Việt Nam có khá nhiều dân tộc thiểu số và người Chăm là một trong những dân tộc thiểu số có phong tục tập quán truyền thống đặc sắc nhất. Họ sống rải rác ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam thậm chí là khắp nơi trên thế giới, nhưng dân tộc này cư trú tập trung đông nhất là ở Ninh Thuận.Tuy chịu ảnh hưởng của tôn giáo Bà la môn, nhưng nghi lễ cưới hỏi của người Chăm ở Ninh Thuận lại mang nhiều nét văn hoá truyền thống hơn là văn hoá tôn giáo.
Đám cưới dân tộc Chăm. Ảnh nguồn internet
Là một trong những dân tộc hiếm hoi theo chế độ mẫu hệ; phong tục cưới hỏi của dân tộc Chăm rất khác với dân tộc Kinh ở Việt Nam
Người Chăm theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Thông thường, con trai và con gái người Chăm thích lấy nhau cùng làng. Để đến được với nhau, họ phải có một quá trình tìm hiểu hoặc có người làm mối. Khi hai bên gia đình và con đồng ý thì tiến hành lễ hỏi, sau lễ hỏi 15 ngày, họ tổ chức lễ cưới.
Vào ngày cưới, nhà gái cho ông mối (chano) sang đón rể. Lễ vật đi rước gồm có: Chiếc vòng mà trong lễ hỏi, nhà trai đã tặng (máongang), gạo, rượu, thịt, ên, áo, chén đồng… khi họ đến đầu làng, nhà trai phải cho người ra đón và dẫn về nhà. Sau khi sắp đặt các lễ vật như trầu cau, rượu cần và 2 chiếc vòng (một nam, một nữ) 1 cái nồi đồng, 1 chiếc kiềng bạc, họ hàng hai bên ngồi xung quanh chứng kiến, chủ nhà khấn ông bà, tổ tiên về nhận mặt người mới vào nhà và phù trợ cho người đó luôn mạnh tay, khoẻ chân. Khấn xong, hai bên làm lễ trao vòng, vòng nam khắc 7 dấu, vòng nữ khắc 3 dấu. Theo phong tục, khi hai người không còn ăn ở với nhau mà chiếc vòng chưa trả lại thì quan hệ vợ chồng vẫn còn và đương nhiên các thành viên này không được kết hôn với người khác.
Sau lễ trao vòng, người mẹ chồng cầm chiếc kiềng bạc đeo vào cổ con dâu và trao cho đôi vợ chồng chiếc nồi đồng. Đây là những đồ vật gắn với họ suốt đời và phải giữ gìn, bảo quản cẩn thận, không để người khác mang ra khỏi bếp, không cho ai mượn hoặc không được làm mất. Xong lễ, hai bên ngồi uống rượu, trò chuyện với nhau, đến lúc trời đã về khuya, rượu đã ngấm, nhà trai và nhà gái bắt đầu hò đối đáp. Sáng hôm sau, đoàn người nhà gái cùng nhà trai về nhà nhà gái để làm lễ ra mắt tổ tiên. Khi đến đầu làng thì cô gái chạy trốn, ông chano cùng với dân làng đi tìm. Họ đi quanh trong buôn một lúc rồi cũng bắt được. Lúc này chano lấy sợi dây vải, dài độ sải tay buộc vào tay cô gái dẫn về nhà, họ đặt cho cô dâu, chú rể cùng ngồi một chiếc chiếu mới trải ở nhà, hai người đưa tay cầm chung mảnh vải, từ đây người con trai đã chính thức trở thành thành viên của gia đình nhà gái. Vài tháng hoặc một, hai năm sau họ mới tổ chức lễ cưới chính thức.
Trong lễ cưới chính thức, cô dâu, chú rể ngồi bên chén rượu, thầy cúng bốc gạo vãi lên trời gọi Yàng trời, Yàng đất, Yàng ông bà về chứng kiến ngày hợp thành vợ chồng của đôi trai gái. Cúng xong, xả heo thịt, đem nấu các món ăn, rượu hút ra, cô dâu chú rể cầm đi mời khách uống làm phép. Sau đó, cô dâu, chú rể ngồi vào chiếc chiếu trải cạnh chén rượu để trao rượu cho họ hàng đôi bên. Từ đây, cha mẹ chồng goi cô dâu là “Nghê”, em chồng xưng hô với chị dâu là “Ai”. Sau lễ cưới một ngày gia đình nhà gái tổ chức cho vợ chồng đi bắt cá. Trong ngày đó, nếu vợ chồng bắt được nhiều cá thì sau này làm ăn gặp nhiều may mắn, giàu có, con cái khôn ngoan, vợ chồng hoà thuận, hạnh phúc.
Ba ngày sau, hai vợ chồng về lại nhà trai làm lễ đạp tro nhà chồng. Lúc này nhà trai mổ heo, làm gà, nhắc rượu mời họ hàng, người thân và những người trong buôn để chung vui, đồng thời tiễn người con trai về ở nhà vợ. Dịp này nhà trai trao cho vợ chồng của hồi môn./.
Đám cưới tiếng Chăm là Đam Likhah hay Đam Bbơng mưnhum, tổ chức vào các tháng 3, 6, 10, 11 Chăm lịch (kém tháng Dương lịch 2 tháng). Cưới vào ngày chẵn hạ tuần thuộc Mẹ (âm): 2, 4, 6, 8, 10, 12 và 14 Chăm lịch. Người Chăm cưới hỏi theo chế độ mẫu hệ, nên gái hỏi chồng, và người con trai theo về nhà gái. Người Chăm có ba tôn giáo chính: Bà-la-môn, Bàni và Islam. Hôn nhân giữa các tôn giáo này bị cấm. Sự thể đã được lưu truyền nhiều trong dân gian, trong ca dao tục ngữ cũng như tác phẩm văn chương: Ariya Cam – Bini. Con của người đàn ông Bàni lấy nữ Chăm Bà-la-môn không được vào Kut chính; còn con của những đàn ông Bà-la-môn và chính người đàn ông ấy thì phải làm lễ vào đạo vợ. Đằng nào cũng nhiêu khê cả. Ngày nay, sự phân biệt ấy đã giảm nhiều nhưng không phải đã chấm dứt.
Có thể nói, đám cưới Chăm ngày xưa với nay khác nhau không nhiều lắm. Trong tác phẩm Vương quốc Champa (Le Royaume du Champa), G. Maspéro diễn tả đại ý: Hôn nhân ở dân tộc Chăm thông qua một người mối. Người này mang ít vàng, bạc, hai hũ rượu… đến nhà người con gái cầu hôn. Nếu thuận, hai bên định ngày cưới. Trong ngày cưới, người con trai cùng khách khứa, họ hàng qua nhà gái. Mọi người tụ họp ăn uống, nhảy múa, ca hát… Người Chăm quan niệm đàn ông chỉ có vai trò thứ yếu, chỉ đàn bà mới quan trọng. Người mai mối dẫn chàng rể tới gần cô dâu, cầm tay hai người để họ nắm tay nhau, miệng đọc câu chúc tụng. Một điều đáng lưu ý là, ngày xưa đàn ông tới hỏi, ngày nay thì ngược lại.
Đám cưới của người Chăm Bà-la-môn và Bàni ngày nay vẫn còn giữ được truyền thồng từ ngàn xưa. Trước tiên là Lễ dạm hỏi Ppalwak panwơc – do ông bà mai Ong muk janhuk bên gái qua nhà trai. Thường thì câu nói cửa miệng là: Nau dwah kabaw đi tìm trâu tốt cho mùa vụ. Rồi Lễ hỏi Nau pwơc. Với lễ vật đơn sơ: trầu cau, rượu, bánh trái, pei nung bánh tét, và nhất là có cá đuối ikan yuw tượng trưng cho sinh sôi nảy nở. Theo sau Lễ dạm hỏi, còn có Ppaklauh panwơc “dứt lời”. Đại diện hai họ quyết định về ngày tháng tổ chức, số thực khách,… Đã “dứt lời” rồi thì không còn có thể thay đổi được nữa. Cuối cùng là Lễ cưới Harei bbơng mưnhum.
Xem thêm : 18+ Bài Hát Về Trung Thu Cho Thiếu Nhi Hay Nhất
Người Chăm quan niệm đời người có ba lần sinh. Cưới là lần sinh thứ hai. Ở đây không phải cha mẹ sinh thành đứng ra “sinh” mà là Ong Inư Amư có thể dịch là Cha mẹ đỡ đầu. Chuẩn để làm cha mẹ đỡ đầu là họ chưa hề nửa đường đứt gánh klauh yaut, có tuổi tương đương tuổi cha mẹ “thực”, và biết về phong tục tập quán để có thể thực hiện vài nghi thức trong đám cưới. Cha mẹ đỡ đầu thay mặt cha mẹ thực, thực hiện tất cả thủ tục cuộc lễ. Chỉ sau đó, cha mẹ thực có qua nhà đàng gái.
Lễ cưới tiến hành 3 bước: Lễ ở nhà trai, Lễ ở nhà gái và Lễ Talơh khan aw (mang áo quần chú rể từ nhà trai qua nhà gái). Lễ Cưới kéo dài 4 ngày từ thứ Tư đến thứ Bảy. Ngày thứ tư, khởi đầu đám cưới là ở nhà trai với lễ vật rất đơn sơ, vì không quan trọng. Khoảng 2-3 giờ chiều, cha đỡ đầu dẫn chú rể và đoàn người thuộc họ đàng trai ra khỏi nhà để đi qua nhà gái. Nhà gái làm Lễ đón rể Rauk anưk mưtuw ở ngoài cổng làng, vào nhà.
Lễ chính diễn ra ở nhà gái. Ở đây, chú rể được dẫn vào phòng cô dâu làm các thủ tục lễ nghi cần thiết, như hai bên trao trầu cau cho nhau, chàng rể trao áo cho cô dâu. Sau bữa tiệc đãi họ đàng trai, cha mẹ đỡ đầu làm thủ tục Gởi chú rể Paywa anưk mưtuw rồi trở về nhà.
Tại phòng the, trong ba ngày đêm người ta giữ cho cây nến sáp cháy liên tục trên cỗ bồng trầu Thong hala, ngăn cách cô dâu với chú rể. Chỉ sau khi cỗ bồng trầu này được dọn đi, vợ chồng mới được động phòng. Ngày thứ bảy là ngày Talơh khan aw. Nhà gái qua nhà trai làm lễ tạ rồi mang “quần áo” chú rể qua nhà vợ. Họ chính thức trở thành vợ chồng Hadiip pathang.
Về phong tục tập quán lẽ thường là vậy, nếu gia đình hai bên hay cặp gái trai có điều kiện kinh tế tối thiểu. Còn gặp trường hợp gia cảnh cả đàng trai lẫn đàng gái không cho phép tổ chức đám cưới bằng chị bằng em drơh palei drơh nưgar, họ có thể làm Đám cưới lén Bbơng mưnhum klaik. Cũng ngày lành tháng tốt, chiều tối thứ tư khi mặt trời vừa lặn, vài anh em trong họ dẫn chú rể qua nhà cô dâu. Ăn ở với nhau có một mặt con, gia đình trẻ cùng cha mẹ bên đàng gái dắt díu nhau về bên nhà trai làm lễ “thú” họ hàng. Coi như xong đám cưới.
Dù rất hiếm khi xảy ra, gặp trường hợp bất hòa, ông chồng bỏ về nhà cha mẹ, bên đàng gái cũng qua làm lễ thú cho ông chồng này về với vợ. Hay nặng hơn, nếu có ly dị ppaklauh gơp, hai bên dẫn nhau ra trước hai họ làm thủ tục Chẻ đũa Blah dwơh. Khi ly dị, dù có thể vợ chồng đưa nhau ra tòa đúng thủ tục hành chính, thế nhưng tuyệt đại đa số ông chồng Chăm không mang của cải theo mình, mà để lại tất cả cho vợ nuôi con cái./.
Hà Phương (t/h)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp