Rạn xương, nứt xương: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa

Rạn xương là tình trạng thường gặp, xảy ra phổ biến ở các vận động viên chạy đường dài. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chấn thương lặp đi lặp lại trong quá trình vận động. Phương pháp điều trị hiệu quả thường bao gồm nghỉ ngơi, dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bó bột là cần thiết để đẩy nhanh thời gian hồi phục.

rạn xương nứt xương

Rạn xương là gì?

Rạn xương hay nứt xương là tình trạng xuất hiện vết nứt vi thể sâu bên trong xương, xảy ra do chấn thương hoặc vận động quá mức. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, nguy cơ cao có thể tiến triển thành gãy xương, viêm khớp, thậm chí phải can thiệp phẫu thuật. (1)

tình trạng xương bị rạn ở bàn chân

Nguyên nhân gây rạn xương

Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng rạn xương: (2)

  • Tập luyện thể thao sai tư thế, sai kỹ thuật.
  • Vận động quá sức, tập luyện liên tục khiến cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi.
  • Thay đổi bề mặt tập luyện đột ngột, chẳng hạn như chuyển từ chạy ở bề mặt mềm sang bề mặt cứng.
  • Chạy trên đường đua hoặc đường có bề mặt dốc.
  • Sử dụng giày dép không phù hợp, quá mòn, quá mỏng hoặc quá cứng.
  • Thực hiện hoạt động lặp đi lặp lại trong một số môn thể thao, chẳng hạn như: chạy đường dài, quần vợt, bóng rổ, thể dục dụng cụ, khiêu vũ
  • Chế độ ăn uống không cung cấp đủ calo cho hoạt động thể lực, thể thao thường xuyên.
  • Cơ thể thiếu Vitamin D.

Yếu tố nguy cơ

  • Tuổi tác: Người cao tuổi thường gặp các vấn đề liên quan đến mật độ xương thấp, điển hình là loãng xương. Xương yếu sẽ dễ xảy ra rạn, nứt, thậm chí là gãy.
  • Cân nặng: Người có chỉ số BMI thấp hoặc người thiếu cân có thể bị yếu xương, ngược lại cơ thể thừa cân với chỉ số BMI cao sẽ làm tăng áp lực cho xương, dễ dẫn đến rạn, nứt.
  • Các vấn đề về giải phẫu: Viêm gân, vòm chân quá cao (bàn chân lõm) hoặc quá thấp (bàn chân bẹt), yếu cơ, mất cân bằng và linh hoạt khi vận động.
  • Giới tính: Nữ giới không có kinh nguyệt hoặc chu kỳ không đều có nguy cơ bị rạn xương cao hơn các đối tượng còn lại.
  • Bệnh lý: Loãng xương, hoặc các bệnh lý gây yếu hoặc mềm xương dẫn đến không chống chịu được hoạt động hàng ngày.

bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi

Triệu chứng khi bị rạn nứt xương

Các triệu chứng thường gặp của rạn xương do căng thẳng có thể bao gồm:

  • Đau, sưng hoặc nhức ở vị trí xương bị nứt.
  • Đau khi chạm vào vùng bị tổn thương.
  • Cơn đau xuất hiện khi vận động và biến mất khi nghỉ ngơi.
  • Cơn đau xuất hiện kể cả khi vận động, nghỉ ngơi, sinh hoạt, đi lại hàng ngày.

Rạn xương giai đoạn đầu nếu không được điều trị sẽ khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng. Từ đó, nguy cơ gãy xương do di lệch cao hơn (xương bị rạn di chuyển ra khỏi vị trí bình thường). Một số trường hợp buộc phải can thiệp phẫu thuật để điều trị những tổn thương này.

Phương pháp chẩn đoán nứt xương

Đối với chứng rạn, nứt xương, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán chính xác: (3)

1. Thăm khám với bác sĩ

Ban đầu, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng các triệu chứng và trao đổi về các yếu tố nguy cơ, nguyên nhẫn dẫn đến rạn xương. Người bệnh có thể cần trả lời một số câu hỏi liên quan đến:

  • Tiền sử bệnh lý, chấn thương trước đó.
  • Thói quen vận động, công việc hàng ngày.
  • Triệu chứng cụ thể gặp phải.
  • Các loại thuốc đang sử dụng.

2. Chụp X-quang

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để phát hiện triệu chứng gãy xương. Tuy nhiên, phương pháp này thường khó phát hiện tổn thương do kích thước vết nứt nhỏ. Thực tế, kết quả chụp X-quang đã bỏ sót đến ⅔ trường hợp xương bị rạn. Tuy nhiên, khi xương gãy bắt đầu lành, X-quang có thể quan sát được khối can xương gồ xung quanh chỗ gãy.

3. Chụp xạ hình xương

Nếu chụp X-quang không mang lại kết quả như mong muốn, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện phương pháp này. Trong quá trình chụp xạ hình xương, chất phóng xạ được tiêm vào máu, tích tụ trong xương và lắng đọng tại những vị trí đang được sửa chữa. Lúc này, vị trí xương rạn sẽ xuất hiện trên máy tính sẽ có màu sắc đậm hơn.

4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Nếu bác sĩ cần hình ảnh chi tiết hơn về tổn thương, người bệnh có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI). Phương pháp này có nhiều ưu điểm như sau:

  • Hạn chế tác động gây hại của tia bức xạ.
  • Không mất nhiều thời gian thực hiện.
  • Giúp chẩn đoán đồng thời các vấn đề về xương và mô mềm khác.

mri kiểm tra tình trạng xương

Rạn xương có nguy hiểm không?

Tình trạng rạn xương nếu không điều trị kịp thời sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Xương gãy không điều trị đúng cách dẫn đến viêm khớp, thậm chí cần can thiệp phẫu thuật. Do đó, ngay khi nhận thấy dấu hiệu đau nhức bất thường, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám sớm và áp dụng phương pháp điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, người bệnh cần ngưng tạm thời các hoạt động thể dục thể thao dễ gây chấn thương để tránh tình trạng thêm nặng.

Đối với người mắc bệnh nền như tiểu đường, bệnh thần kinh ngoại vi, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ khi có cảm giác đau ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân. Bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị hợp lý để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Rạn nứt xương có cần bó bột không?

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định bó bột để cố định xương ở vị trí phù hợp. Phương pháp này sẽ giúp ngăn chặn áp lực lên vùng tổn thương và thúc đẩy quá trình lành xương nhanh chóng hơn.

nứt xương có cần bó bột không

Cách điều trị rạn xương như thế nào?

Tình trạng rạn, nứt xương được điều trị theo nhiều cách khác nhau. Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về vị trí, mức độ nghiêm trọng của tổn thương để lựa chọn phác đồ phù hợp. Một số phương pháp được chỉ định phổ biến bao gồm: (4)

  • Ngừng các hoạt động gây đau: Các động tác lặp đi lặp lại trong tập luyện thể dục thể thao, vận động quá sức, hoạt động mạnh (khuôn vác, bưng bê)…
  • Chườm lạnh vào vùng bị thương khoảng 10 phút hoặc massage bằng đá viên từ 3 – 5 phút.
  • Nghỉ ngơi trong khoảng từ 2 – 8 tuần.
  • Vận động nhẹ nhàng với các môn thể thao ít động tác, chẳng hạn như: bơi, đạp xe…
  • Thực hiện vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ để đẩy nhanh thời gian chữa lành và tránh tái chấn thương.
  • Kê cao vùng bị thương khi nằm ngửa, đặc biệt là đối với tổn thương ở chân, mắt cá chân, bàn chân.
  • Dùng thuốc chống viêm không steroid để giúp giảm sưng đau.
  • Sử dụng giày bảo hộ để giảm áp lực cho bàn chân hoặc cẳng chân khi bị nứt xương, có thể là giày đế cứng, dép đế gỗ,…
  • Sử dụng nạng giảm sự chịu lực của trọng lượng lên bàn chân hoặc cẳng chân trong trường trường rạn xương xảy ra ở khu vực này.
  • Phẫu thuật trong trường hợp tổn thương nghiêm trọng, cụ thể là dùng kim, vít… để cố định vết nứt.

Phương pháp phòng ngừa tình trạng nứt xương

Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa rạn, nứt xương hiệu quả, cần tham khảo để tránh xảy ra chấn thương không mong muốn:

  • Nên tăng cường độ tập luyện thể thao một cách dần dần theo hàng tuần, không nên hoạt động quá sức.
  • Tập luyện xen kẽ các hoạt động khác nhau để ngăn ngừa nứt xương, chẳng hạn như chạy bộ vào những ngày chẵn kết hợp đạp xe vào ngày lẻ.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt chú trọng bổ sung nhóm thực phẩm giàu Canxi và Vitamin D.
  • Sử dụng các thiết bị tập luyện thể thao tích hợp, không mang giày đã cũ hoặc quá mòn.
  • Ngưng tập luyện và nghỉ ngơi vài ngày khi nhận thấy triệu chứng sưng, đau xảy ra, nếu cơn đau tiếp tục kéo dài, cần liên hệ bác sĩ ngay lập tức.

bổ sung vitamin d trong khẫu phần ăn

Thời gian hồi phục sau khi bị rạn nứt xương

Vết rạn, nứt xương thường hồi phục sau khoảng 6 – 8 tuần, khi các triệu chứng sưng đau đã hoàn toàn biến mất. Trong khoảng thời gian này, người bệnh nên ngừng các hoạt động có thể gây tổn thương để tránh vết nứt tiến triển nghiêm trọng hoặc tái phát về sau.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích liên quan đến tình trạng rạn xương, nứt xương. Hy vọng với những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới để chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng tránh được các chấn thương không mong muốn.