Đề xuất nâng tuổi thanh niên lên 40 tuổi: Nâng bao nhiêu là hợp lý?

Đề xuất nâng tuổi thanh niên lên 40 tuổi: Nâng bao nhiêu là hợp lý?
Ông Vũ Trọng Kim. Ảnh: Quang Vinh

Đề xuất nâng tuổi thanh niên lên 35 hoặc 40 tuổi

Tại phiên họp 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Thanh niên sửa đổi, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã dẫn lại câu của Bác Hồ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Ông Định cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đã là công dân toàn cầu thì thanh niên cũng cần toàn cầu. Do vậy, sửa luật lần này phải làm sao tháo gỡ được khó khăn, bất cập và cả những cái yếu của thanh niên.

Đáng chú ý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất nghiên cứu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 hay 40 tuổi với lý do “quy định độ tuổi thanh niên là 30 tuổi như luật hiện hành là quá thấp”.

Đề xuất này làm dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi, quy định giới hạn tuổi thanh niên bao nhiêu là hợp lý?

Nâng bao nhiêu là hợp lý?

Trao đổi với Lao Động, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Trung ương Đoàn) – ông Vũ Trọng Kim cho biết, bản thân ông là người tâm huyết với công tác thanh niên suốt 50 năm qua, “chứ không chỉ là 1, 2 nhiệm kỳ làm Bí thư”.

Qua nghiên cứu thực tiễn, ông Kim cho rằng việc nâng giới hạn tuổi thanh niên lên cao hơn tại thời điểm này là hợp lý. Nhưng nếu nâng thì chỉ nên nâng tới 35 tuổi, thay vì 30 tuổi như luật hiện hành. “Đề xuất nâng lên tới 40 tuổi là cao, thế giới cũng có nhưng không phổ biến”.

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong cho biết thêm, bản thân ông đã có góp ý vào Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi lần này. Trong đó, nên nâng giới hạn tuổi thanh niên từ 30 lên 35 tuổi.

Theo ông Kim, luật hiện hành giới hạn độ tuổi thanh niên từ 16 tới 35 tuổi, trong giới hạn này, Việt Nam có khoảng 22,5 triệu thanh niên. Nếu nâng giới hạn tuổi lên 35 thì số thanh niên sẽ tăng lên là 30 triệu người.

Ngoài ra, thời gian thanh niên học hết Đại học vào khoảng 25 tuổi. Từ 25 tới 35 tuổi là đã vào nghề và thậm chí những người ra khởi nghiệp có người thành công, có người thất bại.

“Nhưng đây là những người đã có kinh nghiệm, đã có thực trải, số đông họ cũng có thành công nhất định trên những mũi nhọn mà hiện nay nhà nước đang cần, nhất là công nghệ thông tin, đầu tư mạo hiểm, những ngành nghề kinh doanh, …

Cho nên, lực lượng thanh niên từ 25 tới 35 tuổi “đóng vai trò đầu tàu để lôi kéo số thanh niên ở tuổi 16 đi lên”, ông Kim nhấn mạnh.

Nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cũng cho rằng không nên nâng giới hạn tuổi thanh niên lên tới 40 tuổi, vì “tuổi năng động, xông xáo, đi liền với sức khoẻ thì tới 35 là hợp lý, không nên đặt vấn đề lên cao hơn vì giới hạn tâm sinh lý lứa tuổi”.