VAI TRÒ GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM
TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DÂN TỘC
Bạn đang xem: VAI TRÒ GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DÂN TỘC
Giai cấp nông dân – lực lượng sản xuất đông đảo nhất trong xã hội, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự hình thành và phát triển lịch sử dân tộc, gắn liền với những mốc son chói lọi, hào hùng của đất nước và con người Việt Nam.
1. Giai cấp nông dân Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, mở mang bờ cõi non sông
Từ buổi bình minh lịch sử, giai cấp nông dân Việt Nam gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Với đặc thù là quốc gia nông nghiệp với văn minh lúa nước, chủ nhân các nền văn hóa Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn (Bắc Bộ), Sa Huỳnh (Trung Trung Bộ), Óc Eo (Nam Bộ), Biển Hồ-Lung Leng (Tây Nguyên)… đạt được thành tựu rực rỡ, cư dân Việt cổ đã tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ kinh tế chiếm đoạt thời kỳ mông muội dã man của công xã nguyên thủy sang nền kinh tế sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi. Chế độ thị tộc tan rã, sự xuất hiện của xã hội phân chia giai cấp trên cơ sở chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, giai cấp nông dân đã hình thành, cư trú trong các công xã nông thôn, rồi đơn vị hành chính thôn, xóm, làng, khi nhà nước ra đời để quản lý, điều hành, duy trì trật tự xã hội. Họ trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu, cày cấy, canh tác trên ruộng quốc khố, ruộng công làng xã, ruộng tịch điền, ruộng nhà chùa, ruộng hậu, ruộng thác đao, điền trang, thái ấp; tham gia tham gia vào quá trình phát triển kinh tế của nhà nước Văn Lang, Âu Lạc và các triều đại phong kiến, thực hiện nghĩa vụ tô, tức, lao dịch, phu dịch, đắp đê chống lũ lụt…
Giai cấp nông dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm kiên cường bất khuất, tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Tần (221 trước Công Nguyên) đến các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục… chống lại ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, gây dựng nền độc lập, thái bình thịnh trị. Trong thời kỳ chế độ quân chủ chuyên chế, nông dân đã tổ chức các đội dân binh, hương binh, kháng chiến chống xâm lược ngoại bang của nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập của quốc gia Đại Việt, tiêu biểu như khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, khởi nghĩa nông dân Tây Sơn phát triển thành cao trào tấn công vào thành trì của chế độ phong kiến, chấm dứt tình trạng cát cứ, phân quyền, chiến tranh liên miên giữa vua Lê- chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đập tan mưu đồ xâm lược của quân Thanh và quân Xiêm La…
Từ khi nhà Lý sáp nhập 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (1069) (nay thuộc Quảng Bình, Quảng Trị), các triều đại phong kiến Đại Việt, nhất là từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Quảng (1558), công cuộc mở mang bờ cõi về phương nam được đẩy mạnh. Giai cấp nông dân đã khẩn hoang, khai mang lập ấp, tạo dựng xóm, làng trù phú, mở rộng bản đồ quốc gia, ổn định vùng biên viễn.
2. Giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo, hùng hậu của cách mạng, cơ sở của khối đoàn kết liên minh công – nông – trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Xem thêm : So sánh lãi suất các ngân hàng vay thế chấp mới nhất
Sự cần thiết của liên minh công nông không chỉ từ phía giai cấp vô sản mà còn từ phía giai cấp nông dân. Giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác cũng không thể thoát khỏi ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, không thể được giải phóng một cách thực sự và triệt để nếu không liên minh với giai cấp công nhân, không trở thành người bạn đồng minh của giai cấp vô sản. Vấn đề này đã được các nhà kinh điển mác xít chỉ rõ: “Đứng trước giai cấp tư sản phản cách mạng đã liên minh lại thì dĩ nhiên là những phần tử đã được cách mạng hóa của giai cấp tiểu tư sản và của nông dân, phải liên minh với người đại biểu chủ yếu cho những lợi ích cách mạng, tức là giai cấp vô sản cách mạng”[1]. Vì, “… người nông dân thấy rằng giai cấp vô sản thành thị, giai cấp có sứ mệnh lật đổ chế độ tư sản là người bạn đồng minh, người lãnh đạo tự nhiên của mình”[2].
Sinh thời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi tìm ra con đường cứu nước chân chính bằng cách mạng vô sản và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin về Việt Nam, Người đã nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của giai cấp nông dân ở một nước nông nghiệp, một nước thuộc địa trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, đồng chí Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Công nông là gốc cách mệnh”[3], vì thế, phải “tổ chức dây cày”, “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng”[4].
Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hồng Kông – Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 03/02/1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”[5]; do đó, “Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ phong kiến” và “Đảng lôi kéo tiểu tư sản, tri thức và trung nông về phía giai cấp vô sản”[6]. Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất. Luận cương chính trị của Đảng tháng 10/1930 nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương (hơn 90 phần trăm), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”[7]. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng giai cấp nông dân trong mối quan hệ mật thiết với giai cấp vô sản: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”[8].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã đoàn kết, tập hợp trong tổ chức Tổng Nông hội Đông Dương- tổ chức tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam sau này. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã đề ra chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn, sáng tạo, kết hợp, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết hài hòa vấn đề dân tộc và giai cấp, trong đó có mục tiêu tiến hành cải cách ruộng đất và thổ địa cách mạng, tịch thu ruộng đất của đế quốc việt gian, địa chủ cường hào chia cho dân cày nghèo, đoàn kết giai cấp nông dân trên cơ sở khối liên minh công – nông – trí thức, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản để củng cố, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện thành công cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và hướng tới chủ nghĩa cộng sản.
3. Tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân
Năm 1858, khi tiếng súng của đoàn quân viễn chinh Pháp vang nổ tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), giai cấp nông dân Việt Nam đã hưởng ứng phong trào Cần Vương, các cuộc khởi nghĩa của văn thân, sĩ phu yêu nước, của giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp tri thức tiểu tư sản, giai cấp công nhân đấu tranh chống ách đô hộ của chính quyền thuộc địa, đỉnh cao là khởi nghĩa nông dân Yên Thế… Từ khi thành lập Đảng Cộng sản (1930), giai cấp nông dân một lòng đi theo Đảng, chống sưu cao thuế nặng, đòi giảm tô, giảm tức, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh, chống đế quốc-phát xít, phong kiến tay sai phản động, chống thu thuế, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh võ trang, với các khẩu hiệu như “Chống nhổ lúa để trồng đay”, “Đoàn kết dân tộc, đánh đuổi Nhật – Pháp”, “Phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói”; xây dựng căn cứ địa cách mạng, chớp thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng năm 1945, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, thông qua các phong trào rộng khắp như “Phong trào thi đua ái quốc, sản xuất lập công đề cao chiến sĩ”; xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”; “Bình dân học vụ”; “Phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc”, phong trào rào làng kháng chiến, diệt tề trừ gian, chống khủng bố, chống bắt phu, bắt lính… thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; các phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, “chắc tay súng, vững tay cày”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”; phong trào đấu tranh chính trị, đồng khởi, củng cố các chiến khu, mở rộng vùng giải phóng, phá ấp chiến lược, chống đàn áp, bắt bớ… trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược, giai cấp nông dân tiếp tục đóng góp sức người, sức của cùng quân và dân cả nước làm nên những chiến thắng lẫy lừng, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đại thắng mùa xuân năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc.
4. Tham gia công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước, hội nhập và phát triển bền vững
Sau năm 1975, nông dân cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tập hóa nông nghiệp thông qua tham gia các hợp tác xã nông nghiệp, đội thủy lợi 202, tổ đổi công, vần công, cơ khí hóa nông nghiệp, thực hiện các mục tiêu kế hoạch nhà nước 5 năm, xây dựng cơ sở hạ tầng cho chủ nghĩa xã hội, đóng góp sản phẩm, thuế, lương thực, thực phẩm cho nhà nước; thực hiện chính sách khoán 10 và khoán 100, từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Giai cấp nông dân trở thành chủ sở hữu tư liệu sản xuất về ruộng đất, sản xuất của cải vật chất, đáp ứng nhu cầu thị trường, hàng hóa, sức lao động, phân phối, lưu thông, trao đổi và tiêu dùng… Đồng thời, tham gia đấu tranh chống âm mưu bành trướng xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc.
Xem thêm : Đeo khẩu trang có ngăn được tia UV?
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), giai cấp nông dân cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò chủ thể, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số, hình thành chuỗi lên kết giá trị bền vững, phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng thương hiệu, chất lượng nông sản, hội nhập sâu rộng với nền nông nghiệp toàn cầu; tham gia giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26 – NQ/TW ngày 05/8/2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” xác định rõ mục tiêu: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”.
5. Giai cấp nông dân góp phần xây dựng, bồi đắp, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc
Hằng bao đời nay, người nông dân quần cư trong làng, xóm, thôn, bản, ấp (trước đây là công xã nông thôn). Làng vừa là đơn vị hành chính, kinh tế mang tính tự cung tự cấp, thành lũy kiên cố chống ngoại xâm, vừa là nơi cư ngụ sinh sống, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời: bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, hiếu học, sự siêng năng, sáng tạo, tinh thần lạc quan, sự cố kết của gia đình, dòng tộc… đã tạo nên hằng số/hệ giá trị văn hóa LÀNG – NƯỚC, với tính tự trị, tự quản theo tục lệ “phép vua thua lệ làng”, “lệ làng, phép nước”, ràng buộc bởi các hương ước, quy ước – tàn dư của chế độ công sản nguyên thủy. Văn hóa Làng – Nước đã chi phối, ảnh hưởng xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành nét tinh hoa văn hóa đặc sắc, có sức sống trường tồn, mãnh liệt, tạo nên nguồn cội, sức mạnh cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Với vị trí địa lý thuận lợi nằm trên con đường giao thương Đông-Tây, Việt Nam luôn diễn ra quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa. Do đó, giai cấp nông dân chịu sự tác động, chi phối của quá trình tiếp thu chọn lọc, kế thừa, sáng tạo và duy trì, phát huy các giá trị văn hóa. Giai cấp nông dân đóng góp tích cực vào sự phát triển các tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Công giáo, Ấn Độ giáo, đạo Cao Đài, Hòa Hảo, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; bên cạnh việc dung hòa tôn giáo với các tín ngưỡng dân gian bản địa: đạo Mẫu, Thiên Yana, tín ngưỡng thờ Đức Ông, Thành hoàng làng, các vị thần siêu nhiên bảo hộ cho dân làng…
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai cấp nông dân tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thôn, xóm kiểu mẫu, củng cố tình làng, nghĩa xóm; giữ gìn thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục, lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, chống lại sự du nhập văn hóa ngoại lai độc hại, đi ngược với giá trị truyền thống của dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa.
Thực tiễn sinh động lịch sử hàng nghìn năm đã khẳng định vai trò, sứ mạng, tầm vóc lớn lao của giai cấp nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở hoàn cảnh nào, giai cấp nông dân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng yêu nước nồng nàn, phẩm chất cần cù, sáng tạo, siêng năng, đoàn kết, tạo nên sức mạnh vô song. Và hôm nay, những truyền thống và đức tính quý báu đó trở thành động lực để giai cấp nông dân Việt Nam viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng nước ta trở thành một nước phồn thịnh, giàu mạnh, văn minh./.
Trần Thế Hiển
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on 26/04/2024 11:26
Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…
Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…
Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…
Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…
Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…
Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024