Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là gì ?

Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là tổng thể những biện pháp, cách thức, phương thức mà ngành luật đó sử dụng để tác động lên ý chí, hành vi của các bên tham gia vào quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh. Vậy Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là gì? Qua bài viết dưới đây, Công ty Luật ACC sẽ giải đáp thắc mắc về vấn đề này để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn nhé.

Phuong Phap Dieu Chinh Cua Luat Hanh Chinh

1. Luật hành chính là gì?

Xét về mặt thẩm quyền hoạt động, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước ta bao gồm cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan quản lý (hành chính) nhà nước, cơ quan kiểm sát và cơ quan xét xử.

Trong đó, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực, được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và cơ sở để trực tiếp quản lý, điều hành các mặt hoạt động của đời sống xã hội từ kinh tế, văn hoá đến an ninh, quốc phòng, từ hoạt động đối nội đến hoạt động đối ngoại. Như vậy, trong mối quan hệ và sự phân định về thẩm quyền hoạt động của cơ quan quản lý hành chính) nhà nước với các cơ quan nhà nước khác như cơ quan quyền lực, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử thì khái niệm quản lý nhà nước được hiểu theo một nghĩa hẹp, tức là chỉ giới hạn trong các hoạt động chấp hành và điều hành, chủ yếu là của cơ quan quản lý (hành chính) nhà nước. Việc xác định khái niệm quản lý nhà nước là cơ sở để xác định đối tượng điều chỉnh và nội dung của luật hành chính.

Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống luật của Nhà nước, luật hành chính là tổng hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

2. Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là gì?

Phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính là cách thức, biện pháp tác động lên các chủ thể trong quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành – điều hành phát sinh trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động hành chính nhà nước.

Xuất phát từ tính chấp hành – điều hành trong quan hệ hành chính nên phương pháp điều chỉnh đặc trưng của Luật hành chính là phương pháp quyền uy – phục tùng. Theo phương pháp này thì trong hai bên của quan hệ hành chính, bên này phải phục tùng ý chí của bên kia chẳng hạn như: quan hệ giưa các cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới; giữa các cơ quan hành chính nhà nước và công dân;…Cụ thể, bên được trao quyền hạn mang tính quyền lực nhà nước là bên được ra các quyết định mang tính đơn phương, kiểm tra hoạt động của bên còn lại, được áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật còn bên còn lại bắt buộc phải thi hành, phục tùng các quyết định, biện pháp này. Chẳng hạn, công dân được quyền xin cấp đất xây dựng nhà ở tuy nhiên việc xem xét và quyết định có cấp hay không là quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước và khi quyết định đã ban hành, công dân phải chấp hành quyết định, tất nhiên, pháp luật cũng đồng thời cho phép người dân được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với quyết định hành chính.

Bên cạnh đó, trong một vài trường hợp, quan hệ pháp luật hành chính được điều chỉnh bởi phương pháp thỏa thuận. Theo đó trong quan hệ này tồn tại sự bình đẳng về ý chí của các bên tham gia quan hệ. Chẳng hạn như trong quan hệ hành chính phối hợp giữa hai cơ quan hành chính để ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch thì các bên trong quan hệ này có tư cách, ý chí bình đẳng với nhau hay đây còn được gọi là quan hệ pháp luật hành chính ngang.

Như vậy, Luật hành chính sử dụng hai phương pháp điều chỉnh là phương pháp quyền uy – phục tùng và phương pháp thỏa thuận trong đó phương pháp đặc trưng và chiếm lĩnh trong hầu hết các quan hệ pháp luật hành chính là phương pháp quyền uy – phục tùng.

3. So sánh phương áp điều chỉnh luật hành chính với luật dân sự

Việc phân biệt hai ngành luật này chủ yếu dựa vào phương pháp điều chỉnh. Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật dân sự là bình đẳng, thoả thuận; phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là mệnh lệnh đơn phương. Trong quan hệ pháp luật dân sự các chủ thể bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Trong quan hệ pháp luật hành chính các chủ thể không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ: Một bên có quyền ra mệnh lệnh còn bên kia có nghĩa vụ phải phục tùng.

Ngoài ra, để phân biệt hai ngành luật này còn có thể căn cứ vào đối tượng điều chỉnh của chúng. Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự là những quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá – tiền tệ và các quan hệ nhân thân. Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là các quan hê xã hội phát sinh trong lĩnh vực chấp hành – điều hành. Trong một số trường hợp, hai ngành luật này cùng điều chỉnh những quan hệ về tài sản nhưng ở các góc độ khác nhau. Luật dân sự quy định nội dung quyền sở hữu, những hình thức chuyển nhượng, sử dụng, định đoạt tài sản… Luật hành chính quy định những vấn đề như thẩm quyền giải quyết ngân sách, quản lí và phân phối nguồn vốn của nhà nước, công tác tín dụng, quản lí lưu thông tiền tệ V.V..

Các quy phạm của luật hành chính chủ yếu quy định thẩm quyền cùa bộ máy quản lí tài chính, cơ cấu tổ chức cũng như trình tự, thủ tục hoạt động của bộ máy đó và thủ tục tiến hành các quan hê tài chính. Còn các quy phạm của luật tài chính chủ yếu điều chỉnh bản thân các quan hệ tài chính, xác định nội dung các quyết định của các cơ quan tài chính.

Trên đây là toàn bộ nội dung về “Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là gì?” mà chúng tôi muốn mang đến cho bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu, nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ của chúng tôi, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật ACC, chúng tôi sẽ hỗ trợ và giải đáp một cách tốt nhất.

CÔNG TY LUẬT ACC

Tư vấn: 1900.3330

Zalo: 084.696.7979

Fanpage: : ACC Group – Đồng Hành Pháp Lý Cùng Bạn

Mail: [email protected]