CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chịu sự chi phối theo quy định của pháp luật. Vậy người lao động và người sử dụng lao động là gì? Mối quan hệ giữa họ có đặc điểm như thế nào? Hãy cùng EBH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Người lao động là người có từ đủ 15 tuổi trở lên

Người lao động là người có từ đủ 15 tuổi trở lên

1. Người lao động là gì?

Theo pháp luật Việt Nam, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Người lao động có thể là người lao động phổ thông, lao động chân tay hoặc lao động trí óc.

Người lao động có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Lao động và Luật Công đoàn. Người lao động cũng được bảo vệ quyền lợi bởi các tổ chức công đoàn tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 2, Bộ luật lao động 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Khi tham gia vào mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, người lao động có các quyền và nghĩa vụ như sau:

1) Quyền của người lao động:

– Tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề nâng cao trình độ, không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

– Được hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động, được bảo hộ lao động, làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn, vệ sinh, được hưởng chế độ nghỉ và phúc lợi theo quy định.

– Được thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp, và các tổ chức khác theo quy định, yêu cầu tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng với người sử dụng lao động.

– Được quyền từ chối làm việc nếu công việc đó đe dọa đến tính mạng, sức khỏe.

– Được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

– Được đình công.

Một số quyền lợi khác theo quy định.

2) Nghĩa vụ của người lao động:

– Thực hiện các công việc theo đúng hợp đồng lao động đã ký với người sử dụng lao động.

– Chấp hành theo kỷ luật, nội quy lao động, tuân theo sự quản lý, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động.

– Thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động có thể là cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp

Người sử dụng lao động có thể là cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp

2. Người sử dụng lao động là gì?

Theo quy định tại Điều 3, Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động là một khái niệm pháp lý, chỉ những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động để làm việc theo thỏa thuận.

Người sử dụng lao động có một số quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 6, Bộ luật lao động 2019 như sau:

1) Quyền của người sử dụng lao động:

– Tuyển dụng, bố trí, điều hành, quản lý, giám sát lao động, khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật.

– Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các tổ chức khác theo quy định.

– Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, đình công…

– Có quyền tạm thời đóng cửa nơi làm việc.

– Một số quyền lợi khác theo quy định.

2) Nghĩa vụ của người sử dụng lao động:

– Thực hiện theo đúng hợp đồng lao động, tôn trọng nhân phẩm, danh dự của người lao động.

– Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với người lao động, thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc.

– Bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

– Đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật về lao động: tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, thực hiện giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

– Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp quốc gia.

Người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động với người lao động như tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, khen thưởng, xử lý kỷ luật, thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các qui định của pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động.

Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động

Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động

3. Người lao động và người sử dụng lao động có quan hệ như thế nào?

Quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là một quan hệ được pháp luật công nhận, được xác lập, thực hiện, duy trì và chấm dứt trên cơ sở các quy định của pháp luật về lao động. Quan hệ này có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, Quan hệ này là quan hệ cá nhân, chỉ liên quan đến một người lao động và một người sử dụng lao động. Người lao động phải tự mình thực hiện công việc khi đã ký hợp đồng với người sử dụng lao động.

Theo quy định, công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động thực hiện. Người lao động phải tự hoàn thành công việc bằng kỹ năng, sức lực của mình mà không được chuyển giao cho người khác, đặc biệt là người không có quan hệ với người sử dụng lao động.

Thứ hai, Quan hệ này là quan hệ mua bán sức lao động, một hàng hóa đặc biệt và người sử dụng lao động có quyền quản lý người lao động.

Người lao động bán sức lao động của mình cho người sử dụng lao động để nhận được tiền lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động có quyền quản lý trong quá trình tuyển dụng người lao động, sắp xếp, phân công, giám sát, đánh giá chất lượng công việc của người lao động, phân phối lợi nhuận, thu nhập, khen thưởng, xử lý kỷ luật khi người lao động có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, mọi hoạt động thuộc phạm vi quản lý của người sử dụng lao động phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi quản lý lao động của mình.

Thứ ba, quan hệ này là quan hệ thoả thuận, được thiết lập chủ yếu dựa trên cơ sở giao kết hợp đồng lao động. Các bên tham gia phải là người trực tiếp giao kết và thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận.

Thứ tư, Quan hệ này là quan hệ bị chi phối bởi pháp luật. Các bên tham gia phải tuân thủ các quy định của Luật Lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thứ năm, quá trình xác lập, duy trì, chấm dứt quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động phải có sự tham gia của đại diện lao động.

Đặc điểm này thể hiện như sau: Công đoàn là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Công đoàn tham gia vào quá trình xác lập, thực hiện, duy trì, chấm dứt quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động bằng nhiều biện pháp. Trong đó, biện pháp gián tiếp như: tham gia xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách, pháp luật lao động,… và trực tiếp như: giúp đỡ cho người lao động trong quá trình ký kết hợp đồng lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động nếu xảy ra tranh chấp lao động.

Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử EBH về người lao động, người sử dụng lao động và mối quan hệ giữa họ. Hy vọng bài viết đã có thể cung cấp những nội dung hữu ích cho quý độc giả.

Nguyệt Nga – EBH