#ls #lslawfirm #thoidiembanan #quyetdinhcuatoaan
#totungdansu #cohieulucphapluat
Bạn đang xem: LS Law Firm
Khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đồng nghĩa với việc bản án, quyết định đó có thể được đưa ra thi hành án. Việc xác định thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật sẽ giúp đương sự bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến các bản án, quyết định của Tòa án trong tố tụng dân sự.
Các loại bản án, quyết định của Tòa án
Bản án là văn bản tố tụng của Tòa án, ghi nhận những phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Quyết định của Tóa án là một dạng văn bản áp dụng pháp luật, được Tòa án quy định chặt chẽ về các nội dung như: thẩm quyền, trình tự, … liên quan đến vụ việc dân sự. Tại Việt Nam, việc xét xử của Tòa án thực hiện qua hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Do đó, phân loại theo cấp xét xử sẽ có 02 loại văn bản như sau:
– Bản án, quyết định sơ thẩm;
– Bản án, quyết định phúc thẩm.
Ngoài thủ tục xét xử vụ án qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Do đó, phân loại theo thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sẽ có 02 loại văn bản sau:
– Quyết định giám đốc thẩm;
– Quyết định tái thẩm.
Thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời điểm có hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định của Tòa án như sau:
Xem thêm : Thủ tục rút hồ sơ gốc xe máy thực hiện ở đâu? Hết bao nhiêu tiền?
– Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Khoản 2 Điều 282).
– Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Khoản 1 Điều 213).
– Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Khoản 6 Điều 313).
– Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định (Khoản 6 Điều 314).
– Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm ra quyết định (Điều 349, Điều 357).
Như vậy, đối với bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật ngay kể từ ngày tuyên án hoặc ra quyết định. Riêng đối với bản án, quyết định sơ thẩm thì hiệu lực pháp luật còn phụ thuộc vào thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Thời hạn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là bao lâu?
Theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hạn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm như sau:
– Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Lưu ý:
- Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
- Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
- Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Theo Điều 479 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
– Đương sự có mặt tại Việt Nam có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này.
– Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 01 tháng, kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477 của Bộ luật này thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng, kể từ ngày tuyên án.
Xem thêm : 360+ tên tiếng Anh bắt đầu bằng chữ F “phổ biến” hiện nay cho nam và nữ
Theo Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự như sau:
– Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trường hợp họ không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì thời hạn đó được tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết.
Lưu ý: Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nêu trên áp dụng đối với trường hợp xét xử sơ thẩm theo thủ tục thông thường, còn trường hợp xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì thời hạn kháng cáo là 07 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc bản án, quyết định được niêm yết.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là bao lâu?
Theo Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như sau:
– Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
– Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
Theo Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự như sau:
– Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Lưu ý: Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nêu trên áp dụng đối với trường hợp xét xử sơ thẩm theo thủ tục thông thường, còn trường hợp xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định.
Như vậy, thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có sự khác nhau phụ thuộc vào vụ án có yếu tố nước ngoài hay không và được xét xử theo thủ tục rút gọn hay thông thường. Và chỉ khi hết thời hạn nêu trên mà không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày đến Quý khách thời điểm bản án, quyết định của tòa án trong tố tụng dân sự có hiệu lực pháp luật dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp