Có nguy hiểm nếu lỡ uống thuốc say xe khi mang thai không?

Say xe là tình trạng rất dễ gặp phải ở bà bầu khi phải di chuyển một quãng đường xa. Do đó, việc lỡ uống thuốc say xe khi mang thai là điều không thể tránh khỏi. Qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức về vấn đề này nhé!

Dấu hiệu say xe của mẹ bầu

Cảm giác lúc say tàu xe luôn khiến mẹ bầu khó chịu, không thoải mái trong suốt quá trình di chuyển. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như thể chất của mẹ. Vì vậy, cần phải chú ý những dấu hiệu say xe ở phụ nữ có thai để có những hướng xử trí kịp thời và phù hợp. Một số triệu chứng đặc trưng mà bạn có thể thấy ở những bà bầu bị say xe như:

  • Đau đầu.
  • Đổ nhiều mồ hôi.
  • Thở gấp.
  • Tiết nhiều nước bọt.
  • Luôn cảm thấy buồn nôn hay nôn mửa liên tục dẫn đến mất nước.
  • Cảm thấy ăn uống không ngon miệng.
  • Tăng độ nhạy cảm với mùi hương khi trong xe có mùi khó chịu hoặc mùi thuốc lá.

Thuốc chống say xe an toàn cho phụ nữ có thai

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc có tác dụng giúp ngăn ngừa và cải thiện triệu chứng say tàu xe như Dimenhydrinate, Diphenhydramine, Scopolamine, Promethazine, Meclizine…

Tuy nhiên, không phải tất cả các thuốc trên đều an toàn với phụ nữ có thai. Các thuốc có thể xem xét dùng cho bà bầu với phân loại mức độ an toàn mức độ B theo tiêu chuẩn FDA – Hoa Kỳ (nghiên cứu trên động vật không thấy có nguy cơ đối với thai nhi và chưa có nghiên cứu đối chứng trên phụ nữ có thai) bao gồm:

  • Dimenhydrinate.
  • Diphenhydramine.
  • Meclizine.

Các hoạt chất nêu trên đều là những hoạt chất chống say tàu xe sử dụng theo đường uống, trong đó Diphenhydramine là hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất. Đây là thuốc thuộc nhóm kháng histamin H1 có mặt trong rất nhiều biệt dược với chỉ định là phòng ngừa, điều trị buồn nôn, nôn mửa và chóng mặt do say tàu xe.

Lưu ý nghiêm cấm không cho mẹ bầu dùng thuốc say xe có chứa Scopolamine. Thuốc này tuy không gây hại đến thai nhi nhưng lại gây ra nhiều tác dụng phụ cho mẹ như chóng mặt, mệt mỏi, run rẩy và tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm khác.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có thể bổ sung thêm vitamin B6 (Pyridoxine), uống 10 – 25mg/lần x 3 – 4 lần/ngày để giảm bớt tình trạng buồn nôn và nôn.

Trong quá trình mang thai, bất kỳ loại thuốc nào mà mẹ bầu sử dụng cũng phải cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, được sự cho phép, chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng cho phụ nữ có thai.

Tác dụng không mong muốn của thuốc chống say xe

Thuốc luôn được ví như là con dao hai lưỡi. Ngoài những công dụng điều trị triệu chứng thì chúng còn có những tác dụng phụ không mong muốn mà bạn cần phải lưu ý và cẩn trọng. Một số tác dụng dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc say xe như:

  • Hoa mắt, chóng mặt.
  • Dễ gây buồn ngủ, làm giảm khả năng tập trung.
  • Giảm phối hợp vận động.
  • Khô miệng, giảm tiết nước bọt.
  • Táo bón.

Các tác dụng phụ ít gặp hơn của các thuốc chống say tàu xe bao gồm:

  • Cứng hàm, khó nuốt, khó thở.
  • Đau đầu.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Thờ ơ, giảm nhận thức.
  • Rối loạn trương lực cơ.
  • Run chân tay.
  • Làm khởi phát cơn hen suyễn đối với người có tiền sử bệnh hen.

Bà bầu có thể uống thuốc say xe để khắc phục tình trạng say tàu xe của mình. Nhưng nếu các mẹ lo lắng về những tác dụng phụ mà thuốc gây ra thì có thể áp dụng các liệu pháp chống say xe tự nhiên cũng rất hiệu quả như sử dụng gừng tươi, vỏ quýt hay cam, dầu gió…

Những lưu ý nếu lỡ uống thuốc say xe khi mang thai

Thuốc say tàu xe được FDA phân loại theo nhóm B – nghiên cứu trên động vật không thấy có nguy cơ đối với thai nhi và chưa có nghiên cứu đối chứng trên phụ nữ có thai.

Tuy chưa có bằng chứng có hại cho thai nhi nhưng các nhà sản xuất vẫn khuyến cáo không nên dùng trong thai kỳ, đặc biệt trong 3 tháng đầu bởi giai đoạn này là lúc các cơ quan của thai nhi hình thành và hoàn thiện, nên các yếu tố bên ngoài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hoàn chỉnh của các cơ quan đó, dẫn đến dị tật thai nhi.

Vì vậy, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào thì mẹ bầu phải được thăm khám kỹ lưỡng, hỏi ý kiến của bác sĩ để có thể dùng thuốc một cách an toàn và hiệu quả nhất. Nếu chẳng may mẹ lỡ uống thuốc say xe khi mang thai, nhất là những thuốc có thể gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng thì phải đến ngay đến các cơ sở y tế để được bác sĩ sản khoa chẩn đoán và đưa ra các hướng giải quyết phù hợp tùy vào mức độ tổn thương.

Tuyệt đối mẹ bầu không được vội vã mà tự ý bỏ thai, vì trên thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp mẹ tiếp tục theo dõi thai kỳ và em bé sinh ra vẫn phát triển khỏe mạnh.

Nếu lỡ uống thuốc và phát hiện có thai ngay sau đó thì mẹ cũng đừng quá lo lắng. Hãy bình tĩnh và đến bệnh viện kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa, sự phát triển của thai nhi như thế nào, tuổi thai có phù hợp với chu kỳ kinh không? Mẹ bầu nên thực hiện những xét nghiệm tầm soát bất thường trên thai nhi, siêu âm khảo sát hình thái thai để bác sĩ có thể đề ra các hướng giải quyết phù hợp.

Phụ nữ có thai nên đăng ký chẩn đoán trước sinh, tùy thuộc vào tuổi thai, bác sĩ sản khoa sẽ phát hiện sớm được các các vấn đề bất thường nếu có. Do đó, mẹ hãy thông báo ngay đến bác sĩ và tuân theo những chỉ định mà bác sĩ đưa ra nếu lỡ uống thuốc say xe khi mang thai. Hy vọng những thông tin trên sẽ phần nào giúp các mẹ cảm thấy bớt lo lắng và an tâm hơn. Nhà thuốc Long Châu chúc mẹ và bé luôn sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp