Ăn măng cụt xanh cần loại bỏ 2 bộ phận có thể gây độc

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video ăn măng cụt sống có tốt không

Măng cụt xanh được đánh giá là rất giòn ngọt. Song nhược điểm của chúng là có quá nhiều nhựa và quy trình sơ chế vô cùng phức tạp. Hơn nữa, không phải bộ phận nào của quả măng cụt xanh cũng có thể dùng được, nhất là phần vỏ và phần hạt.

Ăn măng cụt xanh cần loại bỏ 2 bộ phận có thể gây độc - 1

Không phải bộ phận nào của quả măng cụt xanh cũng có thể dùng được (ảnh minh họa).

Dưới đây là những lưu ý khi ăn quả măng cụt xanh của lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội).

Thận trọng loại bỏ 2 bộ phận của quả măng cụt

1. Vỏ quả măng cụt

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, trong Đông y quả măng cụt còn được gọi là sơn trúc tử. Đặc biệt phần vỏ của quả măng cụt có thể được dùng làm thuốc, trị bệnh lỵ, tiêu chảy, bệnh chàm da, hôi miệng… Tuy nhiên để trở thành một bài thuốc hoàn chỉnh, nó cần được điều chế.

Trong đời sống hàng ngày, vỏ quả măng cụt không thể ăn sống, cần phải được loại bỏ do chứa rất nhiều nhựa. Nhựa măng cụt cũng giống như phần nhựa của các loại trái cây khác, đều không có lợi cho cơ thể.

Vai trò của nhựa măng cụt là bảo vệ trái cây chống lại sự tấn công của côn trùng, sâu hại… Cả vỏ và nhựa măng cụt đều khó tiêu hóa, do đó nếu ăn phải sẽ gây đau dạ dày, táo bón… Việc gây hại đến đâu còn tùy thuộc vào liều lượng ăn của mỗi người.

Tuy vậy, lương y Sáng cũng chia sẻ rằng việc ăn vỏ măng cụt xanh hay tiêu thụ phần nhựa là điều ít khi xảy ra. Để hạn chế nhựa cũng như giúp cho miếng măng cụt được trắng đẹp, các bà nội trợ nên gọt sạch vỏ dưới vòi nước chảy.

Khi đã được loại bỏ vỏ và nhựa, phần cùi măng cụt xanh là món ăn ngon, không độc, các gia đình hoàn toàn có thể ăn tùy theo nhu cầu.

2. Hạt măng cụt

Nhiều người nhận xét hương vị của quả măng cụt xanh khá khác biệt so với quả chín: giòn hơn, thanh mát hơn, và đặc biệt là ăn được cả hạt. Hạt măng cụt xanh không cứng như quả chín. Tuy nhiên, lương y Sáng chia sẻ hạt măng cụt là bộ phận nên được loại bỏ trước khi ăn.

Ăn măng cụt xanh cần loại bỏ 2 bộ phận có thể gây độc - 2

Quả măng cụt có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

“Tuy trong Đông y, hạt măng cụt có xuất hiện trong một số bài thuốc, điển hình như bài thuốc hỗ trợ trị tiểu đường… nhưng hạt măng cụt cũng giống như các loại hạt trái cây khác như hạt nhãn, hạt vải… trước khi dùng phải bào chế chứ không được ăn sống.

Quá trình bào chế sẽ giúp các thành phần độc tố hóa khí bay hơi. Đồng thời đạt hiệu quả cao nhất trong hiệu quả chữa bệnh”, lương y nói.

Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định trong hạt măng cụt có chứa độc tố nguy hiểm. Tuy nhiên, hạt măng cụt thường trơn và lép nên trẻ nhỏ rất có thể vô tình nuốt khi ăn.

Việc nuốt hạt của loại quả này cũng nguy hiểm tương tự như khi chúng ta nuốt phải dị vật. Nếu đường ruột không thải được, dị vật sẽ nằm lâu bên trong cơ thể, thể gây ra tắc ruột.

Những điều cần lưu ý khi ăn măng cụt

– Măng cụt là loại quả có chứa nhiều đường, vì vậy người béo phì, tiểu đường nên hạn chế ăn.

– Quả măng cụt dù tốt cho sức khỏe và có hương vị thơm ngon nhưng mỗi tuần chỉ nên ăn 2-3 lần. Mỗi lần không nên ăn quá 1kg.

– Nghiên cứu của Khoa Khoa học Dược phẩm (Đại học Nghiên cứu Quốc gia, Đại học Khon Kaen) cho thấy, những ai đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc liên quan đến tim, hãy thận trọng khi ăn măng cụt. Bạn có thể cần tránh ăn măng cụt nếu được bác sĩ khuyến cáo.

Măng cụt không chỉ ngon mà còn cực kỳ tốt cho sức khỏe. Đây là loại quả chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể.

Y học cổ truyền sử dụng cùi, nước ép và vỏ của chúng để điều trị các rối loạn viêm mãn tính. Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy loại quả này có đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm và kháng khuẩn mạnh…

Ăn măng cụt xanh cần loại bỏ 2 bộ phận có thể gây độc - 3

Món gỏi gà măng cụt gây sốt trong giới trẻ (ảnh minh họa).

Mùa hè năm nay, món “gỏi gà măng cụt xanh” trở thành “cơn sốt” từ trên mạng cho đến đời thực. Nhiều người tò mò hương vị của quả măng cụt xanh và tìm mua bằng được khiến cho giá thành chúng tăng cao.

Có thời điểm giá măng cụt xanh nguyên vỏ lên đến 60.000-80.000 đồng/kg. Măng cụt xanh đã gọt sẵn được bán giá 500.000-600.000/kg.