Cam kết có giá trị pháp lý không?

Cam kết là một giao dịch dân sự

Cam kết thường được xác lập trong một số giao dịch dân sự. Điều 121 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, có thể xem cam kết là hành vi pháp lý đơn phương, nội dung cam kết thể hiện ý chí tự ràng buộc của người viết cam kết với điều khoản đã cam kết. Trong một số trường hợp người có quyền đưa ra yêu cầu buộc người cam kết phải thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ dân sự, trường hợp không thực hiện hoặc vi phạm cam kết, gây thiệt hại cho phía người có quyền yêu cầu thì người cam kết phải bồi thường.

Ví dụ: Khi ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), trong đó A là NLĐ và B là NSDLĐ. B cử A đi đào tạo ở nước ngoài và yêu cầu B ký vào bản cam kết với nội dung “Phải làm việc cho người sử dụng lao động ít nhất 05 năm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, nếu vi phạm phải bồi thường hoàn toàn chi phí bao gồm đi lại, sinh hoạt và chi phí đào tạo”.

Thực tế trong cuộc sống hằng ngày, ta có thể bắt gặp một số trường hợp phát sinh yêu cầu viết hoặc ký vào cam kết như: Thỏa thuận cho vay tiền; Cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy, Nhà trường yêu cầu học sinh ký vào cam kết không vi phạm an toàn giao thông;…

Cam kết có giá trị pháp lý không?

Bộ luật dân sự 2005 quy định về hiệu lực của giao dịch dân sự, tương tự cam kết có hiệu lực áp dụng nếu thỏa mãn 03 điều kiện sau:

  • Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
  • Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Như vậy, cam kết có giá trị pháp lý khi và chỉ khi thỏa mãn 3 điều kiện trên và nếu không đáp ứng một trong các điều kiện đã nêu thì cam kết đó sẽ vô hiệu.

Cam kết nói riêng và giao dịch dân sự nói chung bị vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Pháp luật dân sự quy định rõ khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.