1. Hoa súng Shapla – Quốc hoa của Băng-la-đét
Giống như hoa sen, hoa súng cũng là loài hoa mọc trong bùn lầy nhưng vẫn giữ được sự trong sạch của mình nên nó tượng trưng cho một tâm hồn trong trắng và thuần khiết. Loài hoa còn là một biểu tượng tôn giáo quan trọng của người Hồi giáo – đạo giáo chính của đất nước Băng-la-đét nên hoa súng được chọn là quốc hoa của đất nước này. Loài hoa có màu trắng tinh khôi còn mang ý nghĩa của hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và ấm no. Để tỏ lòng yêu thích cũng như là tôn kính của nhân dân với loài hoa trên, chính phủ Băng-la-đét đã dựng lên một bức tượng hoa súng giữa lòng thủ đô Dhaka và luôn là niềm tự hào của người dân nước này.
2. Hoa simpor – Quốc hoa của Bru-nây
Hoa simpor (dillenia suffruticosa) có cánh lớn màu vàng tươi. Loài hoa này thường được tìm thấy dọc theo các con sông ở Bru-nây, đặc biệt là sông Temburong và cả các khu vực đầm lầy hoặc cát trắng. Hình tượng hoa simpor xuất hiện rộng rãi trong các mẫu mã thủ công truyền thống của Bru-nây và được đưa lên đồng tiền 1 dollar của quốc gia này. 3. Hoa Rumdul – Quốc hoa của Cam-pu-chia
Hoa Rumdul (mitrella mesnyi) có màu vàng nhạt, hình dáng tròn trĩnh. Hoa có hương thơm đặc biệt quyến rũ trong đêm tối, bởi vậy mà trong nhiều thế kỷ người phụ nữ Cam-pu-chia thường được ví von với loài hoa này. Thường được trồng làm cảnh ở nơi công cộng, hoa Rumdul có thể được bắt gặp ở mọi nơi trên đất nước Cam-pu-chia. 4. Hoa Tulip – Quốc hoa Hà Lan
Hoa Tulip có nguồn gốc từ Ba Tư và Thổ Nhĩ Kì, được đưa sang Châu Âu vào thế kỷ thứ 16 và được rất nhiều quốc gia ưa chuộng. Ngày nay nhắc đến hoa Tulip là người ta nghĩ ngay đến Hà Lan như là một nét đặc trưng văn hóa của đất nước này. Hoa Tulip có nhiều màu sắc khác nhau tượng trưng cho một ý nghĩa khác biệt: Tulip màu vàng tượng trưng cho suy nghĩ vui vẻ, sự tha thứ. Tulip đỏ tượng trưng cho trách nhiệm, tình yêu hoàn hảo còn Tulip đen là đại diện cho một tình yêu bất diệt. Trong ngôn ngữ của loài hoa một bó hoa Tulip là tượng trưng cho thanh lịch và duyên dáng. 5. Hoa Mugung – Quốc hoa của Đại Hàn Dân Quốc
Hoa Mugung có tên khoa học là Hibiscus syriacus, thuộc họ hoa hồng Sharon, phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hoa Mugung nở từ tháng 7 đến tháng 9. Cánh hoa có dạng nếp nhăn dài 6~10 cm, cuống hoa ngắn. Đại đa số hoa Mugung có màu hồng, bên trong cánh hoa có những chấm màu đỏ. Hoa nở vào buổi sáng sớm, bắt đầu khép cánh vào buổi chiều và rụng lúc hoàng hôn. Chu trình này được lặp đi lặp lại hàng ngày. Thông thường cây nhỏ một ngày nở khoảng 20 bông, cây lớn 50 bông, thời gian hoa nở khoảng 100 ngày/năm. Vì vậy, nếu tính ra trong một năm, hoa nở khoảng từ 2000~5000 bông. Việc nở liên tiếp hàng ngày được xem là đặc tính rất độc đáo của hoa Mugung. Từ thời cổ đại, hoa Mugung đã được xem là biểu tượng của tinh thần dân tộc Hàn. Tình yêu của người Hàn Quốc dành cho loài hoa này được thể hiện rõ nét khi những ca từ “Hoa Mugung, nở ngàn dặm trên những ngọn núi và bên những dòng sông tươi đẹp” đã mở đầu một đoạn điệp khúc trong quốc ca của Đại Hàn Dân Quốc. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của Hàn Quốc đều lấy hoa Mugung làm biểu tượng và đế cắm quốc kỳ cũng được quy định làm theo hình dạng của nụ hoa Mugung. Hoa Mugung mang vẻ đẹp giản dị, là biểu tượng cho tính cách của người Hàn Quốc. So với các loại hoa khác, hoa Mugung có sức chịu đựng rất dẻo dai, tượng trưng cho sinh lực mạnh mẽ. Cho dù bông này có rụng xuống thì bông khác sẽ lại nở tiếp, bởi vậy nó còn được xem là biểu tượng của tinh thần bất khuất. Ngoài ra, hoa Mugung còn có nhiều công dụng khác, nụ hoa được dùng làm rau, cánh hoa và quả được dùng làm thuốc hay pha trà. Với những công dụng và sự hữu ích lớn như thế, hoa Mugung là loài hoa được sinh ra “vì con người và giúp ích cho con người”. 6. Hoa Chămpa (hoa sứ) – Quốc hoa của Lào
Không biết từ bao giờ, loài hoa này đã gắn liền với mỗi người dân đất nước Lào. Hoa Chămpa có màu sắc tinh khiết, mùi hương thanh nhã, thơm ngát, đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống. Hoa Chămpa hội tụ ý nghĩa triết học nhân sinh cao quý, gắn liền với nhà Phật, biểu hiện tính cách đôn hậu, hiền hòa của người dân xứ Chămpa. Hoa được trồng phổ biến trên lãnh thổ Lào, đặc biệt là ở các khu vực gần các tu viện, chùa tháp. Đến với đất nước Lào vào các dịp lễ, tết, từ những bản làng xa khuất, dọc những cánh rừng, hay ngay cả giữa thủ đô Viêng Chăn đều ngát hương hoa Chămpa. Theo phong tục của Lào, vào dịp Tết cổ truyền Bun-pi-may, người dân Lào thường kết từng vòng hoa Chămpa cài trên tóc để cầu mong điều may mắn tốt lành sẽ đến trong dịp năm mới. Khách đến chơi nhà trong dịp Tết sẽ được gia chủ cài hoa Chămpa trên ngực áo và buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Những đôi trai gái yêu nhau thường trao tặng những bông hoa Chămpa để nói lên tình yêu tha thiết, thủy chung của mình. Khi giai điệu “Hoa đẹp Chămpa” quen thuộc vang lên, như một phản xạ tự nhiên đã ăn sâu vào máu thịt, từng đôi nam nữ Lào thể hiện điệu múa Lămvông không chỉ bằng đôi tay dẻo, đôi chân nhịp nhàng, mà bằng cả ánh mắt dịu dàng và nụ cười hồn hậu. Các cô gái Lào làm duyên với những bông Chămpa cài bên đầu đã “thổi hồn” vào Lămvông, làm cho điệu múa truyền thống của dân tộc Lào “đắm đuối” bao du khách khi đến thăm đất nước này. 7. Hoa râm bụt – Quốc hoa của Ma-lai-xi-a
Ngày 28 tháng 7 năm 1960, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã chính thức công bố hoa râm bụt là quốc hoa của Ma-lai-xi-a và được in trong tiền cắc của Mã lai. Hoa râm bụt (tên tiếng Anh là Hibiscus), loài hoa 5 cánh có màu đỏ tươi đại diện cho 5 nguyên tắc quốc gia – triết lý quốc gia của Ma-lai-xi-a trong việc tăng cường đoàn kết và hòa giải dân tộc,trong khi màu đỏ tượng trưng cho lòng quả cảm. Loài hoa này được trồng trên khắp đất nước Ma-lai-xi-a. Hoa râm bụt thuộc họ Bông hoặc Cẩm quỳ, có nguồn gốc Đông Á. Nó thường được trồng làm cây cảnh tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoa lớn, màu đỏ sậm nhưng ít có hương. Nhiều giống, thứ, lai được tạo ra, với màu hoa khác nhau từ trắng tới vàng và cam, hồng, đỏ tươi, với cánh đơn hay cánh đôi. Theo Đông y, lá râm bụt vị nhạt, nhớt, tính bình, có tác dụng làm dịu, an thần, tẩy nhẹ, nhuận tràng, chữa viêm niêm mạc dạ dày, ruột. Hoa râm bụt vị ngọt, tính bình có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng. Vỏ rễ râm bụt vị ngọt, tính bình, có tác dụng chống ho tiêu viêm, chữa viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc, viêm khí quản… 8. Hoa Padauk (hoa dáng hương mắt chim) – Quốc hoa của Mi-an-ma
Quốc hoa của Mi-an-ma là hoa Padauk (Pterocarpus indicus), loài hoa thơm mọc thành chùm nhỏ màu vàng. Theo quan niệm của người Mi-an-ma, loài hoa này là biểu tượng của tuổi trẻ, tình yêu và sự lãng mạn. Hoa Padauk đóng một vai trò không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống và tôn giáo ở xứ sở Chùa Vàng. 9. Hoa đỗ quyên – Quốc hoa của Nê-pan
Hoa đỗ quyên là một trong những loài hoa cảnh rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới bởi vẻ đẹp dịu dàng của nó. Cây có nguồn gốc ôn đới, mọc nhiều ở những vùng núi cao trên 1200 m, ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5 với nhiều màu rực rỡ như trắng, vàng, hồng, tím và thích hợp với khí hậu mát mẻ quanh năm. Hoa đỗ quyên được chọn làm quốc hoa của Nê-pan bởi nó biểu tượng cho sự dịu dàng, ôn hòa và đầy nữ tính. Loài hoa này còn gắn với truyền thuyết về tình yêu thủy chung một lòng của người vợ dành cho người chồng. 10. Hoa hướng dương – Quốc hoa của Nga
Hoa hướng dương là loại hoa thuộc họ cúc sống lâu năm cánh hoa nhỏ màu vàng bao quanh nhụy hoa to màu đen và luôn hướng về mặt trời. Mỗi bông hoa hướng dương với sắc vàng rực rỡ cũng giống như một mặt trời nhỏ tỏa ánh sáng rực rỡ xuống thế gian,tượng trưng cho tính cách hào sảng, đường hoàng. Trong tình yêu hoa Hướng dương biểu tượng cho một tình yêu thủy chung son sắt không bao giờ thay đổi dù người bạn yêu có ở bất cứ đâu Ngày nay hoa hướng dương là Quốc hoa cao quý của người Nga bởi lẽ họ và loài hoa này đều hướng về phía Mặt Trời, hướng về cội nguồn ánh sáng. 11. Hoa anh đào – Quốc hoa của xứ Mặt trời mọc Nhật Bản
Anh đào được coi là quốc hoa của Nhật Bản. Mỗi mùa anh đào nở, người Nhật lại tổ chức những buổi tiệc ngắm hoa anh đào. Những người già thường thích ngồi nhâm nhi chén rượu sa-kê dưới gốc anh đào cổ thụ để thỏa sức ngắm hoa. Từ thanh niên đến các em nhỏ và nhiều du khách đều muốn được thỏa sức vui chơi dưới những hàng anh đào trổ hoa rực rỡ. Ngắm hoa anh đào nở là một lễ hội truyền thống, nét văn hóa đặc sắc có một không hai trên thế giới. Đến Nhật Bản vào mùa hoa anh đào nở, nhiều người sẽ có cảm giác như lạc vào vườn địa đàng, cảnh tiên nơi cõi tục. Người dân Nhật Bản, nhất là những võ sĩ Samurai, đặc biệt yêu thích hoa anh đào bởi cái đẹp tinh khiết nhưng mong manh của nó. Loài cây này mọc phổ biến khắp nơi trên đất nước mặt trời mọc. Tuy vòng đời của mỗi cánh hoa ngắn ngủi nhưng hình dáng trong trắng của hoa khiến người Nhật liên tưởng đến hình ảnh những võ sĩ Samurai xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Với tinh thần thượng võ, sự sống và cái chết nhiều khi đối với họ cũng nhẹ nhàng như chính những cánh hoa anh đào, rơi xuống trong sự tinh khôi.
12. Hoa Iris – Quốc hoa của Pháp
Hoa Iris mang tên của một nữ thần Hy Lạp, hoa Diên Vĩ (Iris) được xem như một loài hoa có khả năng chữa bệnh. Hoa Diên Vĩ là loài cây lâu năm có thân thảo vươn cao, lá hình lưỡi kiếm và những đóa hoa to nhiều màu sắc với ba cánh và ba đài hoa rũ xuống đại diện cho lòng trung thành, sự khôn ngoan và dũng cảm, là biểu tượng của Hoàng gia và sự che chở thần thánh, loài hoa đầy sức thu hút này được rất nhiều người ngưỡng mộ. Quốc hoa của nước Pháp xinh đẹp được coi là sứ giả mang đến hòa bình cho mọi người. 13. Hoa lan chuông – Quốc hoa Phần Lan
Linh lan hay hoa lan chuông có nguồn gốc trong khu vực ôn đới mát của Bắc bán cầu tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ thuộc loài lưu niên thân thảo có khả năng tạo thành các cụm dày đặc nhờ loang rộng theo các rễ ngầm dưới mặt đất gọi là thân rễ. Có truyền thuyết kể rằng hoa linh lan mọc lên từ những giọt nước mắt của Đức Mẹ dưới chân Thánh giá nên nó biểu tượng của sự phục sinh của Chúa. Những đóa hoa nhỏ nhắn, trắng tinh khôi mang ý nghĩa sự trở về của hạnh phúc tại quốc gia Phần Lan.
Xem thêm : Lượng calo trong gạo lứt là bao nhiêu và gợi ý các món ngon khó cưỡng
14. Hoa nhài (tên gọi là Sampaguita) – Quốc hoa của Phi-lip-pin
Loài hoa này có màu trắng, các cánh tỏa ra hình ngôi sao với hương thơm ngọt ngào đặc trưng. Xuất hiện trong các truyền thuyết, truyện dân gian và các bài hát của Phi-lip-pin, hoa Sampaguita được coi là biểu tượng của sự tinh khiết, khiêm nhường, giản dị và sức mạnh được Phi-lip-pin công nhận Quốc hoa vao ngày 01/02/1934. Những bông hoa này còn được sử dụng để làm nước hoa và ướp trà. Đây cũng là quốc hoa của In-đô-nê-xi-a, nơi mà nó được gọi là melati putih. Tại Nam Á nó là quốc hoa của Pa-ki-xtan. 15. Hoa Thạch lựu – Quốc hoa Tây Ban Nha
Trên quốc huy của Tây Ban Nha có bông thạch lựu đỏ tươi như ánh mặt trời rực rỡ thắp sáng cho quốc gia này. Việt Nam ta có câu: “Khi nghe tiếng hú gọi hè, đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” là chỉ những cây thạch lựu bởi vì loài cây này thường ra hoa vào dịp đầu hè, trong tán lá xanh mướt lập lòe những bông hoa như những đốm lửa hồng báo hiệu hè đến. Được nhìn thấy hoa thạch lựu cũng như nếm thử những trái thạch lựu vừa ngọt, mát và giòn sẽ mang lại sự ấm áp của người dân Tây Ban Nha. Hoa thạch lựu là biểu tượng của phú quý, cát tường và phồn vinh nên bất luận là thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, trong vườn hay ngoài công viên, đâu đâu người ta cũng thấy thạch lựu và thạch lựu đã trở thành quốc hoa của xứ sở bò tót. 16. Hoa muồng hoàng yến – Quốc hoa của Thái Lan
Quốc hoa của Thái Lan là hoa Ratchaphruek (muồng hoàng yến – Cassia fistula), loài hoa màu vàng nở thành chùm rực rỡ. Những người dân Thái coi màu vàng của loài hoa này như là màu sắc của Phật giáo và sự vinh quang. Hoa Ratchaphruek cũng tượng trưng cho sự đoàn kết và hòa hợp của người Thái. Loài hoa này thường được trồng dọc theo lề đường phố ở Thái Lan. 17. Hoa mẫu đơn – Quốc hoa Trung Quốc
Mẫu đơn có nguồn gốc từ cao nguyên Tây Bắc Trung Quốc trong thung lũng Thiển Cam Ninh là một trong những cây hoa được con người biết đến từ rất sớm là loài hoa vương giả, sang trọng ở Trung Hoa biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng, sắc đẹp. Từ xa xưa, loài hoa vương giả này chỉ thuộc sở hữu của giới quý tộc giàu có ở Trung Hoa được mệnh danh “Chúa của muôn loài hoa”. Ngoài ra rễ và hạt của hoa mẫu đơn còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Rễ cây giúp giảm đau, trị bỏng, làm giảm huyết áp, giúp trẻ mọc răng, chữa bệnh vàng da, dị ứng, thận… còn hạt hoa từng được xem như một loại gia vị. Mẫu đơn không chỉ đẹp, cao quý mà còn được dùng trong y học, Với màu hoa rực rỡ, cánh hoa to mùi hương rất thơm và được dùng làm quà tặng, nó rất xứng đáng trở thành Quốc hoa của Trung Hoa. 18. Hoa sen – Quốc hoa của Việt Nam
Hoa sen – Quốc hoa của Việt Nam, là loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao và bất khuất của con người trước mọi nghịch cảnh. Hoa sen gắn liền với đời sống của nhân dân Việt Nam, đi cùng với chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam đi vào thi ca, âm nhạc, hội họa, kiến trúc…với nhiều sắc thái và ý nghĩa cao đẹp. Đặc trưng của loài hoa này “sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nên nó là tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết của tâm hồn. Hoa sen tượng trưng cho tâm hồn dân tộc Việt luôn nỗ lực vượt qua bao nguy khó để vươn lên, khẳng định một tâm hồn trong sáng, thủy chung nhưng đầy nghị lực và bất khuất. Hoa sen hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học – nhân sinh cao quý, mang ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt. Cây sen trong khoa Đông y còn dùng làm một cây thuốc quý. Trong các nước Châu Á, Ấn Độ cũng chọn hoa sen làm quốc hoa của dân tộc mình.
19. Hoa lan “Vanda miss joaquim” – Quốc hoa của Xinh-ga-po
Xinh-ga-po được biết đến như là thiên đường của các loài lan. Có thể thấy hoa lan ở khắp mọi nơi ở Xinh-ga-po: trong nhà hàng, trong các công viên, các khu du lịch… Trong vô số các loài lan của quốc gia này, hoa phong lan Vanda Miss Joaquim được vinh dự chọn làm quốc hoa vào năm 1981 – một loài lan thanh nhã với những cánh phớt hồng mỏng manh được mang tên người phụ nữ đã tìm ra nó vào năm 1893 – bà Agnes Joaquim. Phong lan Vanda Miss Joaquim luôn có hoa nở quanh năm và lâu tàn. Với vẻ đẹp sắc sảo, phong lan miss joaquim đã chinh phục trái tim những người yêu hoa và được trồng rộng rãi trên đảo quốc sư tử này.
Ánh Nguyệt
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp