Categories: Tổng hợp

Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay

Published by

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, làm căn cứ hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị, phù hợp với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ảnh minh họa: VGP

Thực trạng về tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương

Hiến pháp năm 2013 quy định, cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định (khoản 2 Điều 111). Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn. Luật bổ sung Ban đô thị đối với HĐND thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước đối với quá trình đô thị hóa.

Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã mở ra khung khổ pháp lý để chính quyền địa phương được tổ chức linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với đặc điểm về tự nhiên, kinh tế – xã hội ở các đơn vị hành chính. Từ đó, pháp luật kiến tạo mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp hơn, có sự phân định rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền ở nông thôn, cũng như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đặc trưng của các đơn vị hành chính này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã tạo cơ sở để Quốc hội quyết định một số đề án về tổ chức chính quyền đô thị ở một số thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XIV đã ban hành 03 nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị:

Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội bao gồm: chính quyền địa phương ở thành phố, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương đầy đủ, gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường thuộc quận, thị xã là UBND phường.

Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở quận, phường thuộc quận và thành phố thuộc thành phố là UBND quận, phường; UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND thành phố, UBND, chủ tịch UBND quận, UBND, chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở hợp nhất 3 quận là quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Đây là mô hình thành phố thuộc thành phố duy nhất ở Việt Nam hiện nay với những đặc điểm riêng biệt, đặc thù.

Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và các xã là cấp chính quyền địa phương đầy đủ, gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở các quận và phường thuộc quận tại thành phố là UBND quận, UBND phường.

Bên cạnh việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị nêu trên, các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã được áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù để đảm bảo phù hợp với tổ chức chính quyền đô thị; cụ thể: Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 54/2017/QH14 quy định về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực quản lý đất đai; quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 quy định cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; quản lý tài chính – ngân sách nhà nước.

Gần đây, ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm 44 cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội; 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng.

Đối với thành phố Hải Phòng, theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là “xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Hiện Thành phố đang xây dựng Đề án nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức bộ máy chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính tại thành phố Hải Phòng, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính; đề xuất Trung ương phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng theo định hướng Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Riêng thành phố Cần Thơ, hiện nay vẫn tổ chức thành 3 cấp chính quyền hoàn chỉnh (có HĐND và UBND): Chính quyền thành phố, chính quyền ở quận, huyện và chính quyền ở phường, xã, thị trấn. Trong đó, về cấu trúc tổ chức chính quyền đô thị ở quận, phường cũng tương tự giống với cấu trúc của tổ chức chính quyền ở các thành phố, thị xã, huyện, xã, thị trấn thuộc tỉnh. Ngoài ra, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại 03 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đạt một số kết quả sau:

Về tổ chức bộ máy của chính quyền: Chính quyền đô thị tại 3 thành phố đều có bộ máy tinh gọn hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, chủ động trong điều hành, quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách ở địa phương. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền thành phố, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền.

Tiết kiệm ngân sách: Tiết kiệm được chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp các đại biểu HĐND ở quận, phường, đồng thời huy động thêm và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển thông qua thực hiện các cơ chế, chính sách mới được phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố.

Thành phố Đà Nẵng: Tiết kiệm giảm chi ngân sách cho hoạt động của HĐND phường (khoảng 35,7 tỉ đồng/năm, tương ứng với 215 đại biểu HĐND quận và 1.275 đại biểu HĐND phường). Đồng thời, tinh giản 69 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường(1).

Tại Hà Nội: Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, biên chế giao đối với các chức danh Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức khác ở phường của Thành phố giảm 125 biên chế so với khi chưa thực hiện thí điểm(2).

Thời gian thí điểm tổ chức mô hình CQĐT ở thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 chưa dài, nhưng đã chứng tỏ được những ưu điểm của chính quyền một cấp, gọn nhẹ hơn để năng động và hiệu lực, hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành. Nhờ đó, giúp thành phố vượt qua được những khó khăn trong đại dịch COVID-19 vừa qua; kinh tế dần phục hồi và có bước phát triển mạnh, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, đứng thứ ba cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Quy mô kinh tế toàn thành phố theo giá năm 2022 đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước đạt trên 120% dự toán. Về cơ cấu trong quy mô kinh tế: khu vực dịch vụ chiếm 68,38%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,43%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95% và thuế sản phẩm chiếm 9,24% trên tổng GRDP.

Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bảo đảm tính minh bạch trong quản lý; nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường trong quản lý, điều hành công việc. Cơ quan hành chính quận, phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.

Phương thức hoạt động của UBND thay đổi từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan hành chính quận, phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND quận, phường.

Công tác quản lý nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của quận, thị xã và các phường đều đảm bảo đạt kết quả theo kế hoạch đã đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Bên cạnh kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là:

Tại một số quận, phường, việc thực hiện nguyên tắc, chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của Chủ tịch UBND phường và tập thể UBND phường còn chưa rõ nét.

Khối lượng công việc tại các phường khá nhiều, gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công chức phường (quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận của Hà Nội là hơn 22.300 người(3), Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 28.000 người(4), so với tiêu chuẩn tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 là 15.000 người). Bên cạnh đó, cán bộ, công chức phường ngoài nhiệm vụ chuyên môn phải đảm nhận thêm việc theo dõi các tổ dân phố trong khi chế độ chính sách không thay đổi.

Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị gồm cấp chính quyền hoàn chỉnh tại thành phố; quận, huyện, thị xã; xã, thị trấn và cấp hành chính tại phường chưa thực hiện triệt để yêu cầu tinh gọn tổ chức, bộ máy gắn với cải cách hành chính, chưa thể hiện rõ nét mô hình chính quyền đô thị.

Phân cấp ngân sách tuy đã tự chủ về mặt ngân sách, nhưng nhìn từ góc độ thực tiễn, việc quản lý, sử dụng nguồn lực này vẫn có rất nhiều điểm bất cập, là rào cản cản trở hiệu quả hoạt động của các địa phương. Khi thực hiện chính quyền đô thị, hiện UBND quận, phường không còn là cấp ngân sách, là đơn vị dự toán nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, rất hạn chế trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư cũng như thụ động trong thu, chi ngân sách.

Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị

Cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, làm căn cứ hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị, phù hợp với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị và mô hình chính quyền nông thôn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của UBND quận, UBND phường trong các mô hình chính quyền đô thị và hoàn thiện mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn giúp UBND quận quản lý các ngành, lĩnh vực ở đô thị như đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát phát triển đô thị… Điều chỉnh nhiệm vụ của các sở, ngành, phòng và tương đương để khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo hướng chính quyền thành phố tăng cường quản lý theo ngành, lĩnh vực; UBND quận, UBND phường chỉ thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương

Do tính gắn kết, thống nhất của đô thị, nên đô thị loại nào cũng là một cấp chính quyền hoàn chỉnh với thẩm quyền đầy đủ. Cấp chính quyền đầy đủ có cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan hành chính; là một cấp ngân sách; có cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đối với khu vực nội thị của một đô thị thì tổ chức cấp hành chính trung gian thì không có HĐND, chỉ là cơ quan hành chính nhằm tổ chức thực hiện một số chức năng quản lý của chính quyền cấp trên, không là một cấp ngân sách, chỉ là đơn vị dự toán ngân sách của chính quyền cấp trên. Theo đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các thành phố trực thuộc Trung ương nên bỏ HĐND quận, phường; tại quận, phường chỉ tổ chức cơ quan hành chính với chế độ thủ trưởng hành chính.

Đối với các đô thị vệ tinh của thành phố trực thuộc Trung ương (thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương): tổ chức một cấp chính quyền hoàn chỉnh như thành phố, nhưng phạm vi và mức độ thẩm quyền hẹp hơn. Thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thể theo mô hình “một cấp chính quyền, hai cấp hành chính” tại khu vực nội thị. Đặc biệt cần tăng cường số lượng các đô thị vệ tinh và tăng cường cả về số lượng, chất lượng các cơ sở thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, sản xuất… theo chính sách “đô thị hóa nông thôn” để tăng sức thu hút dân cư, giảm tải cho đô thị trung tâm, đảm bảo phát triển đô thị bền vững…

Thứ ba, tiếp tục đổi mới và tăng cường phân cấp, ủy quyền tổ chức chính quyền đô thị

Tổ chức chính quyền đô thị cần có cơ chế, khung pháp lý về phân cấp, ủy quyền trong tổ chức chính quyền đô thị; cần quy định cụ thể để dễ triển khai, đảm bảo việc tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền vì chính quyền đô thị có tư cách “pháp nhân công địa phương”, mang tính đặc thù của quyền lực công, tạo ra công quyền khi hành động.

Xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền theo cách thức đổi mới nội dung và phương thức của cơ chế quản l‎ý phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp. Nâng cao thẩm quyền quyết định của các cấp.

Mở rộng việc phân cấp, phân quyền của Chính phủ cho chính quyền đô thị. Cần nghiên cứu vận dụng, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho chính quyền đô thị, đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh, trao quyền “thực quyền” cho chính quyền đô thị để gia tăng năng lực cạnh tranh đô thị trong thời gian tới.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh, kết hợp đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị đô thị

Chính quyền số làm tăng hiệu quả làm việc của chính quyền các cấp, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi doanh nghiệp, người dân không phải trực tiếp đến thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan chính quyền.

Do vậy, các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền số theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt ngoài việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi trong công tác quản lý, về lâu dài sẽ là nền tảng bền vững cho việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiện đại. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông minh, hiện đại để từng bước mở rộng việc cung cấp các dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và công dân. Thúc đẩy quá trình ứng dụng các nền tảng công nghệ chính quyền số vào công tác quản trị đô thị.

Thứ năm, hoàn thiện tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND ở các đô thị

Việc đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương các cấp gắn với tinh gọn, cải cách tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố và các quận cải cách theo hướng tinh gọn đầu mối các cơ quan trực thuộc, điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số sở, cơ quan ngang sở, phòng và tương đương để khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; từng bước thiết kế tổ chức bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn để phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn; cơ quan hành chính các cấp sẽ tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương; nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền đô thị, không chỉ trong quản lý đô thị hiện đại, phát triển mà còn bảo đảm cả trong những tình huống khẩn cấp, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực như: an ninh, trật tự an toàn xã hội, thiên tai, dịch bệnh…

Thứ sáu, đổi mới quản lý công vụ, công chức tại các cơ quan hành chính đô thị

Xây dựng và phát triển đồng bộ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đôi với việc kiện toàn, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ là một trong những nhiệm vụ đặc biệt, trọng tâm của những trọng tâm, chiến lược then chốt của những then chốt; là yếu tố tiên quyết để quyết định sự thành công, hiệu quả của mọi công cuộc đổi mới của thành phố; xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.

Theo đó, trong quá trình vừa thực hiện đổi mới tổ chức chính quyền tại các đô thị kết hợp chặt chẽ với định hướng, giải pháp đổi mới công tác quản lý công vụ, công chức ở các cơ quan hành chính đô thị, nhất là trong việc tuyển chọn đội ngũ, công tác bố trí, sử dụng, quản lý, cải thiện chế độ, chính sách, điều kiện làm việc, thu nhập, cơ hội cống hiến để tạo cơ chế, động lực thúc đẩy, phát triển của cán bộ, công chức. Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, tuyển chọn, tiến cử, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, thu hút lực lượng trí thức, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực theo nội dung Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng đổi mới tư duy, tác phong, phương pháp làm việc; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu pháp luật và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; tinh thông nghiệp vụ, có năng lực để bắt kịp quá trình phát triển… Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền đô thị về quy hoạch phát triển đô thị; quản lý phát triển hạ tầng, môi trường đô thị và vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; quản lý xây dựng đô thị; thiết kế đô thị, quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản; vốn đầu tư xây dựng đô thị, chính sách và giải pháp về vốn cho xây dựng phát triển đô thị./.

Ghi chú:

(1) https://tuoitre.vn/chinh-quyen-do-thi-phu-hop-voi-thuc-tien-o-da-nang-2022112308400644.htm

(2) https://thanglong.chinhphu.vn/mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-ha-noi-tinh-gon-va-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-103230106082250748.htm

(3) https://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-tiep-tuc-nghien-cuu-de-thi-diem-hieu-qua-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-103230106091453881.htm

(4) https://nhandan.vn/thao-diem-nghen-cho-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-post718128.html

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.TS Trần Diệu Oanh, Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825428/thi-diem-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-ha-noi.aspx);

2. Nguyễn Bích Thủy, Mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện (https://tcnn.vn/news/detail/52244/Mo-hinh-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-o-Viet-Nam-hien-nay-va-mot-so-van-de-can-tiep-tuc-nghien-cuu-hoan-thien.html);

3. TS Hoàng Minh Hội, Pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị – thực trạng và một số kiến nghị (http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210647);

4. TS Vũ Xuân Thủy, Triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng – kết quả bước đầu và giải pháp trong thời gian tới (https://tcnn.vn/news/detail/57753/Trien-khai-thi-diem-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-Da-Nang-ket-qua-buoc-dau-va-giai-phap-trong-thoi-gian-toi.html);

5. TS Đỗ Thị Hiện, Mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/4287-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.html);

6. Tú Giang, Tháo dỡ vướng mắc trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố (https://dangcongsan.vn/phap-luat/thao-go-vuong-mac-trong-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-3-thanh-pho-623771.html);

7. Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Cơ sở khoa học đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương”, Hà Nội ngày 27/6/2023.

ThS Đỗ Thị Thu Hằng – Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

This post was last modified on 07/02/2024 07:52

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

7 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

7 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

10 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

15 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

15 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

17 giờ ago