khuê
Năm 1978, Lê Minh Khuê chuyển hẳn sang văn chương, tính từ ngày về công tác tại Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, năm 1978 (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Chị là một biên tập viên vững tay nghề. Một “bà đỡ” mát tay. Làm nghề này chị có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà văn, đọc nhiều bản thảo, đồng nghĩa với việc sống thêm nhiều cuộc sống khác. Đây là một cơ hội trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa, như là hai điều kiện cần và đủ đối với một người viết văn.
Lê Minh Khuê dồn tâm huyết viết truyện ngắn (tính đến nay chị đã sở hữu 14 tập truyện ngắn với khoảng 200 truyện). Như ai đó nói nhà văn nữ này có cái khả năng “trụ hạng” của một vận động viên tài năng đẳng cấp – theo cách nói của thể thao – chỉ trung thành viết truyện ngắn từ khởi đầu cho đến tận bây giờ, khi đã ngoài tuổi 70. Cũng không nhiều người biết rằng đến nay, những truyện ngắn hay của chị đăng trên các báo chí vẫn được viết bằng bút mực, trên giấy A4. Một lần chị chia sẻ chỉ có cảm xúc thực sự mạnh trên trang giấy và mùi mực thơm thơm quen thuộc (chị thuộc số ít người xa lạ với laptop, điện thoại thông minh, facebook,…). Cái đẹp là sự giản dị như một nguyên lý thẩm mỹ được nhiều nhà văn ứng dụng trong thực hành sáng tác.
Lê Minh Khuê đã tuân thủ nguyên tắc này ngay từ những ngày đầu cầm bút viết văn cho đến tận hôm nay. Truyện ngắn của Lê Minh Khuê đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức, được đọc ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà tờ Thời báo New York đã nhận xét: “Dù xảy ra trong quá khứ hay hiện tại, những truyện ngắn sắc sảo, đôi lúc buồn cô quạnh trong tập truyện của Lê Minh Khuê đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của chiến tranh và sự xâm lăng (…). Qua bản dịch, tác giả đã hiện ra, một người có văn phong đẹp, nghiêm trang cùng với sự châm biếm tinh tường, đồng thời có khả năng trong những nhận xét đầy khơi gợi” (Lê Minh Khuê – Truyện ngắn chọn lọc, NXB Phụ nữ, 2003).
Lê Minh Khuê là một ngòi bút có sức bền. Tôi có một kỷ niệm khó quên về nữ nhà văn tài năng. Năm 1987, Lê Minh Khuê nhận Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn Một chiều xa thành phố. Ban Lý luận – Phê bình báo Văn nghệ đặt tôi viết một bài nhân sự kiện nhà văn nhận giải thưởng. Bài viết của tôi có nhan đề Sức bền của ngòi bút. Người phụ trách trang này, sau khi nhận bài của tôi đã sửa bằng cách thêm vào đầu nhan đề một chữ “Để” (thành Để có sức bền của ngòi bút). Và tôi được giải thích: “Thêm một chữ để, tức là người phê bình phải có con mắt đón đợi, và cần biết chờ đợi thành công từ một nhà văn!”.
Sau đấy tôi đem chuyện này nói lại với Lê Minh Khuê, chị bảo đó là thói quen nghề nghiệp làm báo, thói quen của người “gác cửa”, bất luận ai cũng không thể hành xử khác nếu ở địa vị ấy. Nhưng bây giờ thì đoán định của tôi cách nay 35 năm là hoàn toàn ứng vào thực tiễn. Nghĩa là tôi đúng. Trong những gương mặt nhà văn có thành tựu văn chương nhờ viết truyện ngắn sau 1975, theo cách “điểm danh” của tôi có: Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Văn Thọ, Sương Nguyệt Minh, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư.
Có thể nói, hiếm hoi có hiện tượng “2 trong 1”: nhà báo – nhà văn tài năng như Lê Minh Khuê. Tôi tin tưởng như thế.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp