Năm 1965 ở trường cấp ba Quảng Xương, Thanh Hóa, Lê Minh Khuê chưa đến tuổi mười sáu, khai tăng lên mười bảy, theo chúng bạn gia nhập thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Thanh Hóa bấy giờ bị đánh bom liên tục, thế mà đám học sinh cười đùa theo nhau đi như đi dã ngoại, chẳng kịp nghĩ những gì đang chờ ở phía trước. Vào đội ngũ rồi, phủ đầu ngay bằng một cú hành quân đi bộ mười ngày liền lên đường 15 thuộc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Lên đến nơi mới biết mình đâu có được trực tiếp đánh giặc. Một nhân vật trong Những ngôi sao xa xôi đã ngớ ra như chị lúc ấy: “Tôi ngạc nhiên khi người ta bảo tôi đi gánh đất – Thanh niên xung phong như thế này à? Gánh đất? (Tôi không tưởng tượng thế. Thanh niên xung phong phải vác súng kia, đi rầm rộ dưới những cánh rừng không trăng sao. Nói với nhau phải mạnh và gọn như những câu khẩu hiệu…)”
Nhưng mà ngay lập tức phải quen đi, quen với cuộc sống dưới mưa bom, quen với những con đường phải đảm bảo giao thông. Vẫn cười nói, vẫn đùa ngịch, vẫn ước mơ. Cũng vẫn là Lê Minh Khuê, khi chị mượn nhân vật thầm thì một tình cảm của chung những người đồng đội: “Tôi yêu tất cả mọi người, một tình yêu nồng nàn, khó nói mà có lẽ ai đã đứng trên cao điểm giữa những phút này như tôi mới hiểu thấu”. Sự chân thực của ý nghĩ này phải được đặt trong câu chuyện về ba cô gái trên một cao điểm, phá bom sửa đường đã trở thành việc thường xuyên, việc tất nhiên, chỉ một chút sơ suất là không thể cứu vãn được mạng sống, ấy thế có chút rảnh rỗi là họ trêu chọc nhau, nói chuyện tình yêu là thứ họ chưa kịp biết và hồi nhớ về thành phố, quê hương. Ý nghĩ ấy cũng rất thực khi mà đồng đội của họ là những chiến sĩ lái xe như thế này: “Ngãi là trai Hải Phòng. Ở chỗ cua ngoặt nguy hiểm, vẫn quay vôlăng một tay. Bàn tay kia muốt dài, rất tài hoa, thường kẹp một điếu thuốc lá. Hút thuốc cũng lơ đãng. Lơ đãng nhìn ra núi, xuống đường, mắt nheo nheo. Quần áo bao giờ cũng thơm tho, thẳng nếp” (Bạn bè tôi). Gần đây, nhân ngồi nói chuyện cũ, Lê Minh Khuê kể chuyện những người lái xe thường xuyên phải cho xe chạy suốt đêm, có đến hàng chục lần máy bay Mỹ đuổi theo để cắt bom, bắn tên lửa xuống xe họ, chị cho rằng chỉ một đêm như vậy họ đã xứng đáng được phong danh hiệu anh hùng.
Bạn đang xem: Lê Minh Khuê Người đàn bà “viễn thị”
– Chị nghĩ sao nếu một số người đọc hôm nay, mơ hồ về lịch sử hoặc cố tình quên sự thật lịch sử, cho rằng hành động của những người lái xe ấy, những cô thanh niên xung phong ấy là cuồng nhiệt thái quá, rằng những tác phẩm như vậy chỉ nhằm khích lệ tinh thần?
– Tôi nhớ một chi tiết trong phim Hà Nội mùa đông 46 của Đặng Nhật Minh: những chiến sĩ cuối cùng bảo vệ Bắc Bộ Phủ bị dồn vào chân tường, họ vẫn bắn trả quân Pháp và bất chợt tất cả đồng thanh hát vang một bài ca trước khi ngã xuống. Tôi không thấy chi tiết ấy là giả như có người nghĩ. Thực tế đấy là phút phản ứng bản năng, là phút xuất thần, là “những giờ phút rực sáng của nhân loại” theo cách nói của Stefan Zweig. Cũng như vậy, người chiến sĩ thời chiến tranh chống Mỹ đã có những hành động mà chính họ bây giờ nghĩ lại cũng khó hình dung, khó cắt nghĩa và khó mà làm được lần thứ hai.
Sau hơn một năm ở đường 15, Lê Minh Khuê bị ốm, nằm ở quân y viện và nghĩ đến việc viết báo. Cô gái mười bảy tuổi ghi chép chuyện của đơn vị mình, chuyện bạn bè đồng đội. Viết lách vốn là thú vui của cô. Cha mẹ là giáo viên, mồ côi từ nhỏ, cô gái ở với người dì ruột, cũng trong một gia đình giáo viên. Người chú thường đọc văn học Pháp, sách báo của ông mở ra cho cô bé một thế giới mới. Cô đâm mê cái tinh thần phiêu lưu quả cảm trong tác phẩm của Jack London, Hemingway, mê văn nên mày mò viết văn. Từ đó những bài ghi chép, phóng sự và cả truyện ngắn của cô xuất hiện đều đều trên báo chí trung ương. Xuất hiện một cái tên mới: Vũ Thị Miền. Cái tên quê chính cống của một cô thanh niên xung phong chính cống. Cái bút danh mộc như bao nhiêu bút danh gắn với công nông thời bấy giờ. Bà Lê Kim Nga, bút danh nhà văn là Vũ Thị Thường, có phải là gợi ý cho cô gái khi đặt bút danh không?
Bốn năm ở thanh niên xung phong, giải ngũ, Lê Minh Khuê đứng trước sự lựa chọn: hoặc là đi học ở nước ngoài, hoặc về làm phóng viên báo Tiền Phong. Thế là chị trở thành phóng viên, ngược xuôi trên những nẻo đường chiến tranh. Sao lại chọn cách này mà không phải là cách khác, điều ấy dường như chỉ có thể giải thích bằng định mệnh. Được ít năm, Lê Minh Khuê chuyển sang đài phát thanh Giải Phóng, đi bê, vào sâu trong chiến trường miền Nam. Năm 1975, chị đi theo một cánh quân đầu tiên vào giải phóng Đà Nẵng.
Cuộc sống sau chiến tranh lại xoay quanh việc làm báo, làm xuất bản. Một thời gian ngắn Lê Minh Khuê làm việc ở đài truyền hình Việt Nam, rồi chuyển sang làm biên tập viên ở nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, nay là nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam, công việc chị làm cho đến khi về hưu.
*
* *
Trong tác phẩm của Lê Minh Khuê, người ta đọc thấy tâm trạng xã hội qua những thời kỳ khác nhau. Cái náo nức quên mình trong trẻo của thời chống Mỹ vừa nói ở trên. Trong trẻo hồn nhiên đến lạ kỳ trong những ước mơ: “Sau này. Sau chiến tranh. Khi con đường chúng tôi bảo vệ đây sẽ rải nhựa phẳng lì. Điện sẽ dăng dây vào rừng sâu và những nhà máy gỗ sẽ đêm ngày không ngủ”. Truyện ngắn này, Những ngôi sao xa xôi, gần đây được Lê Minh Khuê đưa in lại trong một tập truyện chọn lọc của chị, và những đoạn văn như vậy tự nhiên mang màu sắc khác. Tôi mới đi qua mấy đoạn đường mòn của những nhân vật ấy. Bỗng nhiên nhớ tiếc những gì đã qua, những gì không tới và những gì không còn nữa, nhớ tiếc như nhân vật của chị sau chiến tranh đã nhớ tiếc: “Một cánh rừng nào đó mà bộ đội đông thật là đông, chỗ nào cũng nghe tiếng rì rầm, tiếng cười nói. Xe máy đổ ào ạt ra phía trước. Các cỡ xe, các cỡ máy. Tuổi mười chín vui tươi quá, da mát mẻ, tóc trơn mướt dưới bàn tay vuốt lên nó. Đi đến đâu cũng có người nhìn theo” (Một chiều xa thành phố).
Cũng vẫn là thời chiến thôi, nhưng ở cuối cuộc chiến, có một ít người bắt đầu mệt mỏi, ngấm ngầm hưởng thụ ở phía sau. Lê Minh Khuê đã sớm phát hiện ra loại người này. Từ năm 1971, chị đã viết truyện Anh kỹ sư dạo trước, một kiểu người sớm quên đi những kỷ niệm đẹp nơi chiến trường, sớm lui về chăm lo cho cái góc riêng hẹp hòi của mình. Cũng là kiểu người như thế còn có một nhân vật trong Con trai của những người chiến sĩ: “Đối với anh, cuộc sống như một ngày hội huy hoàng mà anh lướt đi trên đó, không va chạm, không dính líu với một cái gì”. Còn là một gia đình trong Ngày đi trên đường: “Cả hai cuộc chiến tranh, bằng một phép thần kỳ nào mà không một người nào trong nhà này đi ra khỏi Hà Nội? Họ cứ thế rồi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái và béo tốt phương phi trong ngôi nhà này?”
Sống giữa những kiểu người như vậy, cuộc sống sau chiến tranh làm mỏi mòn những giá trị một thời. Đấy là bi kịch của Ninh (Bầu trời trong xanh), cô phóng viên chiến trường hết lòng yêu tin những kỳ tích của người chiến sĩ cô đã gặp đã viết bài. Nhưng bài viết của cô không được sử dụng, thủ trưởng và đồng nghiệp của cô làm sao tin được những kỳ tích khi mà họ chỉ quẩn quanh ở phía sau, quẩn quanh giữa những nhỏ nhen vụn vặt đời thường. Đến lượt Ninh, sống mãi giữa những người như thế cho đến một ngày cô quay ra ngờ vực những điều mình từng tin yêu và bảo vệ.
Cái lãng mạn tuổi trẻ và lãng mạn chiến sĩ hao hụt dần. Nỗi ưu tư ngày một đậm hơn trong tác phẩm của Lê Minh Khuê. Manh nha từ tập truyện đầu tiên, Cao điểm mùa hạ, man mác trong tập Đoạn kết, sôi sục trong Một chiều xa thành phố, rồi dâng trào trong Bi kịch nhỏ và Trong làn gió heo may. Nỗi day trở thường xuyên của lương tâm trước sự sa sút của nhân tính, của lòng vị tha trước sự gia tăng của cái ác, thói đạo đức giả. Người ta lắng thấy trong những tác phẩm dữ dội ấy nỗi chua xót, nỗi đau, nỗi tiếc thương những giá trị đang bị xói mòn, đang dần mất. Lắng kỹ hơn thì nghe được cả những ước ao không cất thành lời…
Một truyện ngắn như vậy, Làng xi măng. Bà nội qua đời, thế là bố đi mánh của bố, mẹ theo nguồn của mẹ, gia đình phút chốc tan hoang. Ngày bà còn sống, cũng đã ai đi đường nấy, nhưng còn rón rén, “khi người ta còn biết sợ thì mọi chuyện vẫn ngăn nắp”. Bây giờ thì cái làng đã được bê tông hóa, những mái những chóp, những quán karaoke những nơi đánh bạc. Cồn đất giữa đồng có ngôi miếu thờ một vị thần có công, nơi bà từng thắp hương cúi đầu thành kính, cũng đang bị đào xới tan hoang, ở đó “nghe nói họ sẽ làm nhà máy lắp ráp xe máy”. Có nỗi kinh hoảng trước sự tan vỡ của mô hình gia đình truyền thống. Có nỗi đau của thời thế đổi thay, khi con người không còn biết tôn kính, không còn biết sợ những thế lực vô hình, phi vật chất. Nhưng vẫn còn chút hy vọng, đó là Na và Thắng, hai người thanh niên bình dị vẫn còn hiểu tình lý ở đời. Hình như chính họ sẽ vững vàng thanh thản đi qua thời kỳ chộp giật nhốn nháo xe máy nhà chóp này.
– Có người nói rằng gần đây Lê Minh Khuê đã trở nên hơi duy lý, hơi lạnh?
– Tôi yêu văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và thích độ lạnh ở hai ông. Thời thế ấy, loại nhân vật ấy cần phải có phương pháp gián cách mổ xẻ kiểu ấy. Hình như phương pháp ấy gián đoạn một thời, rồi được nối lại với một số cây bút xuất hiện từ năm 1986? Tác phẩm của họ xem ra mới, hiện thực phản ảnh có nét mới, nhưng phương pháp có vẻ đã quay vòng trở lại với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao?
Tâm trạng xã hội hơn ba mươi năm qua, những khúc quanh, những đổi thay qua các thời kỳ – chiến tranh, cuối cuộc chiến, thống nhất đất nước, thời kỳ kinh tế thị trường – đã liền mạch trong tác phẩm của Lê Minh Khuê. Người ta không soi vào đấy để thấy lịch sử, tất nhiên, nhưng có thể đọc trong ấy tâm thế của thời cuộc.
Cũng tất nhiên, Lê Minh Khuê không chỉ quan tâm đến hiện thực mà chị phản ảnh, chị quan tâm nhiều hơn đến cách trình bày cái hiện thực đó. Chị rất có ý thức nói bằng giọng của mình – tiết chế, đôi khi như chủng chẳng khô khan, nhưng đầy hàm ý. Chị rất chú trọng truyền đạt cái nhìn hiện thực của mình – điềm tĩnh, cuộc sống diễn ra trước mắt như một cuốn phim đang xem trong rạp.
Bất chợt nhớ, một bạn viết gặp chị ở Đà Lạt, nghe giới thiệu, cứ hỏi đi hỏi lại mãi: “Có thật không? Tưởng Lê Minh Khuê là đàn ông kia mà?” Rồi anh giải thích, đấy là vì cái giọng trong văn chị.
*
* *
Nhân vật của Lê Minh Khuê thường xuất hiện trong hai khung cảnh chính: công trường và nhà tập thể.
Xem thêm : Quả vú sữa có tác dụng gì?
Công trường là ước vọng đơn sơ của những người lính. Sau chiến tranh họ sẽ đi lái máy ở một công trường. Giữa núi rừng, trong bom đạn, hình ảnh công trường là cuộc sống làm ăn yên lành của thời bình, là cuộc sống tương lai mà họ đang chiến đấu để hướng tới. Còn khi đã có hòa bình, công trường là biểu tượng của sự hàn gắn, dựng xây, tái thiết. Điều này thường thấy trong Những ngôi sao xa xôi, Bình minh ven biển, Mưa, Cơn mưa cuối mùa.
Không phải là kiểu công trường của những tác phẩm được viết sau những chuyến đi thực tế để chứng tỏ một nội dung công nông.
– Công trường là nơi người ta đến không có hẹn hò. Không ai có gì bền vững ở đấy. Gặp nhau, cùng làm việc, xong việc thì mỗi người mỗi ngả.
Một trong những truyện ngắn trọn vẹn nhất của Lê Minh Khuê, Cơn mưa cuối mùa, là về tình yêu bất chợt bùng lên khi hai con người đều đã có gia đình, Mi và Đức, gặp nhau trên công trường. Tình yêu làm tươi mới con người Mi, dường như biến cô thành một con người khác, sau những năm tháng lê thê mòn mỏi của cuộc sống đời thường nhàm chán. Nhưng đó vẫn chỉ là sự giãy giụa, ngoi ngóp tuyệt vọng trong cái bể xú uế, để rồi lại phải trở về với cảnh sống bon chen mà ở đó một tình yêu lớn xả thân dường như là điều phù phiếm vô bổ. Phù phiếm vô bổ như câu chuyện tình đã khép lại Mi kể cho một người bạn:
“- Sáng nay thức dậy còn nằm trong màn, em nghe ai hát gì đó, một bài hát quen quen mà em không tài nào nhớ em đã nghe nó với ai. Em khóc òa. Phải tám năm nay, từ ngày lấy chồng, em mới lại khóc được như thế. Em mang tâm trạng bi thương suốt buổi sáng. Đến khi đi làm vừa đạp xe vừa khóc. Nước mắt mờ cả đường đi. Ở chỗ chắn tàu người đứng chờ tàu qua đông nghịt. Em vẫn khóc, nghĩ rằng chẳng có ai để ý đến mình. Không ngờ có hai thằng cha đi xe máy trông thấy. Gã ngồi sau nhìn vào mặt em nhe răng cười. Hắn nói gì anh biết không?
– Chịu.
– Hắn bảo: “Nàng ơi, hôm qua chơi số mấy mà thất bại thảm thương như thế. Thôi, hãy nín đi, thua keo này ta bày keo khác”. Thấy em im, hắn có vẻ nghiêm trang, ân cần. Hắn bảo: “Hôm nay em nên đánh con bảy tư. Em hãy chơi con bảy tư, nghe anh…”
Tàu qua, bọn nó lách qua dòng người rất đông rồi vù đi mất. Em nghĩ có lẽ mặt em lúc ấy giống dân chơi số đề. Mà lúc ấy em lại nghĩ tới Bình. Em nghĩ đến anh ấy, nghĩ rằng không bao giờ em được sống lại những ngày vừa rồi nữa…”
Khung cảnh công trường trong truyện của Lê Minh Khuê là nơi diễn ra những điều như vậy.
Cũng không hẹn mà phải gặp nhau, phải sống cạnh nhau, như cua bị bỏ trong một rọ, là chuyện trong những ngôi nhà chung. Không phải tập thể như những khu nhà lắp ghép cao tầng, không phải là chung cư hiện đại, đây là những căn nhà thời Tây được chia năm xẻ bảy, những căn nhà chung trong ngõ ngách hẹp, tối tăm ẩm thấp.
Giống như nơi ở ngày trước của Lê Minh Khuê. Một cái cầu thang gỗ ọp ẹp như chao đi dưới chân. Lối đi lên ẩm thấp tối om như dẫn vào một hang ổ nào đó chứ không phải đi vào nơi cư trú của con người. Một cái sân hẹp bùng nhùng dây phơi, bất kỳ ai muốn vượt qua cái sân đều có cảm giác như chạy vượt rào, chỉ có điều không nhảy lên mà phải liên tục cúi đầu nhấp nhô. Căn phòng của chị chỉ độ 1,5m chiều rộng, khách bước vào loay hoay chẳng biết ngồi đâu.
Ngày ấy, mỗi lần bước chân vào căn phòng hẹp của Lê Minh Khuê, tôi lại hình dung đấy là nơi chị đã miêu tả trong truyện Những ngôi sao xa xôi: nhiều đêm cô bé ngồi trên cửa sổ phòng mình hát say sưa, hát mãi, có lần suýt lộn cổ xuống đất. Một mẩu hồi ức về thời bình, về thành phố quê hương của cô thanh niên xung phong. Nhưng rồi đọc những truyện ngắn sau này của chị, tôi lại tưởng mọi chuyện đã xảy ra trong căn nhà thời Tây được chia cho hàng chục gia đình ấy.
Nơi cư trú mà hóa thành hang ổ của dục vọng, của bản năng và thú tính – chuyện ấy có thể xảy ra khắp nơi trên cõi nhân gian này, một khi còn thiếu ánh sáng của văn minh, đạo đức và sự ràng buộc của cộng đồng văn hóa. Nhiều nhân vật của Lê Minh Khuê thuộc về hang ổ tối tăm ấy. Con trai lão Thiến chặt ngón tay bố vì nghi ngờ ông ta ăn cắp tiền của hắn (Anh lính Tony D). Anh em ruột lừa nhau giết nhau cũng chỉ vì tiền (Những kẻ chờ sung, Đồng đô la vĩ đại). Một mụ đàn bà phốp pháp buổi tối nóng nực chỉ có mỗi cái xi líp trên người chạy ào ra sân chung làm đám đàn ông hóng mát phải chạy dạt. Một kẻ có đến ba bằng đại học chỉ thừa cơ đi chọc thủng lốp xe của những người hắn thù ghét trong khu nhà. Một cặp vợ chồng để ông bố đã quá già nằm trên vỉa hè trước nhà, hy vọng ông sẽ bị ô tô của gã ngoại quốc say rượu chẹt chết (Ký sự những mảnh đời trong ngõ). Nhà trên đổ rác xuống đầu nhà dưới, nhà dưới ném chuột chết lên đầu nhà trên. Ứng xử trong những chung cư như vậy đã hoàn toàn trở nên hoang dã bầy đàn.
– Người ta quen xử sự như ở giữa cánh đồng. Hình như quán tính đồng ruộng còn nặng lắm. Nơi chung cư mà nói to, âu yếm to, ngang nhiên lấn chiếm không gian chung, thản nhiên phô bày cái tham cái đểu cái ác. Nơi công cộng thì thản nhiên tắt mắt tài sản chung, thản nhiên tiểu tiện và nhổ bậy, thậm chí hạ cả cửa kính ô tô xuống để phóng nước bọt ra đường.
– Chị có nghĩ rằng lối sống thiếu văn minh như vậy sẽ bị triệt tiêu trong một vài thế hệ nữa?
– Có lẽ không thể tính đếm bằng thời gian và thế hệ. Sự cải thiện tùy thuộc vào việc con người có tỉnh ngộ có đau lòng hay không trước hiện trạng này.
Chị có lý. Nhân vật của chị vẫn sống điềm nhiên, ngang nhiên giữa đời. Mong mỏi đến ngày họ giác ngộ là người viết. Đau lòng hơn cả cũng là người viết.
*
* *
Nhưng nếu cho chị một môi trường yên ả, ngồi đấy mà viết thì ra sao nhỉ? Lê Minh Khuê bảo ngồi ở Tam Đảo, ở Đà Lạt chị không viết được. Nhớ những ngày thu ở Ohio. Thị trấn bình yên sạch sẽ, hầu như chỉ toàn sinh viên. Không gian cứ bừng cả lên vì lá phong vàng trên cây, lá phong vàng trên mặt đất. Nếu vẽ cảnh thiên đường, chắc người ta cũng vẽ sắc vàng của lá phong giữa mùa thu vàng. Lại nhớ những ngõ hẻm lát đá trong phố cổ Stockholm. Hai chị em cứ đi mãi trong cái mê cung phố cổ hàng trăm năm hòa bình. Môi trường trong lành bình yên thế, sao người ta không ngồi viết văn, vẽ tranh, làm nhạc?
– Cho ngồi yên ở một chốn như thế này, mình chắc chỉ ngồi ngắm mùa thu vàng mà tự tử, nói đâu đến chuyện viết văn – Rồi Lê Minh Khuê quay lại chuyện quê nhà – Phải như ở nhà mình ấy, ra đường người ta giẫm lên chân mình, xe cộ như muốn chồm vào người mình, xem người ta cãi nhau ở chợ búa, ở khu tập thể, trong công sở… Cứ như thế mà viết được.
Lại nhớ chuyện đời nhà văn Nga K. Paustovsky. Ông từng đi lính, làm hộ lý, lao công quét tuyết, bán vé trên xe điện. Đến khi cầm bút, ông viết ra những truyện lãng mạn, trong trẻo tuyệt vời. Đời sống nghiệt ngã từng trải chỉ càng làm mạnh mẽ hơn khát vọng vươn tới cái đẹp lương thiện và lãng mạn. Chuyện trò với Lê Minh Khuê ở Đà Lạt, vẫn là người bạn viết kia cứ xuýt xoa: “Người như vầy mà viết dữ vậy hà?” Tôi thay chị trả lời: “Người như vầy viết mới dữ”.
Xem thêm : Cách tính Lãi cơ bản trên cổ phiếu theo Thông tư 200
“Người như vầy” chính là con người thực của Lê Minh Khuê, nhiều lúc như người bồng bềnh trong một cõi riêng, xa vắng và lơ đãng. Muốn chị nhớ một điều gì, phải dặn đi dặn lại. Những chuyện “ngớ ngẩn” của chị có thể viết thành sách dày, thỉnh thoảng kể lại với nhau để cười. Cười rồi chị lại dặn đừng kể cho ai cười cái ngờ ngệch của chị. Nhưng sâu xa thì đó là một người đàn bà khá mơ mộng.
Cũng chẳng lạ, người mơ mộng ấy hiếm khi viết chuyện tình. Khi dịch giả Đoàn Tử Huyến làm một tập truyện tình Việt Nam trong bộ sách những câu chuyện tình của thế giới, chọn đến Cơn mưa cuối mùa của Lê Minh Khuê, anh bảo: “Nhưng mà tôi vẫn ghê ghê, cái đoạn một ông khách rơi xuống bể phốt trong khu tập thể, người ta vớt lên, thiếu nước mà mỗi nhà phải cho một thùng nước để tắm”. Rồi cuối cùng anh vẫn chọn truyện này. Tình yêu đâu phải bao giờ cũng là chuyện lãng mạn. Tình yêu trong một khung cảnh ô trọc rồi sẽ bị môi trường uế tạp làm cho nó trở nên lạc lõng và lố bịch.
Ngày trước, thời những truyện ngắn về chiến tranh của chị cũng ít bóng dáng tình yêu. Những cô thanh niên xung phong mười tám đôi mươi, chưa yêu mà chỉ mới tưởng tượng ra tình yêu: “Hai đứa bảo nhau: “Từ giờ đến già chỉ yêu thôi chứ không thèm lấy chồng. Lấy chồng khổ lắm. Tã lót, chăn màn, mùn cưa, nước mắm… thì giờ đâu mà đi chơi nữa. Yêu, anh ta sẽ mang đi xem chiếu bóng, dỗ dành một tí khi giận dỗi, đọc sách tha hồ” (Những ngôi sao xa xôi). Rồi cuộc sống sau chiến tranh gian khó, phải bươn trải tạo dựng lại tất cả: “Tôi chợt nghĩ một cách rất vớ vẩn: Không có cái gì bùng lên mãnh liệt rồi cũng tắt ngấm không còn một chút tăm hơi như là tình yêu” (Ngày đi trên đường).
Đến cái thời của lối sống tiêu thụ và cuộc sống bất ổn, tình yêu dường như là một cái gì hiếm hoi và tức cười. Anh chàng trong truyện Nỗi buồn ngược đời đi theo một cô gái có hai bím tóc hay hay, trong khi cô gái lại tưởng đó là một kẻ trấn lột. Cô gái này còn hoảng sợ vì ở công trường đối diện có một anh chàng ngày nào cũng nhìn sang nhà cô, “anh ta có ý đồ gì ấy, trông mặt kinh lắm cơ”. Về sau bạn cô điều tra ra, anh chàng ấy chẳng qua chỉ ngắm nhìn cô gái mà thôi, “giá như cách đây mười mấy năm, những cô gái nào được một đôi mắt thế kia dõi nhìn vào cửa sổ chắc là hạnh phúc lắm”. Lời nhận xét như có cả vị khôi hài đắng chát. Thời thế đổi thay đủ để biến một gương mặt tình yêu thành mưu gian “trông mặt kinh lắm cơ”.
Một người bạn hỏi: “Lê Minh Khuê thất bại nhiều trong tình trường hay sao, bà ấy có vẻ thù đàn ông?” Người bạn mới đọc bài trả lời phỏng vấn của chị trên báo. Tôi tìm tờ báo để đọc. Thì ra có một đoạn chị nói: “Tình yêu? Nó mong manh lắm. Nó như khi rang bỏng ngô ấy, thi thoảng nổ bung một hạt, rồi thôi. Yêu ai đứng xa xa mà ngắm mà nhớ. Năm-mười năm hãy gặp nhau. Trên đời này ít khi người đàn ông yêu người đàn bà. Thế thì họ yêu ai? Họ chẳng yêu ai hết cả. Những chuyện tình ghen tuông đến độ giết nhau đấy không là tình yêu mà là bản năng vì bị kẻ khác giật mất miếng ăn của mình. Tình yêu không thế. Yêu là nước mắt lặn vào trong. Một người đàn ông lịch lãm là người luôn luôn thấy vừa đủ. Tôi không tính hai từ lịch lãm cho đàn bà vì đàn bà… thường tình lắm. Thường tình và nhân hậu. Này, hình như bây giờ hiếm lắm những người đàn ông lịch lãm? Cuộc đời này tựu trung chỉ có tình yêu mẹ và con. Con mình nó yêu mình, thế là đủ, nhỉ?”
Người bạn đã giải mã thô sơ. Trong đời thực Lê Minh Khuê có cuộc sống gia đình bình lặng. Nhưng đâu phải vì bình lặng mà chị không viết những tác phẩm dữ dội, không phát biểu những quan niệm rất riêng? Giữa ý nghĩ và cuộc đời là cả một khoảng cách.
Chị và tôi thường tâm đắc chia sẻ những quan niệm như thế. Chúng tôi không tin rằng tình yêu (lứa đôi) sẽ cứu chuộc thế giới như có người nói. Tình yêu dễ bị cuộc đời trần tục xói mòn. Suy cho cùng ta muốn dùng cái ô trọc đời thường để cảnh tỉnh những người bạn còn lãng mạn thô sơ vì thiếu từng trải. Một người bạn, một người ở tuổi ba mươi, đến hỏi Lê Minh Khuê rằng nên lấy người mình yêu hay lấy người yêu mình. Chị bảo: “Lấy nhau đi. Chỉ cần vợ chồng sống tử tế có nghĩa với nhau”. Một thời gian sau, anh chàng kia quay lại, thở ngắn than dài về cuộc sống gia đình. Chị và tôi xúm vào: “Cho chết, ai bảo lấy người mình yêu, không dưng đi biến người yêu thành quân thù quân hằn”. Con người là một động vật viễn thị, đứng xa mới thấy đẹp. Tình yêu là một thứ tình cảm cũng… viễn thị.
Vẫn đang nói chuyện tình yêu. Đây là đoạn cô Mi trở lại phòng sau buổi tối hẹn hò với người mới gặp mới yêu trên công trường. Mi đang dào dạt yêu đương, người đàn bà đang mòn mỏi đi trong cuộc sống gia đình bất chợt trẻ trung trở lại. Cô kể chuyện với một anh đồng nghiệp điềm tĩnh đang ngồi chờ cô về để cùng ăn tối:
“- Anh ăn cơm đi.
– Tôi chờ. Ăn một mình có ra gì?
– Em không đói đâu. Từ nay em có thể nhịn hàng tháng.
– Em cảm thấy thế thôi.
– Không, em nói thật đấy… Này, em mới nghĩ ra. Lâu nay em sống không ra sống nữa. Anh không thể hiểu được đâu.
– Tôi hiểu hết. Ai cũng vậy.
– Anh có muốn em kể chuyện chồng em cho anh nghe không?
– Không, đừng kể.
– Em cũng nghĩ như vậy. Không cần kể gì hết. Nhưng trời ơi, cứ thế này mãi em chết mất.
– Không chết được. Sẽ không sao hết. Mấy hôm nữa ta về và mọi thứ lại đâu vào đấy”.
Lê Minh Khuê khéo viết đối thoại. Gọn gàng, chắc chắn, hiếm khi thừa lời và có ấn tượng. Những đối thoại chính xác, chứa đầy thông tin và ngổn ngang tâm lý. Xin hãy lưu ý giọng người bạn đồng nghiệp của Mi, điềm đạm, thấu hiểu và đầy kiềm chế. Đấy là giọng của Lê Minh Khuê, xuyên suốt qua những tác phẩm của chị. Đấy cũng là giọng thực của chị, ở giữa đời.
Hà Nội, 1998
(Rút từ tập Họ trở thành nhân vật của tôi,
tái bản nhiều lần)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on 08/03/2024 13:39
Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…
Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…
Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024
Con số may mắn hôm nay 22/11/2024 theo năm sinh: Chọn con số ĐẾN LỘC
Tử vi thứ Sáu ngày 22/11/2024 của 12 con giáp: Chó vui vẻ, Hổ may…
Tử vi tháng 12/2024 Mậu Tuất: Không đột phá, nhiều rắc rối mới