Trả lời:

Cà pháo muối chua hoặc muối xổi là món ăn kèm yêu thích của nhiều người, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như magie, kali, protein, sắt, kẽm. Cà pháo muối chứa nhiều loại vitamin có lợi cho cơ thể như vitamin B1, B2, vitamin C… Trong đông y, cà pháo có tính hàn và vị ngọt, có tác dụng tiêu viêm, tán huyết, làm thông kinh, tăng cường chức năng thận, hỗ trợ tiêu hóa…

Tuy nhiên, cà pháo (nhất cà tươi sống) có chứa hàm lượng chất solanin độc cao gấp 5-10 lần so với giới hạn an toàn. Ăn cà pháo sống hoặc cà muối xổi có thể nguy hiểm và dẫn đến ngộ độc như tiêu chảy, buồn nôn, ảo giác.

Thai phụ có thể ăn cà pháo muối để thỏa cơn thèm mà không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cần chú ý những điều sau:

Không ăn cà muối xổi: Phụ nữ mang thai tránh ăn cà muối xổi, chỉ nên ăn cà muối đã chín đủ, có độ chua phù hợp và không nên ăn những loại có vết đen hoặc vết nổi trắng. Cà muối xổi có hàm lượng nitrat cao, khi tiếp xúc với vi khuẩn trong cơ thể, nitrat có thể chuyển hóa thành nitrit. Khi kết hợp với axit amin có trong các thực phẩm khác, nitrit có thể tạo ra nitrosamine – một chất gây nguy cơ ung thư.

Ăn cà muối đảm bảo vệ sinh: Thai phụ nên ăn loại tự muối. Khi muối cà, nên sử dụng bình thủy tinh hoặc bình gốm, không nên sử dụng hũ nhựa vì có thể xảy ra phản ứng hóa học tạo ra các chất độc. Không nên ăn thực phẩm vào buổi tối do dễ gây đầy hơi và khó tiêu.

Không ăn cà muối quá mặn: Quá trình chế biến thường dùng khá nhiều muối để làm cà lên men và bảo quản được lâu. Tuy nhiên, thai phụ ăn nhiều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, tiền sản giật, phù chân…

Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé, thai phụ chỉ nên món này 1-2 lần mỗi tuần, mỗi lần 1-2 quả. Trường hợp có bệnh lý đi kèm nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng.

Chuyên viên Nguyễn Thị QuỳnhKhoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả đặt câu hỏi về sức khỏe thai kỳ tại đây để bác sĩ giải đáp