Quả cà tím không gây đau xương khớp, thậm chí còn nhiều tác dụng tuyệt vời

Việt Nam nằm trong nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp cao nhất thế giới

Những lợi ích tuyệt vời của quả cà tím

Cà tím tên khoa học là solanum melongena, có nguồn gốc ở Ấn Độ. Phân tích dinh dưỡng trong thành phần của quả cà tím có: 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protid, 0,2% lipid. Các khoáng chất (tính theo mg/100g) gồm: Kali 220, phốt pho 15, magiê 12, calcium 10, lưu huỳnh 15, clor 15, sắt 0,5, mangan 0,2, kẽm 0,2, đồng 0,1, iod 0,002. Các vitamin B1, B12.

Quả cà tím không gây đau xương khớp, thậm chí còn nhiều tác dụng tuyệt vời

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy – Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, cơ sở 3: Nhờ nguồn axit folic (vitamin B9) và sắt vi lượng dồi dào, cà tím giúp hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho thai phụ.

Trong cà tím còn có kali giúp ổn định nhịp tim, flavonoid giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, magiê, canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng, cải thiện tình trạng giấc ngủ, làm đẹp da ngăn ngừa tàn nhang. Lớp vỏ màu tím có chứa nhiều vitamin B, C và lượng lớn anthocyanidin.

Đáng lưu ý, cà tím chứa chất xơ có lợi cho mức cholesterol. Kết quả của một nghiên cứu năm 2014 trên loài gặm nhấm chỉ ra, axit chlorogenic – một chất chống ôxy hóa chính trong cà tím có thể làm giảm mức độ lipoprotein mật độ thấp hoặc cholesterol “xấu” và giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Ngoài ra, cà tím chứa lượng chất xơ hòa tan tốt cho hệ tiêu hóa; tốt cho mắt, vì trong cà tím chứa anthrocyanin – một hợp chất hòa tan, tốt cho hệ thần kinh trung ương, vì vậy dự phòng đục thủy tinh thể và mắt nhìn rõ, khỏe hơn.

Bài thuốc hiệu quả cho bệnh nhân xương khớp

Lâu nay nhiều người có suy nghĩ ăn cà sẽ bị đau xương khớp. Tuy nhiên đó là các loại cà pháo, cà muối để lên men. Còn với cà tím thì ngược lại, theo đông y, cà tím có vị ngọt, tính hàn, thường được dùng trong các bài thuốc dân gian hỗ trợ chữa các bệnh như viêm khớp, phong thấp.

Trong cà tím có canxi là thành phần quan trọng giúp hệ cơ xương khớp chắc khỏe. Khi cơ thể có đủ canxi sẽ giảm nguy cơ mắc chứng loãng xương và đau nhức xương khớp. Vitamin C giúp tăng đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa các triệu chứng viêm, bao gồm cả viêm khớp.

Nhờ có chứa các hợp chất phenolic – chất tạo nên màu tím đặc trưng ở lớp vỏ quả cà, chúng có tác dụng duy trì mật độ khoáng chất trong xương và giúp xương chắc khỏe. Vì thế ăn cà tím cũng là cách phòng ngừa loãng xương hiệu quả mà bạn cần phải biết.

Lời khuyên khi sử dụng quả cà tím

Trong cà tím có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê. Vì thế khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây độc. Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể được phá hủy được chất này.

Để giảm chất này, khi chế biến nên cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine. Uống nước ép cà tím rất dễ xảy ra ngộ độc khi cà chưa được nấu chín.

Trong cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác, với nồng độ 0,01mg/100g. Để tránh độc, chỉ nên ăn cà tím 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 100 – 200g bằng cách nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm.

Bên cạnh đó, không đun ở nhiệt độ quá cao. Khi đun ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ thất thoát nhiều chất dinh dưỡng. Thậm chí, cách chế biến chiên có thể làm hao hụt đến 50% lượng vitamin trong cà tím.

Theo các chuyên gia Đông y, người mắc bệnh dạ dày cần lưu ý khi ăn cà tím bởi cà tím có tính hàn, ăn nhiều dễ làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, những người yếu mệt hoặc bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn nhiều và thường xuyên, đặc biệt là cà tím chiên rán vì chứa quá nhiều dầu có thể gây viêm tấy…

Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao – loại axit có trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều dễ gây sỏi thận.

Để loại bỏ bớt độc tố nên ngâm cà tím với một ít dấm hoặc muối trước khi chế biến hoặc dùng chanh, và nên ăn kèm đa dạng các món khác để làm giảm hoạt tính của các chất này.