BÁC SĨ CHUYÊN KHOA I – BÁC SĨ CHUYÊN KHOA II: AI CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CAO HƠN?

Nỗi băn khoăn lớn nhất của các bệnh nhân khi lựa chọn bác sĩ khám chữa bệnh là nên lựa chọn BÁC SĨ CHUYÊN KHOA I VÀ BÁC SĨ CHUYÊN KHOA II. Chính vì vậy, bài viết sau đây sẽ phân tích cho bạn hiểu BÁC SĨ CHUYÊN KHOA I VÀ BÁC SĨ CHUYÊN KHOA II ai là người có trình độ chuyên môn cao hơn?

1. Bác sĩ Chuyên khoa I, II là như thế nào?

Sinh viên Y khoa sau 6 năm học Đại học và tốt nghiệp sẽ được gọi là bác sĩ nhưng chưa được hành nghề. Họ chỉ được hành nghề sau khi học thêm 18 tháng tại cơ sở y tế để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Sau đó nếu muốn nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ đó có thể chọn theo 2 hướng là thực hành lâm sàng hoặc nghiên cứu để học lên. Khi theo hướng thực hành lâm sàng, bác sĩ sẽ học lên để trở thành Bác sĩ Chuyên khoa I, II.

1.1. Bác sĩ Chuyên khoa I là gì?

Như vậy khi chọn thiên về thực hành lâm sàng, bác sĩ đó sẽ học thêm một chuyên khoa nào đó trong khoảng thời gian 1 năm để trở thành bác sĩ chuyên khoa định hướng (BSCKĐH). Sau khi trở thành BSCKĐH, nếu học tiếp khoảng 2 năm nữa thì bác sĩ đó sẽ trở thành Bác sĩ Chuyên khoa I (BSCKI).

Các đối tượng và hình thức để trở thành BSCKI là:

– Đối tượng: Đã tốt nghiệp đại học chính quy hoặc không chính quy, công tác trong các lĩnh vực y tế cơ sở thực hành nghề nghiệp, thực hành lâm sàng từ 12 tháng trở lên (nữ không quá 45 tuổi, nam không quá 50 tuổi).

– Có 2 hình thức đào tạo là hệ tập trung (học tập trung 2 năm liên tục) và hệ tập trung theo chứng chỉ (học từng đợt theo kế hoạch của nhà trường kéo dài trong 3 năm).

1.2. Bác sĩ chuyên khoa 2 là gì?

Khi trở thành BSCKI sau khoảng một thời gian hành nghề, nếu muốn nâng cấp trình độ chuyên môn, bác sĩ sẽ phải học thêm 2 năm, trình luận văn để trở thành Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII)

Chương trình đào tạo BSCKII như sau:

  • Thời gian đào tạo: 2 năm
  • Hình thức: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ giáo dục và đào tạo.
  • Đối tượng:

– Là những người công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở lâm sàng và cơ sở y tế đã tốt nghiệp BSCKI hoặc thạc sĩ.

– Độ tuổi: Không quá 50 tuổi với nữ và 55 tuổi với nam.

Có thể thấy, sau khi học 6 năm đại học, để trở thành Bác sĩ Chuyên khoa giỏi các Bác sĩ cần ít nhất 2 đến 4 năm đào tạo chuyên sâu. Ngoài ra, còn phải trau dồi kiến thức suốt cuộc đời.

Đối với ngành y tế, BSCKI và BSCKII đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây chính là nguồn lực chủ yếu để khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Tuy nhiên giữa BSCKI và BSCKII thì BSCKII có kiến thức cao và rộng hơn, giữ vị trí quan trọng hơn trong ngành so với BSCKI.

Như vậy, trình độ của BSCKII cao hơn BSCKI.