Ngải cứu có tác dụng gì? Trong thời gian mang bầu có được ăn ngải cứu không?

Trong quá trình mang thai, việc ăn uống của mẹ bầu rất quan trọng chính vì thế chọn thực phẩm để nấu các bữa ăn khiến chị em rất băn khoăn. Nhiều chị em thắc mắc rằng trong thời gian mang bầu có được ăn ngải cứu không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời ở bài viết này nhé!

Sơ lược về cây ngải cứu

Ngải cứu là loại thảo dược có nguồn gốc ở Châu Âu, vì đặc tính thích nghi tốt nên được du nhập và sử dụng rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới như Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ… Trong nền y học cổ truyền Việt Nam, ngải cứu được biết đến với công dụng chữa bệnh, vì thế chúng phổ biến ở mọi nơi.

Ngải cứu có thân thảo màu xanh, lá màu xanh và hoa vàng, có vị đắng tùy theo mùa. Trong 100g ngải cứu có 46 calo, carb chiếm 8,8%, protein 5.2%, chất béo 0,4% còn lại là nguồn vitamin và các khoáng chất dồi dào (Vitamin K, folate…).

Ngải cứu có tác dụng gì?

Theo các chuyên gia, các tác dụng của ngải cứu đều đến từ thành phần: Thujone, Artemisinin và Chamazulene có trong ngải cứu. Những hợp chất này có những công dụng sau:

  • Điều hòa kinh nguyệt của chị em: Ngải cứu được coi là bài thuốc điều hòa kinh nguyệt ở chị em có chu kỳ hành kinh không đều, ngoài ra thực phẩm này còn hỗ trợ giảm đau lưng, đau bụng trong kỳ kinh.
  • Trị mề đay, mẩn ngứa: Tinh dầu ngải cứu có tác dụng chống viêm kháng khuẩn rất tốt, nên việc được đưa vào điều trị các loại mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa… Có thể đun ngải cứu làm nước tắm hoặc giã và đắp trực tiếp lên vị trí bị bệnh.
  • Điều trị các bệnh xương khớp: Ngải cứu được sử dụng khá phổ biến trong các bài chữa bệnh xương khớp như đau lưng, đau mỏi cơ… Ngải cứu giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giảm đau, chống viêm rất tốt cho hệ xương khớp của chúng ta. Có thể giã lấy nước pha cùng mật ong để uống hoặc lấy bã để làm thuốc đắp.
  • Điều trị các bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày, các bệnh bàng quang, chán ăn kích thích ăn ngon…
  • Điều trị bệnh lý trầm cảm, suy giảm trí nhớ.
  • Trong ngành sản xuất, dầu ngải cứu được dùng như chất tạo mùi trong xà phòng, nước hoa, mỹ phẩm…
  • Ngải cứu còn là thành phần trong thuốc diệt côn trùng.

Mẹ bầu có được ăn ngải cứu không?

Ngải cứu có rất nhiều vitamin, khoáng chất đặc biệt là folate – đây là chất dinh dưỡng đóng vai trò trong việc phát triển thần kinh và tránh những dị tật bẩm sinh ở trẻ. Tuy nhiên, trong ngải cứu có chứa Thujone – chất này kích thích co bóp tử cung gây sảy thai hoặc sinh non và có thể là nguyên nhân gây suy thận ở mẹ bầu.

Chính vì thế, trong 3 tháng đầu của thai kỳ mẹ bầu không nên ăn ngải cứu. Kể từ tháng thứ 4 của thai kỳ, mẹ bầu nên hỏi các bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng ngải cứu. Nếu được chỉ định là có thể dùng, mẹ bầu cũng không nên sử dụng nhiều, khoảng 1 – 2 lần/tháng mỗi lần từ 3 – 5 ngọn rau.

Tính đến nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc dùng ngải cứu là an toàn. Trên một thí nghiệm ở chuột, khi dùng ngải cứu trong thời gian mang thai làm tăng tỉ lệ sảy thai của chúng. Vì vậy bà bầu khi dùng ngải cứu phải rất cẩn trọng.

Một số món ăn ngon chế biến cùng ngải cứu

Trứng chiên cùng ngải cứu

Nguyên liệu bao gồm:

  • 3 quả trứng gà hoặc trứng vịt.
  • 1 bó ngải cứu nhỏ.
  • 1 củ hành khô (có thể dùng hoặc không).
  • Gia vị: Muối, mì chính, bột canh, hạt tiêu…

Cách làm như sau:

  • Bước 1: Nhặt, làm sạch ngải cứu sau đó để ráo rồi thái nhỏ, cho vào tô. Nếu có hành khô thì bạn thái lát mỏng. Đập trứng cho vào tô có chứa ngải cứu. Nêm gia vị sao cho vừa phải và cho hành khô thái lát.
  • Bước 2: Cho dầu ăn vào chảo, lượng dầu vừa đủ. Khi dầu nóng thì cho hỗn hợp trứng ngải cứu vào chảo và rán. Nhiệt độ bạn để ở mức vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ.
  • Bước 3: Rán tầm hơn 1 phút, thấy mặt dưới bắt đầu se lại, có thể dùng xẻng chiên lật sau đó rán tiếp thêm 1 – 2 phút nữa.
  • Bước 4: Trứng rán ngải cứu nên ăn lúc nóng, cắt nhỏ ra, chấm cùng với tương ớt hoặc gia vị muối tiêu chanh ớt.

Gà ác hầm ngải cứu

Gà hầm ngải cứu là món ăn quen thuộc và bổ dưỡng, đặc biệt là cho những người mới ốm dậy. Nguyên liệu như sau:

  • Gà ác: 1 con khoảng 2kg.
  • Ngải cứu: 120 gram.
  • Nước dùng hầm xương gà (hoặc nước lọc): Khoảng 600 ml.
  • Nghệ: 1 củ.
  • Gừng: 1/2 củ.
  • Rượu trắng (không bắt buộc): Khoảng 10 ml.
  • Gia vị: Muối, hạt nêm, mì chính…

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:

  • Gừng, nghệ rửa sạch và băm nhỏ.
  • Nhặt ngải cứu, rửa sạch và để ráo nước
  • Làm sạch lông gà, xát muối, rửa sạch lại bằng nước.

Bước 2: Hầm gà tần ngải cứu:

  • Nhồi một ít ngải cứu vào bụng gà, và kẹp bụng lại bằng tăm xiên cho ngải cứu khỏi rơi ra ngoài.
  • Sau đó, xếp phần ngải cứu đã rửa sạchcòn lại xuống đáy nồi, để gà lên trên và đổ nước ngập gà đun sôi.
  • Đậy vung, hạ lửa nhỏ, đun khoảng từ 20 đến 30 phút. Sau đó tắt bếp, để khoảng 30 phút và nêm gia vị vừa miệng.
  • Cuối cùng, bạn cho 10 ml rượu trắng vào. Phần rượu này sẽ làm cho món gà tần ngải cứu rất dậy mùi nhưng không bắt buộc và tùy sở thích của từng gia đình bạn có thể cho rượu hoặc không.
  • Nên ăn vào lúc nóng sẽ ngon hơn và không bị tanh.

Ngải cứu có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, chính vì thế chúng được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày tuy nhiên với những sản phụ thì lại khác. Nhà thuốc Long Châu hy vọng qua bài viết này đã giải đáp được thắc mắc rằng trong thời gian mang bầu có được ăn ngải cứu không của các mẹ bầu. Theo dõi website của nhà thuốc Long Châu để đón đọc nhiều bài sức khỏe bổ ích cho các chị em phụ nữ mang thai nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn