Phú Thọ được biết đến là nơi đất Tổ thiêng liêng, có nền văn hóa lâu đời và nhiều khu di tích lịch sử, nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm, du khách từ khắp mọi miền tổ quốc đến Phú Thọ để tham gia nhiều lễ hội lớn như Hội đền Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Hùng, Hội chọi trâu Phù Ninh… Không những thế, Phú Thọ còn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, món đặc sản Phú Thọ hấp dẫn khó có thể tìm kiếm ở các nơi khác.
Đặc sản Phú Thọ
Phú Thọ cũng được xem là một trong những cái nôi của ngành chè với diện tích trồng chè đứng thứ 4 cả nước khoảng 16.000ha. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhãn hiệu gồm Chè xanh Phú Hộ thuộc huyện Phù Ninh, Chè xanh Yên Kỳ thuộc huyện Hạ Hòa, chè Long Cốc thuộc huyện Tân Sơn.
Chè Phú Thọ rất đa dạng có cả chè ô long, chè xanh, chè ướp hương… Du khách có thể tới những đồi chè xanh mướt tại các huyện Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Phù Ninh… để ngắm cảnh và mua về cho mình những loại chè với giá cả phải chăng. Giá chè búp tươi khi mua tại đây chỉ khoảng 5.000/kg, chè khô thì tùy loại có giá khoảng 50.000 đồng/kg. Loại đặc biệt có thể có giá lên đến 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg.
Bưởi Đoan Hùng là một giống quả quý được trồng từ hàng trăm năm nay ở vùng đất Vua Hùng. Quả bưởi có hình cầu dẹt, có vỏ màu vàng sáng và khi bưởi chín, cùi mỏng, múi bưởi ráo và tép bưởi mọng nước, có vị ngọt thanh mát.
Vào dịp Giỗ Tổ, người dân ở đây chọn ra những quả bưởi to nhất, màu đẹp mắt nhất để dâng lên cúng tri ân công đức Vua Hùng. Tại Lễ Hội cũng sẽ được bày bán bưởi Đoan Hùng tại các gian hàng để người dân ở khắp mọi nơi có thể thưởng thức và chọn mua được những loại bưởi chất lượng làm quà. Bưởi Đoan Hùng đặc biệt bởi có thể bảo quản được vài tháng ở nhiệt độ thường mà không làm mất đi hương vị vốn có.
Bưởi Đoan Hùng
Thịt chua là một món ăn đặc sản của người dân tộc Mường ở Phú Thọ. Thịt chua được làm từ thịt lợn rừng nên có một hương vị thơm ngọt đặc trưng. Từng miếng thịt được làm sạch, rồi trộn với thính rang, ủ đến khi lên men là ăn được. Khi thưởng thức món ăn này, thịt sẽ có vị chua chua, bùi bùi mà vẫn giữ được hương vị ngọt tự nhiên, thịt mềm bì dai sần sật.
Thịt chua thường được ăn kèm cùng lá đinh lăng, lá sung… có vị chát nhẹ, khi chấm cùng tương ớt sẽ trở thành một món ăn rất được ưa thích trên bàn nhậu. Thịt chua có nhiều loại để bạn có thể lựa chọn mua như thịt chua bì, thịt chua tỏi ớt, thịt chua ống nứa…
Thịt chua
Đặc sản bán tai lạ lẫm này sẽ khiến cho du khách tò mò tìm kiếm để thưởng thức. Sở dĩ loại bánh này có tên gọi như vậy là bởi hình dạng của bánh giống cái tai. Trước đây bánh tai còn có tên gọi là bánh hòn.
Bánh tai được làm từ bột gạo tẻ nên chúng có màu trắng sữa đặc trưng. Nhân bánh được làm từ thịt lợn tẩm gia vị vừa ăn, thơm ngon, hòa quyện cùng vị ngọt, mềm mượt và dẻo của vỏ bánh.
Bánh tai ăn ngon nhất là ngay khi vừa hấp chín tới, vào những ngày lạnh giá thì món bánh tai này sẽ giúp làm ấm bụng du khách. Giá mỗi chiếc bánh tai chỉ từ 3.000 đến 5.000 thôi nên bạn đừng bỏ qua nhé.
Bánh tai
Bánh tẻ mật của Phú Thọ có đặc điểm khác biệt so với các loại bánh tẻ khác là không có nhận. Bánh này được làm từ bột gạo tẻ pha cùng nước và mật mía theo tỷ lệ, gói lại bằng lá chuối và được hấp chín. Khi chín thì bánh sẽ có màu nâu vàng nhìn qua khá giống khoai lang luộc.
Bạn có thể thưởng thức một miếng bánh chấm vào mật mía để cảm nhận được một hương vị khá lạ lẫm nhưng vẫn thân quen từ vị của gạo thơm, mật mía ngọt. Giá mỗi chiếc bánh khoảng 15.000 đồng rất đáng để thử.
Bánh tẻ mật
Với không ít người con Phú Thọ thì bánh sắn đã gắn liền với những năm tháng vất vả một thời, còn ngày nay món bánh dân dã này đã trở thành một món quà quê chinh phục được nhiều thực khách bởi hương vị thơm ngon.
Bánh sắn có hai loại là bánh nhân ngọt và bánh nhân mặn, trong đó bánh nhân ngọt được làm từ đỗ xanh, lạc rang, dừa, vừng và đường… Bánh nhân mặn gồm có thịt băm, mộc nhĩ, hành khô… phi thơm, đảo đều qua dầu và nêm nếm gia vị. Bánh hấp cách thủy tròn lẳn như một đàn lợn con xếp trong xoong, bên ngoài được bọc lớp lá chuối xanh bóng loáng. Bánh hấp chín nóng hổi chấm cùng với lạc vừng thơm ngậy.
Bánh sắn
Bánh chưng, bánh giầy không phải là món bánh xa lạ với người dân Việt Nam nhưng tại xã Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ đó lại là một thức bánh rất đặc biệt bởi nơi đây được coi là chiếc nôi của nghề gói bánh chưng, bánh giầy tiến Vua gắn với truyền thuyết Lang Liêu làm bánh dâng lên vua cha từ xa xưa.
Nguyên liệu làm bánh chưng ở đây được chọn lọc một cách kỹ lưỡng từ những chiếc lá dong xanh ngắt đến gạo nếp thơm và thịt lợn, đỗ xanh… Bánh sau khi được gói xong sẽ được đem đi nấu chín bằng bếp củi, bếp than nên rất dền bánh lại giữ được hương vị dẻo thơm đặc trưng nên thu hút đông người dân và du khách đến mua bánh về làm quà.
Bánh chưng bánh giầy Hùng Lô
Hùng Lô ngoài bánh chưng bánh giầy nổi tiếng còn có mỳ gạo là cũng là một sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm. Mỳ gạo ở đây được sản xuất từ nhiều đời nay với bí quyết riêng của làng nghề. Gạo được lựa chọn kỹ lưỡng xay thành bột rồi trộn với nước theo tỷ lệ nhất định, cán sợi, tạo thành những sợi mì trắng ngần và được phơi khô tự nhiên. Mì được đóng gói sạch sẽ và đảm bảo chất lượng nên dễ dàng để mang đi. Khi nấu chín, mì thơm, dẻo, sợi mì trắng, nhỏ như sợi bún nhưng ăn không bị nát.
Mỳ gạo Hùng Lô
Cọ ỏm nghe tên có vẻ lạ lẫm nhưng chính là loại quả cọ được chế biến và trở thành một món ăn đặc sắc ở nơi đây. Từng quả cọ to tròn được cạo vỏ rửa sạch rồi luộc khoảng 20-25 là chín, vớt cọ ra để nguội.
Cọ ỏm có vỏ ngoài đen bóng nhưng bên trong lại vàng ruộm, cùi dày, rất thơm và mềm. Khi ăn sẽ được thưởng thức hương vị cọ ỏm thơm ngậy, bùi bùi chấm cùng với muối vừng hay nước mắm. Đây là một món ăn rất bình dị mà lại độc đáo , giá chỉ khoảng 60.000 đến 70.000 đồng mỗi kg.
Cọ ỏm
Không phải là một món ăn sang trọng cầu kỳ về hình thức nhưng món rau sắn lại trở thành một món ăn làm nên thương hiệu cho ẩm thực của vùng đất Tổ.
Chế biến rau sắn sẽ vò nát, ngâm trong nước cho bớt nhựa rồi mang đi trộn với muối, ướp các gia vị khác và ủ trong khoảng từ 4 đến 5 ngày. Loại rau này được sử dụng như món dưa muối, cà muối, có thể ăn ngay hoặc sử dụng để kho cùng cá, thịt hay nấu canh…
Không những người Phú Thọ mà nhiều thực khách ở các địa phương khác rất yêu thích hương vị rau sắn này, thường tìm mua để đổi bữa.
Những búp sắn tươi ngon đặc biệt là khi còn non, mập mạp, còn nguyên lớp phấn mịn ở đầu chồi. Sau khi được muối thì lá sắn có thể chế biến được nhiều món ngon khác nhau như lá sắn kho tép hay nấu canh cá, xào với thịt lợn…
Có thể bạn quan tâm
Củ trám là một loại củ thường được trồng nhiều tại Phú Thọ và thu hoạch vào tháng 5, tháng 6 Âm lịch hàng năm. Củ trám có hình bầu dục và được chia thành 2 loại là trám đen, trám chua. Trám om kho cá là một món ăn đặc sản từ lâu, được nhiều du khách ưa thích khi ghé thăm Phú Thọ. Hương vị chua đậm của tương, của cá khi kho cùng sẽ ngấm hết vào củ trám làm cho trám giảm đi độ chua, thay vào đó là vị ngọt béo. Món cá ăn không thường sẽ bị ngấy nhưng khi ăn cùng trám lại cân bằng được hương vị, tạo nên một món ăn hấp dẫn, độc đáo. Vào những ngày đông lạnh, được ăn một bát cơm trắng nóng hổi cùng nồi trám kho cá thì còn gì bằng.
Trám om kho cá
Rêu đá là một loại rêu thường được trồng ở những khu vực gần sông suối, những nơi trũng, ẩm, thấp. Người dân khi thu hoạch rêu đá mang về thường rửa thật sạch để loại bỏ đi phần nhớt phía ngoài. Món ăn làm từ rêu này nổi tiếng nhất là món rêu đá nướng. Rêu đá trộn cùng tỏi thái mỏng, mì chính, gia vị, và được cuốn trong lá đu đủ mang đi nướng. Nướng xong lá đu đủ ở ngoài cháy đen, bên trong hương vị rêu đá hòa quyện cùng hương thơm của tỏi bùi bùi, thơm thơm.
Rêu đá nướng
Mảnh đất Phù Điêu Phú Thọ là nơi chuyên làm ra những sản phẩm làm từ cọ như nón lá cọ, mành cọ…. ngoài ra còn có món cơm nắm lá cọ cũng rất nổi tiếng. Cơm nắm lá cọ được chế biến từ gạo nấu chín rồi xới ra, nắm tròn, lăn kĩ qua tàu lá cọ. Điểm đặc biệt là phải chọn lá cọ còn non, mọc thấp ở ngang thắt lưng. Cơm nắm lá cọ thường được ăn kèm cùng muối vừng, muối xả hay sườn lợn rang muối.
Cơm nắm lá cọ
Món xáo chuối là một món ăn được truyền qua nhiều thế hệ, từ đời này sang đời khác. Xáo chuối thường ăn trong những dịp quan trọng như cưới hỏi, ma chay, lễ tết. Món ăn này được chế biến từ chuối xanh đun cùng xương, tương bần và tiết lợn. Món ăn này mang đến hương vị khó quên, vị ngọt của xương, bùi bùi, mềm dẻo của chuối xanh và đậm đà của tương bần. Món xáo chuối nổi tiếng phải kể đến xáo chuối của làng Vĩnh Tề, Cao Xá.
Xáo chuối
Cũng giống như những địa phương khác có bánh cuốn thì một trong những món đặc sản Phú Thọ phải kể đến đó là món bánh cuốn Việt Trì. Những chiếc bánh cuốn mềm dẻo được tráng thật mỏng lộ ra lớp nhân thịt nạc băm nhuyễn cùng nấm mèo đen phía trong. Bánh cuốn tráng xong được rải lên thật nhiều hành phi giòn rụm nên có độ béo ngậy hấp dẫn vô cùng, chấm cùng một ít nước mắm chua ngọt nữa sẽ khiến bạn nhớ mãi hương vị này đó.
Bánh cuốn Việt Trì
Có thể bạn chưa biết nhưng tại Phú Thọ cũng là mảnh đất của nhiều món quà vặt nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến các loại chè – món quà phổ biến của người Việt. Tại các quán chè ở đây dù là ở ngoài vỉa hè hay trong các hàng quán thì du khách cũng đều bất ngờ bởi có vô số loại chè khác nhau nhiều màu sắc và hương vị như chè thái, chè bưởi, chè sen, sương sa hạt lựu, khúc bạch… vừa đẹp mắt lại rất thích hợp vào mùa hè.
Chè
Nếu bạn là một tín đồ ăn chay trường thì đến đây chắc chắn sẽ bị thu hút bởi đặc sản cơm chay Việt Trì. Cơm chay Việt Trì khiến cho thực khách phải choáng ngợp bởi sự đa dạng về các món ăn. Nhờ bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, kỹ năng chuyên nghiệp cùng sự sáng tạo của người đầu bếp mà từ các loại nguyên liệu 100% organic được biến hóa thành nhiều món ăn hấp dẫn cả về hình thức lẫn hương vị.
Các món ăn chủ yếu được chế biến từ đậu hũ, rau, các loại bột gạo… mà thoạt nhìn thì không khác gì các món mặn. Một bữa cơm chay thanh đạm có thể là một giải pháp hữu hiệu để bạn cân bằng lại về mặt vị giác của mình sau những bữa ăn béo ngậy đấy.
Cơm chay
Xôi nếp gà gáy có nguyên liệu được làm từ gạo nếp ở vùng Mỹ Lung. Nhờ có khí hậu và đất đai trù phú mà ở vùng đất này chất lượng gạo nếp khác biệt hẳn so với những loại gạo nếp thông thường khác. Sau khi đồ xôi lên có mùi thơm nức khiến ai cũng bị mê hoặc. Xôi nếp gà gáy chỉ cần thêm ít hành phi thơm vàng hoặc ít muối vừng là đủ để có một bữa ăn ngon, thanh đạm và bổ dưỡng rồi.
Xôi nếp gà gáy
Một thức quà ăn sáng vô cùng nổi bật và rất phổ biến tại Phú Thọ đó chính là xôi ruốc cá rô đồng. Món đặc sản Phú Thọ thơm ngon đặc biệt này tuyệt vời nhất là khi ăn lúc còn nóng hổi và đặc biệt hơn là phần topping ăn kèm vô cùng đậm đà khiến nhiều người ưa thích. Xôi trắng được nấu dẻo, từng hạt ăn vừa mềm dẻo lại có hương thơm đặc trưng ăn kèm phần ruốc cá rô đồng được nêm nếm đậm đà, đủ vị lại dai giòn. Thêm một lớp mỡ bóng tăng thêm độ béo ngậy cho món xôi cùng một ít ruốc mặn và phần dưa chuột muối cho tổng thể bữa ăn cân bằng và ngon miệng.
Xôi ruốc cá rô đồng
Đặc sản Phú Thọ khiến nhiều thực khách quan tâm nhất có lẽ không thể bỏ qua món cá Anh Vũ. Sở hữu một tên gọi mỹ miều, cá Anh Vũ mang hương vị thanh tao, mềm mại và có độ ngọt vừa miệng. Món cá này có giá trị ẩm thực cao thường được người dân khéo léo chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, chiên giòn, nấu canh… Trong đó, phải kể đến cách chế biến cá hấp thủy là tuyệt vời hơn cả khi mà tất cả sự ngọt béo của cá đều được giữ nguyên vị trong phần thịt, thêm một ít thì là cùng các loại gia vị khác như hạt tiêu, sả, ớt… tạo nên một món ăn vừa dân dã lại vô cùng bổ dưỡng, thơm ngon.
Cá Anh Vũ
Thêm một món cá đặc sản Việt Trì nữa đó chính là cá Lăng. Vốn là một loài cá sống tại các vùng nước ngọt tinh khiết, cá lăng có phần da trơn, bóng và có độ dai nhẹ trái ngược hoàn toàn với phần da là phần thịt cá mềm, thơm, ngọt nhẹ, không hề tanh như nhiều loài cá khác nhờ có môi trường sống lý tưởng. Thịt cá lăng rất bổ dưỡng lại thơm ngon nên được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như gỏi cá, chả cá lăng, xào nấm, cá nướng hoặc làm ruốc… Tuy nhiên, giá cả của cá lăng hơi cao hơn so với các loại khác.
Cá Lăng
Loại quả đặc sản của Phú Thọ nữa mà du khách có thể mua về làm quà đó là Hồng Hạc Trì. Hồng tại đây có màu vàng tươi vô cùng ưa nhìn, vỏ hồng căng bóng, mịn màng, mọng nước. Hồng Hạc Trì có dáng quả thuôn nhọn ở đầu dưới hơn những loại hồng khác. Với hương vị ngọt lịm, mát lạnh và không có hạt nên rất được ưa chuộng. Nếu bạn đã tới Phú Thọ thì không nên bỏ qua món đặc sản đặc sắc này và mua về làm quà cho mọi người nhé.
Hồng Hạc Trì
Tại Xuân Sơn Phú Thọ rất nổi tiếng với Vườn Quốc Gia là điểm đến du lịch cho nhiều du khách. Khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức món Vịt Lam Xuân Sơn – một trong những món đặc sản Phú Thọ vô cùng hấp dẫn.
Những con vịt được nuôi tự nhiên hoàn toàn, không có cám và được thả tự do ngoài suối hoặc đồng ruộng cho ra món thịt vịt thơm ngon đặc trưng. Thịt vịt sẽ được lọc xương, đem thái mỏng rồi trộn với hoa chuối, hạt và lá dổi cùng một vài gia vị đặc trưng Tây Bắc khác. Sau đó thịt được nhồi vào trong ống giang rồi bịt chặt lại mang nướng trên lửa cho đến khi chín vàng mang ra thưởng thức. Mùi vị của vịt sẽ không bị mất đi khi nướng chín bởi ống giang đã được bịt kín miệng và hòa quyện cùng các hương vị thiên nhiên từ cây giang cho ra hương vị thanh thanh, thơm ngon khó diễn tả. Du khách phải đến tận nơi để trực tiếp thưởng thức mới có thể cảm nhận được hết hương vị thơm ngon, hấp dẫn của món ăn này.
Vịt Lam Xuân Sơn
Tương làng Bợ là một món đặc sản truyền thống của người dân Phú Thọ, món nước chấm này có lịch sử lâu đời đã nức tiếng về mức độ ngon với câu tục ngữ “Nhất Kinh Kỳ, Nhì Bợ Bạt”. Tuy có thời điểm từng không thể cạnh tranh trên thị trường hiện đại và gần như bị thất truyền nhưng đến hiện nay, món tương này đã lấy lại được danh tiếng và vị thế, trở thành trụ cột kinh tế cho nhiều người dân làng Bợ và những khu vực khác.
Tương Bợ được sản xuất hoàn toàn thủ công với những nguyên liệu chính là gạo, đỗ, muối. Tương Bợ phải được ủ ít nhất trong 20 ngày mới có thể cho ra chum được nhưng người dân ở đây thường ủ lâu hơn vì món tương này càng được ủ lâu càng lên màu, mùi thơm nồng và cũng đậm vị hơn. Món tương Bợ này rất thích hợp để chấm bánh đúc, thịt vịt, cà muối hoặc nêm nếm trong các món thịt kho, cá khi thì ngon tuyệt.
Tương làng Bợ
Rượu hoẵng là một loại rượu làm từ gạo và lá cây lên men đặc trưng thường được người dân Thanh Sơn Phú Thọ uống mỗi dịp Tết đến xuân về. Một mẻ rượu hoằng ngon cần phải đáp ứng được đủ các yêu cầu như sánh, màu trắng đục hay vàng sáp ong, ngọt đậm, mát, có mùi thơm lạ của men lá rừng. Những người đã thưởng thức loại rượu này cho biết rượu hoằng có độ cồn khá dịu, uống rất êm vì không gắt như những loại rượu thường khác nên rượu hoẵng được nhiều phụ nữ và người tửu lượng kém ưa thích. Nếu bạn đã tới vùng đất Tổ thì nhất định phải nếm qua hương vị rượu hoẵng này.
Rượu hoẵng
Trên đây là những thông tin chi tiết về các món đặc sản Phú Thọ được nhiều du khách ưa thích khi tới đây tham quan, du lịch. Chúc bạn có khoảng thời gian vui vẻ và thưởng thức được nhiều món ngon hấp dẫn khi tới Phú Thọ nhé.
Tin liên quan
Kinh nghiệm du lịch suối khoáng Mỹ Lâm Tuyên Quang đầy đủ nhất
Review suối khoáng nóng Tiên Lãng – Thiên đường thư giãn tuyệt vời
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on %s = human-readable time difference 03:16
Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem con số MAY MẮN giúp…
Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Rồng khôn, Hổ may mắn
Cảnh báo 4 con giáp đối mặt nguy cơ mất tiền, đừng vội đầu tư…
4 con giáp VƯỢT gai để lội ngược dòng xuất sắc cuối năm 2024, tiền…
Tuần mới (4 - 10/11) đón nhận may mắn, 3 con giáp mở mang tầm…
Cách giúp 12 con giáp cưỡi sóng vượt gió chinh phục đỉnh cao tháng 11/2024