13/07/2020
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc.
Bạn đang xem: TTWTO VCCI – Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán. Bài viết phân tích tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với nền kinh tế Việt Nam và kiến nghị giải pháp nhằm tận dụng những cơ hội mà các hiệp định này mang lại cũng như hạn chế tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…
Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA, cụ thể:
– Hiệp định CPTPP: Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.
– Hiệp định EVFTA: Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực.
Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, sau 3 năm là 58,7% số dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế và sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế.
Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.
Tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam
Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Cụ thể:
Thứ nhất, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu: Tự do hóa thương mại nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng có tác động thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Những quy định trong các FTA này buộc nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, phải tái cấu trúc, mở ra những thị trường mới và tạo sức hút về hàng hóa. Trong thời gian tới, khi việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu thì xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do: (i) Sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8% mà Quốc hội đề ra; (ii) Khi thuế suất giảm, đặc biệt là đối với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như: Nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, ngô, cao su…; (iii) Hiệp định CPTPP và EVFTA đi vào thực thi sẽ là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, với cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường hàng xuất khẩu, nhất là những sản phẩm mà cả hai cùng có lợi thế như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép… của Việt Nam, máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn của EU.
Xem thêm : Công ty tnhh ngoài nn là gì
Thứ hai, đối với sản xuất trong nước: Việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ khiến cho nhiều mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước có giá thấp hơn, do đó, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp được cắt giảm, từ đó, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước để xuất khẩu. Việc cắt giảm thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là các nước EU vào Việt Nam sẽ nhiều hơn do giá thành rẻ, mẫu mã phong phú và đa dạng, tác động tích cực đến sản xuất trong nước.
Thứ ba, đối với môi trường kinh doanh: Việc tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới… sẽ tạo điều kiện và động lực cơ hội để thay đổi, cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam kiện toàn hơn bộ máy nhà nước, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật của cán bộ, từ đó, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam.
Thứ tư, đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong các FTA thế hệ mới đều có các cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn. Các FTA thế hệ mới cũng có các quy định về phát triển bền vững, giúp hạn chế bớt những công nghệ lạc hậu và thúc đẩy phát triển các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Những xu hướng này mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư và dịch vụ, mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ, dịch vụ tài chính… sẽ mở ra cơ hội lớn đối với lĩnh vực đầu tư của Việt Nam.
Với các quy định trong các FTA thế hệ mới, các nhà đầu tư sẽ đầu tư chiều sâu vào thị trường Việt Nam, do đó, chất lượng đầu tư nước ngoài sẽ được cải thiện, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế. Ví dụ: EVFTA sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam. Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Một số thách thức đặt ra
Bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện các FTA thế hệ mới đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, thách thức về hoàn thiện thể chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Quá trình thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế đã có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Công tác xây dựng thể chế, chính sách dần được hoàn thiện, giúp nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến rõ nét. Hội nhập quốc tế góp phần mở rộng thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực; qua đó, cơ cấu hàng xuất khẩu đã có chuyển biến về chất.
Tuy nhiên, so với thông lệ quốc tế, thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách lớn. Nếu chúng ta không nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì đây chính là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, không nâng được năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Thứ hai, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như từng sản phẩm hiện nay còn thấp. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết dẫn đến các hàng hóa sản xuất trong nước chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời các ngành sản xuất trong nước chịu tác động trực tiếp của những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế. Mặt khác, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công lắp ráp, nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu; Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu thấp, trong khi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chậm được cải thiện…
Thứ ba, đối với nhập khẩu, mặc dù việc ký kết FTA với nhiều đối tác song trong ngắn hạn, nhập khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống (như Trung Quốc), do mức độ cam kết thuế sâu cũng như vị trí địa lý thuận lợi sẽ khiến cho vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc chưa thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế cũng tạo nhiều áp lực đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước.
Thứ tư, có một số vấn đề đặt ra đối với dòng vốn FDI: (i) Đóng góp của FDI trong việc nâng cao năng lực công nghiệp, còn hạn chế; (ii) Mối liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu kém; (iii) Các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực gia công lắp ráp, thâm dụng lao động và ít có khả năng tạo tác động lan tỏa về mặt công nghệ; (iv) Khung pháp lý và chính sách mở cửa FDI, hội nhập kinh tế quốc tế tuy đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý, dẫn tới các vấn đề như ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế…; (iv) Dòng vốn liên thông hơn với quốc tế cũng khiến cho những nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động cũng đặt ra những thách thức trong việc xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô.
Thứ năm, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu trên tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, do thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và ưu đãi đặc biệt vào lộ trình cắt giảm sâu.
Thứ sáu, thị trường dịch vụ tài chính trong nước chưa thực sự phát triển. Mở cửa thị trường theo cam kết đã tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt trên cả 3 cấp độ gồm: Cạnh tranh giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm nước ngoài; cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và cạnh tranh giữa các chính phủ về thể chế và môi trường kinh doanh.
Thứ bảy, trình độ đội ngũ cán bộ và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hạn chế gian lận thương mại…
Một số khuyến nghị
Xem thêm : Thuốc nhuộm tóc hàn quốc
Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức trong thực hiện cam kết của các FTA thế hệ mới, thời gian tới, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:
Đối với Nhà nước
– Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập, nhằm nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án, đối tác phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam; Chú trọng hướng phát triển bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực; Tăng cường công tác kiểm soát các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp thường báo lỗ để tránh các hiện tượng chuyển giá.
– Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình. Trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới. Kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bãi bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực mà Việt Nam là thành viên.
– Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Giám sát chặt chẽ việc ban hành và áp dụng các giấy phép, điều kiện kinh doanh; Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế.
– Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết; Hoàn thiện các chính sách thương mại cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không xung đột với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.
– Xây dựng và quy hoạch, đồng bộ hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ xác định ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi chính sách, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Đối với các hiệp hội
– Tiếp tục triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, những rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu; Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư theo thị trường, ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
– Tiếp tục đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, tạo điều kiện kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường phổ biến thông tin hội nhập về pháp luật của các nước, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, quản lý chất lượng, các quy tắc xuất xứ… cho các doanh nghiệp hội viên, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.
Đối với doanh nghiệp
– Tăng cường liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh; Chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu; Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để giảm thiểu phụ thuộc nguyên phụ liệu của các nhà cung cấp nước ngoài.
– Đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu; Cùng với đó, chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết… từ đó, đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp. Bởi vì, nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn, thì quy tắc xuất xứ nổi lên như một rào cản mới.
– Cần có cơ chế đầu tư nguồn nhân lực sớm, có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Đây chính là đầu tư cho nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đổi mới cơ chế quản lý tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, khuyến khích người lao động tự động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Tài liệu tham thảo:
Nguồn: Tạp chí tài chính
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on 25/03/2024 16:40
Thần Tài ban LỘC trong nháy mắt: 4 con giáp GIÀU nhanh chóng cuối năm…
Top 4 cung hoàng đạo thích làm chủ luôn có tham vọng mở công ty…
Số phận người sinh năm Mão theo cung hoàng đạo: Bạn có thành công không?
Thần Tài mở kho: 4 tuần tới mọi điều ước sẽ thành hiện thực, 4…
Tử vi hôm nay: 4 con giáp có khả năng đạt được thành công vào…
Con số may mắn hôm nay 19/11/2024: Xin số ông DIAH, tận hưởng vận may