Vị trí ruột thừa và kỹ thuật cắt ruột thừa đơn thuần

  • Mổ hở: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch da từ 5-10cm vùng bụng dưới bên phải, bóc tách da, cơ để tiếp cận vùng ruột thừa bị viêm. Sau khi xác định được vị trí ruột thừa, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra cẩn thận khu vực xung quanh ruột thừa vừa cắt bỏ để phát hiện các mô bị hư hỏng hoặc nhiễm bệnh. Nếu không có gì bất thường, tiến hành đóng vết mổ.
  • Mổ nội soi: Bác sĩ sẽ tiến hành tách các lỗ nhỏ ở bụng để tiếp cận ruột thừa. Một ống nhỏ được đưa vào để bơm khí CO2 làm căng thành bụng. Camera và các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào, bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh từ camera, thực hiện cắt ruột thừa khỏi manh tràng, đóng kín gốc ruột thừa, cầm máu mạc treo ruột thừa.

Mổ ruột thừa nội soi có nhiều ưu điểm so với mổ hở, do ít xâm lấn nên bệnh nhân ít đau, nhanh hồi phục, ít biến chứng sau mổ, thời gian nằm viện ngắn, đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ đảm bảo do vết sẹo rất nhỏ và mau lành. Mổ nội soi được thực hiện ngày càng phổ biến, như một chỉ định thường quy trong phẫu thuật viêm ruột thừa. Mổ hở ruột thừa hiện nay rất ít thực hiện, trừ trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định với phẫu thuật nội soi.

Nếu có dấu hiệu đau bụng kéo dài, nhất là đau bụng trên rốn lan tỏa xuống phần hố chậu phải và tính chất đau ngày càng tăng, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở khám và điều trị. Không nên chủ quan và tự mua thuốc điều trị ở nhà. Các kỹ thuật cắt ruột thừa đơn thuần khi bệnh nhân chưa có các biến chứng thường đơn giản, thực hiện nhanh chóng, bệnh nhân nhanh hồi phục. Nếu các biến chứng đã xảy ra, nguy cơ đe dọa sức khỏe bệnh nhân tăng, quá trình điều trị khó khăn hơn rất nhiều.