Bảo vệ bí mật nhà nước là gì? Những nguyên tắc và ý nghĩa?

1. Bảo vệ bí mật nhà nước là gì?

Căn cứ theo quy định tại điều 2 Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định cụ thể như sau:

“2. Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước”.

Bảo vệ bí mật Nhà nước tiếng Anh là “Protect state secrets”.

2. Những nguyên tắc của việc bảo vệ bí mật nhà nước:

Căn cứ theo quy định tại Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định cụ thể như sau:

1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

4. Chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy ta thấy pháp luật đã quy định các nguyên tắc cụ thể về vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước và theo đó hiện nay các nguyên tắc này cũng được phát huy trong các kế hoạch của Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện chính sách hội nhập, mở cửa với bên ngoài, môi trường hợp tác giao lưu ngày càng thuận tiện, sẽ bộc lộ những sơ hở trong quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, các quốc gia khác trên thế giới sẽ tiếp tục đường lối hợp tác, đa phương hoá quan hệ; các cơ quan đặc biệt nước ngoài sẽ sử dụng nhiều phương tiện hiện đại để đưa vào nội địa và nội bộ để thu thập thông tin trực tiếp hoặc từ xa tin tức, tài liệu trên các mặt đời sống xã hội, kinh tế của nước khác để phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ.

Do đó, công tác bảo vệ bí mật Nhà nước càng được coi trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong công tác bảo vệ bí mật các chủ trương, đường lối quan hệ ngoại giao, chiến lược phát triển kinh tế chưa được Đảng và Nhà nước công bố công khai. Để tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, Phòng An ninh chính trị nội bộ tiếp tục phục vụ Giám đốc Công an tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về bảo vệ bí mật nhà nước, gắn công tác bảo vệ bí mật nhà nước với công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định về pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác tự quản lý, tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, địa phương. Kịp thời phát hiện và chỉ đạo khắc phục ngay những sơ hở thiếu sót trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, ngăn chặn không để xảy ra các vụ việc lộ, mất bí mật nhà nước. Đặc biệt, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xây dựng Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước để triển khai đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, qua đó đưa công tác này đi vào nền nếp.​

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kịp thời triển khai và thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước để tổ chức thực hiện; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước để chủ động phát hiện và khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước nâng cao nghiệp vụ bảo vệ bí mật nhà nước đối với những cán bộ thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với bí mật nhà nước. Phân công cán bộ thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và có chế độ, chính sách bảo đảm theo quy định

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước như: chấp hành nghiêm túc việc tiếp nhận, thống kê, lưu giữ, bảo quản; việc vận chuyển, giao nhận; việc soạn thảo, in, sao, chụp văn bản tài liệu chứa bí mật nhà nước (nghiêm cấm việc soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa thông tin, tài liệu chứa bí mật nhà nước trên các thiết bị có kết nối mạng Internet).

Quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy chế bảo vệ bí mật nhà nước quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cơ quan, đơn vị; khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, đàm phán, ký kết hợp đồng kinh tế, trao đổi văn hóa, khoa học kỹ thuật với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải chuẩn bị kỹ về nội dung, thực hiện đúng chương trình được phê duyệt; không tiết lộ bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Ý nghĩa của bảo vệ bí mật Nhà nước:

Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN) là nhiệm vụ quan trọng của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ như hiện nay, để thực hiện mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng triệt để internet để thu thập tin tức BMNN; sử dụng kỹ thuật công nghệ cao thông qua internet tấn công phá hoại cơ sở dữ liệu quan trọng trên mọi lĩnh vực nhằm thực hiện ý đồ chống phá. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ BMNN.