Categories: Tổng hợp
Published by

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Vào những năm 80 thế kỷ 20, trước thực tế là tỷ trọng xuất khẩu những sản phẩm truyền thống của các công ty Hoa Kỳ ra thị trường thế giới đã không ngừng giảm xuống. Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành nhiều chính sách mới phù hợp khuyến khích các lĩnh vực CNC phát triển và tập trung cho phát triển công nghiệp CNC hướng ưu tiên cho từng ngành.

Bởi vậy, công nghiệp CNC ở Hoa Kỳ đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần đưa Hoa Kỳ trở thành cường quốc số một về kinh tế. Để làm được điều đó, Hoa Kỳ đã thực hiện các nội dung sau:

Về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)

Hoa Kỳ đã tập trung đầu tư lớn cho R&D khoa học và công nghệ, tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp CNC phát triển. Hoạt động R&D CNC được diễn ra trong môi trường rất tốt, bởi Hoa Kỳ đã soạn thảo một chính sách nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học khá hiệu quả nhằm đáp ứng quá trình phát triển các ngành sản xuất công nghiệp CNC. Hướng R&D khoa học và công nghệ ở Hoa Kỳ là tập trung chủ yếu cho các nghiên cứu đa ngành có khả năng đem lại hiệu quả đồng thời cho nhiều ngành khác nhau. Hoa Kỳ áp dụng một cách có hiệu quả các biện pháp ưu đãi về thuế, cắt giảm thuế đánh vào lợi nhuận… đối với các công ty công nghiệp CNC. Nhờ chính sách này, các công ty đã tích lũy để tăng đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Theo thời gian, mức đầu tư cho R&D của Hoa Kỳ không ngừng tăng lên. Từ năm 1987 đến năm 1997, Quỹ Khoa học quốc gia đã tăng gấp đôi số vốn cấp và chi 70% số tiền được cấp trực tiếp cho các tập thể sáng tạo, ưu tiên cho đội ngũ kỹ sư và các nhà khoa học trẻ có triển vọng (Trần Thanh Thủy, 2007). Để khuyến khích tăng cường đổi mới công nghệ, Chương trình Công nghệ năm 2002 của Tổng thống Bush đã tăng ngân sách cho R&D liên bang với con số lớn kỷ lục trong lịch sử lên đến 100 tỷ USD (Trần Thanh Thủy, 2007). Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Bush thời kỳ đó còn quyết định tăng ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ thông qua các cơ quan khác, như: Quỹ Khoa học Quốc gia, Cục Bảo vệ Môi trường và các Bộ Năng lượng, Nông nghiệp Nội vụ, Thương mại và Giao thông vận tải. Chính quyền Obama cũng đã tăng tài trợ cho R&D trong sản xuất ví dụ như trong ngân sách năm 2013, kinh phí dành cho sản xuất công nghệ tiên tiến đã được tăng 19% để đạt 2,2 tỷ USD. Viện Quốc gia về Tiêu chuẩn và Công nghệ (NIST), là cơ quan chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn công nghệ đã được phân bổ 100 triệu USD để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước thông qua các cung cấp các cơ sở nghiên cứu và bí quyết.

Với mục đích trở thành một “thỏi nam châm cho sản xuất” tạo ra các ngành sản xuất chất lượng cao, Ngân sách liên bang năm 2014 cung cấp 2,9 tỷ USD để mở rộng R&D về quy trình sản xuất tiên tiến, vật liệu công nghiệp tiên tiến và khoa học người máy (Bộ Khoa học và công nghệ, 2016).

Về nguồn vốn quỹ đầu tư mạo hiểm và chiến lược, chính sách phát triển

Hoa Kỳ đã hình thành nguồn vốn quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm phát triển công nghiệp CNC. Sự tăng nhanh của nguồn vốn quỹ đầu tư mạo hiểm tạo điều kiện cho công nghiệp CNC Hoa Kỳ có thể huy động được một nguồn vốn đầu tư lớn. Quỹ đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ đạt được 12 tỷ USD năm 1997 và đã tăng thêm 2,6 tỷ USD năm 1991, đến năm 2000, nguồn vốn này đã tăng lên đến 100 tỷ USD, bằng 40% tổng kinh phí cho R&D (Trần Thanh Thủy, 2007). Nhờ sự gia tăng của nguồn vốn này mà hàng loạt các doanh nghiệp CNC vừa và nhỏ được thành lập và mở rộng quy mô, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin sản xuất phần mềm máy tính, tiếp theo là các công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế, dược phẩm và viễn thông.

Hoa Kỳ thay đổi chiến lược và chính sách công nghiệp trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ công nghiệp hóa để bước vào giai đoạn dịch vụ, nhưng theo một số học giả cho rằng Mỹ đang bước vào giai đoạn gọi là “tái công nghiệp hóa”, có nghĩa là “một lần nữa tập trung phát triển công nghiệp” nhưng với chiến lược là tập trung mạnh việc sử dụng công nghệ hiện đại để tác động vào những ngành công nghiệp truyền thống. Bởi vậy, Hoa Kỳ đề ra chiến lược nhằm mục đích trở thành một “thỏi nam châm cho sản xuất”, để tạo ra các ngành sản xuất chất lượng cao bằng cách hỗ trợ một nỗ lực quốc gia và việc đầu tư vào các công nghệ mới nổi của các ngành công nghiệp, các trường đại học và Chính phủ được coi là những động lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, tháng 3/2014, Hoa Kỳ đã thành lập Liên minh Internet Công nghiệp (Industrial Internet consortium – IIC) nhằm thúc đẩy sự phát triển của Internet công nghiệp, là nơi đưa ra các định nghĩa chuẩn về các yêu cầu kết nối và nhằm đảm bảo tính tương tác giữa hàng tỉ thiết bị sử dụng trong xu hướng IoT. Đây là hiệp hội được thành lập bởi các công ty công nghệ hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, như: Intel, Genenerral Electric, Cicso Systems, IBM, AT&T…, bao gồm các thành viên là các công ty sáng tạo công nghệ lớn và nhỏ, các nhà lãnh đạo thị trường theo chiều dọc, các nhà nghiên cứu, các trường đại học và tổ chức chính phủ.

Đồng thời, Hoa Kỳ đã tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp CNC bằng cách thu hút nhân lực thông qua chi trả lương cao và tạo nhiều cơ hội việc làm; thu hút nguồn lao động công nghiệp CNC giá rẻ thông qua chính sách nhập khẩu lao động linh hoạt; xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp CNC bài bản…

Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ và CNC , có 11/20 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới là của nước này. Nếu xét về quy mô góp vốn thì top 5 công ty dựa trên giá trị thị trường là; Apple, Amazon, Microsoft, Alphabet và Facebook đều là của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn là những “người dẫn đường” trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số bài học cho Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay cũng đã bước đầu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển CNC, trong đó có công nghiệp CNC, như: Luật CNC được Quốc hội thông qua vào năm 2008; Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg, ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển; Quyết định số 2457/QĐ-TTg, ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển CNC; Quyết định số 842/QĐ-TTg, ngày 01/6/2011 phê duyệt “Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp CNC đến năm 2020”.

Đặc biệt, Quyết định số 347/QĐ-TTg, ngày 22/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp CNC sau: Công nghiệp công nghệ thông tin; Công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa; Công nghiệp công nghệ sinh học; Công nghiệp vật liệu mới.

Theo đó, ngày 22/12/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 12854/ BCT-KHCN hướng dẫn các bộ; UBND tỉnh; các tập đoàn, tổng công ty, các viện Nghiên cứu và các trường đại học thuộc Bộ Công Thương đăng ký đề xuất thực hiện dự án phát triển công nghiệp CNC. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 27/01/2021 về Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2030. Cho đến nay, đã có một số dự án được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên, các dự án này mới chỉ là các dự án riêng lẻ của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương, chưa có dự án mang tầm chiến lược, cấp quốc gia.

Như vậy, nhìn chung, việc phát triển công nghiệp CNC tại Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi, doanh nghiệp trong nước với số lượng ít, quy mô nhỏ; còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, dựa trên kinh nghiệm của Hoa Kỳ và thực tế tại Việt Nam, có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp CNC, như sau:

Một là, để nâng cao năng lực công nghệ nội sinh, Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra một dự án R&D CNC cấp quốc gia và các dự án phát triển các lĩnh vực CNC mà Việt Nam ưu tiên cấp quốc gia có tầm chiến lược, có thể lôi kéo được sự tham gia của nhiều đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh… trong cả nước. Chính phủ cần đầu tư lớn và hỗ trợ các tổ chức R&D; kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân trong hoạt động R&D khoa học, công nghệ; có các chính sách khuyến khích và đãi ngộ đối với hoạt động phát triển khoa học, công nghệ.

Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra các chương trình, dự án phát triển CNC theo từng giai đoạn cụ thể của đất nước, có tên theo chủ đề riêng và có mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trước mắt, cần xây dựng một dự án R&D CNC cấp quốc gia và các dự án cấp quốc gia có tầm chiến lược phát triển những lĩnh vực CNC mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển hiện nay. Tiếp đó, Chính phủ Việt Nam nên sớm đề ra kế hoạch và triển khai chính sách thúc đẩy công nghệ, tập trung nghiên cứu vào những lĩnh vực đột phá mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), Big-Data, Blockchain hoặc Internet of Things.

Trong bối cảnh nước ta chưa có điều kiện và cũng không thể phát triển tất cả các ngành, các lĩnh vực CNC, vì vậy, nên lựa chọn các ngành, lĩnh vực và những sản phẩm chủ lực nào mà có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Từ đó, hình thành các ngành công nghiệp CNC chủ lực, then chốt, xương sống cho các ngành công nghiệp khác phát triển, trong đó có thể nghiên cứu phát triển một số ngành liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng những công ty, tập đoàn chiến lược mạnh về sản xuất, tạo ra những sản phẩm CNC nói chung, công nghiệp CNC nói riêng mang thương hiệu của Việt Nam chứ không chỉ là nước tiêu thụ, ứng dụng mạnh các sản phẩm, phát minh của thế giới. Muốn vậy, Chính phủ cần có những chính sách riêng để xây dựng các công ty, trung tâm chiến lược, mạnh về một số lĩnh vực CNC và trong chuỗi cung ứng sản phẩm quốc tế. Theo đó, mỗi vùng kinh tế và tỉnh, thành phố cần lập danh mục các sản phẩm CNC ưu tiên sản xuất của địa phương mình mà các sản phẩm này sẽ phải có tiềm năng trở thành sản phẩm trọng điểm của địa phương đó và có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các doanh nghiệp. Ngoài việc quan tâm đến nhập các thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ, CNC từ nước ngoài, các doanh nghiệp còn phải chú ý đến hoạt động R&D, đổi mới sản phẩm, tiếp nhận, ứng dụng, làm chủ, cải tiến và phát triển công nghệ nhập. Việt Nam hiện nay cần đầu tư nâng cao tiềm lực, năng lực nghiên cứu của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó lựa chọn và xây dựng thí điểm một số doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam có đủ năng lực, tiềm lực để hỗ trợ trực tiếp tham gia các nhiệm vụ phát triển CNC có quy mô lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cần ban hành luật để nhu cầu đổi mới công nghệ không chỉ là nhu cầu mang tính tự thân của doanh nghiệp, mà tăng kinh phí cho hoạt động R&D hàng năm của các doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc, theo tỷ lệ % nhất định so với lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chẳng hạn.

Hai là, Việt Nam cần đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đây là con đường để sớm đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa. Theo đó, cần thực hiện một số vấn đề sau:

(i) Cần giáo dục cho giới trẻ nhận thức sâu sắc về vấn đề thất bại trong kinh doanh, dám thất bại và dám đứng lên, quay trở lại trong kinh doanh công nghệ. Doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có khoảng 10% thành công, nhưng nó lại đem lại một khoản lợi nhuận lớn, tạo nên những bước đột phá. Vì vậy, cần phải có cái nhìn khác và sự động viên của toàn xã hội đối với những người tham gia khởi nghiệp vượt qua những thử thách ban đầu. Đồng thời, cần nhận thức sâu sắc hơn về quỹ đầu tư mạo hiểm, mạo hiểm có nghĩa là có đầu tư là có thành công và có thất bại, đôi khi tỷ lệ thất bại cao hơn thành công, nhưng ở đây mạo hiểm là có tính toán và điều quan trọng là khi thành công, thì nó sẽ đem lại một khoản lợi nhuận rất lớn so với mức đầu tư bỏ ra (nên thực tế gọi là quỹ đầu tư rủi ro nhưng lại không có rủi ro, mà có thể gọi nó là quỹ siêu lợi nhuận).

(ii) Trong tình hình thực tiễn hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước phải là người dẫn dắt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi. Đồng thời, Nhà nước ngoài chức năng giống như là “bà đỡ” cần phải tiên phong đi đầu trong đầu tư mạo hiểm để lôi kéo mọi cá nhân, tổ chức khác cùng tham gia. Nhà nước cũng cần là một chủ đầu tư mạo hiểm nhưng cần tính toán cụ thể, theo tôi Nhà nước đầu tư vào những sản phẩm kinh doanh nhằm mục đích nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ là chủ yếu. Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ” tin cậy hỗ trợ ban đầu những người không có điều kiện về vốn, nhưng có trí tuệ và ý tưởng kinh doanh tốt được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, có những chính sách hỗ trợ để những người thất bại có điều kiện quay lại kinh doanh để đi đến thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Nhà nước sử dụng và phân bổ các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm một cách hợp lý, nguồn vốn của Nhà nước không đầu tư tất cả vào một dự án khởi nghiệp nào, mà nên phân bổ chia ra nhiều dự án với nhiều sản phẩm kinh doanh khác nhau. Trong nền kinh tế thị trường, có thể sẽ thất bại ở sản phẩm kinh doanh này, nhưng thành công ở sản phẩm kinh doanh khác, do đó xét đến cùng trong phạm vi toàn bộ nên kinh tế, nguồn lợi thu lại vẫn cao hơn và cao hơn rất nhiều so với những chi phí bỏ ra, đây là một tiêu chí để đánh giá năng lực quản lý và sử dụng vốn của cơ quan nhà nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước nên sâu sát trong hỗ trợ nguồn vốn và quản lý pháp lý đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh những sản phẩm thiết thực với cuộc sống và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, từ đó tạo điều kiện cho họ tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm một cách thuận lợi, tránh được hiện tượng những doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh những sản phẩm không thực tế gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn sau này.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu các tiến bộ công nghệ kể cả trong khoa học quản lý. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chung, trao đổi chuyên gia kỹ thuật trong các ngành nghề, đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ từ lúc phát hiện ý tưởng cho đến khi thương mại hóa công nghệ trên các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, có cơ chế thu hút nhân tài làm việc trong lĩnh vực công nghiệp CNC. Cụ thể: Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi để họ phát huy trí tuệ và được cống hiến; Chia sẻ động lực để khuyến khích những người nghiên cứu công nghiệp CNC trong các doanh nghiệp tư nhân; Có chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú gắn với điều kiện, trình tự thủ tục đơn giản đối với trường hợp các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ nước ngoài tới làm việc tại các doanh nghiệp ở nước ta; Cần quan tâm, chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghiệp CNC nói riêng, khoa học, công nghệ nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2016), Tổng luận khoa học công nghệ kinh tế, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, số 8, Hà Nội.

2. Chính phủ (2016), Báo cáo số 261/BC-CP, ngày 11/8/2016 về Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, Hà Nội.

3. Lại Trần Tùng (2019), Phát triển công nghiệp CNC: kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, 9(223).

4. Phan Xuân Dũng (2008), Công nghệ tiên tiến và CNC với tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.

5. Trần Thanh Thủy (2007), Báo cáo tổng kết đề tài cấp bộ Nghiên cứu xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp CNC của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020.

This post was last modified on 27/02/2024 18:56

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

9 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

9 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

13 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

18 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

18 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

19 giờ ago