Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn vào lúc nào? Lợi ích của trứng vịt lộn đối với bà bầu

Video bầu 3 tháng đầu ăn hột vịt lộn được không

Bầu ăn được trứng vịt lộn không? Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn vào lúc nào? Đây đang là chủ đề được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm, đặc biệt là những chị em là tín đồ của trứng vịt lộn. Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, trước hết hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu sơ lược về trứng vịt lộn cũng như một số lợi ích sức khỏe mà trứng vịt lộn mang đến cho bà bầu trước nhé!

Lợi ích sức khỏe trứng vịt lộn mang lại cho mẹ bầu

Trứng vịt lộn là một nguồn cung cấp các dưỡng chất dồi dào. Căn cứ vào các nghiên cứu dinh dưỡng trong trứng vịt lộn, các chuyên gia chỉ ra rằng trung bình 1 quả trứng vịt lộn chứa:

  • 188 kcal.
  • 13,6 gam protein.
  • 12,4 gam lipid.
  • 2 mg sắt.
  • 116 mg canxi.
  • 212 gam photpho.
  • 600 mg cholesterol.
  • Ngoài ra, trong trứng vịt lộn còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất khác như: Vitamin C, beta caroten…

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, trứng vịt lộn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời cho bà bầu như:

  • Ngăn ngừa tình trạng thiếu máu: Khi mang thai, mẹ bầu cần nhiều sắt hơn để cung cấp cho thai nhi. Vừa hay, trong trứng vịt lộn có chứa một hàm lượng sắt tương đối lớn. Việc mẹ bầu ăn trứng vịt lộn sẽ giúp phòng ngừa tình trạng thiếu máu, thiếu sắt trong thai kỳ.
  • Hỗ trợ phát triển các cơ quan của thai nhi: Nhờ hàm lượng vitamin A dồi dào, trứng vịt lộn có tác dụng hỗ trợ sự hình thành và phát triển về hình thái của các cơ quan như tim, gan, phổi… Đặc biệt, vitamin A rất tốt cho sức khỏe đôi mắt, giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến thị lực. Bên cạnh đó, sự có mặt của vitamin A còn giúp ngăn ngừa tình trạng phôi thai không phát triển, phôi thai chết lưu trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
  • Trứng vịt lộn giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương ở mẹ đồng thời hỗ trợ phát triển xương khớp của bé: Canxi đóng vi trò rất quan trọng trong việc phát triển xương, răng của thai nhi. Việc thiếu hụt canxi trong thai kỳ sẽ khiến bé chậm phát triển, còi xương bẩm sinh hay dị dạng xương… Việc mẹ bầu bổ sung trứng vịt lộn giúp thai nhi tăng cân nhanh đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định khung xương của trẻ.
  • Ngoài ra, trứng vịt lộn còn giúp tăng cường sức đề kháng cho mẹ trong suốt thai kỳ: Trong những tháng đầu của thai kỳ, nồng độ hormone estrogen có sự thay đổi dẫn đến sức đề kháng của mẹ bị suy yếu. Với hàm lượng các dưỡng chất cần thiết cao, trứng vịt lộn giúp hỗ trợ sức khỏe mẹ bầu đồng thời tăng cường sức đề kháng giúp mẹ bầu chống lại bệnh tật và vượt qua mệt mỏi.

Như vậy, với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào cùng những lợi ích sức khỏe mà trứng vịt lộn mang đến, bà bầu hoàn toàn có thể bổ sung trứng vịt lộn vào chế độ ăn uống trong suốt thai kỳ.

Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn vào lúc nào?

Trứng vịt lộn là món ăn giàu dinh dưỡng đồng thời mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ bầu. Vậy bà bầu nên ăn trứng vịt lộn vào lúc nào?

Trên thực tế, mẹ bầu có thể ăn trứng vịt lộn trong suốt thai kỳ, tuy nhiên mẹ bầu không nên ăn quá nhiều trứng lộn vào cùng một thời điểm. Việc quá lạm dụng trứng vịt lộn có thể gây dư thừa chất dinh dưỡng đồng thời gây đầy bụng và khó tiêu. Các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo: Mẹ bầu chỉ nên ăn tối đa 2 quả trứng trong 1 tuần và không được ăn liền 2 quả trứng cùng một lúc.

Song, bên cạnh đó vẫn có một số quan điểm cho rằng: Bầu 3 tháng đầu không nên ăn trứng vịt lộn bởi trứng vịt lộn rất dễ gây đầy bụng và khó tiêu. Đây là nguyên nhân gián tiếp gây nên chứng biếng ăn ở mẹ bầu từ đó dẫn đến tình trạng thiếu chất cho cả mẹ và bé. Thêm vào đó việc bổ sung quá nhiều vitamin A và tiền chất vitamin A từ trứng vịt lộn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi đồng thời làm tăng nguy cơ ngộ độc thai nghén. Chính vì thế, mẹ bầu chỉ nên ăn trứng vịt lộn vào những tháng cuối của thai kỳ.

Một câu hỏi đặt ra: Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng hay buổi tối?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, buổi sáng là thời điểm vàng để bổ sung trứng vịt lộn vào chế độ ăn của bà bầu. Mẹ bầu có thể thêm trứng vịt lộn vào thực đơn của bữa chính hoặc các bữa ăn nhẹ vào giữa buổi sáng thay vì bữa tối bởi trứng vịt lộn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao có thể gây khó tiêu, đầy bụng từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bà bầu. Việc mẹ bầu mất ngủ có thể khiến cơ thể mẹ rơi vào trạng thái uể oải và mệt mỏi.

Một số lưu ý bà bầu cần nắm được khi ăn trứng vịt lộn

Trứng vịt lộn là nguồn cung cấp các dưỡng chất dồi dào rất tốt cho bà bầu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe mẹ bầu cũng như thai nhi, khi sử dụng trứng vịt lộn, mẹ bầu cần lưu ý một số điểm sau:

  • Mỗi tuần chỉ nên ăn 2 quả trứng vịt lộn và chia làm 2 bữa. Mẹ bầu tuyệt đối không nên quá lạm dụng trứng vịt lộn nếu không muốn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
  • Hạn chế ăn rau răm khi ăn trứng vịt lộn bởi trong rau răm có các chất gây kích thích thành tử cung co bóp mạnh, có thể gây sảy thai.
  • Không ăn trứng vịt lộn cùng các gia vị nóng như tỏi, ớt, gừng. Việc ăn quá nhiều các gia vị có tính nóng sẽ khiến bà bầu bị nóng trong, khó tiêu và đầy hơi.
  • Không nên ăn trứng vịt lộn vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ bởi trứng vịt lộn có chứa hàm lượng đạm tương đối lớn rất dễ gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu hoặc nôn nao từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Không ăn trứng vịt lộn để qua đêm: Trứng vịt lộn để qua đêm có thể sinh ra vi khuẩn gây hại đối với đường tiêu hóa.
  • Đối với những bà bầu có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, viêm gan… thì không nên ăn trứng vịt lộn để giảm gánh nặng cho tim đồng thời ngăn ngừa được những rủi ro tim mạch không đáng có trong thai kỳ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về lợi ích sức khỏe của trứng vịt lộn đối với mẹ bầu, thời điểm ăn trứng vịt lộn cũng như một số lưu ý mẹ bầu cần nắm được khi sử dụng trứng vịt lộn. Hy vọng, những chia sẻ này của Nhà Thuốc Long Châu có thể giúp mẹ bầu giải đáp được mắc mắc: Bà bầu nên ăn trứng vịt lộn vào lúc nào? Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và đừng quên theo dõi kênh sức khỏe của Nhà Thuốc để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích khác mẹ nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Hellobacsi