Categories: Tổng hợp

Các tổ chức không có tư cách pháp nhân trong quan hệ pháp luật dân sự

Published by

1.Nhận diện các tổ chức không có tư cách pháp nhân

Có thể khẳng định, BLDS năm 2015 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy phạm định nghĩa pháp nhân mà chỉ quy định về các điều kiện để một tổ chức được pháp luật thừa nhận là pháp nhân. Cụ thể, Điều 74 BLDS 2015 quy định, một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân khi đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện sau: Thứ nhất, được thành lập hợp pháp; Thứ hai, phải có cơ quan điều hành; Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác; Thứ tư, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của pháp nhân và nhân danh mình tham gia vào các quan hệ một các độc lập.

Từ quy định này, theo phương pháp loại trừ có thể khẳng định, các tổ chức khác đang tồn tại thực tế trong xã hội không đáp ứng đủ các điều kiện trên không có tư cách pháp nhân. Các thực thể pháp lý này dù không có tư cách pháp nhân nhưng vẫn là loại hình tổ chức độc lập với thành viên hay chủ sở hữu, và đang tham gia các quan hệ pháp luật như: quan hệ lao động, quan hệ sản xuất kinh doanh, quan hệ nộp thuế đối với Nhà nước… BLDS năm 2015 không hạn chế sự tham gia các quan hệ pháp luật dân sự của các thực thể pháp lý này[1] thậm chí còn ghi nhận và đảm bảo cho các thực thể pháp lý này tham gia các quan hệ pháp luật phù hợp với địa vị pháp lý của chúng. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân, về cơ bản có thể phân làm ba nhóm sau:

– Nhóm một, nhóm doanh nghiệp tư nhân và tổ chức hành nghề khác được tổ chức, thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân (các văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại; doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phá sản).

Nhóm hai, nhóm chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân.

– Nhóm ba, nhóm tổ chức khác như: Quỹ đầu tư chứng khoán, Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động hợp tác đầu tư…

2.Các tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành

2.1. Nhóm doanh nghiệp tư nhân và tổ chức hành nghề khác được tổ chức, thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân

* Doanh nghiệp tư nhân: Theo quy định tại khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.

Khác với các loại hình doanh nghiệp như: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu là cá nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Do chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với những nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp tư nhân, nên pháp luật quy định chủ doanh nghiệp tư nhân không thể đồng thời là thành viên công ty hợp danh, chủ hộ kinh doanh cá thể. Bởi vì thành viên công ty hợp danh và chủ hộ kinh doanh cũng đều có trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động của công ty hợp danh và hộ kinh doanh cá thể.

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, trong quá trình hoạt động không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một người làm chủ nên cơ cấu tổ chức của công ty còn đơn giản, quy mô hoạt động nhỏ. Luật Doanh nghiệp cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

* Văn phòng luật sư: Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng[2].

Để thành lập được văn phòng luật sư, cần đáp ứng các điều kiện: (i) Đối với Trưởng văn phòng luật sư (chủ doanh nghiệp) phải là luật sư có ít nhất 02 năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức; (ii) Phải có trụ sở ở tình, thành phố trực thuộc trung ương nơi có Đoàn Luật sư mà Trưởng văn phòng làm thành viên.

* Văn phòng thừa phát lại: Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 15 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh: Trưởng văn phòng phải là Thừa phát lại và cũng chính là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Khi đăng ký thành lập, phải kỹ quỹ cho mỗi thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại. Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, chế độ tài chính của văn phòng Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này, trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp.

* Doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phá sản: Khoản 8 Điều 4 Luật phá sản năm 2014 quy định: “Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”.

Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thể được thành lập dưới hai hình thức: công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản được quy định theo Nghị định 22/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Trong trường hợp doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải là Quản tài viên[3], đồng thời giữ danh giám đốc doanh nghiệp. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có đủ điều kiện theo quy định của Luật Phá sản sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản phải đăng ký danh sách Quản tài viên trong doanh nghiệp của mình với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có nghĩa vụ: quản lý quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động nghề nghiệp do quản tài viên mà doanh nghiệp cử đi thực hiện nghĩa vụ; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật[4]…

2.2. Nhóm chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

* Chi nhánh của pháp nhân: Theo quy định tại Điều 84 BLDS năm 2015, chi nhánh được hiểu là một đơn vị phụ thuộc của pháp nhân. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh xác lập, thực hiện.

Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng ghi nhận, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với chi nhánh của pháp nhân nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, theo đó: “Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”[5].

Liên quan đến chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam khoản 9 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:“Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam”. Các chi nhánh của Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng được thực hiện phần lớn các hành kinh doanh như các tổ chức tín dụng khác ở Việt Nam[6] như: Dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản; Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư; Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; Dịch vụ môi giới tiền tệ; Lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Đặc điểm chung của các chi nhánh đều là một đơn vị phụ thuộc vào pháp nhân, tuy được thành lập hợp pháp và có con dấu và tài khoản riêng nhưng chưa độc lập hoàn toàn về tài sản, chi nhánh pháp nhân phải nhân danh pháp nhân xác lập, thực hiện các giao dịch chứ không nhân danh bản thân chi nhánh xác lập, thực hiện giao dịch. Pháp nhân có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ những giao dịch dân sự do chi nhánh xác lập, thực hiện trong phạm vi đại diện của chi nhánh. Pháp luật Việt Nam thừa nhận một doanh nghiệp có quyền mở chi nhánh. Việc thành lập chi nhánh pháp nhân đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi kinh doanh và phát triển thương hiệu của pháp nhân.

Mặc dù không có tư cách pháp nhân nhưng về hoạt động kinh doanh, chi nhánh được thực hiện các hoạt động trong phạm vi những ngành, nghề mà pháp nhân đã đăng ký kinh doanh. Cần lưu ý, không phải bất cứ ngành, nghề nào được đăng ký bởi pháp nhân, chi nhánh cũng được phép hoạt động. Chi nhánh được thực hiện toàn bộ hay chỉ một phần chức năng của pháp nhân là tùy theo sự ủy quyền của pháp nhân. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 chi nhánh doanh nghiệp có các quyền: thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của chi nhánh; tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam; giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập chi nhánh; mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam; có con dấu mang tên chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…

* Văn phòng đại diện của pháp nhân: Theo quy định tại Điều 84 BLDS năm 2015, văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện được thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện xác lập, thực hiện. Cùng với cách tiếp cận của BLDS năm 2015, Luật doanh nghiệp năm 2014 cũng khẳng định, Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó[7].

Khác với chi nhánh của pháp nhân, nếu như chi nhánh của pháp nhân vừa thực hiện chức năng kinh doanh, vừa thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền thì Văn phòng đại diện chỉ thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền của pháp nhân, nói cách khác văn phòng đại diện chỉ có chức năng “tiếp thị” cho pháp nhân. Mục đích thành lập của văn phòng đại diện là nơi để quảng bá các sản phẩm của pháp nhân, nơi tiếp xúc với khách hàng, giải đáp, tư vấn cho khách hàng về những dịch vụ, sản phẩm của pháp nhân. Pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm về những giao dịch do văn phòng đại diện của pháp nhân xác lập, thực hiện trong phạm vi pháp nhân uỷ quyền.

2.3. Nhóm tổ chức là quỹ đầu tư chứng khoán, văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

* Quỹ đầu tư chứng khoán: Khoản 27 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định: “Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ”.

Quỹ đầu tư chứng khoán được quản lý và đầu tư một cách chuyên nghiệp bởi công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Nói một cách khác, các nhà đầu tư đã uỷ thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán để quản lý quỹ và tiến hành hoạt động đầu tư chứng khoán từ số vốn của quỹ. Công ty quản lý quỹ có thể cử ra một cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý quỹ gọi là nhà quản trị quỹ. Để đảm bảo công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tiến hành hoạt động đúng như mong muốn của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chứng khoán cần phải được đặt dưới sự giám sát của một ngân hàng. Ngân hàng này sẽ thay mặt các nhà đầu tư để giám sát cũng như giúp đỡ quỹ đầu tư chứng khoán hoạt động đúng mục tiêu mà các nhà đầu tư đã đề ra, tránh tình trạng công ty quản lý quỹ tiến hành các hoạt động đi ngược lại lợi ích của nhà đầu tư.

Về mặt pháp lý, các quỹ đầu tư chứng khoán có tài sản độc lập với tài sản của công ty quản lý quỹ và các quỹ khác do công ty này quản lý. Đặc điểm này đảm bảo việc đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán tuân thủ đúng mục đích đầu tư, không bị chi phối bởi lợi ích khác của công ty quản lý quỹ. Sự tách bạch về tài sản giữa công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán đảm bảo việc công ty quản lý quỹ hoạt động độc lập, vì lợi ích của các nhà đầu tư vào quỹ chứ không vì mục đích khác[8].

* Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động hợp tác kinh doanh: Khoản 1 Điều 49 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định theo yêu cầu thực hiện hợp đồng”.

Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc các tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam[9]. Khi xác lập, thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC – Business Cooperation Contract) nhằm mục đích phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm với những nhà đầu tư khác, mà không muốn thành lập pháp nhân. Pháp luật Việt Nam ghi nhận, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu riêng; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.

Về chủ thể của hợp đồng hợp tác kinh doanh là các nhà đầu tư, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hợp đồng BCC có thể được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau hoặc giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng chủ thể trong từng hợp đồng BCC không bị giới hạn, tùy thuộc vào quy mô dự án và nhu cầu, khả năng mong muốn của các nhà đầu tư. Việc không tạo ra pháp nhân trong hợp hợp đồng BCC khiến việc hợp tác giữa các bên không chặt chẽ; các bên gặp không ít khó khăn khi triển khai hợp đồng, nhất là hợp đồng giữa một bên là cá nhân, pháp nhân Việt Nam với một bên là nhà đầu tư nước ngoài. Trong nhiều trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không đủ tư cách pháp lý để thiết lập các giao dịch tại trên lãnh thổ Việt Nam.

Một yếu tố cần thiết giúp cho các bên có thể thực hiện hợp đồng BCC là các bên tham gia hợp đồng BCC phải thành lập ban điều phối để thực hiện dự án của hợp đồng. Khoản 3 Điều 28 Luật Đầu tư năm 2014 quy định, “3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận”. Tuy nhiên, điều hạn chế ở đây là ban điều phối không phải hội đồng quản trị của các bên, không có chức năng đại diện cho các bên trong các giao dịch dân sự. Ban điều phối chỉ có quyền giám sát việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng mà thôi.

3.Lời kết

BLDS năm 2015 là luật chung, quy định về địa vị pháp lý, chuẩn mực ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm, đồng thời làm rõ hơn về mối quan hệ giữa BLDS với các luật khác có liên quan theo hướng tôn trọng, ghi nhận việc áp dụng luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể với điều kiện không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự[10]. Trường hợp quy định của luật khác có liên quan vi phạm nguyên tắc cơ bản của BLDS hoặc những luật này không có quy định thì quy định của BLDS năm 2015 được áp dụng[11]. Khác với BLDS năm 2005[12], BLDS năm 2015 quy định chủ thể quan hệ dân sự gồm hai chủ thể cơ bản là cá nhân và pháp nhân; trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự[13].

Theo quan điểm của tác giả, quy định này là cần thiết và hợp lý, bởi nó khắc phục được những hạn chế trên thực tế khi để hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể độc lập như trong BLDS năm 2005 trước đây[14]. Các quy định tại Điều 4, Điều 101 và các điều khoản khác có liên quan trong BLDS năm 2015 không phủ nhận sự tham gia quan hệ dân sự của các thực thể pháp lý (hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư các pháp nhân). Điều này có nghĩa BLDS năm 2015 vẫn công nhận cho hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được tham gia các quan hệ dân sự[15]. Tuy nhiên, mục đích của BLDS năm 2015 hướng đến là việc xác định chính xác những cá nhân, pháp nhân có quyền và nghĩa vụ trong trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia vào quan hệ dân sự; từ đó góp phần đảm bảo cho các thực thể pháp lý này tham gia các quan hệ pháp luật phù hợp với địa vị pháp lý của chúng.

Ảnh minh họa của vneconomy

[1] Xem khoản 1 Điều 101 BLDS năm 2015

[2] Khoản 1 Điều 33 Luật Luật Sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012.

[3] Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản

[4] Điều 13 Nghị định số 22/2015/CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

[5] Khoản 7 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005

[6] pháp luật Việt Nam vẫn đặt ra một số hạnh chế nhất trong hoạt động đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ví dụ trong việc góp vốn mua cổ phần theo Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010

[7] Khoản 2 Điều 45 Luật doanh nghiệp năm 2014

[8] Theo Phụ lục 9 Thông tư 212/2012/TT-BTC ngày 05/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán gồm: Quỹ có tư cách pháp nhân (bao gồm công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ, công ty đầu tư chứng khoán bất động sản) và Quỹ không có tư cách pháp nhân (bao gồm quỹ đóng, quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ ETF, quỹ thành viên).

[9] Xem khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014

[10] Xem Điều 3 BLDS năm 2015

[11] xem Điều 4 BLDS năm 2015

[12] BLDS năm 2005 quy định 4 chủ thể phổ biến của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác.

[13] Xem khoản 1 Điều 101 BLDS năm 2015

[14] Hạn chế lớn nhất khi thừa nhận Hộ gia đình là chủ thể độc lập tham gia quan hệ dân sự là việc xác định cách thành viên của của Hộ gia đình trên thực tế. Như phân tích ở phần trên, vấn đề này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các chủ thể khác khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự đối với Hộ gia đình. Hơn nữa, trong trường phải giải quyết tranh chấp liên quan đến các giao dịch dân sự do Hộ gia đình xác lập, thực hiện Toà án rất khó khăn trong việc xác định chủ thể tham gia tố tụng.

[15] Các thực tế pháp lý này dù không có tư cách pháp nhân nhưng được coi là loại hình tổ chức độc lập với thành viên hay chủ sở hữu, vẫn đang là chủ thể trong các quan hệ pháp luật như lao động, sản xuất kinh doanh… Do đó, BLDS năm 2015 nói chung và các luật có liên quan nói riêng không thể phủ nhận sự tồn tại thực tế của chúng.

Ths. NCS. NGUYỄN HOÀNG LONG (Khoa Luật Dân sự – ĐH Luật Hà Nội)

This post was last modified on %s = human-readable time difference 10:22

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem số MAY MẮN giúp bạn ĐÓN LỘC

Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem con số MAY MẮN giúp…

8 giờ ago

Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Thìn khôn ngoan, Dần may mắn

Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Rồng khôn, Hổ may mắn

8 giờ ago

Cảnh báo 4 con giáp đối diện với nguy cơ mất tiền hao của, tháng 11/2024 chớ vội đầu tư

Cảnh báo 4 con giáp đối mặt nguy cơ mất tiền, đừng vội đầu tư…

10 giờ ago

4 con giáp VƯỢT chông gai để LỘI NGƯỢC dòng xuất sắc cuối năm 2024, TIỀN của tràn vào nhà

4 con giáp VƯỢT gai để lội ngược dòng xuất sắc cuối năm 2024, tiền…

11 giờ ago

Tuần mới (4 – 10/11) ôm trọn may mắn, 3 con giáp mở mày mở mặt khi thăng hoa vượt kỳ vọng

Tuần mới (4 - 10/11) đón nhận may mắn, 3 con giáp mở mang tầm…

16 giờ ago

Cách giúp 12 con giáp đạp gió rẽ sóng, chinh phục đỉnh cao trong tháng 11/2024

Cách giúp 12 con giáp cưỡi sóng vượt gió chinh phục đỉnh cao tháng 11/2024

16 giờ ago