Categories: Tổng hợp

Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về huy động lực lượng – Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Published by

Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nhân loại. Đây là cuộc khởi nghĩa mang đầy đủ tính chất cách mạng, khoa học và đại chúng, do Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo theo tư tưởng học thuyết Mác – Lê-nin, đã để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên giành độc lập, trong đó có bài học về huy động lực lượng.

Lực lượng cách mạng tấn công Cung điện Mùa Đông ngày 7-11-1917. (Ảnh tư liệu)

Vào đầu thế kỷ XX, với tư tưởng hiếu chiến và phản động, Nga hoàng đã dốc sức tham gia chiến tranh thế giới thứ Nhất và đẩy đất nước rơi vào cảnh bị tàn phá nặng nề, với trên 6 triệu người chết và bị thương. Nền kinh tế kiệt quệ, sản xuất đình đốn; thất nghiệp tăng nhanh; nạn đói trầm trọng xảy ra ở nhiều nơi, v.v. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nổ ra ở khắp mọi nơi trên đất nước Nga. Tới đầu năm 1917, làn sóng đấu tranh chống chính quyền đã bao trùm thủ đô Pê-tơ-rô-gờ-rát. Ngày 23-2 (tức 8-3 công lịch), nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ, Đảng bộ Bôn-sê-vích Pê-tơ-rô-gờ-rát đã kêu gọi chị em công nhân các nhà máy xuống đường biểu tình, tuần hành phản đối chiến tranh, đòi cải thiện đời sống. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngay trong ngày đầu đã có 128 nghìn người tham gia và làn sóng đấu tranh vẫn tiếp tục dâng cao trong những ngày tiếp theo, làm cho binh lính bị dao động, ngả về phía quần chúng nổi dậy. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng Bôn-sê-vích ra bản Tuyên ngôn tuyên bố chế độ Nga hoàng đã bị sụp đổ, kêu gọi công nhân và binh lính nhanh chóng thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời để thực hiện các quyền tự do dân chủ và ý chí của nhân dân. Với khí thế mạnh mẽ và lực lượng áp đảo, quần chúng khởi nghĩa nhanh chóng làm chủ tình hình ở thủ đô; thành lập chính quyền Xô-viết đại biểu cho giai cấp công nhân và binh lính Pê-tơ-rô-gờ-rát. Từ thắng lợi ở thủ đô, cuộc khởi nghĩa đã lan nhanh tới các địa phương trong cả nước; các Xô-viết – cơ quan khối liên minh công nhân và nông dân lãnh đạo khởi nghĩa đã trở thành những cơ quan chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, do các thủ lĩnh phái Men-sê-vích và Xã hội cách mạng chiếm đa số trong các Xô-viết, nên ngày 02-3-1917, Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản được thành lập. Như vậy, cuộc Cách mạng dân chủ tư sản đã thắng lợi trên phạm vi cả nước, chế độ Nga hoàng chuyên chế sụp đổ, nước Nga trở thành nhà nước cộng hòa dân chủ.

Cuộc cách mạng Tháng Hai đánh dấu một bước ngoặt mới của tình hình nước Nga. Đó là hai chính quyền song song tồn tại: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và chính quyền Xô-viết của công nhân, nông dân, binh lính, v.v. Lúc này, các đảng: Xã hội cách mạng và Men-sê-vích thay đổi lập trường, trở thành chỗ dựa của Chính phủ lâm thời và giai cấp tư sản. Số lượng đảng viên và ảnh hưởng của các đảng thỏa hiệp này tăng lên rõ rệt: Đảng Xã hội cách mạng có tới 800 nghìn người, Đảng Men-sê-vích khoảng 200 nghìn, trong khi Đảng Bôn-sê-vích mới ra hoạt động công khai với khoảng 24 nghìn đảng viên. Từ lợi thế đó, Chính phủ lâm thời tư sản nhanh chóng thâu tóm quyền lực, phản bội lời hứa, không những không thực hiện các mục tiêu của cuộc cách mạng là: hòa bình, ruộng đất, tự do và bánh mì cho nhân dân, mà còn chủ trương duy trì hầu như nguyên vẹn bộ máy nhà nước cũ và tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh, v.v. Do vậy, nền kinh tế và đời sống của công nhân, nông dân, binh sĩ không có gì thay đổi, thậm chí còn bức bối hơn. Trước tình hình đó, đêm 03-4-1917, Lê-nin từ Phần Lan trở về Pê-tơ-rô-gờ-rát để chỉ đạo phong trào. Ngay ngày hôm sau, Người đã trình bày trước Trung ương Đảng và Ban Chấp hành Đảng bộ Pê-tơ-rô-gờ-rát bản báo cáo quan trọng: “Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay”; đồng thời, đề ra đường lối chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau này, bản báo cáo của Lê-nin đã đi vào lịch sử với tên gọi Luận cương tháng Tư. Luận cương gồm 10 điểm, đề cập từ những vấn đề chiến lược quan trọng, như: đấu tranh giành chính quyền, chấm dứt chiến tranh, xây dựng chế độ chính trị mới,… cho đến những vấn đề trước mắt nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết nhất của các tầng lớp nhân dân. Hội nghị toàn quốc Bôn-sê-vích họp vào cuối tháng 4 -1917 đã hoàn toàn tán thành Luận cương của Lê-nin và coi đó là đường lối của toàn Đảng để tiến tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước chuyển quan trọng nhất, cốt lõi nhất, mang tính quyết định để đảng Bôn-sê-vích tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp đưa cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa giành thắng lợi.

Thực hiện đường lối của Luận cương tháng Tư, tổ chức đảng ở các địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng, nhằm tạo nên một đội quân chính trị vững mạnh, lật đổ giai cấp tư sản, cô lập và đánh bại các đảng thỏa hiệp; đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và tiến hành bạo lực vũ trang giành chính quyền. Bằng sự kiên trì giải thích, vận động, những đảng viên Bôn-sê-vích đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng đi theo; trên cơ sở đó, Đảng cũng nhanh chóng phát triển về số lượng. Trong ba tháng kể từ Hội nghị tháng Tư, các tổ chức đảng đã tăng từ 78 lên 162 cơ sở với 240 nghìn đảng viên; các đội Cận vệ đỏ ở các nhà máy, xí nghiệp cũng nhanh chóng được thành lập. Đặc biệt, sau khi cuộc nổi loạn của Coóc-ni-lốp bị dập tắt, thời kỳ “Bôn-sê-vích hóa” các Xô-viết bắt đầu diễn ra. Ngày 31-8, Xô-viết Pê-tơ-rô-gờ-rát quyết định thay thế các đại biểu Men-sê-vích và Xã hội cách mạng bằng những người Bôn-sê-vích trong ban lãnh đạo Xô-viết. Tiếp đến là Xô-viết Mát-xcơ-va cùng nhiều thành phố, địa phương khác đều có những thay đổi như vậy. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có trên 250 Xô-viết đi theo lập trường Bôn-sê-vích; số lượng Xô-viết ở trong nước cũng tăng nhanh từ 600 tổ chức vào tháng Ba lên con số 1.600 trong tháng Chín. Đó là cơ sở để Trung ương Đảng Bôn-sê-vích thông qua nghị quyết khởi nghĩa vũ trang lật đổ Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Ngày 12-10, Xô-viết Pê-tơ-rô-gờ-rát đã cử ra Ủy ban quân sự cách mạng để chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang ở thủ đô. Ngày 16-10, Trung ương Đảng thành lập Trung tâm Quân sự cách mạng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong cả nước.

Khi thời cơ đến, V.I. Lê-nin và Trung ương Đảng Bôn-sê-vích quyết định khởi nghĩa vào đêm 24, rạng ngày 25-10 (theo lịch Nga) tức đêm ngày 06 rạng ngày 07-11-1917. Thực hiện kế hoạch đã được thông qua, các đơn vị Cận vệ đỏ của công nhân, binh lính cách mạng và thủy binh Hạm đội Ban-tích (khoảng 200 nghìn người) đã đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô, như: các cầu qua sông Nê-va, nhà ga xe lửa, trung tâm bưu điện, nhà máy điện, Ngân hàng quốc gia, v.v. Đêm 25-l0, lực lượng khởi nghĩa tiến đánh Cung điện Mùa Đông và bắt giữ nội các của Chính phủ lâm thời. Cuộc khởi nghĩa ở Pê-tơ-rô-gờ-rát đã hoàn toàn thắng lợi. Tiếp theo, Chính quyền Xô-viết được thiết lập ở Mát-xcơ-va và sau đó là khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, do sự kháng cự điên cuồng của lực lượng chống đối, cuối tháng 3-1918, Chính quyền Xô-viết mới giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước.

Như vậy, tuy số lượng đảng viên ít hơn nhiều so với các đảng chính trị khác, nhưng do khéo léo huy động lực lượng, Đảng Bôn-sê-vích đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga thành công rực rỡ, giành chính quyền về tay những người lao động. Qua diễn biến của cuộc Cách mạng, có thể thấy, để huy động được đông đảo lực lượng tham gia, Đảng Bôn-sê-vích đứng đầu là V.I. Lê-nin đã thực hiện tốt những vấn đề trọng yếu sau:

Một là, phải có đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt. Đó chính là bản Luận cương tháng Tư, đã xác định một cách đúng đắn, khoa học những vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của quần chúng, có sức cuốn hút từ đảng viên Bôn-sê-vích cho đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là binh lính. Điển hình là những chủ trương, chính sách về kinh tế, như: “tịch thu ruộng đất của bọn địa chủ; quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất, giao cho các Xô-viết đại biểu nông dân sử dụng…”1. Vì vậy, tại Đại hội các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính toàn Nga lần thứ nhất, tuy Đảng Bôn-sê-vích chỉ chiếm thiểu số trong Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga, nhưng khi lãnh tụ V.I. Lê-nin tuyên bố: “Đảng Bôn-sê-vích sẵn sàng nắm lấy toàn bộ chính quyền” đã được công nhân và binh lính nhiệt liệt hưởng ứng. Với khí thế đó, “Ngày 18-6, tại Pê-tơ-rô-gờ-rát 500.000 người đã xuống đường biểu tình hô vang các khẩu hiệu: “Tất cả chính quyền về tay Xô-viết”, “Đả đảo mười bộ trưởng tư sản”… đã biểu dương lực lượng to lớn và ảnh hưởng sâu rộng của đảng Bôn-sê-vích trong quần chúng”2. Sau này, khi bàn về đường lối sáng suốt của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu như Đảng Bôn-sê-vích không có một chính sách cụ thể đối với nông dân thì không bao giờ có chuyện quân đội Sa hoàng ngả về phía cách mạng. Nhờ chính sách rõ rệt đối với nông dân của Đảng Bôn-sê-vích hoàn toàn đúng đắn nên Đảng có khả năng to lớn thu hút quân đội Sa hoàng – gồm chủ yếu là nông dân”3.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Đây là vấn đề rất quan trọng của cuộc cách mạng, được Lê-nin và các cộng sự thực hiện rất thành công, nhằm đưa chủ trương, chính sách của Luận cương tháng Tư thấm sâu vào quần chúng, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động. Theo đó, các đảng viên Bôn-sê-vích tích cực mở rộng phạm vi hoạt động từ các Xô-viết cho đến nhà máy, xí nghiệp, trại lính, nông thôn để tuyên truyền giúp cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ bộ mặt xấu xa, bản chất phản động của chủ nghĩa tư bản, sự suy tàn, mục nát của chế độ phong kiến và sự cần thiết phải tiến hành khởi nghĩa vũ trang toàn dân để giành chính quyền. Cùng với đó, Đảng Bôn-sê-vích tăng cường tuyên truyền trên báo chí, làm cho tư tưởng của Đảng đến với mọi người dân Nga. Về vấn đề này, nhà báo Giôn-rít người Mỹ từng đến Nga vào mùa hè năm 1917, được tận mắt chứng kiến những người Bôn-sê-vích tích cực tuyên truyền, vận động làm cho tình hình chính trị – xã hội Nga thay đổi từng ngày đến khi cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thành công. Trong tác phẩm “Mười ngày rung chuyển thế giới” Ông đã viết: “Ngày nào các diễn giả Bôn-sê-vích cũng tới các doanh trại và xưởng may để tố cáo mạnh mẽ cái “Chính phủ gây nội chiến”4 và “Báo chí Bôn-sê-vích bỗng nhiên phát triển mạnh. Ngoài hai tờ báo của Đảng, tờ Con đường của công nhân và tờ Người lính, lại thấy ra hai tờ nữa, tờ Bần cố nông cho nông dân, xuất bản mỗi ngày nửa triệu số, và tờ Công nhân và Binh lính”5. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi nên “Mới hồi tháng 7, họ còn bị săn bắt và khinh miệt. Tháng 9, họ đã tranh thủ được hầu hết công nhân thủ đô, thủy thủ Hạm đội Ban-tích và binh lính”6.

Ba là, tổ chức lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Luận cương tháng Tư, Đảng Bôn-sê-vích xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất lúc này là phải thành lập cho kỳ được một đội quân chính trị đủ sức chiến thắng giai cấp tư sản, cũng như cô lập, đánh bại các đảng tiểu tư sản thỏa hiệp Men-sê-vích và Xã hội cách mạng. Cùng với đó, phải thành lập lực lượng vũ trang để bảo vệ đội quân chính trị và quần chúng nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Vì vậy, cuối tháng 3, đầu tháng 4-1917, đội Cận vệ Đỏ được thành lập, trở thành “hạt nhân” của quân đội cách mạng. Đây là đội quân mang tính chất quần chúng, được xây dựng trên cơ sở tự nguyện tham gia của những công nhân tiên tiến, theo nguyên tắc khu vực địa lý, sản xuất được thành lập tại các xí nghiệp, nhà máy và các trung tâm đường sắt. Các chiến sĩ Cận vệ đỏ luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân tạo nên hiệu ứng tích cực, chỗ dựa vững chắc, lôi cuốn đông đảo quần chúng đi theo. Đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười không chỉ trong giành chính quyền về tay nhân dân, mà còn là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng khi vừa mới thành lập.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã diễn ra hơn 100 năm, song những bài học kinh nghiệm của sự kiện lịch sử có một không hai này, trong đó có nghệ thuật huy động lực lượng vẫn còn nguyên giá trị đối với tất cả các dân tộc trên thế giới. Sinh thời, khi nói về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có thể nói rằng nếu không có Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thì nhân dân Việt Nam không thể hoàn thành được cuộc Cách mạng Tháng Tám của mình”7 và “Chính nhờ có Cách mạng Tháng Mười vĩ đại chỉ đường mà Cách mạng Tháng Tám của chúng ta mới thành công”8.

Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM ________________

1 – Nguyễn Huy Quý – Lê Khắc Thành – Lịch sử Liên Xô, Nxb ĐH và THCN, H. 1987, tr. 15.

2 – Sđd, tr. 18.

3 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 568.

4 – Jôn rít – Mười ngày rung chuyển thế giới, Nxb Văn học, H. 1977, tr. 73.

5 – Sđd, tr. 75.

6 – Sđd, tr. 42.

7 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 12.

8 – Sđd, tr. 8.

This post was last modified on %s = human-readable time difference 02:45

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem số MAY MẮN giúp bạn ĐÓN LỘC

Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem con số MAY MẮN giúp…

9 giờ ago

Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Thìn khôn ngoan, Dần may mắn

Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Rồng khôn, Hổ may mắn

9 giờ ago

Cảnh báo 4 con giáp đối diện với nguy cơ mất tiền hao của, tháng 11/2024 chớ vội đầu tư

Cảnh báo 4 con giáp đối mặt nguy cơ mất tiền, đừng vội đầu tư…

11 giờ ago

4 con giáp VƯỢT chông gai để LỘI NGƯỢC dòng xuất sắc cuối năm 2024, TIỀN của tràn vào nhà

4 con giáp VƯỢT gai để lội ngược dòng xuất sắc cuối năm 2024, tiền…

12 giờ ago

Tuần mới (4 – 10/11) ôm trọn may mắn, 3 con giáp mở mày mở mặt khi thăng hoa vượt kỳ vọng

Tuần mới (4 - 10/11) đón nhận may mắn, 3 con giáp mở mang tầm…

17 giờ ago

Cách giúp 12 con giáp đạp gió rẽ sóng, chinh phục đỉnh cao trong tháng 11/2024

Cách giúp 12 con giáp cưỡi sóng vượt gió chinh phục đỉnh cao tháng 11/2024

17 giờ ago