Tạp chí Văn hóa Nghệ An (bản điện tử) đã đăng tải nhiều kỳ về cuốn sách của tôi “Phân tầng xã hội và Di động xã hội ở Việt Nam hiện nay” (NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018). Tác giả Bùi Xuân Đính (cán bộ nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có bài viết “Bàn thêm về phân tầng xã hội ở nước ta trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945” cũng đăng trên tạp chí này, ra ngày 05-9-2020. Bài viết của ông trao đổi với bài đăng Kỳ 3 (ngày 27-8-2020) về cuốn sách nói trên. Trước hết, tôi cám ơn ông đã viết bài trao đổi. Tiếp theo, tôi trao đổi lại với tác giả Bùi Xuân Đính xung quanh hai mục dưới đây trong bài viết của ông.
1. Sự không rõ ràng về khái niệm khi phân định thành phần xã hội
Bạn đang xem: Tài liệu trích dẫn
Trong mục này, tác giả Bùi Xuân Đính trao đổi về nội dung trình bày trong Bảng 1. 5: “Những nét đại cương về phân tầng xã hội ở Việt Nam từ truyền thống đến trước đổi mới”(đăng Kỳ 3, ngày 27-8-2020). Do khuôn khổ cuốn sách xuất bản có hạn và cách trình bày sao cho các mục có nội dung tương ứng phù hợp với nhau. Do vậy, tôi chỉ trình bày những nét đại cương/tóm tắt trong Bảng 1.5. Chính vì vậy, nhằm giúp độc giả hiểu đầy đủ hơn Bảng 1.5, tôi đã viết trước đó như sau: “Bảng 1.5 trình bày tóm tắt về hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam trong lịch sử dựa trên kết quả nghiên cứu ở đề tài cấp Bộ năm 2009-2010 (Đỗ Thiên Kính, 2011: 35~58)”. Như vậy, để hiểu đầy đủ hơn Bảng 1.5, độc giả nên tìm đọc thêm tài liệu theo câu chỉ dẫn này. Tôi nghĩ rằng, chắc là tác giả Bùi Xuân Đính không đọc theo câu chỉ dẫn đã nói về kết quả nghiên cứu ở đề tài cấp Bộ. Do đó, trong bài viết này, tôi trình bày đầy đủ kết quả nghiên cứu ở đề tài cấp Bộ năm 2009-2010 có liên quan đến 2 cột đầu tiên ở Bảng 1.5 (mà tác giả Bùi Xuân Đính đề cập) để tác giả Bùi Xuân Đính và các độc giả khác hiểu đầy đủ hơn Bảng 1.5.
Trích dẫn đề tài cấp Bộ từ đây:
Khái quát về cơ cấu giai tầng ở nước ta trong lịch sử[1] (trước năm 1945)
Dựa trên những kết quả nghiên cứu của các nhà sử học, ta có thể phác thảo trên những nét đại thể về sự biến đổi của mô hình cơ cấu xã hội trong lịnh sử Việt Nam từ khi chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc và mở đầu cho thời kỳ độc lập (thế kỷ XI) tới Cách mạng Tháng Tám (năm 1945). Trong đó, ta có thể phân chia thành ba thời kỳ cụ thể, tương ứng với ba mô hình tổng thể khác nhau về phân tầng xã hội như sẽ trình bày dưới đây.
Mô hình cơ cấu đẳng cấp (thế kỷ XI~XV):
Bức tranh toàn cảnh phân tầng xã hội ở Việt Nam thời kỳ này bao gồm hai mảng chính là vua-quan và bình dân. Vua quan là đẳng cấp bên trên, cầm quyền và thống trị. Đại bộ phận còn lại là đẳng cấp bình dân bị trị ở bên dưới. Họ vừa là thần dân và vừa bị bóc lột. Nhà vuađứng ở đỉnh tối cao, tầng lớp thượng lưu tiếp theo là hàng ngũ quan lại các cấp (gồm quý tộc và quan liêu). Đông đảo quần chúng bình dânở dưới đáy. Tầng lớp bình dân bao gồm nông dân cày ruộng công làng xã và nộp tô thuế; nông dân tiểu tư hữu và địa chủ bình dân; thợ thủ công và thương nhân. Cuối giai đoạn này có xuất hiện những người quan liêu Nho sĩ đứng trong hàng ngũ quan lại.
Nhà vua là người thay Trời để cai trị thiên hạ. Vua nắm quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và tổng chỉ huy quân sĩ. Trên đại thể, các vua từ Lý, Trần, Hồ, Lê đều là người có quyền sở hữu tối cao đối với toàn bộ ruộng đất và các tài nguyên khác. Đến thời Lê Thánh Tông (1460~1497) đã thực hiện chính sách quân điền một cách quy mô, chặt chẽ, thống nhất và đánh dấu thời điểm ra đời của tư tưởng trọng nông, ức thương, với một trật tự đẳng cấp Sĩ – Nông – Công – Thương.
Quý tộc -quan liêu có nhiệm vụ giúp vua cai trị quần chúng bình dân. Đây không phải là một đẳng cấp thuần nhất và ổn định, mà luôn luôn mở rộng và phát triển, thậm chí có thể bị đảo lộn khi triều vua thay đổi. Nòng cốt của tầng lớp quý tộc là quý tộc tôn thất trong cùng dòng họ. Nhà Trần đã thi hành chế độ hôn nhân nội tộc để duy trì sự thống trị của dòng họ. Đây là sự khép kín (đóng kín) về cơ cấu của tầng lớp. Trong quá trình phát triển, người ta cần đưa vào triều đình những người có tài năng qua con đường khoa cử. Đó chính là đội ngũ quan liêu Nho sĩ để hình thành nên cái gọi là tầng lớp quý tộc-quan liêu. Bằng con đường học hành và dùi mài kinh sử, nhiều người đã có cơ hội gia nhập vào hàng ngũ quan liêu. Điều này đã hướng những thành viên ưu tú trong xã hội cố gắng và nỗ lực vươn lên trong học tập nhằm đỗ đạt và ra làm quan.
Bình dân bao gồm ba tầng lớp: Đông đảo nhất là dân đinh. Dân đinh cày ruộng công của làng xã, phải nộp tô thuế và chịu mọi nghĩa vụ đối với nhà nước. Tiếp theo là người nông dân tự canh không có chức sắc, không tước vị (tức là nông dân tiểu tư hữu và địa chủ bình dân), bởi vì thời Lê sơ đã cho phép tư hữu hóa ruộng đất. Họ chỉ phải nộp thuế thân và chịu binh dịch với chính quyền. Cuối cùng là thợ thủ công và thương nhân thường hoạt động sản xuất trong kinh thành để phục vụ nhu cầu của triều đình. Bên cạnh các xưởng thợ trong kinh thành, các làng thủ công chuyên nghiệp cũng dần dần hình thành. Nhưng đến thời Lê Thánh Tông đã khuyên người dân giữ lấy nghề “gốc”, mà bỏ đi nghề “ngọn” và phân chia xã hội thành “tứ dân”: Sĩ – Nông – Công -Thương. Trong đó, thương nghiệp bị coi là “mạt nghệ” nghề ngọn, còn gọi là “con buôn”. Nho sĩ và nông dân được tôn trọng hơn (nhất sĩ, nhì nông).
Qua những nét chính trình bày trên đây, ta có một số nhận xét theo khía cạnh xã hội học về phân tầng xã hội thời kỳ này như sau:
– Tiêu chuẩn để phân chia thành các đẳng cấp trong xã hội thời kỳ này chủ yếu dựa vào địa vị chính trị-quyền lực (theo cách nói của M. Weber cũng gọi là quyền lực). Dựa trên tiêu chuẩn này, ta thấy rằng bức tranh toàn cảnh phân tầng xã hội ở Việt Nam thời kỳ này bao gồm hai đẳng cấp chính là vua-quan (gồm vua, quý tộc và quan liêu) và bình dân. Vua-quan là đẳng cấp bên trên, cầm quyền và thống trị. Đại bộ phận còn lại là đẳng cấp bình dân bị trị ở bên dưới. Họ vừa là thần dân và vừa bị bóc lột. Nhà vuađứng ở đỉnh tối cao, tầng lớp thượng lưu tiếp theo là hàng ngũ quan lại các cấp (gồm quý tộc và quan liêu). Đông đảo quần chúng bình dânở dưới đáy. Tầng lớp bình dân bao gồm nông dân cày ruộng công làng xã và nộp tô thuế; nông dân tiểu tư hữu và địa chủ bình dân; thợ thủ công và thương nhân. Ta có thể phân chia tiếp tục đẳng cấp bình dân này thành ba tầng lớp nhỏ hơn: “Nông -Công -Thương”. Đồng thời, cuối thời kỳ này xuất hiện những người quan liêu Nho sĩ đứng trong hàng ngũ quan lại. Nho sĩ đóng vai trò cầu nối (bắc nối) từ đẳng cấp bình dân lên tới quan liêu. Chính vì vậy, tầng lớp Sĩ cùng với đẳng cấp bình dân đã có thể hợp thành một khối và cho ta một cách nhìn bổ sung về cơ cấu xã hội theo cách phân chia dựa vào nghề nghiệp: “Sĩ -Nông – Công -Thương”. Nghề nghiệp là tiêu chuẩn thứ yếu, bên cạnh tiêu chuẩn chủ yếu là dựa vào chính trị-quyền lực. Tiêu chuẩn thứ yếu này đã khắc họa bổ sung, làm phong phú và cụ thể hơn bức tranh phân tầng xã hội Việt Nam thời kỳ này.
– Từ nhận xét ở trên, ta thấy rằng cơ cấu phân tầng xã hội thời kỳ này có hình dạng “kim tự tháp” (hình nón) với đỉnh tháp là đẳng cấp vua-quan và bên dưới là đẳng cấp bình dân. Cụ thể là: Vua-quan và tiếp đến là Sĩ -Nông -Công -Thương. Có lẽ do Nho sĩ đóng vai trò cầu nối từ đẳng cấp bình dân lên tới quan liêu (và gia nhập vào hàng ngũ quan liêu), mà người Nho sĩ có thứ bậc cao nhất trong trật tự Sĩ -Nông -Công -Thương (nhất Sĩ, nhì Nông và trọng Nông, ức Thương). Trật tự xã hội theo thứ bậc có hình kim tự tháp: Vua-quan -Sĩ -Nông -Công -Thương là mô hình xã hội tổng thể thời kỳ này.
– Di động xã hội ở đẳng cấp vua-quan thể hiện tính khép kín (sự đóng kín), bởi vì đẳng cấp này đã thi hành chế độ hôn nhân nội tộc để đảm bảo sự liên kết huyết thống của dòng họ (“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”). Sự khép kín này nhằm ngăn cản đẳng cấp bên dưới gia nhập vào đẳng cấp của họ. Mặt khác, di động xã hội ở đẳng cấp bình dân lại có tính mở hơn, bởi vì từ những Nho sinh, nếu có chí dùi mài kinh sử thì sẽ có nhiều cơ hội để gia nhập vào hàng ngũ quan lại. Chẳng hạn, cuối giai đoạn này có xuất hiện những người quan liêu Nho sĩ đứng trong hàng ngũ quan lại. Tầng lớp Nho sĩ xuất hiện là do năng lực học tập và phấn đấu của họ để thực hiện sự di động gia nhập vào hàng ngũ quan liêu. Hoặc là bằng con đường hôn nhân, các cô gái bình dân cũng sẽ dễ trở thành nữ quan của những quan lại. Xu hướng quan liêu ngày càng phổ biến và ăn sâu vào tâm lý mọi tầng lớp xã hội đã hướng mọi sự cố gắng và nỗ lực của những thành viên ưu tú trong xã hội vươn lên nhằm đỗ đạt làm quan.
Mô hình cơ cấu đẳng cấp-giai cấp (thế kỷ XVI~giữa XIX):
Phân tầng xã hội được thể hiện chủ yếu thông qua hai đẳng cấp chính là vua-quan và bình dân từ thế kỷ XI~XV trên đây tiếp tục được duy trì trong thế kỷ XVI ~ giữa XIX (1858). Tức là, quan hệ đẳng cấp vẫn trở nên nổi bật và nổi trội trong cơ cấu xã hội thời kỳ này. Trong phạm vi toàn xã hội, cấu trúc đẳng cấp chủ yếu vẫn bao gồm hai bộ phận chính là đẳng cấp thống trị và đẳng cấp bị trị. Đẳng cấp thống trị có thể hiểu là toàn bộ hệ thống quan liêu nhà nước từ trung ương đến địa phương với địa vị xã hội cao nhất là nhà vua. Đó cũng vẫn chính là đẳng cấp vua-quan thời kỳ trước. Đẳng cấp bị trị là toàn bộ những tầng lớp và nhóm người còn lại. Về đại thể, tiêu chuẩn để phân biệt đẳng cấp là sự kết hợp các yếu tố về chức tước (vương quyền), địa vị, quyền lực và tuổi tác (lão quyền). Hai đẳng cấp thống trị và bị trị được miêu tả một cách đại thể như sau:
– Đối với đẳng cấp thống trị:đó là tầng lớp quan liêu tập trung đông đảo nhất ở các đô thị, đặc biệt là ở thành phố và kinh đô. Tầng lớp quan liêu bao gồm chủ yếu là vua-quan (vua và quan lại) thuộc triều đình trung ương và các cấp chính quyền địa phương. Tầng lớp quan liêu là đẳng cấp thượng lưu có nhiều đặc quyền đặc lợi và được pháp luật bảo vệ. Trong đó, vua chúa là những nhân vật trung tâm. Quan lại thì có lương bổng cao, được cấp ruộng đất và nhiều ưu đãi khác. Ở nông thôn, đẳng cấp thống trị là hạng quan viên. Đây là đẳng cấp có thế lực trong các làng xã và có quyền quyết định mọi công việc lớn nhỏ trong làng. Cấu trúc đẳng cấp này rất phức tạp, bao gồm hạng chức sắc, chức dịch, những người có bằng cấp và bô lão. Đẳng cấp này không thuần nhất và khác nhau về thế lực kinh tế: có người giàu (như quan lại) và có thể nghèo (như thí sinh, khóa sinh và bô lão).
– Đối với đẳng cấp bị trị:Ở nông thôn, đó là hạng dân chính cư và ngụ cư. Hạng dân chính cư là bộ phận dân cư có quê gốc tại làng xã và là thành viên chính thức của làng. Dân chính cư chủ yếu là hạng dân đinh, dân nghèo. Hạng dân ngụ cư là bộ phận dân cư phiêu bạt từ các nơi khác đến nhập cư tại làng xã. Hầu như làng nào cũng có một bộ phận dân cư phiêu bạt và chủ yếu họ nhập cư vào các làng xã khác và trở thành dân ngụ cư. Trong hạng dân chính cư trên đây, họ có thể là những người làm nông nghiệp (nông dân tự canh), thủ công nghiệp (thợ thủ công), hoặc buôn bán (tiểu thương – người buôn bán nhỏ). Một điều đáng chú ý là ở nông thôn, bên cạnh đại bộ phận làng nông nghiệp đã thấy xuất hiện nhiều làng nghề thủ công nghiệp và làng buôn bán (ở Đàng ngoài), thị tứ (ở Đàng trong). Về mặt xã hội, đồng thời với quá trình nàyđã làm tăng đáng kể số lượng tầng lớp thợ thủ công và thương nhân trong cơ cấu xã hội để tạo nên ba thành phần “Nông -Công -Thương” ở nông thôn thời kỳ này. Ở thành thị, đẳng cấp bị trị đó là tầng lớp thợ thủ công, thương nhân và nông dân, trong đó thợ thủ công và thương nhân đóng vai trò chủ thể. Ngoài ra, trong cơ cấu xã hội đô thị còn có một tầng lớp cũng khá đông đảo, đó là các Nho sĩ. Ở nông thôn, Nho sĩ được tập hợp lại trong hội Tư văn. Nhìn chung ở cả nông thôn và đô thị, cấu trúc thứ bậc nghề nghiệp cũng vẫn tiếp tục là một thực tế mà cả xã hội đều thừa nhận. Đây là sự tiếp tục của cơ cấu Sĩ -Nông -Công -Thương từ thời kỳ trước (XI~XV).Trong đó, Nho sĩ cũng vẫn đóng vai trò là cầu nối (bắc nối) giữa tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị (Nông -Công -Thương).
Đồng thời với cơ cấu đẳng cấp được thể hiện nổi bật trên đây, sự phân hóa giai cấp (địa chủ và nông dân) đã diễn ra trong phạm vi cả nước. Trong thời kỳ này, tình trạng tư hữu ruộng đất trong các làng xã đã diễn ra phổ biến. Cùng với quá trình này là sự phân hóa giai cấp ngày càng rõ. Nhưng, sự phân hóa xã hội và quan hệ giai cấp không phát triển tới mức tuyệt đối, mà đặc điểm nổi bật là sự xuất hiện khá phổ biến loại hình làng tiểu nông tư hữu với lực lượng đông đảo bao gồm người trung nông.
Qua những nét chính trình bày trên đây, ta có một số nhận xét theo khía cạnh xã hội học về phân tầng xã hội thời kỳ này như sau:
– Quan hệ đẳng cấp vẫn trở nên nổi bật và nổi trội trong cơ cấu xã hội thời kỳ này (XVI~XIX). Đây vẫn là sự tiếp tục của quan hệ đẳng cấp từ thời kỳ trước (XI~XV). Vì vậy, tiêu chuẩn để phân chia thành các đẳng cấp trong xã hội thời kỳ này chủ yếu vẫn dựa vào địa vị chính trị-quyền lực. Dựa trên tiêu chuẩn này, ta thấy rằng bức tranh toàn cảnh phân tầng xã hội ở Việt Nam thời kỳ này bao gồm hai đẳng cấp chính là đẳng cấp thống trị (tầng lớp quan liêu ở đô thị và tầng lớp quan viên ở nông thôn) và đẳng cấp bị trị (các tầng lớp Nông – Công -Thươngở cả nông thôn và đô thị). Nho sĩthời kỳ này cũng vẫn đóng vai trò là cầu nối (bắc nối) giữa đẳng cấp thống trị và đẳng cấp bị trị (Nông -Công -Thương) và hợp thành một khốicùng với tầng lớp bị trị để cho ta một cách nhìn bổ sung về cơ cấu xã hội theo cách phân chia dựa vào nghề nghiệp: “Sĩ – Nông – Công – Thương”. Cấu trúc thứ bậc nghề nghiệp này vẫn là sự tiếp tục của cơ cấu Sĩ – Nông -Công – Thương từ thời kỳ trước (XI~XV). Nghề nghiệp vẫn là tiêu chuẩn thứ yếu, bên cạnh tiêu chuẩn chủ yếu là dựa vào chính trị-quyền lực.
– Đồng thời với cơ cấu đẳng cấp được thể hiện nổi bật trên đây, sự phân hóa giai cấp (địa chủ và nông dân) đã diễn ra trong phạm vi cả nước. Đây là sự biến đổi và phát triển mới của xã hội Việt Nam trong tiến trình lịch sử của nó. Sự phân tầng xã hội đã chuyển từ cơ cấu đẳng cấp sang kết hợp cả đẳng cấp và giai cấp, trong đó cơ cấu đẳng cấp vẫn đóng vai trò nổi trội. Cơ cấu giai cấp địa chủ – nông dân là hai giai cấp trung tâm của xã hội Việt Nam thời kỳ này. Trong giai cấp địa chủ, bao gồm cả địa chủ bình dân và địa chủ quý tộc quan liêu, trong đó địa chủ bình dân có xu hướng mở rộng. Xét về thế lực kinh tế, đa số là địa chủ vừa và nhỏ, nhưng cũng đã xuất hiện những đại địa chủ sở hữu rất nhiều ruộng đất (tới hàng ngàn mẫu). Trong giai cấp nông dân, tầng lớp trung nông (có sở hữu tư ruộng đất đủ đảm bảo cuộc sống gia đình) là rất đông đảo và có xu hướng mở rộng. Điều này làm cho ranh giới giữa địa chủ và nông dân không đạt tới sự phân biệt tuyệt đối và rạch ròi. Đồng thời, những người nông dân không có ruộng đất và thiếu ruộng cũng nhiều, họ phải lĩnh canh của địa chủ và nộp tô thuế. Mô hình phân tầng xã hội kết hợp bao gồm cả cơ cấu đẳng cấp và giai cấp thể hiện tính chất không rành mạch của mối quan hệ này. Bởi vì, giai cấp địa chủ có thể bằng con đường kinh tế (mua chức tước) để leo lên đẳng cấp thống trị.
– Từ hai nhận xét ở trên, ta thấy rằng cơ cấu phân tầng xã hội thời kỳ này vẫn có hình dạng “kim tự tháp” (hình nón) với đỉnh tháp là đẳng cấp thống trị và bên dưới là đẳng cấp bị trị. Cụ thể là: Vua – quan (quan liêu, quan viên) – địa chủ và tiếp đến là Sĩ -Nông -Công -Thương. Trật tự xã hội theo thứ bậc cóhình kim tự tháp: Vua-quan-địa chủ-Sĩ -Nông – Công -Thương là mô hình xã hội tổng thể thời kỳ này (XVI~XIX). Về cơ bản, mô hình xã hội tổng thể thời kỳ này vẫn tương tự thời kỳ trước (XI~XV), với sự xuất hiện bổ sung của giai cấp địa chủ.
– Do tính chất không rành mạch của mối quan hệ đẳng cấp – giai cấp, mà cấu trúc của mối quan hệ này là cấu trúc lỏng. Điều này có nghĩa rằng, cơ cấu xã hội thời kỳ này có tính mở hơn (không khép kín, không đóng kín) so với thời kỳ trước (“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”). Bởi vì trên thực tế, sự chuyển hóa giữa các giai cấp – đẳng cấp đã xảy ra thường xuyên. Chẳng hạn như về mặt đẳng cấp, người giàu có về của cải (ví dụ là địa chủ) có thể mua bán chức tước mà họ có thể chuyển từ đẳng cấp bình dân lên đẳng cấp bên trên. Hoặc là, quy trình tuyển lựa bộ máy quan liêu thông con đường thi cử đã tạo cơ hội cho tầng lớp Nho sĩ gia nhập vào đẳng cấp bên trên (điều này cũng tương tự như thời kỳ trước). Hoặc là về mặt giai cấp, nhà nước chuyên chế đã hạn chế sở hữu lớn của địa chủ đã dẫn tới đôi lúc có người thuộc giai cấp này bị tước đoạt. Hoặc là, phong tục truyền thống chia đều tài sản cho con cái đã tạo nên sự thay đổi thân phận của thế hệ sau so với thế hệ trước (“không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”). Nếu xem xét theo góc độ cấu trúc “Sĩ -Nông – Công – Thương” ta cũng thấy mối quan hệ trong cấu trúc này lỏng lẻo: “Nhất Sĩ, nhì Nông. Hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sĩ”. Bởi vì trên thực tế, ba tầng lớp dân cư Nông – Công -Thương (tương ứng với ba thành phần kinh tế: nông nghiệp -thủ công nghiệp -thương nghiệp) thường không tách bạch rạch ròi, đặc biệt là sự gắn kết giữa thợ thủ công và thương nhân. Đa số họ đều làm cả hai chức năng sản xuất và lưu thông trao đổi sản phẩm. Đối với người nông dân, họ cũng thường vừa là người làm ruộng, vừa làm nghề phụ thủ công và buôn bán kiếm thêm tiền.
Mô hình cơ cấu giai cấp thời kỳ thuộc Pháp (1858~1945):
Thời kỳ này, cơ cấu giai tầng trong xã hội phong kiến cũ vẫn giữ nguyên, bao gồm hai giai cấp địa chủ và nông dân. Đồng thời, do bị Pháp cai trị cho nên giai cấp tư bản thuộc địa đã bao trùm toàn bộ cơ cấu giai tầng cũ và xuất hiện thêm một số tầng lớp mới là giai cấp công nhân và giai cấp tiểu tư sản dân tộc (nho sĩ và trí thức mới). Dựa trên tài liệu thống kê của chính quyền Pháp, có thể ước tính các giai cấp và tầng lớp trong xã hội trước khi Pháp xâm lược (vào những năm 90 của thế kỷ XIX) như sau:
Bảng 2. 1-Các giai cấp và tầng lớp trong xã hội Việt Nam trước khi Pháp xâm lược
Các giai cấp và tầng lớp
Tỉ lệ % (tổng dân số 12 triệu người)
Tỉ lệ % (chiếm hữu ruộng đất)
Vua-quan
Xem thêm : 20 bài hát đêm tết Trung thu hay để bé và người lớn vui liên hoan
Địa chủ
3 %
45 % diện tích canh tác
Sĩ phu: bao gồm quan lại và văn thân (nhân sĩ và thân hào)
Nông dân
90 % (hơn 10 triệu người)
Thợ thủ công
Thương nhân
Nguồn: Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), 1998: 105
Tầng lớp Sĩ vẫn tiếp tục đứng ở vị trí hàng đầu trong bốn tầng lớp xã hội: Sĩ – Nông – Công – Thương. Cơ cấu xã hội này vẫn tiếp tục đóng vai trò chi phối đời sống cộng đồng. KhiPháp xâm lược, đã hình thànhnên giai cấp tư sảnthuộc địa (tưsản nước ngoài và tư sản Việt Nam) bao trùm toàn bộ cơ cấu giai tầng cũ. Đồng thời xuất hiện thêm một số tầng lớp mới là giai cấp công nhân và giai cấp tiểu tư sản dân tộc (nho sĩ và trí thức mới). Tầng lớp tiểu tư sản ngày càng đông và phân hóa. Tầng lớp này bao gồm cả tiểu thương, tiểu chủ. Một số trong họ (tiểu thương, tiểu chủ) trở thành nhà tư sản thương nghiệp và kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau. Một điều đáng chú ý là, đối với giai cấp tư sản dân tộc đã ra đời sau giai cấp vô sản và có một số khá đông là tư sản kiêm địa chủ (tức là những tư sản sau khi làm ăn phát đạt lại bỏ vốn tậu ruộng ở quê, phòng khi “sa cơ lỡ vận”, và họ cũng phát canh thu tô như địa chủ). Chẳng những giai cấp tư sản dân tộc, mà ngay cả tầng lớp Thương nhân làm ăn phát đạt ở nơi xa cũng vẫn đem tiền trở về quê tậu ruộng để dành phòng khi công việc kinh doanh không gặp vận may. Điều này thể hiện tư tưởng trọng nông khá rõ ở xã hội Việt Nam. Bên cạnh tư sản kiêm địa chủ, trong giai cấp nông dân còn xuất hiện tầng lớp phú nông – đại diện cho thành phần kinh tế tư bản ở nông thôn.
Như vậy, quan hệ giữa giai cấp tư sản (nước ngoài và Việt Nam) và vô sản là mối quan hệ xã hội mới nảy sinh và ngày càng trở nên tiêu biểu trong xã hội Việt Nam. Mối quan hệ này có sự ảnh hưởng chi phối đến các giai tầng khác trong xã hội. Đây cũng là một mâu thuẫn xã hội mới cơ bản và trọng điểm bên cạnh mâu thuẫn giữa hai giai cấp địa chủ và nông dân ở xã hội Việt Nam thời kỳ này. Có thể ước tính các giai tầng của xã hội Việt Nam vào cuối những năm 20 như sau:
Bảng 2. 2-Các giai cấp và tầng lớp trong xã hội Việt Nam cuối những năm 20
Các giai cấp và tầng lớp
Tỉ lệ % (tổng dân số 18 triệu người, năm 1929)
Tỉ lệ % (chiếm hữu ruộng đất)
Tư sản
0,1
Xem thêm : 20 bài hát đêm tết Trung thu hay để bé và người lớn vui liên hoan
Địa chủ
9,0
50 % diện tích canh tác
Công chức, trí thức, sinh viên
0,16
Công nhân
1,25
Thợ thủ công
1,20
Tiểu thương
0,72
Nông dân (năm 1945), chia ra:
89,1 (năm 1945)
49,5 % diện tích canh tác
– Phú nông
2,2
7,1
– Trung nông
32,9
30,4
– Bần nông
33,4
10,8
– Cố nông
20,6
1,2
Nguồn: Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), 1998: 134, 137, 143. Trần Từ, 1984: 27
Cụ thể hơn về tình hình ở Bảng 2.2 như sau: Trong thời kỳ thuộc Pháp, triều đình (vua) chỉ còn là bù nhìn và không còn là đẳng cấp thống trị người dân nữa. Trên thực tế, đế quốc Pháp mới là thế lực thực tế thống trị người dân. Tầng lớp Sĩ phu cũ thời phong kiến (Nho học) bị thay thế dần bởi tầng lớp trí thức mới (Tây học), do Pháp thiết lập hệ thống giáo dục mới để đào tạo công chức làm việc cho Pháp thay thế hệ thống giáo dục cũ thời phong kiến. Riêng đối với giai cấp địa chủ vẫn được Pháp nuôi dưỡng và phát triển lớn mạnh hơn trước bởi vì giai cấp này là chỗ dựa của Pháp. Sự câu kết giữa giai cấp địa chủ và thực dân Pháp rất chặt chẽ. Do vậy, giai cấp địa chủ đã chiếm đa số trong cơ cấu chính quyền hương thôn và thậm chí cả ở cấp chính quyền cao hơn. Riêng tầng lớp phú nông – đại diện cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bảnở nông thôn còn phát triển chậm. Giai cấp nông dân chiếm đại đa số trong xã hội đã phân hóa thành ba bộ phận: trung nông, bần nông và cố nông, trong đó trung nông(nông dân tiểu tư hữu) chiếm tuyệt đại đa số. Xã hội Việt Nam thời kỳ nàyvề căn bản vẫn là xã hội nông dân.Giai cấp tư sản cũng phát triển mạnh. Sau chiến tranh Thế giới I, tư sản Việt Nam đã thực sự trở thành một giai cấp (bao gồm tư sản mại bản và tư sản dân tộc). Hoạt động của giai cấp tư sản chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh thương nghiệp. Giai cấp công nhân ngày càng phát triển nhanh và mạnh. Ngoài ra còn có tầng lớp tiểu tư sản (trí thức và công chức). Đời sống của trí thức và công chức khá cao so với công nhân và nông dân. Tình hình miêu tả trên đây đã thể hiện xã hội Việt Nam có tính chất thuộc địa nửa phong kiến khá rõ và là thuộc tính nổi bật của xã hội Việt Nam vào thời kỳ này. Một cơ cấu xã hội mới đang hình thành và phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa.
Tóm tắt:
Bảng 2. 3-Ba mô hình tổng thể về phân tầng xã hội trong lịch sử Việt Nam
Những nét đại cương
Mô hình cơ cấu đẳng cấp (XI~XV): Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền
Mô hình cơ cấu đẳng cấp-giai cấp (XVI~giữa XIX): Nhà nước phong kiến phân quyền (vua-chúa)
Mô hình cơ cấu giai cấp (1858~1945): Xã hội thuộc địa nửa phong kiến
Tiêu chuẩn phân chia:
1. Đẳng cấp XH
Dựa trên quyền lực (vương quyền: cha truyền con nối), xã hội phân chia thành 2 đẳng cấp: Vua-quan và bình dân
Dựa trên quyền lực, địa vị chính trị-xã hội (chức tước, địa vị, bằng cấp, tuổi tác), xã hội phân chia thành 2 đẳng cấp thống trị (Vua-quan: quan liêu và quan viên) và bị trị (Nông-công-thương)
Vua là “bù nhìn”
2. Giai cấp XH
Vua là địa chủ lớn và sở hữu ruộng công làng xã: “Đất của vua, chùa của bụt”. Giai cấp địa chủ đang hình thành
Dựa trên sở hữuruộng đất: Địa chủ vàNông dân
Dựa trên sở hữutài sản: Tư sản và Vô sản; Địa chủ vàNông dân
3. Tầng lớp XH
Dựa theo nghề nghiệp, đẳng cấp bình dân chia thành “tứ dân”: Sĩ-nông-công-thương
Dựa theo nghề nghiệp, đẳng cấp bị trị chia thành “tứ dân”: Sĩ-nông-công-thương
Dựa theo nghề nghiệp, tầng lớp dưới chia thành: Sĩ/Trí-nông-công-thương
Thứ bậc cao thấp
– Vua-quan (quan lại: quý tộc và quan liêu)
– Nho sĩ
Xem thêm : Hướng dẫn cách bảo quản chả lụa trong tủ lạnh
– Nông dân tự canh (dân đinh tiểu tư hữu và địa chủ bình dân)
– Nông dân làng xã (dân đinh nghèo)
– Thợ thủ công
– Thương nhân
– Vua-quan (quan liêu và quan viên) và Địa chủ
– Sĩ phu
– Nông dân tự canh (trung nông)
– Nông dân nghèo
– Thợ thủ công
– Thương nhân
– Tư sản và Địa chủ (vua bù nhìn)
– Tiểu tư sản (trí thức, công chức, tiểu thương, tiểu chủ)
– Phú nông
– Nông dân tự canh (trung nông) và Công nhân
– Bần nông
– Cố nông
Hình dạng
Kim tự tháp (Vua-quan – Sĩ-nông-công-thương)
Kim tự tháp (Vua-quan-địa chủ – Sĩ-nông-công-thương)
Kim tự tháp (Tư sản-địa chủ – Sĩ-nông-công-thương): 90 % Nông dân
Di động xã hội
Khép kín (minh họa từ dân gian):
“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”
Bắt đầu mở (minh họa từ dân gian):“Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. “Nhất Sĩ, nhì Nông. Hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sĩ”
Mở hơn
Nhận xét chung:
– Sự chuyển biến của ba mô hình trên đây là từ mô hình Đẳng cấp sang mô hình kết hợp Đẳng cấp và Giai cấp (nhưng đẳng cấp vẫn là nổi trội) và cuối cùng là mô hinh Giai cấp. Sự chuyển biến các mô hình này là sự phản ánh về sự phát triển của xã hội từ chế độ phong kiến lên thuộc địa nửa phong kiến. Tất cả những xã hội này đều thuộc về loại hình xã hội tiền công nghiệp. Sự phát triển của xã hội Việt Nam là tiếp tục chuyển sang thành sự “biến dạng” của thời kỳ quan liêu, bao cấp, để sau đó bắt đầu chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa (sau thời điểm đổi mới 1986) – cũng tức là thuộc thời kỳ đầu của loại hình xã hội công nghiệp, mà chúng ta đang cố gắng phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
– Đồng thời với sự phát triển xã hội trên đây, cấu trúc xã hội cũng thay đổi tương ứng. Theo đó, các thành phần của cơ cấu cũng biến đổi và xuất hiện mới. Chẳng hạn như, giai cấp địa chủ đã xuất hiện ở mô hình giữa và tiếp tục giữ vị trí thống trị ở mô hình cuối cùng. Đồng thời, mô hình cuối cùng xuất hiện giai cấp thống trị mới là tư sản. Cùng với quá trình này, địa vị thống trị của vua-quan cũng giảm dần và chỉ còn đóng vai trò “bù nhìn” ở mô hình cuối cùng. Theo đó, tầng lớp Nho sĩ (Nho học) ở hai mô hình đầu cũng được thay thế dần bằng tầng lớp Trí thức mới /Tiểu tư sản (Tây học) ở mô hình cuối.
– Các mô hình xã hội Việt Nam trong lịch sử chuyển từ cơ cấu đẳng cấp sang cơ cấu giai cấp, theo đó tiêu chuẩn phân chia các tầng lớp xã hội cũng thay đổi từ quyền lực (vương quyền) với hai đẳng cấp thống trị và bị trị, sang sở hữu tài sản với giai cấp tư sản và địa chủ thống trị, còn lại là giai cấp công nhân và nông dân bị trị. Bên cạnh tiêu chuẩn chủ yếu này, mô hình xã hội trong lịch sử luôn tồn tại tiêu chuẩn thứ yếu khác phân chia các tầng lớp xã hội theo nghề nghiệp: “Sĩ – Nông – Công – Thương”. Tiêu chuẩn thứ yếu này đã khắc họa bổ sung, làm phong phú và cụ thể hơn bức tranh phân tầng xã hội trong lịch sử Việt Nam.
– Ba mô hình trên đều có dạng hình kim tự tháp với đa số (khoảng 90%) nông dân ở dưới đáy và di động xã hội ngày càng ít khép kín hơn và mở dần.
Về sự phân tầng xã hội trong lịch sử Việt Nam, các nhà sử họccó nhận định như sau:
“Cơ cấu xã hội Việt Nam chuyển đổi chậm, ranh giới giữa các giai cấp, đẳng cấp không thật rõ ràng, phân hóa xã hội không thật triệt để. Nét đặc biệt trong toàn bộ tiến trình biến đổi của cơ cấu xã hội Việt Nam là hình thái xã hội mới ra đời không trên cơ sở phủ định hình thái xã hội cũ, mà trái lại nó luôn bảo tồn và biến đổi hình thái xã hội cũ cho phù hợp với yêu cầu mới. Vì thế, nếu phân tích cấu trúc xã hội Việt Nam ta thấy rất rõ tình trạng chồng chất, đan xen của nhiều hình thái xã hội khác nhau (…)
Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp trồng lúa nước, trong đó nông nghiệp luôn luôn đóng vai trò cơ sở của nền kinh tế quốc dân, gia đình nông dân là tế bào, là đơn vị nền tảng của xã hội. Đó chính là hằng số xuyên suốt lịch sử xã hội Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử cho đến nay (…) Khuynh hướng kết hợp một cách chặt chẽ cả ba thành phần kinh tế nông – công – thương nghiệp trong mỗi gia đình nông dân, mỗi làng xã vẫn là khuynh hướng chủ đạo (…) Quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, kể cả khu vực nông thôn lẫn thành thị là quá trình phát triển trên cái trục cơ bản kinh tế tiểu nông. Xã hội tiểu nông là một xã hội mang nặng tính bình quân. Tuy trong xã hội vẫn luôn luôn xảy ra tình trạng phân hóa giàu – nghèo, phân hóa giai cấp, đẳng cấp, nhưng sự phân hóa đó không rõ ràng, triệt để (…) ranh giới giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội không rạch ròi, không dứt khoát và rất tương đối (…) Đó là chưa kể đến một thực tế là trong mỗi giai cấp, tầng lớp đều có chứa đựng những yếu tố đặc trưngcủa giai cấp, tầng lớp khác.
Tình hình trên dẫn đến một thực tế là ở nước ta quan hệ giai cấp vừa chứa đựng những mâu thuẫn vừa có những yếu tố tương đồng, vì vậy mà trong xã hội tính chất đối kháng giai cấp không gay gắt, quyết liệt như ở nhiều nước khác (…) Nhìn chung trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam lúc nào quan hệ dân tộc, ý thức dân tộc cũng cao hơn, đậm nét hơn, sâu sắc hơn quan hệ và ý thức giai cấp.” (Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, 1998: 296, 299~301).
Sở dĩ nghiên cứu này đề cập đến các mô hình phân tầng xã hội trong lịch sử Việt Nam, bởi vì đề tài muốn dựa trên cơ sở lịch sử thực tế của dân tộc để tìm hiểu thời kỳ hiện đại. Đây là phương pháp tiếp cận theo lịch sử của đề tài. Chẳng hạn, mô hình phân tầng xã hội hiện nay (2001~2010) vẫn là hình “kim tự tháp” như trong lịch sử, với đa số nông dân ở dưới đáy và tầng lớp lãnh đạo, quản lý ở trên đỉnh tháp. Tiêu chuẩn phân chia thành các tầng lớp trong xã hội dựa vào nghề nghiệp trong lịch sử (sĩ, nông, công, thương) sẽ trở thành tiêu chuẩn chủ yếu và thích hợp trong thời kỳ đổi mới. Bởi vì cơ sở kinh tế và xã hội để phân chia thành các đẳng cấp và giai cấp như trong lịch sử không còn nữa. Tư liệu sản xuất chủ yếu là ruộng đất thuộc quyền sở hữu toàn dân, còn những tư liệu sản xuất khác thì nhà nước nắm quyền chi phối và chủ đạo. Nhìn rộng ra các nước trên thế giới, tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu phân tầng xã hội ở khoảng 60 nước công nghiệp và nông nghiệp. Với phương pháp tiếp cận lịch sử này và so sánh với phương pháp nghiên cứu phân tầng xã hội trên thế giới (đặc biệt là Trung Quốc hiện nay) sẽ là cơ sở vững chắc và giúp ích nhiều trong đề tài nghiên cứu này.
Hết trích dẫn đề tài cấp Bộ ở đây.
Đoạn trích dẫn trên đây như là bài tổng quan có phân tích chủ yếu dựa trên nguồn tài liệu lịch sử của tác giả Nguyễn Quang Ngọc (1998).
Tác giả Bùi Xuân Đính trao đổi về hàng cuối cùng của hai cột 1 và cột 2 ở Bảng 1.5 (đăng ở Kỳ 3). Do vậy, tôi nói rõ thêm hai cột này là sự tóm tắt CÔ ĐỌNG lại toàn bộ những trang trích dẫn trên đây. Cụ thể là tóm tắt CÔ ĐỌNG lại hai cột 2 và cột 3 ở Bảng 2.3. Ví von một cách hình ảnh: Bảng 1.5 như là “gọt chân cho vừa giày”. Tôi hy vọng rằng, sau khi tác giả Bùi Xuân Đính đọc những trang trích dẫn trên đây sẽ có thể giải đáp được phần nào những thắc mắc và trao đổi/phản biện của ông. Nhưng dù sao, tôi cũng xin nói rõ thêm và trao đổi lại với tác giả Bùi Xuân Đính mấy điều sau đây về đại thể (theo thứ tự trong bài viết ở mục 1 của tác giả):
1. Tôi không “nhầm lẫn giữa giai cấp và đẳng cấp xã hội” (trích Bùi Xuân Đính). Đoạn trích dẫn đầy đủ ở trên thể hiện sự tách bạch rõ ràng giữa giai cấp và đẳng cấp. Có thể ông hiểu lầm cột 1 (Bảng 1.5, đăng ở Kỳ 3) tôi viết có gạch nối giữa “đẳng cấp-giai cấp” làm ông hiểu lầm chăng? Trước cột 1 này ở Bảng 1.5 (bài đăng Kỳ 3) còn có cột về “đẳng cấp” (thế kỷ XI-XV) riêng biệt, độc lập trong Bảng 2.3. Tiếp theo trong Bảng 2.3, cột có từ gạch nối “đẳng cấp-giai cấp” thuộc vào thời kỳ xã hội (thế kỷ XVI-giữa thế kỷ XIX) là thời kỳ chuyển tiếp từ cấu trúc đẳng cấpsang cấu trúc giai cấp(thời kỳ những năm 1858~1945). Tức là, thời kỳ này có sự “hỗn hợp/hỗn dung” cả đẳng cấp và giai cấp.
2. Ông Bùi Xuân Đính viết: “[…] tác giả chia thành 6 thành phần hay 6 thang bậc xã hội là: Vua – quan và địa chủ; Nho sĩ, sĩ phu; Nông dân tự canh (trung nông); Nông dân nghèo; Thợ thủ công và Thương nhân.” Tôi nói rõ thêm rằng, hàng này ở Bảng 1.5 (đăng Kỳ 3) là sự tóm gọn cô đọng lại 3 hàng đầu tiên ở Bảng 2.3. Do vậy, tôi muốn nhấn mạnh sự xếp đặt theo tôn ti trật tự cao thấp ở hàng này (từ cao xuống thấp): Vua → quan → địa chủ → Nho sĩ/sĩ phu → Nông dân tự canh (trung nông) → Nông dân nghèo → Thợ thủ công → Thương nhân. Có lẽ do tôi viết liền cụm từ “Vua-quan và địa chủ” đặt cùng một hàng ở gạch đầu dòng thứ nhất (Bảng 1.5 – Kỳ 3) đã làm cho ông hiểu lầm thành một thành phần (hay một thang bậc) xã hội? Thực ra đây là ba thành phần với ba thang bậc xã hội khác nhau ở Bảng 2.3.
3. Ông Bùi Xuân Đính viết: “[…] khái niệm “Địa chủ” có lẽ chỉ mới xuất hiện (hay phổ biến) ở nông thôn nước ta khi thực hiện Cải cách ruộng đất (1953 – 1956). […] Đến khi thực hiện Cải cách ruộng đất mới phân thành 5 giai tầng: “Địa chủ” (người có nhiều ruộng đất và dùng ruộng đất để phát canh thu tô, phần tô thu về bị coi là “bóc lột”)”. Có thể khái niệm “địa chủ” mới xuất hiện vào thời kỳ Cải cách ruộng đất (?), nhưng thành phần “địa chủ” trong hiện thực/thực tế xã hội Việt Nam đã có từ trước đó rất lâu rồi. Chắc là những người ở độ tuổi 80 ~90 tuổi còn sống hiện nay ở Việt Nam sẽ nhớ rõ là có thành phần địa chủ trong cuộc đời của họ hay không? Trong đoạn trích dẫn ở trên (qua tài liệu lịch sử của ông Nguyễn Quang Ngọc, 1998 và ông Trần Từ, 1984) cũng đã chứng tỏ điều này. Tính xác thực của nguồn tài liệu lịch sử do các nhà lịch sử thẩm định. Điều này hoàn toàn thuộc về lĩnh vực chuyên môn của các nhà sử học.
4. Ông Bùi Xuân Đính viết: “Như vậy, ở Cột 1, nếu chính xác, phải phân các giai tầng xã hội theo 3 dạng (hay theo tiêu chí)”. Về điều này, có lẽ cần phải trao đổi trực tiếp với tác giả, hoặc là tổ chức hội thảo khoa học. Trong một bài viết khó có thể trình bày được đầy đủ vấn đề này.
5. Ông Bùi Xuân Đính viết: “Suốt thời phong kiến, muộn nhất cũng từ đầu thế kỷ XI khi nhà Lý định đô ở Thăng Long (chứ không phải đến thế kỷ XVI như xác định của Đỗ Thiên Kính)”. Có lẽ cột 1 và cột 2 trong Bảng 2.3 sẽ giải đáp thắc mắc này của ông Bùi Xuân Đính?
6. Ông Bùi Xuân Đính viết: “Nhìn tổng thể, cách phân chia các giai tầng này[thời kỳ thuộc Pháp, của Đỗ Thiên Kính]không hợp lý, vì “nhập cục” các thành phần xã hội của nông thôn và thành thị với nhau, không thấy rõ những nét đặc thù của hai khu vực.” Tiếp theo, ông đưa ra “mô hình giai cấp thời kỳ Pháp thuộc cần được phân định rõ ràng như sau: Mô hình chung cho cả nước […] Mô hình riêng cho vùng nông thôn […] Mô hình riêng cho vùng đô thị . . .” Về điều này, có lẽ cần phải trao đổi trực tiếp với tác giả, hoặc là tổ chức hội thảo khoa học. Trong một bài viết khó có thể trình bày được đầy đủ vấn đề này.
2. Đính chính một số tư liệu của bài viết kỳ 3
Về mục này, tôi cám ơn tác giả Bùi Xuân Đính đã “đính chính một số tư liệu của bài viết kỳ 3”. Như vậy, tư liệu lịch sử dẫn từ ông/cụ Nguyễn Văn Huyên còn thiếu sót hồi đó. Đồng thời bản dịch từ ngữ “đình Yên Sở” phải sửa chữa thành “quán Giá”. Trên cơ sở đính chính này, tôi tiếp thu ý kiến của ông Bùi Xuân Đính: “nơi thể hiện vị trí đẳng cấp xã hội của hai làng Yên Sở và Đắc Sở không phải là đình mà là quán Giá”. Như thế, Hình 1.3 (đăng ở Kỳ 3) phải thay đổi từ ngữ “đình Yên Sở” thành “quán Giá” (và những thay đổi kéo theo tương ứng trong mục này): Hình 1.3. Vị trí các đẳng cấp trong hành lang quán Giá (năm 1937). Sau khi bổ sung tư liệu lịch sử như vậy, những nội dung phân tích về phân tầng xã hội trong mục này qua ví dụ nghiên cứu trường hợp ở quán Giá vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử được dẫn từ ông/cụ Nguyễn Văn Huyên.
Tôi xin tạm dừng cuộc trao đổi trở lại với tác giả Bùi Xuân Đính ở đây. Hy vọng rằng, qua cuộc trao đổi này các nhà nghiên cứu sẽ hiểu nhau hơn và hợp tác với nhau trong quá trình nghiên cứu.
Đỗ Thiên Kính, 2011: Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ 2009-2010: “Một số vấn đề cơ bản về biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (Tài liệu lưu trữ tại thư viện Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).
Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), 1998: Cơ cấu xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam; Hà Nội: NXB. Chính trị Quốc gia.
Trần Từ, 1984: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ; Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp