Triết học Mác – Lênin

Video ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

Khái niệm

Khái niệm “quy luật” là sản phẩm của tư duy khoa học phản ánh sự liên hệ của các sự vật và tính chỉnh thể của chúng. V.I.Lênin viết: “Khái niệm quy luật là một trong những giai đoạn của sự nhận thức của con người về tính thống nhất và về liên hệ, về sự phụ thuộc lẫn nhau và tính chỉnh thể của quá trình thế giới”.

Với tư cách là cái tồn tại ngay trong hiện thực, quy luật là mối liên hệ bản chất, tất nhiên, phổ biến, và lặp lại giữa các sự vật, hiện tượng, giữa các đối tượng, giữa các nhân tố tạo thành đối tượng, giữa các thuộc tính của các sự vật cũng như giữa các thuộc tính của cùng một sự vật hiện tượng.

Trong quá trình phát triển của tư duy triết học luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong quan niệm về quy luật.

Trong các hệ thống triết học duy vật phương Đông và Hy Lạp cổ đại, quy luật được hiểu là một trật tự khách quan, là con đường phát triển tự nhiên, vốn có của mọi sự vật. Ngược lại, các nhà triết học duy tâm phủ nhận sự tồn tại khách quan của quy luật. Chẳng hạn, Platôn cho rằng các tư tưởng đang tồn tại là quy luật đối với các sự vật, vì các sự vật chỉ là hình ảnh của tư tưởng.

Đối với chủ nghĩa duy tâm khách quan, quy luật được giải thích như là sự thể hiện của “ lý trí thế giới”. “Lý trí thế giới”, theo các nhà duy tâm khách quan, là quy luật của tự nhiên và xã hội.

Tuy nhiên, trong số những nhà triết học duy tâm khách quan cũng có một số người có đóng góp rất quý giá trong quan niệm về quy luật. Chẳng hạn, theo Hêghen, quy luật là cái bền vững, cái ổn định, cái đồng nhất trong toàn bộ hiện tượng, là sự phản ánh “cái yên tĩnh” của hiện tượng; quy luật không phải là cái bên ngoài đối với hiện tượng mà là cái vốn có trong hiện tượng, quy luật là mối quan hệ căn bản của hiện tượng, .v.v..

Các nhà thực chứng mới cho rằng, nhận thức khoa học không phải là việc đưa lại tri thức về các quy luật khách quan, mà là sự hình thành một trật tự nhất định giữa các hiện tượng, trật tự này dường như không phụ thuộc vào tự nhiên mà phụ thuộc vào những nguyên tắc có tính ước lệ do chủ thể chọn trước. Do đó, theo họ, quy luật chỉ là sản phẩm của sự nhất trí giữa các nhà khoa học.

Quan điểm duy vật biện chứng cho rằng mọi quy luật đều mang tính khách quan. Các quy luật được phản ánh trong các khoa học không phải là sự sáng tạo thuần tuý của tư tưởng. Những quy luật do khoa học phát hiện ra chính là sự phản ánh những quy luật hiện thực của thế giới khách quan và của tư duy.