Bầu ăn mực được không? Điều cần biết về mực trong chế độ ăn bà bầu

Bầu ăn mực được không? Thực tế mực là một loại thức ăn rất an toàn và bổ dưỡng nếu nó được nấu chín hoàn toàn. Trong bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin về thịt mực, giúp cho các bà bầu có thể đa dạng hóa chế độ ăn của mình trong thai kỳ.

Có thủy ngân trong hải sản không?

Mực và các loại hải sản khác là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh khi mang thai.

Tuy vậy trong quá trình mang thai, nhiều bà bầu sẽ nghi ngại về hàm lượng thủy ngân có trong hải sản. Những lo ngại về thủy ngân khiến cho nhiều chị em mang bầu không muốn sử dụng hải sản nói chung.

Thủy ngân là một chất tự nhiên được tìm thấy ở nhiều môi trường. Nó có ở trong không khí, đất và nước. Do là một kim loại nặng, thế nên việc tiếp xúc nhiều với thủy ngân có thể gây độc cho con người. Điều này có thể gây ra ngộ độc thủy ngân, làm ảnh hưởng đến chức năng của nhiều nội tạng như tim, gan và thận.

Một số hải sản có hàm lượng thủy ngân cao hơn. Tiếp xúc với hàm lượng thủy ngân cao trong thời gian mang thai – chẳng hạn như động vật giáp xác bị ô nhiễm hoặc ngũ cốc bị nhiễm thủy ngân – có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi và dẫn đến suy giảm nhận thức, tăng nguy cơ bại não khi đứa trẻ ra đời.

Mặc dù cần thiết phải tránh những loại hải sản có hàm lượng hải sản rất cao như cá ngói, cá ngừ mắt to, cá kiếm, nhưng không nên loại bỏ tuyệt đối đồ hải sản ra khỏi chế độ ăn của bà bầu. Trên thực tế, các cơ quan sức khỏe của Mỹ khuyến nghị phụ nữ mang thai nên ăn từ 200 – 400 gram hải sản mỗi tuần.

Bà bầu ăn mực được không?

Tin tốt cho những bà bầu yêu thích mực là loại hải sản đặc biệt này không có hàm lượng thủy ngân quá cao, khiến nó trở thành lựa chọn an toàn khi mang thai – ở mức độ vừa phải.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, mực chứa 0,024 PPM (phần triệu) thủy ngân, được xếp vào mức rất thấp. Do lượng thủy ngân thấp nên bà bầu có thể đưa mực vào chế độ ăn từ 2 đến 3 phần ăn mỗi tuần. Một phần ăn sẽ tương đương khoảng 100 gram.

Để thận trọng, bà bầu chỉ nên ăn mực tại các nhà hàng mà bạn tin tưởng có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đảm bảo. Nếu mua mực tươi sống tại chợ cá hoăc siêu thị để chế biến tại nhà, bạn cần đảm bảo rằng mực tươi hoặc cấp đông đúng cách, và chỉ nên lưu trữ trong tủ lạnh và nấu trong 24 giờ sau khi mua.

Xem thêm: Bầu ăn mực khô được không?

Mực có lợi ích sức khỏe gì cho người mang thai?

Giống như nhiều loại hải sản, mực là nguồn cung cấp vitamin B rất to lớn. Một khẩu phần ăn 100 gram cung cấp 31% lượng riboflavin (vitamin B2) trong chế độ ăn uống hàng ngày (RDA) và 14% RDA lượng niacin. Những vitamin này giúp cho việc tiêu hóa được lành mạnh, giúp ổn định thị lực, duy trì sức khỏe da và chức năng thần kinh. Mực cũng chứa một lượng nhỏ các vitamin thiết yếu khác, bao gồm vitamin B12.

Ngoài ra, mỗi 100 gram mực còn chứa rất nhiều loại khoáng chất có ích cho bà bầu như kẽm, magiê. Những khoáng chất quan trong này hỗ trợ tổng hợp protein, giúp phát triển xương và hệ thống thần kinh của thai nhi, đồng thời còn giúp mẹ bầu ngăn ngừa tình trạng tiểu đường thai kỳ.

Những hải sản khác an toàn cho phụ nữ mang thai

Mực không phải là loại hải sản duy nhất an toàn cho phụ nữ mang thai. Bà bầu có thể tiêu thụ một cách an toàn các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp khác, chẳng hạn như sò điệp, hàu, tôm và nghêu.

Các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp khác bao gồm:

  • Cá tuyết.
  • Tôm biển.
  • Cá hồi.
  • Cá mòi.
  • Cá bơn.
  • Cá trích.

Bà bầu có thể ăn 2 – 3 khẩu phần cá có hàm lượng thủy ngân thấp mỗi tuần. Những lựa chọn khác bao gồm cá mú, cá hồng, cá đù trắng và cá bluefish. Bạn có thể ăn một khẩu phần cá trong nhóm này mỗi tuần.

Rủi ro liên quan đến tiêu thụ hải sản là gì?

Thủy ngân đã được Tổ chức Y tế Thế giới coi là một trong 10 hóa chất hàng đầu gây mối quan tâm lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Ở người, việc tiếp xúc với thủy ngân chủ yếu xảy ra thông qua việc tiêu thụ hải sản. Một số nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa việc tiếp xúc với methyl thủy ngân trong tử cung gây nhiễm độc thần kinh đối với sự phát triển của thai nhi ở những phụ nữ mang thai thường xuyên ăn hải sản.

Methyl thủy ngân được coi là một chất độc thần kinh, và nó đặc biệt có hại cho não bộ đang phát triển của thai nhi. Vì hải sản cũng là nguồn cung cấp omega-3 bảo vệ thần kinh, nên điều quan trọng là phải chọn những hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp.

Các sản phẩm hải sản sống hoặc nấu chín một phần có thể chứa mầm bệnh, kí sinh trùng hoặc vi khuẩn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền qua thực phẩm. Do đó, bà bầu không nên ăn hải sản sống hoặc chưa nấu chín.

Chắc chắn rằng mực là một nguồn dinh dưỡng có lợi cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, bà bầu không nên quên rằng việc tiêu thụ quá nhiều mực hoặc hải sản có hàm lượng thủy ngân cao có thể gây nguy hiểm đến cả mẹ và thai nhi. Đồng thời, tất cả hải sản nên được nấu chín kỹ trước khi tiêu thụ để giảm nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm sống gây ra.

Vậy là bạn đã cùng Nhà Thuốc Long Châu giải đáp câu hỏi “Bầu ăn mực được không?”, cũng như biết thêm nhiều thông tin về loại hải sản bổ dưỡng này. Nhà Thuốc Long Châu rất vui khi được đồng hành cùng bạn trong việc tìm hiểu các vấn đề y khoa thường thức. Chúc bạn đọc có một ngày làm việc năng động và hiệu quả!

Xem thêm: Bầu ăn hàu được không?

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp