Categories: Tổng hợp

TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Published by

Giáo dục quốc phòng và an ninh là giáo dục cho công dân về kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 19/6/2013, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật.

1. Những quy định chung (Chương I)

– Phạm vi điều chỉnh: Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh điều chỉnh những vấn đề về nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 1).

– Đối tượng áp dụng: Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan về giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 2).

– Chính sách của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh: Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh, có chính sách ưu tiên đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền, tài sản cho giáo dục quốc phòng và an ninh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong giáo dục quốc phòng và an ninh được khen thưởng theo quy định của pháp luật (Điều 6).

– Quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh: Công dân có quyền và trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nắm vững kiến thức quốc phòng và an ninh. Người tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật (Điều 7).

– Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh: Là cơ sở giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, kỹ năng quân sự cho các đối tượng theo quy định của Luật này. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm: Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc nhà trường quân đội; Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc cơ sở giáo dục đại học.

Việc quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh phải phù hợp với quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng yêu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Luật quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống và quy định điều kiện thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 8).

– Các hành vi bị nghiêm cấm: Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh cấm các hành vi lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở việc thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh và các hành vi khác theo quy định của pháp luật (Điều 9).

2. Giáo dục quốc phòng và an ninh trong nhà trường (Chương II)

Bao gồm các quy định về giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

– Đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở: Để phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức và yêu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật quy định giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng này được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học để học sinh hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào (Điều 10).

– Đối với trung học phổ thông; trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội: Giáo dục quốc phòng và an ninh được xác định là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục. Luật xác định nội dung cơ bản giáo dục quốc phòng và an ninh cho từng loại đối tượng.

Đối với trung học phổ thông; trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là để bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc (Điều 11).

Đối với trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là để bảo đảm cho người học có kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung kiến thức về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc (Điều 12).

Đối với trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, giáo dục quốc phòng và an ninh bảo đảm cho người học nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; nghệ thuật quân sự Việt Nam; tình hình, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; khu vực phòng thủ; phòng thủ dân sự; kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh; kết hợp quốc phòng và an ninh với đối ngoại (Điều 13).

3. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (Chương III)

Bao gồm các quy định về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối với đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; thẩm quyền triệu tập, quy định cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; chế độ, quyền lợi đối với đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

– Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội:

Việc bồi dưỡng cho các đối tượng này không chỉ nhằm mục tiêu giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, mà còn góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh theo vị trí, lĩnh vực được phân công phụ trách. Luật quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là cán bộ, công chức; viên chức quản lý, đại biểu dân cử, người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); trưởng thôn, làng, tổ dân phố (sau đây gọi là thôn); trưởng các đoàn thể ở thôn; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chương trình, nội dung, hình thức, thời gian bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và yêu cầu nhiệm vụ (Điều 14).

– Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập:

Doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có vị trí quan trọng của nền kinh tế xã hội, là yếu tố góp phần chuyển dịch các cơ cấu của nền kinh tế quốc dân, góp phần cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho người quản lý các doanh nghiệp, đơn vị này là cần thiết. Do đó, Luật quy định người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (bao gồm doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên, doanh nghiệp hoạt động phục vụ quốc phòng và an ninh, doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) và người quản lý đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho những đối tượng này tập trung vào chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh. Những quy định về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập không áp dụng cho người nước ngoài.

– Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư:

Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật. Luật giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chương trình khung của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của địa phương để xây dựng và thực hiện chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư (Điều 16).

– Thẩm quyền triệu tập, quy định cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối với đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư do Chính phủ quy định (Điều 17). Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh cũng quy định cụ thể chế độ, quyền lợi của các các đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (Điều 18).

4. Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân (Chương IV)

Bao gồm các quy định về nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh; hình thức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh; phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

– Nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh bao gồm:

Những hiểu biết cần thiết về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong từng thời kỳ; phòng thủ dân sự; trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Điều 19).

– Hình thức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh:

Thông qua báo cáo viên, tuyên truyền viên và các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở và các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; lồng ghép vào các đợt gọi công dân nhập ngũ, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống; thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức quản lý di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, khu bảo tồn thiên nhiên, khu tưởng niệm, đài kỷ niệm, nghĩa trang liệt sỹ, nhà truyền thống, nhà bảo tàng, cung văn hóa, thể thao thanh niên, thiếu niên, câu lạc bộ thể thao quốc phòng và an ninh; các hình thức khác phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và cộng đồng dân cư (Điều 20).

– Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa:

Phải bảo đảm gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, hải đảo; căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người có vai trò và ảnh hưởng tích cực trong đồng bào dân tộc thiểu số, chủ tàu, thuyền hoạt động dài ngày trên biển; chủ hộ gia đình, người lao động ở khu vực biên giới, hải đảo.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật cho người dân khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; cấp tài liệu giáo dục quốc phòng và an ninh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc tổ chức thực hiện phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa Luật giao Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan quân sự cùng cấp chủ trì, phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Công an địa phương tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa (Điều 21).

– Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp:

Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước không thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, người lao động trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định về nội dung (tại Điều 19) và hình thức (tại Điều 20) nêu trên. Người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức công đoàn tổ chức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho người lao động. Để phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự, công an, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp phối hợp tổ chức thực hiện (Điều 22).

5. Giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh (Chương V)

Bao gồm các quy định về giáo viên, giảng viên; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tuyển dụng giáo viên, giảng viên; trách nhiệm và quyền lợi của giáo viên, giảng viên; báo cáo viên; tuyên truyền viên; trách nhiệm và quyền lợi của báo cáo viên, tuyên truyền viên.

– Giáo viên, giảng viên: Giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm giáo viên, giảng viên chuyên trách, thỉnh giảng và cán bộ quân đội, công an biệt phái. Điều kiện để trở thành giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh là phải có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh trở lên; trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Luật giao Chính phủ quy định cụ thể trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng giáo dục quốc phòng và an ninh; thời gian, lộ trình hoàn thành (Điều 23).

Việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tuyển dụng giáo viên, giảng viên, trách nhiệm và quyền lợi của giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh được quy định cụ thể tại các Điều 24, Điều 25 của Luật này.

– Báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh: Báo cáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mời tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, bao gồm: Lãnh đạo Bộ, Ban, ngành trung ương; lãnh đạo tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng và tương đương của Bộ Quốc phòng; tổng cục, cục, vụ và tương đương của Bộ Công an, Bộ, Ban, ngành liên quan; lãnh đạo cấp tỉnh; lãnh đạo huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; lãnh đạo cấp xã; lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh; phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và phòng, ban huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chuyên gia, nhà khoa học (Điều 26).

Tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh được Luật quy định như sau: Căn cứ tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định công nhận tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 27).

Báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh có trách nhiệm và quyền lợi sau đây: Truyền đạt đúng nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh quy định cho từng đối tượng; tham dự đầy đủ hoạt động bồi dưỡng, tập huấn do cấp có thẩm quyền tổ chức để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc; được cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao; hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

6. Kinh phí giáo dục quốc phòng và an ninh (Chương VI)

Bao gồm các quy định về nguồn kinh phí, nội dung chi, lập dự toán, chấp hành và quyết toán trong giáo dục quốc phòng và an ninh.

– Kinh phí giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm: kinh phí do Nhà nước bảo đảm, được bố trí hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; kinh phí do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp bảo đảm thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của Luật này; khoản kinh phí này được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật; các khoản thu hợp pháp khác (Điều 29). Kinh phí giáo dục quốc phòng và an ninh được Luật quy định chi cho các nội dung: chi thường xuyên; chi đầu tư phát triển; các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (Điều 30).

– Hằng năm, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách cho nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có kế hoạch bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh.

7. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về giáo dục quốc phòng và an ninh (Chương VII)

Bao gồm các quy định về nội dung quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ: Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông và của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

– Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh:

Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh. Tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh. Quy định chương trình, nội dung; biên soạn, xuất bản, in, phát hành giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu; tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giáo dục quốc phòng và an ninh và cấp chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Quản lý nguồn lực phát triển giáo dục quốc phòng và an ninh. Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh…

– Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh:

Để bảo đảm quản lý công tác giáo dục quốc phòng và an ninh thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh trong phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh theo thẩm quyền. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh tại địa phương.

– Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cơ quan, tổ chức thuộc quyền thực hiện quy định của pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh; thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Ủy ban nhân dân các cấp nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.

Phan Anh

This post was last modified on 01/02/2024 01:00

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

8 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

8 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

12 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

17 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

17 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

18 giờ ago