Lá cờ đỏ sao vàng là niềm tự hào của người dân đất Việt, lá cờ luôn xuất hiện trong những dấu mốc, bước ngoặt của lịch sử, biểu trưng cho chủ quyền dân tộc của một quốc gia.
Những dịp lễ tết của dân tộc, các cơ quan, công sở, các hộ dân lại ý thức được rằng việc treo Cờ Tổ quốc là thể hiện lòng yêu nước và lòng tự hào của mỗi công dân Việt Nam, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phồn vinh. Đó còn là sự thể hiện lòng tri ân của chúng ta đối với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha, anh trong công cuộc đấu tranh giành độc lâp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bạn đang xem: Cờ đỏ sao vàng, biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ – UBND huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình
Cột cờ uy nghi tại trụ sở HU-HĐND-UBND huyện Kim Sơn
Có lẽ hình ảnh không thể quên được với toàn thể dân tộc Việt Nam 78 năm qua, đó là ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình lộng gió, trong sắc nắng của mùa thu, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã tung bay phần phật trên lễ đài, làm cho không khí ngày Lễ Độc lập càng trở nên thiêng liêng và ý nghĩa. Từ đây Lá Quốc kỳ có ý nghĩa to lớn trong lòng toàn thể người dân Việt Nam.
Quốc kỳ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn gọi là “ Cờ đỏ sao vàng” hay “ Cờ Tổ Quốc”, nguyên là quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được ra đời và xuất hiện lần đầu vào năm 1940, sau đó chính thức trở thành quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9 năm 1945. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và hai miền thống nhất, Cờ đỏ sao vàng tiếp tục trở thành quốc kỳ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Việt Nam khóa VI.
Xem thêm : 10/10 là ngày gì? Các sự kiện nổi bật diễn ra vào ngày 10/10
Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy mẫu từ hiệu kỳ Cờ đỏ sao vàng (hay còn gọi là cờ sao mai) của Mặt trận Việt Minh ở Bắc kỳ từ trước tháng 8 năm 1945. Lá cờ đỏ sao vàng hiện nay được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên trong sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa ngày 23 tháng 11 năm 1940.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiệu kỳ này lần đầu do Hồ Chí Minh sử dụng tại buổi mở lớp “Con đường giải phóng” huấn luyện cán bộ chuẩn bị thành lập mặt trận đại đoàn kết dân tộc vào cuối năm 1940, và được chính thức treo lần đầu tiên vào ngày “19 tháng 5 năm 1941, lá cờ được treo giữa hang Pắc Bó, khai mạc Hội nghị thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội”. Vào năm 1944, Văn Cao sáng tác Tiến quân ca, tuy trong ca khúc có những câu như “…Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,… Sao vàng phấp phới…” nhưng lúc đó ông cũng chưa thấy lá cờ mà chỉ tưởng tượng ra. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, lá cờ đỏ sao vàng được Hồ Chí Minh trao cho Võ Nguyên Giáp làm lễ khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Lá cờ đỏ sao vàng được lực lượng Việt Minh sử dụng hiệu triệu nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Trong thời gian Cách mạng Tháng Tám, tại Bắc Bộ và Trung Bộ, nhân dân hầu hết các nơi dưới sự lãnh đạo của Việt Minh sử dụng lá cờ này. Riêng tại một số nơi Nam Bộ, Thanh niên Tiền phong là tổ chức chính tham gia giành chính quyền, lúc này đã gia nhập Việt Minh nên tùy từng nơi sử dụng lá cờ đỏ sao vàng, hay sử dụng cả hai lá cờ (của Việt Minh và lực lượng Thanh niên Tiền phong) hay sử dụng cờ vàng sao đỏ của Thanh niên tiền phong, hoặc kết hợp với cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau khi giành được chính quyền thì cờ Việt Minh được sử dụng biểu tượng một nước Việt Nam mới. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong buổi lễ Tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình. Ngày 5 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quyết định quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Trong cuộc họp Quốc hội khóa I đã thông qua quy định cụ thể về quốc kỳ vào ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi quốc kỳ và quốc ca”.
Kỳ họp thứ I, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 tháng 3 năm 1946 một đại biểu nêu ý kiến: “Hiện nay lá quốc kỳ của ta chưa có. Lá cờ nền đỏ sao vàng chỉ là tạm thời, nếu đem ra bắt quốc dân công nhận sợ đó là sự bắt ép. Vậy ta cứ tạm nhận lá cờ ấy và giao cho tiểu ban dự thảo hiến pháp nghiên cứu sau, cả quốc ca cũng vậy.” Đa số đại biểu tán thành với đề nghị này. Ngày 9 tháng 11, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 được thông qua, trong đó xác nhận lá cờ đỏ sao vàng.
Xem thêm : Top app dự đoán khuôn mặt con qua ảnh siêu âm
Sau năm 1954, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1959 cũng xác nhận lại cờ đỏ sao vàng là cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1976, lá cờ này được sử dụng làm quốc kỳ của chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tận ngày nay.
Hình ảnh lá cờ Việt Nam còn được ghi nhận thông qua mỗi bản Hiến pháp. Tại Hiến pháp năm 1946 có quy định: Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh. Tiếp đến là Hiến pháp năm 1959, quy định: Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Sang đến Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và hiện tại là Hiến pháp đều có quy định về lá cờ đỏ sao vàng nhưng năm 2013 đã quy định cụ thể hơn: Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Lá cờ Việt Nam dân chủ cộng hòa mang ý nghĩa đặc biệt với người dân Việt Nam. Phần nền màu đỏ của lá cờ tượng trưng cho dòng máu của các thế hệ người nhiệt huyết cách mạng, đó cũng là màu của chiến đấu và sự chiến thắng. Ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của tầng lớp nhân dân trong đó có sĩ, công, nông, thương, binh đã cùng nhau chiến đấu, giành độc lập tự do. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, màu da của phần lớn người Việt Nam.
Đã từ lâu, Lá Cờ Đỏ Sao Vàng là linh hồn của một dân tộc, là biểu trưng của toàn bộ đất nước, con người Việt nam. Cờ là hồn nước, là niềm tự hào, một biểu tượng thiêng liêng bất khả xâm phạm của nước khác lên bản sắc dân tộc Việt Nam
Hiện nay, việc treo cờ Tổ quốc hầu như đã trở thành nề nếp, vào mỗi dịp lễ lớn hay ngày Tết cổ truyền của dân tộc, các địa phương trên địa bàn huyện đều treo cờ Tổ quốc tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi. Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trước gió như gợi lên niềm tự hào về một dân tộc anh hùng với chiều dài bốn nghìn năm lịch sử, qua đó để mỗi chúng ta thấy được ý thức trách nhiệm của mình cần phải ra sức học tập, lao động, sản xuất để giữ vững thành quả đó.
Bùi Lan biên soạn
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp