Trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ là tốt? Thời gian tắm bao lâu?

Tắm rửa, vệ sinh cơ thể là một trong những bước quan trọng trong quy trình chăm sóc trẻ. Vậy trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ? Việc nắm rõ thời gian tắm phù hợp cho trẻ và tắm đúng cách sẽ giúp bố mẹ chăm sóc trẻ tốt và an toàn hơn.

Trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ

Tắm cho trẻ sơ sinh có quan trọng không?

Có. Tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách là một trong những cách để bảo vệ trẻ khỏi bụi bẩn, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và khỏe khoắn hơn. Khi trẻ sơ sinh chào đời, da trẻ còn dính phân su, nước tiểu, nước ối, việc tắm rửa sạch sẽ giúp loại bỏ các chất này trên da của trẻ. Hơn nữa, tắm đúng cách còn giúp hỗ trợ hệ tuần hoàn, giúp nuôi dưỡng da và bảo vệ các tế bào thượng bì, tăng hiệu quả họat động của các cơ quan trong cơ thể, thúc đẩy tăng trưởng ở trẻ sơ sinh. Mặt khác, tắm còn được xem là một cơ hội để bố mẹ kiểm tra da trẻ một cách toàn diện, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nếu có.

Nếu không được tắm trẻ có thể bị ngứa ngáy, bít tắc lỗ chân lông, trẻ khó chịu, nguy cơ mắc bệnh về da cao. Do đó, trẻ sơ sinh nên được tắm rửa theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bố mẹ nên chú ý tắm cho trẻ đúng cách
Bố mẹ nên chú ý tắm cho trẻ đúng cách và với khung giờ phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ?

Thực tế, không có mốc thời gian cố định về việc tắm cho trẻ sơ sinh. Mẹ có thể tự sắp xếp thời gian tắm cho trẻ sao cho thuận tiện nhất. Một số chuyên gia khuyến cáo, mẹ nên tắm cho trẻ trong khoảng thời gian khi có ánh nắng mặt trời, trong khoảng từ 10 giờ – 11 giờ sáng hay 15 giờ – 16 giờ chiều bởi lúc này trời còn nắng, không khí ấm áp, dễ chịu.

Một số thời điểm mẹ không nên tắm cho trẻ:

  • Khi trẻ đang ngủ;
  • Khi trẻ đang đói hoặc mới vừa ăn no;
  • Khi trẻ sốt cao, bị ốm;
  • Khi trẻ đang thấy lạnh.

Nên tắm cho trẻ sơ sinh trong thời gian bao lâu?

Cơ thể trẻ sơ sinh hiện vẫn chưa thể tự điều chỉnh nhiệt độ nên trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Hơn nữa, da của trẻ sơ sinh khá mỏng manh nên bố mẹ lưu ý không nên tắm cho trẻ quá lâu. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh chỉ nên tắm cho trẻ sơ sinh 5 – 10 phút/lần nhằm giúp tránh làm khô da trẻ và các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, sau khi tắm cho trẻ, mẹ nên thoa một lớp kem dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh để giúp da bé luôn mềm mại, khỏe mạnh.

Trẻ sơ sinh có nên tắm hàng ngày không?

Điều này có thể là không cần thiết, đôi khi có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.

Trẻ sơ sinh tắm mấy lần 1 tuần?

Trẻ sơ sinh nên tắm khoảng 2 – 3 lần/tuần hoặc tắm khi dơ. Việc tắm quá nhiều, vượt quá mức này có thể gây hại cho da và sức khỏe của trẻ. (1)

Tần suất tắm cho trẻ sơ sinh được dựa vào sức khỏe tổng quan của trẻ và các biểu hiện trên da bé. Nếu da trẻ xuất hiện các đốm đỏ lấm tấm, mụn nước, da khô hay bị bong tróc, da trẻ đang rơi vào tình trạng bị kích ứng quá mức. Bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách chăm sóc phù hợp nhất. Mẹ có thể tự sắp xếp thời gian phù hợp để tắm cho trẻ sơ sinh.

Mẹ có thể tự sắp xếp thời gian phù hợp để tắm
Mẹ có thể tự sắp xếp thời gian phù hợp để tắm cho trẻ sơ sinh.

Khung giờ tắm lại cho trẻ sơ sinh

Nhiều nghiên cứu cho thấy, lần tắm đầu tiên của trẻ nên thực hiện tốt nhất sau 24 giờ đầu đời. Việc tắm trước mốc thời gian này sẽ loại bỏ lớp chất gây bảo vệ, khiến thân nhiệt của trẻ hạ xuống thấp, hạ đường huyết, khô da và ảnh hưởng đến việc bú mẹ.

Cách ấn định thời gian tắm cho trẻ sơ sinh

Để tạo cho trẻ thói quen tắm vào một khung giờ cố định, trước tiên, bố mẹ nên nắm rõ giờ giấc ăn, ngủ. Điều này sẽ giúp bố mẹ dễ dàng chọn được khung giờ trẻ dễ chịu nhất để tắm mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ hay việc bú sữa của trẻ.

Tuy nhiên, để ấn định thời gian tắm cho trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể mất 2 – 3 tháng để đưa trẻ vào một quy luật nhất định. Bên cạnh đó, trước mỗi lần tắm cho trẻ mẹ nên lặp đi lặp lại một thao tác nhằm giúp trẻ biết được đã đến lúc tắm. Ví dụ, trước khi tắm, mẹ có thể nhìn bé và nói “mẹ con mình đi tắm nhé”. Tiếp đến là mát xa cho trẻ, đưa trẻ vào nhà tắm và bắt đầu tắm nhẹ nhàng.

Một số lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh nhằm giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu:

  • Tắm bằng nước nóng: Mẹ nên dùng nước ấm 36 – 37 độ C để tắm cho trẻ bởi mức nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh này không quá chênh lệch với thân nhiệt của trẻ, không khiến trẻ quá lạnh hay quá nóng.
  • Quan sát các biểu hiện của trẻ: Không phải trẻ sơ sinh nào cũng thích nước, vì vậy, mẹ nên quan sát cảm nhận của trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện không thích ở trong nước, mẹ nên tắm nhanh cho trẻ.
  • Lau khô và giữ ấm cho trẻ sau khi tắm: Tắm xong, mẹ nên dùng khăn mềm lau khô người trẻ, nhất là các vùng da có nếp gấp như cổ tay, háng, cổ chân hay hậu môn. Tình trạng nước tồn đọng trên da bé kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh ở trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể bị hăm tã vì điều này.
  • Cân chỉnh tần suất tắm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thời tiết: Trẻ sơ sinh và mùa hè, nắng nóng có thể tắm thường xuyên hơn. Bố mẹ nên sử dụng sữa tắm với liều lượng phù hợp để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của nó đến da bé. Ngược lại, vào mùa lạnh, bố mẹ nên tránh tắm cho trẻ quá nhiều.
Sau khi tắm, mẹ nên lau khô người cho trẻ
Sau khi tắm, mẹ nên lau khô người cho trẻ và giữ ấm cẩn thận.

Cách tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Nắm rõ cách tắm cho trẻ sơ sinh cũng là một trong những điều quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số bước cơ bản để tắm cho trẻ sơ sinh bố mẹ nên biết:

  • Dùng bông gòn thấm nước ấm lau mí mắt của trẻ theo hướng từ trong ra ngoài. Tiếp đến, rửa mặt, lau mặt cho trẻ. Lưu ý, tránh để nước hay bất kỳ thứ gì vào tai và mũi của trẻ.
  • Lau và rửa tai theo hướng dẫn của chuyên gia.
  • Gội đầu cho trẻ, chú ý dùng bàn tay và cánh tay hỗ trợ vùng đầu và cổ, tránh để nước và xà phòng dây vào mặt trẻ.
  • Cởi hết quần áo, cởi bỏ tã cho trẻ cuối cùng.
  • Dùng một tay nâng đỡ đầu và vai trẻ, tay còn lại nâng đỡ cơ thể trẻ nhẹ nhàng rồi từ từ hạ người trẻ vào bồn tắm, giữ chặt chân trẻ.
  • Khi cho trẻ nằm xuống bồn tắm, mẹ nhẹ nhàng dội nước lên người trẻ và vệ sinh cho trẻ theo thứ tự cổ, thân, chân, tay, vùng sinh dục… Chú ý các vùng da có nếp gấp như cổ, nách, bẹn, hay giữa các ngón tay, ngón chân.

Lưu ý, mực nước tắm chỉ nên cao khoảng 5cm. Bố mẹ cần giữ trẻ cẩn thận để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh khi tắm. Khăn tắm, dụng cụ tắm, nước tắm cần được chuẩn bị đầy đủ trước khi đưa trẻ đi tắm. Nhiệt độ phòng tắm trong khoảng 29 – 30 độ C, không có gió lùa.

>>>Xem clip Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn, đúng cách:

Lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

Trong những ngày đầu đời, rốn của trẻ sơ sinh có thể chưa rụng. Vì vậy sau khi tắm cho em bé, phụ huynh lưu ý lau khô rốn và dùng dung dịch vệ sinh rốn. Nếu rốn em bé bị nhiễm trùng, bạn cho bé đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn.

Trẻ sơ sinh khóc khi tắm phải làm sao?

Trẻ sơ sinh khóc khi tắm là một trong những vấn đề khó tránh khỏi nhưng lúc này nào bố mẹ cần xử lý như thế nào? Nếu trẻ khóc khi tắm, điều quan trọng là bố mẹ cần phải giữ bình tĩnh, sau đó, nhanh chóng làm sạch xà phòng trên người bé, rửa qua các bộ phận cần thiết rồi quấn bé trong một chiếc khăn mềm. Mẹ nên dùng khăn vỗ nhẹ lên khắp người trẻ sao cho cơ thể trẻ khô hoàn toàn (không chà xát người trẻ).

Bôi dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh sau khi tắm là một bước cần thiết làm dịu da trẻ, giúp trẻ thoải mái hơn, đặc biệt là khi da trẻ bị khô, chàm hay kích ứng.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ trung tâm Sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Trên đây là những thông tin hữu ích về vấn đề tắm cho trẻ sơ sinh cũng như trả lời cho câu hỏi “Trẻ sơ sinh nên tắm lúc mấy giờ?”. Tắm mang đến nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh, không chỉ giúp làm sạch cơ thể mà còn giúp kích thích các giác quan. Do đó, bố mẹ nên nắm rõ các quy tắc khi tắm cũng như lựa chọn thời gian tắm phù hợp cho trẻ sơ sinh giúp trẻ cảm thấy thoải mái và đảm bảo an toàn khi tắm cho trẻ.