Categories: Tổng hợp

Tin tức

Published by

Ngày 20/06/2023, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023. Đây là hoạt động thường niên do Vietnam Report nghiên cứu và công bố từ năm 2012.

Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6 năm 2023.

Danh sách 1: Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023, tháng 6/2023

Danh sách 2: Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023, tháng 6/2023

Kiểm chứng sức bền giữa biến động

Năm 2022 được coi là năm mà sức bền của toàn ngành ngân hàng được kiểm chứng khi phải căng mình đồng hành cùng nền kinh tế đối mặt với hai cuộc chiến: xung đột Nga – Ukraine và cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu. Song song với đó, biến động tỷ giá khi đồng USD mạnh lên đáng kể, trái phiếu tắc, thị trường bất động sản ngưng trệ và tâm lý thị trường suy yếu sau loạt sai phạm “rung chuyển” thị trường vốn bị phanh phui đã làm liên đới và đặt áp lực lên ngân hàng – kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất tăng rất mạnh cũng như tình trạng căng thẳng thanh khoản xảy ra tại một số thời điểm trong năm 2022. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản ngành ngân hàng cho thấy dấu hiệu suy giảm kể từ quý 4/2022 khi nợ xấu gia tăng ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng cuối năm 2022 là 1,92%, tăng 0,02 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong khi đó, thống kê cho thấy tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm; LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm 24% xuống còn 120,9% vào cuối năm 2022.

Mặc dù vậy, với những động thái ứng phó linh hoạt của các ngân hàng trước sự xoay chiều của thị trường, bức tranh của ngành năm qua vẫn có mảng sáng từ kết quả kinh doanh khả quan. Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt 246 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2021. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có khoảng thời gian tăng nóng trong nửa đầu năm 2022 trước khi chậm dần ở 6 tháng còn lại và đạt mức 14,5% cả năm – dù thấp hơn hạn mức NHNN cho phép nhưng vẫn là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tăng 0,9% so với mức 13,6% năm 2021.

Sang giai đoạn đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu suy yếu, kéo theo đơn hàng giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp xuống còn 45,3 trong tháng 5 và là tháng thứ 6 nằm dưới ngưỡng 50 trong 7 tháng qua. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Tình trạng lệch pha diễn ra trong bối cảnh nhóm khách hàng được ngân hàng ưu tiên cho vay là doanh nghiệp sản xuất và cá nhân có nhu cầu vay chậm lại do lãi suất cao, đơn hàng giảm, các thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi trong khi nhóm khách hàng khát vốn, chấp nhận vay với lãi suất cao (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) không đủ điều kiện giải ngân. Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2022 là xấp xỉ 8%. Cuối quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9%, trong khi các ngân hàng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Triển vọng ổn định – Duy trì tăng trưởng trong nửa cuối năm

So sánh kết quả khảo sát các ngân hàng của Vietnam Report 4 năm trở lại đây, trong năm 2020 và 2021, dù chiếm tỷ lệ không cao song kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ vẫn được ghi nhận (5,9% vào năm 2021 và 9,1% vào năm 2022). Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát năm 2023, không xuất hiện kỳ vọng vào tăng trưởng đột phá ở 6 tháng tới so với cùng kỳ năm trước. Thay vào đó, phần lớn các ngân hàng cho rằng vào nửa còn lại của năm, toàn ngành sẽ ở trạng thái ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng (+44,2% và +42,0% so với kết quả khảo sát năm 2022 và 2021). Tỷ lệ ngân hàng dự báo tăng trưởng ngành thấp hơn một chút tăng nhẹ so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ các ngân hàng tin vào kịch bản tăng trưởng khả quan/ tốt hơn một chút so với cùng kỳ năm 2021 vẫn có nhưng thu hẹp lại còn 14,3%.

Hình 1: Triển vọng của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng tháng 6/2023

Top 7 thách thức lớn nhất cho sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2023

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 một cách thận trọng. Đáng chú ý, tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Điều này cho thấy 2023 được giới ngân hàng nhìn nhận là năm nhiều thử thách khi phải tiếp tục san sẻ nguồn lực, chia khó với doanh nghiệp giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong khi những vấn đề như mặt bằng lãi suất, nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thị trường bất động sản và trái phiếu đóng băng chưa được phản ánh đầy đủ trong kết quả kinh doanh năm ngoái sẽ để lại tác động đáng kể đến hoạt động của ngân hàng trong năm nay. Dựa trên kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 7 thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2023 được chỉ ra.

Hình 2: Top 7 thách thức cho sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng tháng 6/2023

Nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới (tăng 9,1% so với thời điểm một năm trước). Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ GDP/tín dụng ở mức rất cao, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trọng yếu và kèm theo đó, rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng không nhỏ. Báo cáo tài chính quý 1/2023 của 28 ngân hàng đã công bố ghi nhận 7 ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỉ đồng. Quý 1 cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 1,93% – cao hơn so với giai đoạn trước dịch. Rủi ro đặc biệt hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản – lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng. Do đó, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.

Hình 3: Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại đến quý 1/2023

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, Báo cáo Tài chính doanh nghiệp

Tình trạng thách thức từ nợ xấu đặt ra yêu cầu các ngân hàng cải thiện bộ đệm dự phòng, cho phép các ngân hàng này có nguồn lực vững chắc để chống chọi với rủi ro tín dụng. Theo khảo sát của Vietnam Report, 71,4% số ngân hàng dự kiến sẽ tăng trích lập dự phòng trong năm 2023 (+25,9% so với kết quả khảo sát năm 2022), với kỳ vọng việc chủ động tăng cường trích lập dự phòng sớm sẽ giúp ngân hàng ở một vị thế tốt để đương đầu với rủi ro nợ xấu tăng.

Khó khăn lớn nhất đối với các ngân hàng theo kết quả khảo sát cách đây một năm là nguy cơ rủi ro lạm phát đã giảm xuống, trở thành thách thức lớn thứ hai với 96,4% ngân hàng bình chọn. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI Việt Nam tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, điều chỉnh tăng 0,5% so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng việc kiềm chế lạm phát cũng không đơn giản. Các ngân hàng lo ngại rằng việc tăng giá điện 3% gần đây, kế hoạch tăng lương cơ sở 20,8% từ tháng 7/2023 và đà tăng giá các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng… có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm.

Rào cản lớn thứ ba được các ngân hàng chỉ ra là tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp và có rủi ro suy thoái (71,4%). Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất công bố ngày 6/6, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 2,1% trong năm nay. Con số này tăng so với dự kiến 1,7% được đưa ra vào tháng 1 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 3,1%. Thương mại toàn cầu giảm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2023, dẫn đến giảm cầu tín dụng; đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế đều suy yếu. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, thương mại hàng hóa quốc tế tiếp tục thu hẹp khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm giảm, chỉ bằng là 88,4% và 82,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong môi trường tăng trưởng thấp, các doanh nghiệp và cá nhân có xu hướng có nhu cầu vay và đầu tư thấp hơn, ảnh hưởng đến giảm nguồn thu tín dụng và các sản phẩm tài chính khác do các ngân hàng cung cấp. Ngoài ra, điều kiện kinh tế suy giảm khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, kéo theo tỷ lệ vỡ nợ cao hơn, tăng rủi ro vỡ nợ cho vay với các ngân hàng. Đồng thời, những yếu tố này có thể ảnh hưởng xấu đến giá trị tài sản thế chấp mà các ngân hàng nắm giữ, chẳng hạn như bất động sản hoặc cổ phiếu, dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản, làm xói mòn bộ đệm vốn và hạn chế khả năng cho vay.

Ngoài ra, sự suy thoái của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bancassurance được nhiều ngân hàng lo ngại sẽ trực tiếp tác động tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng từ khía cạnh rủi ro chất lượng tài sản và xói mòn niềm tin. Sự xuất hiện của các công ty Fintech cạnh tranh gay gắt, thách thức sự thống trị thị trường của các ngân hàng cùng áp lực tăng vốn điều lệ gia tăng nhằm mục tiêu cải thiện các hệ số an toàn vốn và vị trí xếp hạng của ngân hàng cũng được điểm danh là các thách thức mà ngân hàng cần đương đầu thời gian tới.

Nắm bắt cơ hội

Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report chỉ ra top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm 2023, bao gồm: (1) Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số; (2) Những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước; (3) Kỳ vọng từ các gói kích thích kinh tế; (4) Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động; và (5) Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Hình 4: Top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng tháng 6/2023

Lịch sử phát triển của bất kỳ ngân hàng nào cũng trải qua quá trình cải tổ và tái cơ cấu. Tỷ lệ các ngân hàng tin tưởng vào cơ hội từ việc chuyển hướng cơ cấu hoạt động – quá trình làm mới doanh nghiệp một cách toàn diện, từ thay đổi chiến lược kinh doanh, tổ chức lại bộ máy đến văn hóa doanh nghiệp đang tăng dần đều trong 3 năm qua. Thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động mở ra cơ hội đổi mới, hợp lý hóa các quy trình, cải thiện trải nghiệm khách hàng, hiệu quả hoạt động, hợp tác và quản trị rủi ro. Nắm bắt những cơ hội này, các ngân hàng có thể định vị mình để tăng trưởng bền vững, duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh tài chính đang phát triển, thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của động lực thị trường và mang lại giá trị lớn hơn cho khách hàng.

Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam năm nay vẫn vào top 5 các cơ hội thúc đẩy ngành ngân hàng với sự đánh giá của 57,1% số ngân hàng, do nước ta vẫn là một trong số ít quốc gia kiểm soát được những bất ổn vĩ mô và sự tác động tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế trong năm vừa qua. Tuy nhiên, con số 57,1% này cũng cho thấy các ngân hàng bớt lạc quan hơn phần nào khi nhìn nhận về cơ hội này so với giai đoạn 2021-2022, sau kết quả tăng trưởng GDP quý 1 không mấy ấn tượng ở mức 3,32% so với cùng kỳ (chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011-2023).

Thuận lợi từ những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước

Theo kết quả khảo sát vào tháng 6/2023 của Vietnam Report, cơ hội từ những chính sách mới của NHNN có tỷ lệ số ngân hàng nhận định là yếu tố quan trọng nâng đỡ ngành tăng mạnh nhất so với thời điểm khảo sát một năm trước (+58,4%). Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, NHNN đã ban hành một loạt chính sách mới nhằm tăng thanh khoản cho thị trường tài chính, hỗ trợ những thị trường khó khăn có rủi ro nợ xấu cao đối với ngân hàng như thị trường TPDN, thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế. Chẳng hạn, Thông tư 26/2022/TT-NHNN ngày 31/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN liên quan đến điều chỉnh cách tính tỷ lệ LDR được kỳ vọng tạo tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi xấp xỉ 50% tiền gửi kho bạc có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống, qua đó góp phần giảm áp lực lên lãi suất cho vay; Thông tư 02/2023 của NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ vay giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng trong đó có ngân hàng; Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ và sắp tới là Thông tư 16 sửa đổi sẽ giải quyết điểm nghẽn của thị trường TPDN; Nghị quyết số 33/2023 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS, giải tỏa bớt nguy cơ gia tăng nợ xấu trong năm nay…

Trong bối cảnh khó khăn chung, những động thái điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước của NHNN mang lại động lực lớn cho các ngân hàng vượt sóng vươn lên. Điển hình như ba lần hạ lãi suất điều hành, huy động vốn và cho vay ngắn hạn, cho vay lĩnh vực ưu tiên từ đầu năm đến nay của NHNN đã thể hiện bước thay đổi của chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, qua đó giúp lãi suất cho vay và huy động giảm dần, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Các ngân hàng kỳ vọng thông qua việc lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và TPDN được triển khai, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng sẽ giảm bớt, cầu tín dụng có thể tăng trở lại. Từ đó, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thời gian qua, khi số hóa bùng nổ, ứng dụng mọi mặt của lĩnh vực tài chính và đòi hỏi những hành lang pháp lý rõ ràng, NHNN đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, xúc tiến sửa đổi bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong hoạt động tài chính ngân hàng… Tuy vẫn còn những quy định hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin khách hàng… cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới, song nỗ lực của NHNN đã thể hiện sự cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng đổi mới để tạo thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái số, thanh toán số và ngân hàng số.

Lực đẩy từ chuyển đổi số

Theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số. Chứng kiến sự bùng nổ và bứt tốc nhanh chóng của hoạt động chuyển đổi số những năm qua, tăng cường đầu tư công nghệ số được tất cả ngân hàng đồng thuận là lực đẩy mạnh nhất cho tăng trưởng của ngành trong thời gian tới. Các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho biết chuyển đổi số có tác động rõ rệt đến lợi nhuận hoặc hiệu quả hoạt động của mình so với năm trước. Trong đó, có tới 71,4% ngân hàng nhận định số hóa mang lại tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh cũng như hiệu suất của ngân hàng, 28,6% còn lại ghi nhận những tác động mạnh từ chuyển đổi số trong năm qua.

Hình 5: Đánh giá mức độ tương quan và ứng dụng một số công nghệ với hoạt động của ngân hàng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng tháng 6/2023

Dựa trên kết quả khảo sát, top 6 công nghệ có mức độ ứng dụng và tương quan cao với hoạt động của ngân hàng đã được chỉ ra. Trên thang điểm 5, điện toán đám mây (Cloud Computing) là công nghệ được đánh giá có mức độ tương quan lớn nhất đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng với 4,4 điểm. Đây cũng là công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất cùng với tích hợp đa kênh (Omnichannel Integration) (đều đạt 4,3/5). Có thể thấy, hiệu quả chi phí là lợi ích đáng kể mà công nghệ điện toán đám mây mang lại khi cung cấp cho các ngân hàng khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên nhu cầu, giảm chi phí vốn đầu tư, bảo trì đổ vào phần cứng và trung tâm dữ liệu. Hơn nữa, sự linh hoạt, nhanh chóng mở rộng quy mô cũng như khả năng tăng cường bảo mật, đảm bảo tính sẵn sàng cao và tính liên tục, khả năng chia sẻ dữ liệu và dịch vụ một cách an toàn với các công ty Fintech, nhà cung cấp thanh toán và các nhà cung cấp bên thứ ba khác thông qua các nền tảng và API dựa trên đám mây là những yếu tố thúc đẩy ngân hàng áp dụng công nghệ này vào hoạt động của mình. Các ngân hàng cũng cho biết, trong thời gian tới, năng lực số hóa của mình có nhiều tiềm năng tiếp tục được cải thiện thông qua khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, máy học, Blockchain… góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy các sản phẩm tài chính mới.

Không ngừng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành là xu thế không thể đảo ngược khi người dùng ngày càng chú trọng tới các giải pháp số. Khảo sát khách hàng ngân hàng được Vietnam Report tiến hành tháng 6/2023 chỉ ra việc ngân hàng có các giải pháp, ứng dụng kỹ thuật số hấp dẫn, tiện lợi được khách hàng quan tâm nhiều nhất khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng (84,5%). Trong khi đó, 85,8% khách hàng thừa nhận tương tác hàng ngày với ứng dụng mobile banking (+58,1% so với năm 2022), phản ánh sự chấp nhận và áp dụng ngày càng tăng của các kênh kỹ thuật số cho các hoạt động tài chính cũng như thể hiện các ứng dụng này đang đáp ứng mong đợi của khách hàng về trải nghiệm ngân hàng liền mạch và hiệu quả. Khách hàng đang nắm bắt sự chuyển đổi sang ngân hàng kỹ thuật số và thoải mái sử dụng các thiết bị di động để quản lý tài chính của họ.

Hình 6: Top 6 tiêu chí khách hàng quan tâm nhất khi lựa chọn dịch vụ của một ngân hàng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng tháng 6/2023

Trước thực tế này, 100,0% ngân hàng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, tăng cường an ninh mạng là ưu tiên số một trong top 5 chiến lược trọng tâm năm nay. Chuyển đổi số mang đến cho các ngân hàng cơ hội tập hợp lượng dữ liệu khổng lồ để phân tích, xây dựng các mô hình thuật toán dựa trên dữ liệu nhằm dự báo và ước tính các giá trị phục vụ cho việc ra quyết định như cho vay, định giá, đo lường rủi ro hay cải thiện trải nghiệm khách hàng… Đi cùng quá trình này, rủi ro an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu… cũng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, giao dịch an toàn, bảo mật là tiêu chí thứ hai mà khách hàng xem xét khi lựa chọn dịch vụ ngân hàng (77,0%). Do vậy, tất cả các ngân hàng tham gia khảo sát đều cho biết dự kiến tăng ngân sách dành cho chương trình bảo mật và an ninh mạng trong năm 2023, với 42,9% số ngân hàng lên kế hoạch tăng 6-10%. Hai phương án tăng từ 15% trở lên và tăng dưới 5% cùng nhận được lựa chọn của 28,6% số ngân hàng. Nguồn lực dự kiến tập trung nhiều nhất vào việc bổ sung thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng cũng như tập trung vào quản trị rủi ro và tuân thủ với kỳ vọng những nỗ lực này cùng nhau góp phần tạo ra một môi trường ngân hàng linh hoạt, tiện lợi, đồng thời an toàn và bảo mật hơn.

Hành trình phát triển bền vững

Kể từ thời điểm ra mắt của cuốn Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội năm 2018 – một trong những bước đi đầu tiên trong quá trình tích hợp các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) vào hoạt động ngành ngân hàng, trong những năm gần đây, NHNN đã liên tục đẩy mạnh và cố gắng thúc đẩy ESG. Tiêu biểu như như ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng cường triển khai đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng trong đó có ngân hàng. Có thể thấy, với sự quan tâm ngày càng lớn của các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện các quy định để triển khai các tiêu chuẩn ESG, bộ khung pháp lý cho việc đẩy mạnh ESG đang dần rõ ràng và bây giờ là thời điểm thích hợp cho các ngân hàng hành động mạnh hơn. Phát triển bền vững thông qua chương trình ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cơ hội hút dòng vốn nhà đầu tư ngoại khi các tiêu chí ESG ngày càng được sử dụng nhiều để đánh giá rủi ro và xác định những cơ hội kiến tạo giá trị để đầu tư.

Thực tế, để được xếp hạng tốt hơn và trở thành một thực thể có trách nhiệm tuân thủ các cam kết về môi trường, khí hậu, đồng thời cải thiện hiệu quả tài chính, các ngân hàng đã và đang đầu tư vào ESG, đưa ESG vào các chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro ESG trở thành một phần không thể thiếu trong khung quản lý rủi ro. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tất cả các ngân hàng đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện hoặc một phần cam kết ESG, tuy nhiên tỷ lệ đã triển khai toàn diện chỉ chiếm 14,3%.

Đáng chú ý, với đặc thù chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, trong ba yếu tố của chiến lược phát triển bền vững, yếu tố G (Governance – Quản trị) được các ngân hàng cho biết là ưu tiên hàng đầu của mình, xếp sau đó lần lượt là E (Environment – Môi trường) và S (Social – Xã hội). Các ngân hàng tin tưởng rằng bằng cách tập trung vào quản trị tốt hơn, ngân hàng có thể điều chỉnh hoạt động và chiến lược của mình với các mục tiêu phát triển bền vững, tích hợp cân nhắc về tính bền vững vào hoạt động cốt lõi, cho phép ra quyết định hiệu quả hơn ở cả khía cạnh môi trường và xã hội.

Hình 7: Tình hình công bố báo cáo ESG của ngân hàng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng tháng 6/2023

Các yếu tố ESG được các bên liên quan xem xét là chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể của ngân hàng, là yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh. Việc tích hợp ba yếu tố ESG vào chiến lược tổng quát của ngân hàng và công bố báo cáo phát triển bền vững đưa ra thông điệp rằng ngân hàng đang thực hiện các bước đi cần thiết để gia tăng tính cạnh tranh và sinh lời trong dài hạn – điều mà các nhà đầu tư muốn nhìn thấy trong danh mục đầu tư dài hạn của mình.

Do đó, việc đánh giá dữ liệu ESG và sau đó công bố thông tin là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, so sánh phương diện công bố thông tin ESG với các đối tác toàn cầu, tỷ lệ công bố toàn diện mới chỉ khiêm tốn. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra hiện mới chỉ 28,6% ngân hàng cho biết có công bố báo cáo ra bên ngoài một cách toàn diện, tuân thủ các khuôn khổ và nghĩa vụ báo cáo. Đa số ngân hàng đang bắt đầu báo cáo theo khuôn khổ báo cáo đã thiết lập (như TCFD và GRI) (57,1%) và 14,3% thừa nhận chưa công bố báo cáo ESG ra bên ngoài. Bên cạnh đó, việc đảm bảo tính độc lập trong báo cáo ESG cũng chưa được chú trọng đúng mức khi chưa có ngân hàng nào khẳng định các thông tin và báo cáo ESG công bố đã được xác minh một cách độc lập bởi một công ty chuyên biệt bên ngoài. Đây là một trong những hạn chế mà các ngân hàng cần khắc phục trên hành trình phát triển bền vững của mình, trước hết là cho chính bản thân ngân hàng. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu ESG một cách có hệ thống, các ngân hàng hiểu sâu hơn về các yếu tố ESG ảnh hưởng đến hoạt động của mình, cho phép ra quyết định sáng suốt, tinh chỉnh chiến lược, hỗ trợ lồng ghép phù hợp ESG vào chiến lược kinh doanh. Đồng thời, việc thiết lập mục tiêu, theo dõi hiệu suất và báo cáo kết quả giúp đo lường tiến độ và đánh giá hiệu quả của các sáng kiến bền vững của ngân hàng. Ngoài ra, báo cáo ESG minh bạch giúp xây dựng niềm tin và uy tín giữa các bên liên quan, thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn và hỗ trợ quan hệ đối tác lâu dài và củng cố danh tiếng của ngân hàng như một tổ chức có trách nhiệm và bền vững.

Hoạt động ngành ngân hàng qua lăng kính truyền thông

Hình 8: Top 10 nhóm chủ đề thu hút truyền thông nhất

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành ngân hàng từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2023

Kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông đối với ngành ngân hàng bao gồm: Hình ảnh/ PR/ Scandals; Sản phẩm/ Dịch vụ; Cổ phiếu; Tài chính/ KQKD. Đây cũng là các nhóm chủ đề xuất hiện thường xuyên trong 3 năm trở lại đây và có tỷ trọng trên 10%. Đáng chú ý, lượng thông tin chủ đề Hình ảnh/ PR/ Scandals và Sản phẩm/ Dịch vụ có xu hướng gia tăng, đặc biệt là chủ đề Hình ảnh/ PR/ Scandals tăng trưởng đáng kể (+10.5%) so với cùng kỳ năm 2022. Đều này phản ánh rõ nét nỗ lực của ngành ngân hàng trong giai đoạn vừa qua với các hoạt động liên quan tới điều hành lãi suất phù hợp với những diễn biến tình hình thực tế. Việc gia tăng hai nhóm chủ đề trên đã làm cho nhóm Cổ phiếu và Tài chính/ KQKD bị đẩy xuống và có xu hướng giảm qua các năm.

Trong giai đoạn COVID-19, công tác xã hội của ngành ngân hàng được thể hiện rõ thông qua các hoạt động cung ứng tín dụng xanh cho doanh nghiệp và người dân cũng như các hoạt động hỗ trợ, ủng hộ… Bước qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, ngành ngân hàng phải đối mặt với thách thức mới là lạm phát, việc xây dựng hoạt động quản trị được đặt lên trên trách nhiệm xã hội. Đây cũng là lý do chính khiến tỷ trọng nhóm chủ đề Quản trị tăng lên gần gấp đôi và nhóm chủ đề Khách hàng/ Quan hệ khách hàng có sự cải thiện, trong khi chủ đề Xã hội/ Trách nhiệm xã hội sụt giảm sau giai đoạn tăng trưởng mạnh năm ngoái.

Xét về độ đa dạng hình ảnh trên truyền thông, 82,9% số ngân hàng đạt 10/24 nhóm chủ đề, 62,9% số ngân hàng đạt 15/24 nhóm chủ đề; so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này đã tăng trở lại (tương ứng + 27,1% và +21,0%). Điều này phản ánh trong năm vừa qua, các ngân hàng đã có những thay đổi trong chiến lược truyền thông với việc mở rộng nhiều nhóm chủ đề hơn, đa dạng hơn hướng đến hiệu quả, tăng cường mối quan hệ với khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan.

Về chất lượng thông tin, một doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Kết quả phân tích cho thấy 80,0% số ngân hàng thương mại nằm trong nghiên cứu của Vietnam Report đạt ngưỡng “an toàn” về chất lượng thông tin. Mặc dù không duy trì được kết quả 100% ở ngưỡng “an toàn”, tuy nhiên có đến 68,6% số ngân hàng đạt được mức “tốt nhất” (tăng 8,1% so với năm trước), điều này cho thấy công tác quản trị truyền thông của các ngân hàng trong năm vừa qua rất tốt trong bối cảnh nền kinh tế cũng như ngành có khá nhiều biến động.

Hình 9: Chệnh lệch tin tích cực và tiêu cực theo tháng giai đoạn tháng 6/2020 đến tháng 5/2023

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành ngân hàng từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2023

Đáng lưu ý, vào một số thời điểm, tỷ lệ chênh lệch tích cực – tiêu cực giảm khá mạnh: Một là tháng 6/2022, khoảng thời gian các ngân hàng phải đối mặt vấn đề liên quan tới “room” tín dụng trong bối cảnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất; hai là tháng 4-5/2023, khi lượng tin liên quan tín dụng thấp kỷ lục trong khi nợ xấu tăng vọt gia tăng – phản ánh mối quan tâm của đông đảo công chúng đến tính ổn định và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, về tổng thể, tỷ lệ chênh lệch tin tích cực và tiêu cực theo tháng luôn ở mức “tốt nhất” trong giai đoạn khảo sát. Là một trong những trụ cột của nền kinh tế nước nhà, nhìn chung, bức tranh ngành ngân hàng trên truyền thông luôn được quản trị rất tốt trước những thay đổi khó lường của thị trường.

Bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Bảo hiểm, Dược, Công nghệ, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics…

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các ngân hàng được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 06/2022 đến tháng 05/2023. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực.

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các ngân hàng, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023 dự kiến được tổ chức vào tháng 8 năm 2023 tại TP. Hà Nội.

Vietnam Report

This post was last modified on 16/04/2024 02:00

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

9 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

9 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

12 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

17 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

17 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

19 giờ ago